Dạ nhạc thính phòng trong mưa ngâu Hà Nội
12:23' 01/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Nếu những ca sĩ Soprano đưa ta vào không khí của những tác phẩm Opera thì Vũ Ngọc Linh lại đưa ta vào thế giới âm thanh kỳ vĩ của Piano...

Vũ Ngọc Linh cùng bản Chaconne của J.S.Bach.

Có thể vì trời mưa rất to, cũng có thể vì nhạc cổ điển rất kén người nghe... và còn một vài lý do khác tưởng chừng đêm hòa nhạc thính phòng   tối 30/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ vắng người đến thưởng thức. Nhưng thật bất ngờ, qua sự thể hiện của Vũ Ngọc Linh và các nghệ sĩ tham gia: Hồng Minh, Lan Anh, Bích Thủy -  những tác phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ bậc thầy trên thế giới vẫn được ngân vang trong những tràng pháo tay không ngớt.

Nếu như Lan Anh và Bích Thủy đưa người nghe vào không khí trong các Aria nhỏ - các trích đoạn trong các vở Di Rivaldo - khúc dạo đầu của các vở Opera, hay các tác phẩm thuộc nhiều trường phái thanh nhạc châu Âu khác nhau ở Áo, Đức, Nga và nhất là tính chất Belcanto của Ý (như: Aria - Di Rivaldo của Handel, Aria Ginda của Verdi hay Halleluja, Vodrei Spiegarvi của Mozart, Oh Never của Rachmaninoff...) thì Vũ Ngọc Linh lại đưa người nghe vào thế giới âm thanh kỳ vĩ của cây đàn Piano với sự tương phản mạnh mẽ của những xúc cảm sâu sắc và khả năng am hiểu tác phẩm và cách khai thác tuyệt đối những ngón kỹ thuật, tính năng của cây đàn...

Sau hai bản Mazurkas trữ tình bóng bẩy - điển hình cho chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc - của Chopin (nhà soạn nhạc được ví là "nhà thơ"  trong âm nhạc bởi chất trữ tình, bóng bẩy và lãng mạn kia). Vũ Ngọc Linh đã đưa khán phòng lạc vào một thế giới âm thanh mới với tác phẩm Picture fom An Exhibition (Những bức tranh trong phòng triển lãm) của Modeste Petrovitch Mussorgky - nhạc sĩ Nga nửa sau thế kỷ 19 - một tác phẩm mang tính tổ khúc, đầy cảm xúc ra đời năm 1874. Với những tình cảm đặc biệt dành cho người bạn của mình - họa sĩ kiêm kiến trúc sư Hartmann - Mussorgky đã minh họa 10 bức tranh của bạn. Qua ngón đàn đầy xúc cảm và tài hoa của Linh, Những người khốn khổ, Hai người Do thái một giàu một nghèoCổng thành Kiev đã được vang lên với âm hưởng hùng tráng, có lúc tựa như bộ kèn đồng với bè trầm rất ấn tượng, có lúc lại dìu dặt, thong dung như dạo chơi... Với lối cách tân táo bạo về hòa âm màu sắc và bằng cách khai thác ngôn ngữ âm nhạc phương đông, Vũ Ngọc Linh đã đưa người nghe vào một câu chuyện cổ tích được dệt bằng những âm sắc có hồn.

Và như để dẫn đến câu chuyện của cuộc đời J.S. Bach - bản Chaconne cung rê thứ - do Ferrucci - Benvenuto chuyển thể, Vũ Ngọc Linh đã "chơi" ba bản Peludes của Gerschwin - nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 với ngôn ngữ sáng tác đa dạng và hiện đại. Với ba "tiểu phẩm" này Ngọc Linh đã góp phần giải thích khá rõ sự đa dạng và dân dã nhưng cũng rất tinh tế trong dòng âm nhạc bác học Mỹ...

Cuối cùng, bản Chaconne cung rê thứ của J.Bach được ngân vang trong mưa ngâu Hà Nội qua sự thể hiện của nghệ sĩ Piano trẻ Vũ Ngọc Linh. Đây là bản nhạc mà Ngọc Linh dồn nén rất nhiều tình cảm và trí lực của mình. Sẽ khó tìm một lời khen xứng đáng dành cho những nỗ lực của Linh bởi anh đã góp phần đem đến một đêm dạ nhạc thính phòng đầy ấn tượng. "Tôi đã được thưởng thức một đêm nhạc đầy thú vị và thật bất ngờ khi tôi được nghe tác phẩm của J.S.Bach từ một nghệ sĩ Piano trẻ như Vũ Ngọc Linh. Anh đã đem đến cho tôi sự bất ngờ", anh Gerard Sasges - Giám đốc thường trú của Trường ĐH California tại Hà Nội cho biết. "Còn tôi thì rất thích thú, cả chương trình tôi chỉ chú ý chờ nghe bản Chaconne. Tôi đã nghe Linh chơi tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, nhưng thật không ngờ, chỉ sau mấy hôm mà tiếng đàn của Linh nghe mạnh mẽ và sâu lắng hơn. Đoạn cuối cùng tôi nghe như J.S.Bach hiện lên, vừa đau thương mà vừa như tiếc nuối..." - nghệ sĩ Guitar Phan Quang Minh nói.

Và để tặng Vũ Ngọc Linh, tôi muốn lấy lời của nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Thế Vinh, người thầy đã dạy cả hai thế hệ "cha và con" của Ngọc Linh lời nhận xét sau: "Khi không ít các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ của ta có xu hướng dời bỏ quê hương bản quán ra nước ngoài biểu diễn và sinh sống thì Vũ Ngọc Linh lại có mong ước ngược lại. Được học tập và nghiên cứu tại Nhạc viện Rowan, Bang New Jersey (Mỹ) nhưng lần nào về Linh cũng khao khát được biểu diễn ở quê nhà. Ở Linh còn bộc lộ một tài năng đặc biệt về âm nhạc, đó là sự biểu diễn đa dạng về phong cách...".

  • Thục Nhi

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
NS Đỗ Bảo: Cánh cung và đích đến (31/08/2004)
'Cánh Cung và đích đến (31/08/2004)
Jay Z và OutKast bội thu trong đêm trao giải MTV 2004 (30/08/2004)
Sao sáng trước bình minh (30/08/2004)
Tranh chấp căng thẳng một thành viên nhóm GMC (29/08/2004)
Lấp lánh 7 ngôi sao khi đêm gần sáng (29/08/2004)
Website YAN xin lỗi NS Đỗ Quang? (26/08/2004)
Bầu sô Hoàng Tuấn đã độc quyền ca sĩ Cao Thái Sơn (26/08/2004)
"Làm MC truyền hình trực tiếp, khó mà hoàn hảo!" (26/08/2004)
Sao Mai điểm hẹn vòng 3: Từ "thích" đến đam mê! (24/08/2004)
Sức ép lớn, chất lượng cao (23/08/2004)
Nhân đôi cường độ, phát lộ tài năng (22/08/2004)
Lê Minh Sơn: Tôi thờ 7 nốt nhạc (21/08/2004)
Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Mềm mại không có nghĩa là cong! (20/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang