"Đặc thù dễ thành đặc lợi, đặc quyền"
- Buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô sáng 16/11 vẫn là cuộc "giằng co" bất tận giữa những người ủng hộ và phản đối các đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội.
"Không thể là khu tự trị"
Nhiều ĐB tiếp tục không đồng tình với việc Thủ đô đề nghị quá nhiều cơ chế đặc thù vì trái với Hiến pháp và tạo ra sự không công bằng cho cả nước. "Dự thảo luật sẽ tạo sự thuận lợi xây dựng Thủ đô, khiến mức sống của Hà Nội cao hơn nữa, vùng sâu vùng xa có tâm tư vì khoảng cách giàu nghèo càng xa hơn không?", câu hỏi của ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) cũng là tâm tư chung của rất nhiều ĐB khác.
ĐB Ngô Văn Minh: Ở đâu có thượng nguồn sông thì ở đó có thủy điện. Ảnh: Lê Anh Dũng |
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) còn lo ngại dự thảo luật này sẽ tạo tiền lệ cho các đô thị lớn khác thì sẽ thế nào."Chẳng lẽ điều khoản cuối cùng trong luật phải nêu rõ, các đô thị khác sẽ không được hưởng các quy định đặc biệt như Hà Nội chăng?".
Hay nói như ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau), "Nghị quyết của Bộ Chính trị hay Pháp lệnh Thủ đô đều ra khi Thủ đô chưa mở rộng, giờ mở rộng rồi thì đánh giá lại thế nào? Đặc thù với 40% đô thị thôi, chứ khi đã mở rộng thì 60% huyện, xã còn lại không thể được áp dụng đặc thù". Ông Lợi khẳng định luật Thủ đô không chỉ mâu thuẫn với 9 điều của Hiến pháp mà còn trái với nhiều điều của 7 dự luật khác như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Xây dựng đô thị, Luật Đê điều, Luật Giáo dục, Luật Khám chữa bệnh...
Đánh giá cao báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, nhưng ông Lợi vẫn "phê" ủy ban này chưa mạnh dạn đặt vấn đề với Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo chuẩn bị lại cho kỹ dự án này, trình vào thời điểm khác.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề xuất một lộ trình biện chứng hơn, bởi "ở ta chưa có mô hình quản lý đô thị, không có chế độ mang tính tự trị nhất định, nên luôn vấp vấn đề của Hiến pháp. Dự thảo luật hiện tại thể hiện nhiều ý chí, nhưng sẽ không đi vào đời sống, những đặc thù rất dễ thành đặc lợi, đặc quyền, dễ biến dạng".
Theo ông Quốc, nên chăng giờ chỉ điều chỉnh Pháp lệnh, còn tương lai sẽ sửa Hiến pháp để Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung có hành lang pháp lý phát triển lâu dài, sau đó sẽ xây dựng luật đô thị, khi đó Luật Thủ đô mới có nền tảng vững chắc, đảm bảo tính lâu bền.
Đề xuất của ĐB Dương Trung Quốc gần như trùng khít với ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk)...
Dùng Luật Thủ đô sửa các luật khác
Ngược lại, luồng ý kiến ủng hộ dự thảo Luật Thủ đô cũng mạnh mẽ không kém. Rất nhiều ĐB của đoàn Hà Nội đăng ký phát biểu sáng nay để khẳng định đây là một đạo luật khó, chưa có tiền lệ, nhưng rất cần thiết phải thông qua để tạo cơ chế pháp lý cho chính quyền Hà Nội xây dựng một thủ đô thật sự xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trái tim của cả nước.
ĐB Nguyễn Thị Khá: Thóc đến đâu, bồ câu đến đó. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Như giải thích của Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên & Nhi đồng Đào Trọng Thi, kể cả trong các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, giao thông, an ninh trật tự, quản lý dân cư... mặc dù là vấn đề chung của các tỉnh thành, nhưng với Thủ đô đều phải yêu cầu cao hơn để xứng đáng là thủ đô của cả nước.
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) cho rằng Hiến pháp quy định rất chung, cơ bản, nên không sợ trái Hiến pháp, còn luật mới là sự thể hiện chi tiết, nên quan trọng là sự đồng thuận chung của Quốc hội để dành cho Hà Nội cơ chế đặc thù. "Đây là lần thứ hai, Quốc hội khóa XII thể hiện trách nhiệm và tình cảm với Thủ đô Hà Nội, sau lần thông qua quyết định mở rộng địa giới hành chính năm 2008", ông Mạnh "hứng khởi".
ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cũng khẳng định không nên câu nệ chuyện Luật Thủ đô phải phù hợp với các luật khác, bởi cơ chế hiện hành khiến nhiều vấn đề chưa thể giải quyết nên "trong tư tưởng cục bộ thì luật sẽ là thử nghiệm cho Thủ đô, để TP.HCM và các đô thị lớn khác rút kinh nghiệm, sau này có thể ban hành luật cho các đô thị lớn", bà Hồng nhìn tới tương lai xa.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cũng đồng tình với cách tiếp cận nên dùng Luật Thủ đô để sửa các luật khác cho phù hợp hơn.
Quy định hạn chế cư trú trong nội thành trái với Luật cư trú tiếp tục bị nhiều đại biểu phản đối. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) "phê" lý lẽ trong tờ trình của Chính phủ là không phù hợp: "Không lẽ do Luật cư trú mở rộng quyền tự do cư trú của công dân, phù hợp với lòng dân cả nước nên không hợp với Hà Nội, giờ Hà Nội phải ra luật để kiếm soát. Theo ông, đã mở rộng Hà Nội thì phải chấp nhận thực tế khách quan là số lượng cán bộ, công dân vào Hà Nội đông hơn, "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó", "đất lành chim đậu" là những lý lẽ được các ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) dùng để khẳng định việc người dân muốn đến sống, làm việc ở Hà Nội là đúng với quy luật khách quan. Tất cả đều đồng tình với báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, rằng chỉ có thể điều chỉnh xu hướng này thông qua quy hoạch. |
- Khánh Linh