Singapore và bí quyết tạo bộ máy công chức hoàn hảo
Tại Singapore, dịch vụ công được coi là niềm tự hào và uy tín. Chính phủ nước này tuân thủ một chính sách nghiêm ngặt để trau dồi và khuyến khích dịch vụ công, đảm bảo để lĩnh vực công sở hữu những tài năng xuất sắc nhất dẫn dắt đất nước.
Sau năm độc lập 1965, Singapore đối mặt với rất nhiều thách thức, rất nhiều nhiệm vụ dường như bất khả thi đặt ra trong quá trình xây dựng quốc gia và ổn định nền kinh tế.
Khi ấy, Singapore trong tình trạng bất ổn lớn do thất nghiệp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Bắt đầu từ những năm 1970, chính phủ nước này giới thiệu một cơ cấu phát triển kinh tế với đặc trưng hướng tới một nền kinh tế hiệu quả thông qua các chính sách định hướng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp công nghiệp chuyên sâu để giải quyết tình trạng thất nghiệp.
Những năm 1980 chứng kiến việc Singapore tập trung vào nâng cao năng lực và hiệu quả trong lĩnh vực công, tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành giá trị cao hơn.
Singapore có bộ máy công chức đáng tự hào. Ảnh: psd
Singapore nằm trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, cùng với Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand. Tại Singapore, dịch vụ công được coi là niềm tự hào và uy tín. Chính phủ nước này tuân thủ một chính sách nghiêm ngặt để trau dồi và khuyến khích dịch vụ công, đảm bảo để lĩnh vực công sở hữu những tài năng xuất sắc nhất dẫn dắt đất nước.
Nhân tố nào đóng góp vào câu chuyện thần kỳ này?
Thứ nhất, chính phủ đi theo cách tiếp cận doanh nghiệp trong dịch vụ công, liên tục phân tích những yếu tố cần thiết mà dịch vụ công cần đáp ứng cho người dân và thích ứng với các xu thế mới nổi trong phạm vi toàn cầu, cải tổ dịch vụ công theo nhu cầu và xu hướng, tận dụng nguồn kiến thức sẵn có từ doanh nghiệp, lĩnh vực giáo dục và công nghiệp của đất nước.
Thứ hai, chính phủ Singapore thông qua Ủy ban dịch vụ công (PSC) để duy trì vai trò tích cực trong việc nhận biết, chuẩn bị và nuôi dưỡng các tài năng trẻ cho những vị trí lãnh đạo trong dịch vụ công, bao gồm cả việc cung cấp học bổng tại các trường đại học trong và ngoài nước.
Thứ ba, công chức tại Singapore được hưởng mức lương rất cạnh tranh, thậm chí có thể so sánh với khối tư nhân. Singapore có một hệ thống đánh giá cá nhân dựa trên hiệu suất, khuyến kích các sáng kiến hiệu quả. Theo đó, thành tích kinh tế cũng có liên quan đến chuyện thưởng phạt của công chức, công chức có thể được nhận khoản thưởng gấp hai lần lương tháng nếu có thành tích tốt.
Thứ tư, ngoài việc cung cấp cơ cấu lương tương đối cao cho dịch vụ công, chính phủ Singapore còn thể hiện một ý chí chính trị mạnh mẽ trong việc chống tham nhũng thông qua việc áp dụng các chính sách quản lý nghiêm ngặt.
Sẵn sàng cho thay đổi, sẵn sàng để thay đổi
Trong một bài phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói: “Chúng ta có những công chức nổi bật, chúng ta tự hào về họ”.
Đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường toàn cầu và địa phương, dịch vụ công Singapore đã rất linh hoạt và không ngừng tự cải tổ để “giữ hạng” cho đất nước với phương châm: “Sẵn sàng cho thay đổi, sẵn sàng để thay đổi”.
Peter Ho, nguyên phụ trách dịch vụ công Singapore từng khẳng định: “Trong tương lai, tôi tin rằng thực tiễn quản lý ở Singapore không thể đơn thuần là sao chép hay phỏng theo các hệ thống khác, vì không có nhiều chính phủ suy nghĩ về cách tổ chức và tự chuẩn bị để đối phó với một thế giới không rõ ràng mà chúng ta sẽ phải đối mặt. Vì vậy, chúng tôi phải tự phát triển những khả năng mới, độc đáo trong quản lý”.
Ra đời năm 1995, chương trình dịch vụ công cho Thế kỷ 21 (PS 21) hướng tới những thay đổi tư duy và văn hóa trong dịch vụ công Singapore. PS21 hướng tới một môi trường mà tất cả công chức ở mọi cấp được khuyến khích và trao quyền hợp pháp tham gia công việc cải tổ, đổi mới.
Cốt lõi của PS 21 là con người. Đây là một chương trình lớn với mục tiêu duy trì và phát triển một đội ngũ công chức đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Mọi công chức, không tính tới mức độ hay tình trạng công việc, đều cảm thấy được trao quyền hợp pháp khiến họ có trách nhiệm với công việc của mình, và suy nghĩ cách tốt nhất đối phó với những thách thức hay tình huống không mong muốn có thể xảy ra.
PS21 đặt ra mục tiêu liên tục cải tổ và đổi mới. Cụ thể là:
Tài năng xuất sắc thông qua không ngừng học tập và tinh thần dám nghĩ dám làm: PS21 hướng tới tính sáng tạo và đa dạng trong dịch vụ công, củng cố tinh thần liên tục cải tổ, thử nghiệm các ý tưởng mới và đào tạo công chức.
Thử nghiệm táo bạo: Đây là một sáng kiến để khai thác các ý tưởng đổi mới cho dịch vụ công. Nó hỗ trợ cho việc thử nghiệm ý tưởng có thể tạo ra các giá trị mới.
Hài lòng khách hàng, hấp dẫn người dân: Cá nhân và các doanh nghiệp mong đợi phản ứng toàn diện hơn, nhanh hơn và thích đáng hơn từ dịch vụ công. Người dân ngày nay hưởng nền giáo dục tốt hơn, nhận thức cao hơn, vì thế họ đặt ra các yêu cầu và mong mỏi lớn hơn với dịch vụ công.
Tư duy dịch vụ: PS21 đặt ra mục tiêu phục vụ người dân với chuẩn cao nhất: nhã nhặn, dễ gần, nhiệt tình và hiệu quả.
Theo ông Teo Chee Hean, người phụ trách vấn đề dịch vụ công của Singapore thì: “Dịch vụ công khác với khối tư nhân là chúng ta không thể chọn lựa khách hàng. Tương tự như vậy, khách hàng phải sử dụng dịch vụ công khi không có nhiều chọn lựa. Đối với mối quan hệ này, con đường duy nhất để làm việc hiệu quả, là cần có sự hiểu biết chung giữa hai bên. Dịch vụ công phải phấn đấu để cung cấp dịch vụ của mình với sự xuất sắc”.
Chính phủ điện tử trong hành động: Công nghệ hiện đại giờ đây cho phép chính phủ thông tin các chính sách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn tới người dân. Kế hoạch Hành động chính phủ điện tử của Singapore đã thành công trong việc cung cấp các dịch vụ chính phủ trực tuyến, kết hợp các dịch vụ ấy để phục vụ công chúng tốt hơn.
Dẫn dắt bởi những nguyên tắc chặt chẽ và tầm nhìn rõ ràng, dịch vụ công của Singapore được xếp vào loại tốt nhất thế giới.
Ba nguyên tắc dẫn dắt lĩnh vực công của nước này là: Chế độ nhân tài (mọi người có cơ hội ngang bằng để nhận thức khả năng của mình. Nguyên tắc này đảm bảo cho những người được tuyển dụng và thăng tiến dựa trên khả năng của họ thế nào và thành tích của họ ra sao, chứ không phải dựa trên mối quan hệ, quen biết); Tính thực dụng (tạo ra sự linh hoạt và thích nghi, có thể học tập từ các mô hình, cơ cấu khác); Tính liêm khiết (đảm bảo cho sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, với các hệ thống và quy trình nghiêm ngặt, có thể tính toán được từng đôla nhận được và chi dùng).
Một nhà phân tích khi bàn về sự năng động của bộ máy công chức Singapore đã nói rằng: “Các thể chế công của Singapore sở hữu văn hóa và khả năng biến những ý tưởng tốt vào thực tế, những chính sách tốt thành những kết quả đáng khao khát”.
-
Thái An tổng hợp