Sự minh bạch hóa kiểu "cân ba ba"

Cập nhật lúc 10:16, 09/11/2010 (GMT+7)

(TuanVietNam) - Kê khai tài sản cũng giống chuyện cân ba ba mà thôi. Một ông công khai tài sản thật khiêm tốn nhưng con ông mới học PTTH lại có một số lượng bất động sản không nhỏ.

Lâu nay, ai đến nhà hàng ăn món ba ba, món cá chình, món cua rang muối, món cá giò...tóm lại là những loại thực phẩm "đặc sản" thì nhân viên nhà hàng thường mang những thực phẩm tươi sống ấy ra cân trước mặt khách. Cân như thế để làm gì ? Để chứng minh với khách là con ba ba này 3kg, con cá chình kia 1,5kg là đúng đấy nhé. Khách cứ yên tâm là mình trả tiền đúng với mặt hàng và số lượng hàng chứ không lo thất thoát đi đâu cả.

Mô tả ảnh.
 
Thế là cân xong, nhân viên nhà hàng mang ba ba, cá chình vào bếp nấu nướng rồi bưng ra cho khách. Không ít khách hàng đã biết rằng cái con ba ba 3kg kia không phải cái con ba ba mình đang ăn nhưng đành chịu chứ biết làm sao. Nếu có thắc mắc thì nhân viên nhà hàng nói: Ơ hay cái bác này, ba ba cân trước mặt bác hẳn hỏi rồi còn kêu ca gì nữa.

Một lần tôi được một người bạn mời đi ăn món ba ba. Ở nhà hàng nào có món ba ba cũng có công đoạn cân ba ba cả. Thế nhưng hôm đó, khi nhân viên nhà hàng mang món ba ba rang muối ra, ông bạn tôi mới tìm bốn cái chân ba ba để gắp cho 4 người bạn quí. Nhưng tìm mãi vẫn chỉ có ba cái chân. Ông bạn tôi hỏi nhân viên nhà hàng vì sao con ba ba khi cân có 4 chân mà khi nấu xong lại chỉ có 3 chân. Nhân viên nhà hàng lần đó chỉ biết đứng như trời trồng mà chẳng biết giải thích thế nào. Từ đó, "ba ba 3 chân" đã trở thành một thuật ngữ. Có người nói với nhân viên nhà hàng trước khi mang con ba ba đã bị cắt tiết vào bếp làm món: "Đừng cho chúng tôi ăn ba ba 3 chân đấy nhé".

Vâng, câu chuyện về ba ba 3 chân tôi kể có vẻ dài dòng. Nhưng mà tôi kể thế cũng là để nói đến một cái "bệnh" của chúng ta. Đó là bệnh "minh bạch hóa" mà không minh bạch chút nào. Hay nói thẳng là bệnh giả dối.

 

Ai đã làm công chức đều biết cuối năm các đơn vị hay công khai tài chính trong năm. Nhưng công khai chỉ vẻn vẹn mấy con số như tổng thu, tổng chi...thế là hết. Nhưng chẳng biết thu những cái gì, thu ra sao và chi những cái gì, chi thế nào.

Mới đây, chúng ta được nghe những câu chuyện kê khai tài sản. Chuyện đó cũng giống chuyện cân ba ba mà thôi. Một ông công khai tài sản thật khiêm tốn nhưng con ông mới học PTTH lại có một số lượng bất động sản không nhỏ.

Rồi có những việc người ta công khai lấy ý kiến tập thể hay ý kiến dân. Nhưng những ý kiến đó chỉ là những ý kiến suốt đời nằm trong hồ sơ mà thôi.

Có những nơi, người được xin ý kiến tưởng đó là phong cách làm việc mới: phong cách "minh bạch hóa", bèn lên tiếng chân thành góp ý. Nhưng sự thật đâu có vậy. Không những những góp ý chân thành chẳng có tác dụng gì mà ngược lại người góp ý lại bị vạ.

Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có việc cân thực phẩm trước mặt khách hàng. Cái việc cân trung thực một cách hình thức ấy lại che đậy sự không trung thực ở trong bếp. Sự trung thực trong bếp không một khách hàng nào nhìn thấy mới là sự trung thực. Còn cái trung thực cố ý để cho mọi người nhìn thấy lại không phải là trung thực. Nó giống như son phấn làm cho người đời không nhận ra một gương mặt thật mà thôi.

  • Thảo Dân

Ý kiến của bạn

Các tin khác