Cải cách: Đặt dấu chấm hết cho "quen biết"

Cập nhật lúc 17:31, 23/10/2010 (GMT+7)

- Tại Diễn đàn quan hệ đối tác cải cách hành chính (CCHC) hôm 22/10 ở Hà Nội, ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP cho rằng, nguồn nhân lực thực tài cho khu vực công là lĩnh vực mang tính chiến lược của cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020.

Ông Jairo Acuna-Alfaro nhấn mạnh, giám sát những thách thức trong quá trình cải cách hành chính là một biện pháp chính nhằm xác định những điểm cần thay đổi, đồng thời cần hiểu rõ nguyên nhân của thách thức, xác định động lực và định hướng chính sách.

Theo ông Jairo, khu vực công cần cạnh tranh với khu vực tư để thu hút người có năng lực, tránh tình trạng chảy máu chất xám; chuyển đổi các yếu tố hành vi (như quen biết, quan hệ) sang các yếu tố mới trong quản lý hiệu quả công tác dựa trên năng lực trình độ của từng công chức và áp dụng "văn hóa hiệu quả công tác".

Mô tả ảnh.
Ông Jairo Acuna-Alfaro: Chuyển từ quen biết, quan hệ sang văn hóa hiệu quả công tác. Ảnh: TH

Trong bài trình bày tại diễn đàn do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, ông Jairo cho rằng, chương trình tổng thể CCHC 10 năm tới cần tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp dịch vụ hành chính công có chất lượng cao: Tăng cường hiệu quả hệ thống công vụ (cụ thể là năng lực của nguồn nhân lực); Nâng cao trách nhiệm giải trình cụ thể (cụ thể là đưa vào thực hiện hệ thống thanh tra công vụ); Tạo không gian cho các thành phần ngoài nhà nước tham gia giám sát quá trình đổi mới...

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP, cũng chia sẻ, quá trình CCHC còn có những chậm trễ trong mục tiêu cải cách nhân sự và tiền lương: "Các biện pháp được áp dụng trong 10 năm qua chưa giúp đạt được sự đột phá trong công tác chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ nhà nước. Khối nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ nhân tài, cũng như khó khăn trong việc đảm bảo mức lương khả quan cho cán bộ trang trải cuộc sống".

Bà Setsuko cho rằng, một cách giám sát tốt hơn trong quá trình cải cách là xây dựng các kênh giao tiếp hai chiều giữa nhà nước và nhân dân, tìm hiểu ý kiến người dân về những phiền phức họ gặp phải với các dịch vụ hành chính công, để thu thập các bằng chứng thực tế nhằm cải thiện các dịch vụ hành chính công ở tất cả các cấp. Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ cũng là một cải thiện các dịch vụ này.

Mô tả ảnh.
Bà Setsuko Yamazaki: Xây dựng các kênh giao tiếp hai chiều giữa nhà nước và nhân dân để giám sát cải cách. Ảnh: TH

Bà nhấn mạnh: "Yếu tố then chốt đối với công tác chuyên nghiệp hoá này là nâng cao trách nhiệm giải trình. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở những nước mà chính phủ và các cơ quan có đầu tư vào cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công của mình thì việc đầu tư đó được thực hiện qua việc nâng cao trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức khối nhà nước".

Giám đốc quốc gia UNDP khẳng định: "Dịch vụ tốt hơn có nghĩa là chính quyền tốt hơn - đó cần là mục tiêu của Chương trình CCHC Tổng thể giai đoạn 2011-2020". Bà dẫn kết quả cuộc khảo sát trực tuyến do UNDP phối hợp với VietNamNet tiến hành gần đây cho thấy, việc nâng cao năng lực của cán bộ công chức nhà nước và cán bộ làm công tác hành chính đóng vai trò to lớn trong cải thiện mức độ hài lòng nói chung của người dân với các dịch vụ hành chính công.

Cũng tại diễn đàn lần này, Công ty tư vấn Depocen đã đưa ra kết quả ban đầu của Báo cáo độc lập về Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2001-2010. Đánh giá độc lập của công ty cho rằng, trong 9 mục tiêu đề ra của chương trình CCHC (gồm Thể chế/văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tục hành chính; Chức năng/nhiệm vụ của các thể chế hành chính công; Tinh giản bộ máy chính phủ; Phân cấp; Chất lượng cán bộ, công chức; Cải cách tiền lương; Cải cách cơ chế tài chính; Hiện đại hoá nền hành chính), thì chỉ có hai mục tiêu đầu tiên là cơ bản đạt, còn lại có tới bốn mục tiêu thực hiện kém và rất kém, số còn lại đạt được một phần.

Depocen kiến nghị, để nâng cao chất lượng công chức, cần coi đây là mục tiêu cơ bản của giai đoạn tiếp theo. Cải cách trên tất cả khía cạnh liên quan tới cán bộ công chức như: tuyển dụng, tinh giản, đào tạo, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật, động lực làm việc...

Để đạt được mục tiêu cải cách tiền lương (mà công ty tư vấn này đánh giá trong giai đoạn 2001-2010, chương trình cải cách thực hiện rất kém), thì cần coi đây là nội dung trọng tâm trong CCHC tới đây. Theo Depocen, cần tiếp tục và tập trung cải thiện không chỉ lương mà còn là thu nhập và các giá trị xã hội cho công chức trong cơ quan hành chính công.

  • Thái An

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác