Cải cách thủ tục: Việc 10 năm, mới làm 2 năm

Cập nhật lúc 12:06, 09/11/2010 (GMT+7)

- Cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện suốt 10 năm. Nhưng, đáng chú ý, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, "công việc thực chất mới chỉ thực hiện từ khi triển khai đề án 30 vào tháng 7/2008".

Quốc hội hôm nay dành trọn ngày nghe và thảo luận báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”.

Phạm vi của cuộc giám sát được tiến hành trong cả nước từ 17/9/2001 đến 31/12/2009, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đọc báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ghi nhận một số cải cách nổi bật như đơn giản hóa TTHC (thành tựu của đề án 30), nhưng đoàn giám sát cũng chỉ ra "điểm nghẽn" chính là khâu cán bộ, công chức.

"Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao", Ủy ban Pháp luật nhận định. Trong khi đó, mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và cả đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Doanh nghiệp tự in hóa đơn: Kiểm soát rủi ro gian lận?

Nhiều cải tiến đã được thực hiện trong các thủ tục về đất đai.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, chính việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước, điển hình như việc giao đất làm sân golf, cho thuê đất trồng rừng.

Chưa kể, nhiều địa phương đã phát sinh thêm thủ tục như yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật (như nộp bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, sơ đồ thửa đất; thủ tục đăng ký biến động vẫn phải nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận, văn bản xác minh việc chấp hành pháp luật đất đai ...). Rồi thủ tục trùng lặp, không minh bạch rõ ràng, dẫn đến việc dân phải đi lại nhiều lần, tạo tâm lý bất bình.

Trong khi đó, quy định cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân, song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể thực hiện đồng thời với chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở (do nhà ở được xây dựng sau).

Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu nhà ở còn phức tạp. Quy trình giải quyết kéo dài, trách nhiệm không rõ.

Tương tự, nhiều cải cách trong lĩnh vực thuế đã được ghi nhận, song những cải cách này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, việc cho phép DN tự khai, tự nộp thuế theo Luật Quản lý thuế được xem là tín hiệu tích cực.

Nhưng, hàng năm, Nhà nước mới kiểm tra được khoảng 20% số doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp thuế. "Việc thiếu kiểm tra, thanh tra có thể dẫn đến tình trạng gian lận thuế, gây thất thoát đối với nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Qua báo cáo kiểm toán cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn là tăng thu từ thuế", đoàn giám sát phân tích.

Mặt khác, việc quy định cho phép doanh nghiệp đăng ký mẫu và tự in hóa đơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng tiềm ẩn rủi ro do không kiểm soát được số lượng hóa đơn được in, phát hành, có thể dẫn đến tình trạng mua bán, gian lận hóa đơn, chứng từ, gây khó khăn cho công tác quản lý hóa đơn, chứng từ.

Phương án áp dụng thủ tục hải quan điện tử cũng được xem là đột phá. Nhưng, thực tế lại mới chỉ ở một số cục, chi cục hải quan các tỉnh, thành phố và áp dụng đối với một số công đoạn, quy trình nhất định.

Đụng chạm lợi ích

Cải cách TTHC đã được thực hiện suốt 10 năm. Nhưng, đáng chú ý, đoàn giám sát QH cho rằng, "công việc thực chất mới chỉ thực hiện từ khi triển khai đề án 30 vào tháng 7/2008".

Một trong những trở ngại được cho là do thói quen quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu (“xin - cho”) và đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan và của cán bộ, công chức.

"Để cải cách, thực hiện, vận hành có hiệu quả thì yếu tố con người là khâu quyết định. Do đó, bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ thì cần đặc biệt quan tâm đến đạo đức công vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, coi trọng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trong nội bộ của cơ quan, tổ chức; thực hiện công khai đầy đủ, cụ thể về TTHC, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức để nhân dân giám sát", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.

Đoàn giám sát của QH cũng khuyến cáo, trong quản lý nhà nước còn đặt ra những thủ tục không cần thiết hoặc là nghĩ thay, làm thay trách nhiệm của người dân hoặc làm hạn chế quyền của người dân mà lẽ ra Nhà nước cần phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và tạo ra cơ sở pháp lý để mọi cá nhân, tổ chức chấp hành. Từ đó hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thì hiệu quả sẽ cao hơn.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác