Trung - Mỹ: Đối lập ngoại giao hoàn hảo
Trung Quốc "tìm bạn" ở châu Âu, Mỹ hướng đến châu Á. Lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc đang cùng lúc tìm kiếm cơ hội ở hai hướng. Đó có lẽ là sự đối lập ngoại giao hoàn hảo. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang công du ở châu Á để mở rộng quan hệ đối tác và các đồng minh của Mỹ, thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã hoàn tất chuyến đi nhằm thúc đẩy cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng tài chính của Trung Quốc ở châu Âu.
Hai động thái gần như xuất hiện đồng thời giữa lúc báo chí Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về việc, Mỹ đang áp dụng một chính sách “ngăn chặn mới”, tìm kiếm việc sử dụng công cụ ngoại giao, kinh tế và quân sự đề kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Còn quan chức Washington phản đối mạnh mẽ điều này.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sánh bước cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh của những chuyến ngoại giao con thoi, tâm điểm nghị sự bao trùm mọi thứ từ tỉ giá tiền tệ tới kim loại đất hiếm, giới phân tích đang xem xét những gì chờ đợi phía trước giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.
Trong khi Obama tới thăm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản (nhưng không có Trung Quốc) và tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quốc tế, thì ông Hồ Cẩm Đào đã đặt chân đến Pháp và Bồ Đào Nha.
Thứ năm tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc đã ký các hợp đồng kinh doanh trị giá nhiều tỉ USD trong chuyến thăm chính thức nước Pháp. Ông được Tổng thống Nicolas Sarkozy chào đón trang trọng. Trong các thỏa thuận, có hợp đồng trị giá 14 tỉ USD với hãng Airbus. Theo giới phân tích, hợp đồng này có thể làm xói mòn nghiêm trọng vị trí dẫn đầu của Boeing tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên còn ký nhiều thỏa thuận về viễn thông và đầu tư hạt nhân. Tổng cộng, các công ty Pháp giành được những hợp đồng với phía Trung Quốc trị giá 16 tỉ euro (22,8 tỉ USD).
Ông Hồ Cẩm Đào tới Bồ Đào Nha hôm thứ bảy (vào lúc Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất kể từ khi nhậm chức). Theo một quan chức Trung Quốc, Chủ tịch nước này sẽ đưa ra đề nghị mua trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha, để “giúp ích” cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bồ Đào Nha đang đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ kiểu như Hy Lạp.
"Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của Bồ Đào Nha đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính”, Chủ tịch Trung Quốc nói trong một bài phát biểu vào lúc kết thúc chuyến thăm hai ngày tới quốc gia này. Bồ Đào Nha chào đón ông Hồ Cẩm Đào giống như những gì nước Pháp đã dành cho ông trước đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện kinh tế ở Tây Âu. Gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào Italy và quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, cũng như góp phần xoa dịu những lo lắng nợ nần của Tây Ban Nha bằng việc mua trái phiếu chính phủ. Thủ tướng Anh David Cameron cũng bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh hôm qua cùng với một đoàn quan chức Anh lớn nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ trước khi có bài phát biểu tại quốc hội nước này với nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác, ngoại giao với cường quốc đang lên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Được đón tiếp nồng nhiệt, lãnh đạo Mỹ cam kết nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với quốc gia Nam Á, đồng thời tuyên bố ký kết các thỏa thuận kinh doanh trị giá 10 tỉ USD.
"Chúng ta có thể tiếp tục xây dựng mối quan hệ thương mại sẵn có, thúc đẩy hợp tác song phương trong kinh tế quốc tế nói chung”, ông Obama khẳng định sau nghi lễ đón của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil.
Tổng thống Mỹ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh - người được cho là sẽ thúc giục ông Obama trong nỗ lực gây sức ép với Pakistan thực hiện việc trấn áp các chiến binh chống Ấn, cũng như thỏa luận về vấn đề tiền tệ Trung Quốc, biện pháp đối phó với mất cân bằng tài chính toàn cầu.
Trong bài phát biểu với các nghị sĩ Ấn Độ, nhiều người mong đợi Tổng thống Mỹ sẽ tuyên bố ủng hộ Ấn Độ có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Theo một số nhà phân tích, New Delhi coi đây là dấu hiệu chứng tỏ việc Washington nghiêm túc xem Ấn Độ như một cường quốc thế giới.
Chặng dừng chân đầu tiên của Obama trong chuyến công du 10 ngày châu Á được coi là động thái xích gần Ấn Độ hơn, trong khi Washington cố gắng phục hồi nền kinh tế và tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế nhằm tăng áp lực với Trung Quốc về chính sách tỉ giá trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Seoul tuần này.
Sau Ấn Độ, Tổng thống Obama sẽ tới thăm Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
-
Thụy Phương tổng hợp