Khi lương công chức xếp hạng "top" thế giới

Cập nhật lúc 08:34, 28/10/2010 (GMT+7)

Chính sách lương hợp lý, có tính cạnh tranh cao với khối tư nhân đã giúp bộ máy công chức Singapore hoạt động vô cùng hiệu quả. Chính phủ nước này luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng.

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện. Quyền lực điều hành thuộc về Thủ tướng và nội các - những người dẫn dắt và kiểm soát chính phủ cũng như chịu trách nhiệm trước quốc hội.

Singapore thực hiện chính sách lương hợp lý khiến bộ máy công chức hoạt động hiệu quả. Ảnh: PSD
Có hơn 114.500 người làm việc trong lĩnh vực công tại Singapore, chiếm khoảng 5,23% tổng số lao động. Khái niệm chính thức về “dịch vụ công Singapore” bao gồm thành viên các ủy ban theo luật định, doanh nghiệp do chính phủ sở hữu và lực lượng vũ trang Singapore. Dịch vụ công chiếm khoảng 55% số người hoạt động trong lĩnh vực công.

Singapore coi những giá trị chủ chốt của dịch vụ công gồm:

- Lãnh đạo là chìa khoá: Một đội ngũ lãnh đạo chính trị và công chức liêm chính, thành thực (thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt một bộ quy tắc ứng xử); Không ngừng tái tạo con đường mà chính phủ cần làm để đối phó với các thách thức bên ngoài.

- Thưởng vì công việc, làm việc để thưởng: Chế độ nhân tài và các cơ hội công bằng (cởi mở và tuyển dụng công bằng, lựa chọn công chức trên cơ sở năng lực giáo dục và những kinh nghiệm liên quan; hoạt động thẩm định hiệu quả);

- Chủ nghĩa thực dụng và một ý thức khẩn cấp: Không ngừng học hỏi thông qua làm việc và những đánh giá phê bình thường xuyên; Sẵn sàng thực hiện những quyết định khó khăn.

Dịch vụ công Singapore được đánh giá là hiệu quả, toàn diện, chiến lược và thực tế.

Cải tổ lĩnh vực công

Dịch vụ công tại Singapore đã trải qua một số lần cải tổ đáng kể trong hai thập niên qua bắt đầu từ 1980. Tâm điểm cải tổ là nâng cao dịch vụ phục vụ người dân và uỷ quyền quản lý tài chính nhiều hơn:

- Cải tổ ngân sách và phong cách quản lý: Những nguyên tắc trong quản lý doanh nghiệp được đưa vào dịch vụ công.

- Tập đoàn hoá/Tư nhân hoá và thiết lập các ban điều lệ: Chính phủ coi tư nhân hoá có ý nghĩa dài hạn trong nỗ lực đạt được tiến bộ trong phân quyền, phân cấp rất nhiều vai trò/chức năng truyền thống. Chính phủ vẫn giữ một mức độ kiểm soát thông qua sở hữu cổ phần ở một số công ty nhà nước, hay nắm giữ vị trí chủ chốt trong một số tổ chức. Sự kết hợp tư nhân hoá, tập đoàn hoá, các ban điều lệ và những sáng kiến quản lý khác đã được sử dụng như những công cụ để tăng cường và duy trì hiệu quả của các tổ chức chính phủ.

Có thể đề cập tới ví dụ của công ty Temasek - công ty đầu tư thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore. Công ty hiện quản lý một danh mục đầu tư trị giá lên đến 100 tỉ USD và nắm giữ cổ phần của nhiều tập đoàn vào loại lớn nhất ở Singapore. Hệ thống tính lương thưởng của Temasek ràng buộc các khoản thưởng với giá trị tài sản tăng thêm của Công ty. Giá trị này càng gia tăng thì khoản thưởng của nhân viên càng lớn và ngược lại.

Chế độ lương công chức mà Singapore khá chú trọng thành tích cá nhân.

- Hành chính công chuyển sang định hướng khách hàng: Sự thay đổi theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm của hành chính công đã tạo ra các dịch vụ hiệu quả hơn, thông qua hợp lý hoá các quy tắc, thủ tục, bộ máy bằng hệ thống máy tính và những cách tiếp cận khác. Các sáng kiến gần đây nhất là sự ra đời của PS21, hay dịch vụ công trong thế kỷ 21, với mục đích chuyển đổi tư duy và tạo ra một “khung” văn hóa với dịch vụ công.

Cải cách tiền lương

Những bước tiến chính trong cải cách tiền lương dịch vụ công tại Singapore gồm:

- Giới thiệu hệ thống lương linh hoạt vào tháng 7/1988 sau cuộc suy thoái kinh tế năm 1985. Nó cho phép các khoản bổ sung vào lương như vào giữa năm hay các khoản tiền thưởng cuối năm. Hệ thống này còn giúp chính phủ gia tăng sự linh hoạt để điều chỉnh các mức lương phù hợp với tình hình kinh tế tương lai.

- Hướng tới những mức lương cạnh tranh hơn cho công chức: Mức lương đã gia tăng đáng kể với cả các công chức hành chính (khoảng 20%) và các công chức khác (từ 21-34%) vào cuối năm 1993 để phù hợp với thực tế tỉ lệ tuyển dụng thấp và thôi việc cao. Năm 1994, lương cán bộ cấp cao được đối chiếu khối tư nhân bằng cách đưa ra các điểm chuẩn. Có hai mức điểm chuẩn (mức G cao nhất và nhân viên cấp 1 cho bộ trưởng), các mức lương khác căn cứ vào hai chuẩn ấy.

- Trả lương dựa trên thành tích của công chức.

- Thu phúc lợi y tế và từng bước giảm lương hưu như một phần nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai. 1% lương công chức được sử dụng để đóng góp vào các tài khoản gọi là tiết kiệm y tế. Đây là một chương trình tiết kiệm quốc gia nhằm giúp các cá nhân dành một phần thu nhập của họ để chi trả viện phí khi cần.

Những nguyên tắc chi trả lương

Dịch vụ công hoạt động theo nguyên tắc chi trả sau:

- Có thể so sánh với lĩnh vực tư nhân: Trong vài năm gần đây, Singapore đã nhấn mạnh đến tính cạnh tranh giữa lương công chức với lĩnh vực tư nhân. Để thu hút được người tài, chính phủ thường căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức.

- Đánh giá lương hàng năm: Để duy trì cạnh tranh, đánh giá lương hàng năm được thực hiện để xem xét mức lương cần sửa đổi.

- Tính linh hoạt trong cơ cấu lương công chức: Cơ cấu tiền lương công chức được tạo ra từ những thành phần có thể điều chỉnh dựa trên hiệu suất của nền kinh tế mà không ảnh hưởng xấu tới khoản thu nhập mang về gia đình. Gần đây, sự linh hoạt này được bổ sung với các khoản thưởng liên quan tới thành tích cá nhân.

- Chính sách “lương sạch".

- Trình độ giáo dục vẫn là yếu tố quan trọng để xác định mức lương khởi điểm.

Hiện nay, mức lương bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới. Chính phủ nước này lập luận rằng, chế độ đãi ngộ góp phần quyết định vào những thành công của Singapore trong những thập kỷ qua và hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hoá, cạnh tranh chất xám từ khu vực tư nhân và từ các nước khác ngày càng quyết liệt.

Điều giúp Singapore giữ được đội ngũ công chức tài năng, hiệu quả chính là chính sách trả lương cao tương xứng với hiệu quả công việc. Chính sách lương hợp lý, có tính cạnh tranh cao với khối tư nhân đã giúp bộ máy công chức hoạt động vô cùng hiệu quả. Chính phủ nước này luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng.

  • Thái An tổng hợp

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác