Công chức: Bằng cấp nhiều, chất lượng chưa tương xứng

Cập nhật lúc 06:28, 13/03/2010 (GMT+7)

- Chủ trì cuộc hội thảo ngắn với riêng báo chí sáng 12/3 về kế hoạch tổng kết Chương trình CCHC giai đoạn 2001-2010, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa nêu vấn đề nhìn vào số lượng bằng cấp, chứng chỉ, thấy phải chăng chúng ta đang đặt tiêu chuẩn quá cao cho cán bộ, công chức (CBCC).

Nhìn lại 10 năm CCHC, ông Hòa đánh giá:

Dưới góc độ cá nhân, tôi thấy về mảng cải cách thể chế, chúng ta xây dựng hoàn thiện thể chế đạt kết quả khá tích cực. Riêng số lượng thống kê 10 năm qua, QH, UBTVQH thông qua khá nhiều luật, pháp lệnh. Mà vấn đề là thông qua dư luận đánh giá các luật đó có phù hợp với cuộc sống không? Tôi cảm nhận là về cơ bản là phù hợp. Đó là chưa kể các nghị định của Chính phủ...

Mô tả ảnh.

Ông Đinh Duy Hòa: Sẽ tổng kết nguyên nhân do đâu lương CBCC chưa thể nuôi gia đình. Ảnh: LAD

Hoặc ở mảng cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, từ cơ cấu của Chính phủ cho đến các bộ, các sở ban ngành ở tỉnh và các phòng chuyên môn ở huyện...

Nếu đánh giá ngắn gọn, chúng ta đã làm được kết quả khá lớn là thu gọn đầu mối theo tinh thần chỉ đạo suốt 10 năm qua và đặc biệt là việc triển khai bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Về mặt bộ máy, chỉ còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, so với trước kia là 48 đầu mối.

Về phần chức năng nhiệm vụ, khá nhiều việc đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Mảng triển khai tài chính công, đặc biệt là triển khai các nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính cho các đơn sự nghiệp hành chính công không những tự chủ về tài chính mà còn tự chủ về tổ chức bộ máy.

Chưa thể nuôi gia đình

Còn về tồn tại, hạn chế, thưa ông?

Tôi nghĩ cũng còn khá nhiều cái điều chúng ta chưa làm được. Ví dụ, chúng ta kỳ vọng chất lượng, phẩm chất đạo đức của CBCC được nâng lên đáp ứng được yêu cầu.

Riêng điểm này chúng ta chưa đạt được mong muốn mà Bộ Chính trị đưa ra. Những phàn nàn của người dân và doanh nghiệp về CBCC còn nhiều.

Một trong những mục tiêu của Chương trình CCHC 10 năm là đến năm 2005, lương của CBCC cơ bản được cải cách, CBCC có thể yên tâm sống được bằng đồng lương, nuôi được gia đình... Đối chiếu với mục tiêu cụ thể này thì rõ ràng chúng ta chưa đạt.

Hiện lương CBCC chưa thể bảo đảm cuộc sống của gia đình họ được. Chúng ta sẽ phải qua tổng kết để xác định rõ nguyên nhân ở đâu. Liệu chúng ta đặt mục tiêu quá lớn, quá rộng hay do chúng ta bố trí nguồn lực chưa tương xứng? Nguyên nhân này, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành, địa phương cần chỉ rõ để tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Công chức huyện có cần thông thạo ngoại ngữ?

Ông vừa nói chất lượng, phẩm chất đạo đức của CBCC chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng số lượng bằng cấp của CBCC ngày càng nhiều lên, bằng cấp cao lên. Vì sao?

Đây là câu hỏi khó và lý thú. Trong suốt 10 năm qua, chúng ta có nhiều cải cách trong mảng công chức, công vụ. Có câu chuyện là thi tuyển công chức, bằng cấp chứng chỉ, phỏng vấn thi... Rõ ràng nó làm cho nhu cầu của người muốn trở thành công chức phải đáp ứng được... Thế thì họ phải học, bằng cấp, chứng chỉ có nhiều, từ chuyên viên lên chuyên viên chính, rồi cao cấp đều phải thi nâng ngạch.

Muốn được đi thi phải đủ tiêu chuẩn, mà trong đó có các chứng chỉ, bằng cấp... Công chức muốn đi thi phải học để có các chứng chỉ, bằng cấp. Điều này cũng rất hay và đáng quý, nhưng chất lượng bằng cấp, chứng chỉ ấy như thế nào là cả một câu chuyện.

Hay là chúng ta đặt tiêu chuẩn cho cán bộ công chức của VN quá cao so với thế giới? Chúng ta đặt tiêu chuẩn chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp phải thông thạo ngoại ngữ... Vậy công chức cấp huyện có bắt buộc phải như vậy không, hay là chỉ ở tầm công chức ở trung ương hoạch định chính sách hay chuyên viên ở cấp tỉnh... Điều này phải xem lại.

Nhìn về mặt hình thức, bằng cấp, chứng chỉ tăng lên rất nhiều nhưng chưa tương xứng với chất lượng thực sự phải có.

Tổng kết 10 năm CCHC, Việt Nam cũng đồng thời bước sang một chương trình CCHC mới, cũng kéo dài 10 năm (2011-2020). Kinh nghiệm gì cần rút ra cho giai đoạn mới này, theo ông?

Chương trình 10 năm tới, chúng ta phải chọn cái đích đáng để đẩy lên.

Cá nhân tôi cho rằng nếu lựa chọn trọng tâm, trọng điểm thì phải hướng mạnh hơn nữa cải cách nhằm vào đội ngũ CBCC.

Nếu bản thân đội ngũ CBCC không thông qua cải cách để sửa đổi, sẽ gây tác động xấu tới những nội dung tốt ở mảng cải cách khác.

Đầu tiên phải rà soát, xác định lại tiêu chuẩn của công chức cho phù hợp hơn. Trên cơ sở đó, chúng ta thực hiện việc tuyển dụng chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.

Nếu trước đây ta đi vào câu chuyện chỉ xét tuyển thì bây giờ thêm thi tuyển. Về mặt hình thức và nội dung, thi tuyển cạnh tranh sẽ giúp chọn người có điểm tốt nhất. Nhưng trong triển khai thi tuyển cũng có chuyện, làm giảm mục tiêu mà chúng ta kỳ vọng.

  • Hiền Anh ghi



Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác