Ngoài tài sản, ứng viên phải công khai tiểu sử học vấn
- Thảo luận sáng nay (8/11) về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐB HĐND, ĐB Lê Quốc Dung đề nghị phải các ứng viên vào Quốc hội phải công khai tiểu sử học vấn.
Trung ương cũng phải có số dư
Dự thảo luật quy định "nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định".
ĐB Danh Út: Số dư ít nhất phải 2 người. Ảnh: HL |
ĐB Danh Út (Kiên Giang) băn khoăn khi dự thảo luật chỉ quy định cụ thể với trường hợp bầu 3 ĐB, còn trường hợp bầu 1 hay 2 ĐB thì số dư là bao nhiêu, sao không quy định trong luật? "Tôi đề nghị số dư ít nhất là 2 người, bất kể bầu bao nhiêu ĐB", đề xuất của ĐB Danh Út cũng trùng với ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh)...
Riêng ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông) đề nghị nên quy định cứng luôn, không đặt vấn đề trường hợp bất khả kháng như trong dự thảo. Lý giải của ông Cừ là luật hiện hành chỉ quy định phải nhiều hơn số ĐB được bầu ở đơn vị đó, nên nhiều trường hợp số dư chỉ là 1, "số dư hầu như tối thiểu làm cản trở quyền dân chủ của cử tri, hạn chế ý nghĩa bầu cử. Để tránh trường hợp bất khả kháng không đủ số dư ít nhất 2 người thì hãy chuẩn bị nhân sự dư nhiều hơn, 3, 4, thậm chí 5 cũng được", ĐB Cừ "mách nước".
Chuyện cơ cấu ĐB trong danh sách ứng cử cũng khiến nhiều ĐB tâm tư. ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) đề nghị các ĐB trung ương khi giới thiệu cũng phải có số dư như ĐB địa phương thì mới công bằng.
Đánh giá cao năng lực và đóng góp của các ĐBQH chuyên trách đương nhiệm, nhiều ĐB đề nghị khóa tới phải tăng số lượng ĐB chuyên trách lên ít nhất 35%. ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) thêm đề nghị ĐB chuyên trách cũng phải đại diện cho các dân tộc, các tầng lớp nhân dân.
Chưa sửa luật để Việt kiều ứng cử QH
Các ĐB cũng đề nghị luật phải quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và HĐND để quá trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc được thực chất hơn.
Như ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) nhận xét, do tiêu chuẩn trong luật hiện hành quá chung chung, dẫn đến thực tế trong một cơ quan rất nhiều người đủ tiêu chuẩn, nên việc lựa chọn phải căn cứ vào cơ cấu nhiều hơn. "Ở mỗi vòng hiệp thương, nhất định phải có số dư, còn như hiện nay, với những cơ cấu có số lượng ứng cử ít thì các vòng hiệp thương chỉ mang tính hình thức", bà Bình băn khoăn.
ĐB Lê Quốc Dung. Ảnh: LAD |
Con đường để trong Quốc hội xuất hiện nhiều hơn ĐB tự ứng cử cũng được nhiều ĐB quan tâm. Đặc biệt, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng do luật hiện hành quy định khá lỏng lẻo về quyền tự ứng cử, khiến khóa trước quá đông người tự ứng cử, nhưng khi hiệp thương để chọn lọc lại không chọn được người xứng đáng. "Kết quả là Quốc hội khóa này chỉ có duy nhất 1 ĐB tự ứng cử. Nên chăng quy định phải có được chữ ký ủng hộ của bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức thì mới có quyền tự ứng cử?".
Các ĐB Nguyễn Hồng Nhị, Đặng Huyền Thái... lại quan tâm đến công tác vận động tranh cử. Bà Thái băn khoăn thế nào là tranh cử đúng luật. Người ứng cử ĐBQH có được tự yêu cầu để tiếp xúc cử tri không, có được "thoải mái" phát chương trình hành động cho cử tri để vận động tranh cử không?
ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình), Sùng Thị Chư (Yên Bái) thì đề nghị các ĐB ứng cử phải công khai tiểu sử bằng cấp và kê khai tài sản ở nơi cư trú, nơi công tác để có sự kiểm tra, thẩm định của nhân dân.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thêm một lần giải thích do thời gian còn lại quá ngắn nên lần sửa đổi luật này chỉ tập trung vào những vướng mắc, bức xúc liên quan đến công tác tổ chức khi thực hiện bầu ĐBQH và ĐB HĐND các cấp cùng ngày.
Về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu, kể cả chuyện người ứng cử ĐBQH là người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam có hai quốc tịch... "xin phép QH để nghiên cứu kỹ, sau khi sửa đổi Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước thì sẽ sửa đổi căn bản, toàn diện", Phó Chủ tịch QH hứa.
-
Khánh Linh