Vừa ra mắt, Sedna đã "đèo bòng"
02:23' 21/03/2004 (GMT+7)

Khả năng công nhận Sedna trở thành hành tinh thứ mười của Thái dương hệ càng gây thêm nhiều tranh cãi, khi các nhà thiên văn học phát hiện ra có thể nó đang "sở hữu" một... Mặt trăng.

Sedna, ngòi nổ cho cuộc tranh cãi mới trong giới thiên văn học.

Sau khi khám phá ra Sedna, giới nghiên cứu thiên văn học Mỹ đã quan sát "ứng cử viên" cho "chức danh" hành tinh thứ mười của hệ Mặt trời một cách kỹ lưỡng hơn. Kết quả cho thấy Sedna không đồ sộ như người ta tưởng - đường kính của nó chỉ khoảng 1.700km, nhỏ hơn một ít so với Sao Diêm Vương. Tuy nhiên, tốc độ quay quanh chính nó lại tương đối chậm so với dự tính của các nhà khoa học, cho thấy rằng có khả năng Sedna còn "đèo bòng" thêm một Mặt trăng.

TS Mike Brown, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ California đã phát hiện ra Sedna, cho biết: "Chúng tôi tin là có bằng chứng về sự hiện diện của một vệ tinh bay quanh Sedna. Hy vọng trong tương lai không xa, kết quả quan sát từ kính thiên văn Hubble sẽ cung cấp thông tin chính xác, giúp khẳng định vấn đề này".

Với cái tên ban đầu 2003 VB1, Sedna là một vật thể màu đỏ, rất sáng, "định cư" tại Vành đai Kuiper. Thông thường, một thiên thể trở nên rất sáng khi nó mang màu xanh chứ không phải là màu đỏ, vì thế hiện tượng bất thường này trong Thái dương hệ đang khiến cho giới thiên văn học đau đầu tìm câu trả lời cho thành phần cấu tạo của "thành viên mới" này. Hiện Sedna đang đứng đầu trong danh sách những vật thể ở xa nhất trong quỹ đạo Mặt trời, với khoảng cách đến "ông già cau có" dài gấp ba lần so với Sao Diêm Vương (5,9 tỷ km). Theo TS Brown, khoảng cách này xa tới mức nếu đứng trên Sedna, hình ảnh Mặt trời có thể bị che khuất hoàn toàn bằng đầu một cây kim. Với vóc dáng "khiêm tốn", Sedna khó có thể được công nhận là một hành tinh thực thụ. Brown phỏng đoán rằng thành phần của vật thể mới phát hiện này bao gồm một nửa là đá, còn nửa kia là băng.

Sau khi cái tên Sedna được bổ sung vào danh sách "thành viên mới" của Thái dương hệ, Đài quan sát Tanagra đã tiến hành một loạt cuộc nghiên cứu đo bức xạ nhiệt nhằm xác định vật thể này nóng tới mức nào. Theo phỏng đoán ban đầu, có thể nhiệt độ bề mặt của Sedna ở vào khoảng -240oC. Tuy nhiên, nhiệt độ của nó sẽ thường xuyên hạ xuống thấp hơn, bởi vì phải 10.500 năm thì Sedna mới hoàn tất một quỹ đạo và đến gần Mặt trời. Khi cách xa Mặt trời nhất, khoảng cách giữa "chủ" và "tớ" lên tới 130 tỷ km, gấp 900 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời (149 triệu km).

Mặc dù Sedna được xác định là một thiên thể thuộc Vành đai Kuiper, các nhà thiên văn học vẫn chưa biết chắc là nó có giống với các vật thể khác đã được tìm thấy hay không. Có khả năng đây là phát hiện đầu tiên về "mây Oort", khu vực xa xôi chỉ có trong giả thuyết của giới nghiên cứu khoa học, nơi chứa toàn những vật thể nhỏ bằng băng tạo thành sao chổi "quét" qua Trái đất.

Trong những năm gần đây, các công trình thiên văn học đã liên tục công bố về một số vật thể lớn ngoài rìa Thái dương hệ. Chẳng hạn, năm 2002 tìm ra Quaoar với đường kính 1.200 km; năm 2001 tìm ra Ixion với đường kính 1.065 km; còn năm 2000 tìm ra Varuna với đường kính xấp xỉ 900 km. Hồi tháng 2 năm nay, giới thiên văn học đã phát hiện ra vật thể 2004 DW, với đường kính ước tính khoảng 1.800 km. Phát hiện về Sedna mới đây đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nhằm tìm ra định nghĩa xác đáng về một hành tinh thực sự, hay nói cách khác là cái gì tạo nên một hành tinh.

Khánh Hà (Theo BBC)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phát hiện đàn đá cổ đại ở Ấn Độ (21/03/2004)
Ăn thịt muông thú: nguy cơ gây ra đại dịch (20/03/2004)
Cúm gia cầm: Diễn biến phức tạp ở Hà Lan (20/03/2004)
Lò hạt nhân Đà Lạt có thể hoạt động đến năm 2017 (20/03/2004)
TP.HCM: Gấp rút lập Trung tâm Công nghệ Sinh học (20/03/2004)
Vì sao người Neanderthal tuyệt chủng? (19/03/2004)
Bụi không gian vén màn bí ẩn về kim tự tháp (19/03/2004)
Đêm qua, một tiểu hành tinh lướt ngang Trái đất... (19/03/2004)
Đăng cai hội nghị về công nghệ sinh học sinh sản (19/03/2004)
Đất mọi nơi trên Sao Hoả đều giống nhau (18/03/2004)
Làm gì để ngăn chim "đánh bom liều chết"? (18/03/2004)
Người Anglo-Saxons lép vế tại Anh (18/03/2004)
Câu chuyện về "quả cầu tuyết" Trái đất (18/03/2004)
99% doanh nghiệp TP.HCM chưa "mặn" với thiết bị nội (17/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang