Cải cách hành chính như người đi xe "tay ga, tay phanh"

Cập nhật lúc 16:09, 19/10/2010 (GMT+7)

- Chuyên gia của UNDP ví cải cách hành chính ở Việt Nam với một người đi xe máy, có khi nhấn ga để "vọt" lên, nhưng đôi lúc lại "bóp phanh" đi chầm chậm.

>> Cứ "lót tay", việc mới "chạy"
>> Sốt ruột với cải cách

Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP Jairo Acuna-Alfaro chia sẻ với các phóng viên nhận xét trên tại cuộc họp báo sáng nay (19/10) công bố kết quả khảo sát về kinh nghiệm của người dân khi tương tác với các cơ quan hành chính nhà nước.

Khảo sát trực tuyến do báo VietNamNet và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiến hành đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 người ở 63 tỉnh, thành.

Cán bộ không hiểu luật, hay cố tình không hiểu

Theo kết quả khảo sát, thủ tục liên quan đến đăng ký kết hôn, khai sinh và làm chứng minh thư là những thủ tục thuận lợi nhất.

Ông Jairo Acuna-Alfaro. Ảnh: XĐ
Ông Jairo Acuna-Alfaro hy vọng các cơ quan soạn thảo chương trình cải cách hành chính 2011-2020 sẽ coi ý kiến của người tham gia khảo sát là thông tin đáng tin cậy. Ảnh: TH

Nhiều người dân chia sẻ rằng các thủ tục này đều được công khai về quy trình. Mặt khác, thời gian để giải quyết những thủ tục này không quá phức tạp như khi làm các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay xin giấy phép xây dựng.

"Năm ngoái tôi đi làm hộ chiếu phổ thông, thật không ngờ mọi thứ đều rõ ràng, nhanh gọn. Hẹn rõ ràng, chính xác. Đó là cái chúng tôi cần", một người dân làm nghề kinh doanh tự do ở Quảng Ninh chia sẻ.

Song, những trường hợp như trên chưa nhiều.

Có đến 67% số người trả lời khảo sát cho rằng thủ tục hành chính cần quá nhiều giấy tờ. Một nhân viên kế toán ở Yên Bái khi đi làm thủ tục giấy tờ quyền sử dụng đất cho hay: "Cán bộ không hiểu luật, hay cố tình không hiểu, giải thích sai bét, không áp dụng điều luật đúng cho dân mà chỉ áp dụng điều luật có lợi cho tổ chức hành chính đó".

73% cho rằng cần có mối quen biết mới hoàn thành được thủ tục cần làm. Một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng công chức không thạo việc.

Thủ tục đất đai gây phiền nhiễu nhất

Đứng đầu bảng những thủ tục gây phiền hà nhất cho dân chính là thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gần 45%). Tình trạng rắc rối trong cấp giấy chứng nhận diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành, từ Hà Nội cho đến Vĩnh Long, Phú Thọ... Kế tiếp là các loại thủ tục cấp phép xây dựng nhà, khiếu nại tố cáo, đăng ký hộ khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế nhà đất, đăng ký kinh doanh...

Ông Jairo Acuna-Alfaro cũng cho hay: "Kết quả khảo sát nêu rõ "phụ phí" đã trở thành cơm bữa trong dịch vụ hành chính công. Cứ 7 trong số 10 người tham gia khảo sát cho biết họ phải trả thêm tiền mới xong được việc". Nó được ví như một loại thuế đánh vào người nghèo.

Chính vì vậy, theo ông Jairo Acuna-Alfaro, tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam có thể ví như một người đang điều khiển xe máy, có khi nhấn ga để "vọt" lên, nhưng đôi lúc lại "bóp phanh" đi chầm chậm. Trong khi mọi cải cách phải là một tiến trình liên tục, tăng tốc dần dần.

Từ kinh nghiệm khảo sát năm ngoái về thủ tục hành chính ở Mexico - nơi mà Bộ Nội vụ đã tiếp nhận tích cực những nhận xét của dân chúng, ông Jairo Acuna-Alfaro hy vọng các cơ quan đang soạn thảo chương trình cải cách hành chính cho 10 năm tới của Việt Nam sẽ coi ý kiến của người dân là những thông tin đáng tin cậy, để chiến lược mới thực sự tạo chuyển biến và hành chính không còn "hành là chính".

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Các tin khác