Chim và khỉ... giao tiếp để tránh kẻ thù
15:07' 22/03/2004 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới cho thấy chim mỏ sừng ở Tây Phi có thể hiểu những tiếng kêu cảnh báo khác nhau của khỉ, trong khi loài linh trưởng này lại sử dụng tiếng kêu của chim làm hệ thống cảnh báo sớm. Nói cách khác, chúng hỗ trợ nhau để tự vệ trong thiên nhiên.

Khỉ diana được tìm thấy ở Guinea, Bờ biển Ngà, Liberia, và Sierra Leone.

Trước đây, giới khoa học biết rằng các loài động vật linh trưởng cũng như chim sử dụng nhiều tiếng kêu để báo cho đồng loại khi thú săn mồi tới gần. Ngoài ra, một số loài khỉ, vượn cáo và nhiều thú có vú khác cũng nghe lén các loài sống ở vùng gần kề. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên giới khoa học chỉ ra rằng chim phân biệt và phản ứng với tiếng cảnh báo của khỉ sau khi quan sát hành vi của hai loài này tại Tây Phi. Nghe lén chéo loài không chỉ giới hạn ở động vật có vú.

Klaus Zuberbuhler thuộc ĐH St Andrews ở Scotland, người nghiên cứu hành vi của khỉ diana ở Công viên quốc gia Tai ở Bờ biển Ngà trong 13 năm qua, cho biết: ''Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chim mỏ sừng (Ceratogymna elata) không chỉ phân biệt được tiếng ồn đe doạ của báo và đại bàng mà còn nghe được tiếng kêu cảnh báo của khỉ diana''. Tiếng kêu của chim mỏ sừng có thể vang xa tới 2km. Các nhà sinh học cho rằng một bộ phận rỗng giống mũ sắt trên mỏ của chúng đóng vai trò phóng đại âm thanh.

Ban đầu, họ rất khó chịu trước tiếng kêu của loài này. Âm thanh chối tai của chúng thường át cả tiếng kêu the thé mang tính cảnh báo của khỉ mà các nhà khoa học đang nỗ lực ghi lại. Mặc dù ầm ĩ song tiếng của khỉ hiếm khi vang xa hơn 1km. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, nhóm nghiên cứu nhận ra sự liên hệ giữa hành vi của hai loài: các đàn chim mỏ sừng thường kiếm ăn bên cạnh khỉ diana, thỉnh thoảng trên cùng một cây và cả hai loài đều có nguy cơ bị đại bàng có mào tấn công. Để nghiên cứu mối liên hệ này chi tiết hơn, Rainey Hugo, một thực tập sinh thuộc ĐH St Andrews, đã dành 18 tháng ghi lại hành vi của chim mỏ sừng ở Bờ biển Ngà, bắt đầu vào năm 2001.

Rainey phát hiện khi anh bật băng phát tiếng rít của đại bàng hoặc tiếng kêu cảnh báo của khỉ diana về đại bàng, chim mỏ sừng thường phản ứng mang tính đề phòng, tạo ra tiếng kêu quang quác ầm ĩ để cảnh báo và tiến dần tới chỗ loa phóng thanh. Trái lại, khi Rainey bật băng phát tiếng gầm gừ của báo hoặc tiếng kêu khác biệt mà khỉ diana tạo ra để phản ứng với loài báo, chim mỏ sừng không hề có phản ứng gì. Chim mỏ sừng thường không phải là con mồi của báo. Do vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng loài này đã học cách phân biệt giữa hai loại tiếng kêu cảnh báo của khỉ. Theo Zuberbuhler, các nghiên cứu trước kia chỉ ra rằng khỉ diana phản ứng với tiếng kêu cảnh báo của tinh tinh, các loài khỉ khác và gà guinea. Giới khoa học vẫn chưa có ý kiến thống nhất về lợi ích của tất cả những tiếng kêu cảnh báo này.

Chim mỏ sừng.

Các nhà khoa học thường cho rằng những tiếng kêu đó là lời cảnh báo đối với các động vật thuộc cùng một loài, nhằm tăng cơ hội sống sót cho những họ hàng thân cận nhất. Tuy nhiên, những tiếng kêu cảnh báo đó có lẽ đã tiến hoá vì một lý do khác. Nhiều động vật săn mồi dựa vào yếu tố bất ngờ để chộp một con khỉ con. Phát tín hiệu cho một con đại bàng rằng nó đã bị phát hiện và loại bỏ yếu tố bất ngờ là hành động đủ để làm cho con thú săn mồi đó dừng lại. Ngoài việc cảnh báo cho đồng loại về mối nguy hiểm đến gần, chim mỏ sừng có lẽ còn phát tín hiệu cho những kẻ săn mồi để nói rõ rằng trò chơi đã kết thúc.

Việc đàn chim mỏ sừng tiến gần tới loa phóng thành trong thí nghiệm của Rainey, chứ không bỏ chạy, là bằng chứng ủng hộ quan điểm này. Theo Marc Hauser, thuộc ĐH Harvard, chưa một nghiên cứu nào trước đây chỉ ra rằng chim có thể phân biệt tiếng gọi khác nhau của động vật có vú. Nghiên cứu về chim mỏ sừng ủng hộ nghiên cứu của ông: Một loài chim rừng khác ở châu Phi tên là Corythaeola cristata có thể phân biệt tiếng kêu của các loài khác nhau như tinh tinh và đại bàng, cũng như những đối thủ cạnh tranh ăn quả (khỉ và chim mỏ sừng).

  • Minh Sơn (theo National Geographics) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hàng rào hóa chất để bảo vệ vườn nấm (22/03/2004)
Dùng robot cung cấp năng lượng cho Hubble (21/03/2004)
Khi phân bón được biến thành... thuốc nổ (21/03/2004)
Vừa ra mắt, Sedna đã "đèo bòng" (21/03/2004)
Phát hiện đàn đá cổ đại ở Ấn Độ (21/03/2004)
Ăn thịt muông thú: nguy cơ gây ra đại dịch (20/03/2004)
Cúm gia cầm: Diễn biến phức tạp ở Hà Lan (20/03/2004)
Lò hạt nhân Đà Lạt có thể hoạt động đến năm 2017 (20/03/2004)
TP.HCM: Gấp rút lập Trung tâm Công nghệ Sinh học (20/03/2004)
Vì sao người Neanderthal tuyệt chủng? (19/03/2004)
Bụi không gian vén màn bí ẩn về kim tự tháp (19/03/2004)
Đêm qua, một tiểu hành tinh lướt ngang Trái đất... (19/03/2004)
Đăng cai hội nghị về công nghệ sinh học sinh sản (19/03/2004)
Đất mọi nơi trên Sao Hoả đều giống nhau (18/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang