ĐBQH Trần Du Lịch:

"Học hành đàng hoàng rồi hẵng làm quan"

Cập nhật lúc 06:03, 09/11/2010 (GMT+7)

- Đã đến lúc phải xác định học hành đàng hoàng rồi mới ra làm quan, đừng cho làm quan rồi mới đi học - Ý kiến của ĐBQH Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Hôm nay (9/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp, theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Trao đổi với báo chí trước phiên thảo luận, ĐBQH Trần Du Lịch nói nếu xét theo yêu cầu đột phá như đề ra ban đầu, Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đã có tác dụng lớn. Các cơ quan, địa phương đã họp bàn, lật đi lật lại vấn đề, đối chiếu, thảo luận, thậm chí đấu tranh để tìm ra các bất hợp lý và cắt giảm một cách đồng bộ.

Văn bản luật chồng chéo, người dân lãnh đủ

Tham gia chương trình giám sát về TTHC của QH ở một số ngành và địa phương, ông Lịch nhận thấy thủ tục còn bất cập phần nhiều bắt nguồn từ sự thiếu thống nhất giữa các văn bản luật.

Mô tả ảnh.
Ông Trần Du Lịch trong một buổi thảo luận tổ ở QH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Phần lớn luật của ta là luật khung, phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn, mà các nghị định này đôi khi lại chồng chéo nhau.
Chẳng hạn, nhiều quy định của pháp luật vênh nhau dẫn đến tình trạng muốn xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở lại liên quan đến vấn đề quy hoạch, mà các hồ sơ quy hoạch trước đây lại bị mất hoặc không rõ, hoặc các doanh nghiệp bán đất nền cho người dân xây nhà không phù hợp quy hoạch nên nhà nước không cấp giấy chứng nhận...

Như vậy, cái sai ở chỗ khác nhưng người dân lại phải chịu, giải quyết thế nào thì luật không quy định. Do đó, cơ quan chấp hành không làm, cuối cùng người dân lãnh đủ.

Theo ông Lịch, giai đoạn đầu của Đề án đã phát hiện những mâu thuẫn giữa các văn bản luật, thì giai đoạn tới đây, cần đặt nhiệm vụ hoàn thiện các văn bản này. Đây cũng là điều kiện đẩy mạnh một nền hành chính minh bạch, công khai.

Yêu cầu này bước đầu cũng đã được thực hiện thông qua việc niêm yết công khai TTHC trên mạng Internet. Ví dụ, hồ sơ xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất gồm những giấy gì đều được niềm yết rõ ràng, nhận đủ rồi thì công chức hành chính không được đòi thêm giấy này, giấy kia. Người dân sẽ khiếu nại, phản ánh ngay nếu như bị vẽ vời, nhũng nhiễu.

Một nguyên nhân khác cản trở cải cách, theo ông Lịch, là nhiều cơ quan nhà nước, cả ở địa phương và trung ương, dường như vẫn nặng về bảo vệ an toàn cho mình hơn là tạo thuận lợi cho dân. Họ sợ trách nhiệm, lại do pháp luật không rõ ràng, nên cứ thủ thế cho mình thật chắc, đẩy cái khó cho người dân và doanh nghiệp. Bộ máy hành chính cũng chưa thống nhất, dường như các cơ quan hành chính nhà nước không tin nhau, chỗ này đòi giấy, qua chỗ kia lại đòi giấy nữa.

Bỏ tư duy sống lâu lên lão làng

Hơn thế, TTHC nào cũng phụ thuộc vào con người.

Mô tả ảnh.
Đề án 30 phải là tiền đề xây dựng một nền hành chính phục vụ. Ảnh: phaply.net.vn
Những nơi bố trí cán bộ tốt, dù thủ tục còn nhiêu khê, nhưng người cán bộ, người lãnh đạo ở đó tận tình hướng dẫn, vận dụng linh hoạt, nghĩ đến khó khăn của người dân thì mọi việc vẫn được giải quyết nhanh chóng. Những nơi dù thủ tục đã rất minh bạch mà cán bộ ở đó có tư tưởng nhũng nhiễu thì họ cũng bày cách nhũng nhiễu được.

Để cải cách con người hành chính, quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp hoá bộ máy hành chính, tách biệt cán bộ chính trị và cán bộ hành chính, không nên đổi qua đổi lại vị trí, chức danh.

Chúng ta cũng đang quá đặt nặng bằng cấp chung chung mà không coi trọng chuyên môn nghiệp vụ. Đáng lý, ai làm nghề gì thì phải được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, cập nhật tri thức cho nghề đó là chính, chứ không phải đi học cái chung chung để có bằng cấp. Cũng đã đến lúc phải xác định "học hành đàng hoàng rồi mới ra làm quan, đừng cho làm quan rồi mới đi học".

Theo ông Lịch, để được vậy, những trường đào tạo hành chính phải trở thành những nơi mà sinh viên được vào học là cảm thấy tự hào, như Trường hành chính quốc gia ở Pháp, có vậy mới thay đổi được từ gốc. Nhiều địa phương hiện nay không tuyển được cán bộ trẻ từ các trường hành chính, đành lấy những người làm công tác thanh niên, phụ nữ, phong trào, học chuyên tu..., rồi từ đó nâng lên.

Sau đó là vấn đề bố trí sử dụng con người, cần phải bỏ đi tư duy "sống lâu lên lão làng", làm nhụt chí những người trẻ muốn phấn đấu. Cuối cùng mới là vấn đề động lực và tiền lương.

Cải cách tiền lương là cần thiết, nhưng nếu không thay đổi những điều nêu trên thì với bộ máy công chức hiện nay, nâng lương chưa chắc có tác dụng. Thực tế, lương thấp nhưng vẫn có nhiều người tranh nhau vào bộ máy hành chính, vì không còn chỗ nào khác chấp nhận họ hoặc vì các mục đích khác. Chỉ khi nào tuyển được người giỏi, giảm được bộ máy nặng nề thì việc nâng lương mới có tác dụng.

  • Thủy Chung ghi

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác