"Rải" phong bì, công chức đến tận nhà phục vụ
- Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng (ĐBQH tỉnh Nghệ An) kể có lần ông đến một sở nọ làm thủ tục giấy tờ. Vì không muốn bị "hành" nên ông dẫn theo phóng viên một tờ báo lớn và nhờ vị giám đốc Sở (đang là bệnh nhân của ông) gọi điện can thiệp. Tuy nhiên, cán bộ giải quyết giấy tờ cho ông viện dẫn hết nghị định này sang nghị định khác, nên phải đến tận cuối ngày ông mới xin được giấy tờ.
Ông Hồng kết luận, mang tiếng là một cửa nhưng thực tế đằng sau đó lại rất nhiều cửa phải qua. Trên thông nhưng dưới không suốt nên thủ tục rất rườm rà, phiền hà.
"Mình làm đủ, làm đúng, có cả nhà báo đi kèm để áp đảo, có cả giám đốc nằm trong tay mình để khám bệnh, giám đốc điện nhưng cấp dưới không nghe, có những việc như thế", ông Hồng nói.
ĐB Nguyễn Minh Hồng: Phong bì đi trước thì muốn mua một mảnh đất cũng sẽ có cán bộ đến tận nơi làm thủ tục. Ảnh: Ngọc Thắng |
Chuyện của ĐB Nguyễn Minh Hồng chỉ là một trong số rất nhiều dẫn chứng về tình trạng "ì ạch" của đội ngũ công chức được các ĐBQH kể ra trong phiên thảo luận hôm nay (9/11) ở Quốc hội.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai, thuế, hải quan..., nhất là kết quả của Đề án 30, nhưng trăn trở tiếp theo của các ĐBQH chính là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Đáng lo ngại là thủ tục đơn giản, nhưng con người thực hiện vẫn "nhũng nhiễu", thậm chí có ĐB phản ánh "quen thân cũng chưa chắc được việc nếu không lót tay".
"Thủ tục xây dựng nhà ở bây giờ rất tốt, thẩm định, phê duyệt, cấp giấy phép đều tốt. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tốt. Nhưng cứ phải nói thật với nhau 3 cái tốt đó chỉ tốt nếu đi kèm theo cái thứ tư là phải có phong bì", ĐBQH Nguyễn Minh Hồng phàn nàn.
Theo ông Hồng, nếu phong bì đi trước thì có muốn mua một mảnh đất cũng sẽ có cán bộ đến tận nơi, tận nhà làm thủ tục cho ngon lành. Còn nếu vẫn không chịu "làm luật" thì còn phải xếp hàng chầu chực để vượt qua cả núi nghị định đang cản trở.
Chuyển "quản" dân sang "hầu" dân
Do đó, thay đổi lớn nhất thời gian tới, theo ĐBQH Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), là phải đổi mới tư duy, chuyển từ quản dân sang hầu dân. "Hầu dân về mặt chính sách, pháp luật theo tinh thần chính quyền là công bộc của dân như Bác Hồ nói. Có nhận thức như vậy mới xây dựng một thể chế phù hợp với những điều luật dễ dàng cho người dân, một bộ máy hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân", ĐB Hằng đề xuất.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre), phải nhìn thẳng vào thực tế là một bộ phận cán bộ, công chức thờ ơ, né tránh, chậm chạp, sợ trách nhiệm và đội ngũ này đã gây trở ngại trong quá trình cải cách thủ tục hành chính.
ĐB Nguyễn Hữu Phước: Cần sự chủ động từ thủ trưởng. Ảnh: Ngọc Thắng |
Sau Đề án 30, theo ông Phước, vẫn còn nhiều việc phải làm như quy chuẩn hóa công sở, chống tệ quan liêu, vòi vĩnh, tham nhũng, nhận hối lộ.
"Hơn ai hết, cán bộ đứng đầu các ngành, các cấp đều hiểu rõ. Đòi hỏi lớn nhất là sự chủ động từ các thủ trưởng, chứ không phải chờ đợi cấp trên nào đó hoặc đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế. Về lâu dài, cải cách hành chính phải giải quyết việc tổ chức bộ máy và con người, không phải chỉ là thủ tục", ông Phước nói.
ĐB Lý Kim Khánh (Cà Mau) cũng cho rằng, phải chữa được bệnh xơ cứng và thiếu trách nhiệm do con người chứ không phải thủ tục gây ra. Chính một bộ phận cán bộ thờ ơ, né tránh đã gây khó khăn cho quá trình cải cách.
Đột phá lương
Nhiều ĐB cho rằng, đội ngũ cán bộ công vụ nhất thiết phải qua thi tuyển, phải chú trọng nâng cao năng lực và phẩm chất. Lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, chịu trách nhiệm nếu nhân viên dưới quyền gây phiền hà cho dân.
Nhưng điều mà nhiều ĐB trăn trở là muốn có đội ngũ đủ mạnh, trong sạch, tận tụy thì phải khẩn trương giải quyết tốt chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp. "Đây chính là gốc của vấn đề, là điều kiện tiên quyết. Rất tiếc là nội dung quan trọng này thực hiện quá chậm, trong khi chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001- 2010 Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chậm nhất đến năm 2005 thực hiện xong cải cách cơ bản chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, thực hiện tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương, điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội", ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) than.
Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận), ngoài việc kêu ca phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính có thể nói là quá tệ thì phải thừa nhận nguyên nhân chính đó là chế độ lương quá bất hợp lý.
"Không phải công chức nào cũng muốn vòi vĩnh, sách nhiễu, tham nhũng; nhưng không phải ai cũng có thể tận tâm, tận tụy phục vụ vì còn phải dành thời gian, tâm trí và sức lực để tìm thêm thu nhập ngoài lương", ĐB Phúc nói.
Bởi vậy, đột phá vào lương chính là đề xuất của nhiều ĐBQH sau chuyện cải cách thủ tục.
Qua triển khai Đề án 30, chúng tôi nhận thức rằng còn nhiều sự nhũng nhiễu gây khổ cực cho người dân, cho doanh nghiệp do quy định của thủ tục hành chính và do một bộ phận đội ngũ trong tổ chức thực hiện. Trước hết đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2011 việc sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh đảm bảo việc thực thi các phương án đơn giản hóa những thủ tục hành chính... Đây thực chất là sửa đổi, bổ sung một số điểm, điều liên quan đến thủ tục hành chính trong 42 luật và 12 pháp lệnh. (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc) |
-
Lê Nhung