Công chức ngại học nhưng thích có bằng

Cập nhật lúc 05:58, 02/08/2010 (GMT+7)

- Sau 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (2001 - 2010), các địa phương chưa hài lòng về công chức. Tây Ninh đánh giá công chức không cập nhật kiến thức, Hải Dương cho hay nhiều người chạy theo bằng cấp.

>> "Hiến kế" để hành chính không còn... hành là chính
>> Công chức: Bằng cấp nhiều, chất lượng chưa tương xứng

10 năm qua, các địa phương đều tích cực xây dựng rất nhiều đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức như luân chuyển cán bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thi tuyển lãnh đạo, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ... nhưng xem ra vẫn chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ.

Theo thống kê mà các tỉnh vừa báo cáo về Bộ Nội vụ, bên cạnh một số thành tích về cơ chế một cửa, cải cách thủ tục, thì chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Quy hoạch khép kín

Mô tả ảnh.
Ảnh: VNN
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, biên chế hành chính cấp tỉnh và cấp huyện đều tăng hàng năm. Sau gần 10 năm, tỉnh này đã tăng gần 1.000 biên chế.

Ở Bắc Giang, trung bình mỗi năm tuyển mới gần 2.000 công chức, viên chức. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh vẫn đánh giá: "Đổi mới công tác tuyển dụng từ xét tuyển sang thi tuyển, kết hợp thực hiện tinh giản biên chế là điều kiện để tuyển mới công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn".

Tăng như vậy, nhưng bộ máy có thanh lọc được những cán bộ, công chức kém năng lực?

Như ở Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm (cao nhất là lãnh đạo cấp phòng), rồi thí điểm tuyển chọn người đứng đầu tại các ngành y tế, giáo dục... nhưng theo đánh giá chung thì vẫn còn không ít cán bộ, công chức làm việc thụ động, thiếu thực tiễn và trách nhiệm. Một số người còn có biểu hiện sa sút phẩm chất đạo đức, lối sống.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, "công tác đánh giá và quản lý cán bộ vẫn là khâu yếu nhất. Việc đánh giá cán bộ còn chung chung, chưa khoa học, thiếu khách quan, tình trạng nể nang, né tránh trong đấu tranh phê bình và tự phê bình còn phổ biến".

Mời bạn tham gia cuộc khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam, do VietNamNet và UNDP phối hợp thực hiện, tại địa chỉ http://www.hienkecchc.vn/.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đánh giá, ngay công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, mới chỉ tập trung vào việc lựa chọn cán bộ kế cận phục vụ nhu cầu trước mắt, chưa tạo nguồn cán bộ lâu dài. Quy hoạch cán bộ còn khép kín trong từng địa phương. Việc đánh giá cán bộ để bổ nhiệm chưa thật sự sát đúng, có nơi còn thực hiện thiếu dân chủ, công khai. Nhiều cán bộ đi học còn chạy theo bằng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn.

Tương tự, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc quy hoạch cán bộ còn chậm trễ, chưa chặt chẽ và chưa gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công việc. Trong đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn trường hợp chưa đảm bảo khách quan, chính xác.

Tỉnh Tây Ninh đánh giá, chất lượng đội ngũ chưa cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả cải cách hành chính. Cán bộ, công chức còn ngại đổi mới, không cập nhật kiến thức, một số còn không trau dồi phẩm chất.

Ì ạch không chỉ vì lương

Vì sao nhiều chương trình cải cách đã được thực hiện mà chất lượng cán bộ, công chức vẫn còn ì ạch? Ngoài lý do tiền lương, nhiều nguyên nhân khác đã được chỉ ra.

"Công chức muốn từ chuyên viên lên chuyên viên chính, rồi cao cấp đều phải thi nâng ngạch.

Muốn được thi, phải đủ tiêu chuẩn, trong đó có các chứng chỉ, bằng cấp... Điều này rất đáng quý, nhưng chất lượng bằng cấp, chứng chỉ ấy như thế nào là cả một câu chuyện".

Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa

Như giải thích của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân một phần do chế độ kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật không được áp dụng thường xuyên, có nơi làm hình thức, chiếu lệ. Do đó, cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm túc kỷ luật hành chính.

Mặt khác, nhiều cơ quan tuy ban hành tiêu chuẩn đạo đức nhưng lại không kiểm tra, nhắc nhở. Lãnh đạo cũng không kịp thời xử lý cán bộ, công chức nhũng nhiễu dân.

Chính quyền tỉnh Trà Vinh thì nhận định, tuy số lượng cán bộ, công chức được tỉnh bố trí đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng chất lượng còn yếu. Trình độ của công chức làm việc ở bộ phận một cửa còn bất cập cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Vẫn còn tệ cửa quyền, quan liêu...

Đáng chú ý, hầu hết địa phương đều cho rằng, lý do dẫn đến những tồn tại sau 10 năm cải cách hành chính vẫn là do người đứng đầu chưa nghiêm túc trong triển khai, giám sát công việc. Dân chưa được tham gia giám sát cán bộ, công chức và những cải cách khác.

Như vậy, dù cải cách có đi đến đâu nhưng kỷ luật hành chính không nghiêm thì vẫn là rào cản với phát triển.

Góp ý xây dựng Chương trình 10 năm cải cách hành chính tiếp theo (2011 - 2020), hầu hết các địa phương đều tha thiết kiến nghị, "người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ" để làm gương cho cán bộ, công chức. Kịp thời xử lý sai phạm, kiểm tra thường xuyên để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, người dân phải được tham gia vào mọi chủ trương, quyết định, chính sách của địa phương và được giám sát những công chức, cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu cho dân. Quy hoạch tạo nguồn cán bộ phải được công khai, minh bạch.

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Các tin khác