"Không có việc Chính phủ chặn không cho thanh tra Vinashin"
- Trả lời chất vấn ĐBQH Vũ Quang Hải (Hưng Yên) về việc vì sao có tới 11 lần thanh tra, kiểm toán Vinashin mà vẫn để xảy ra hậu quả nặng nề, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định: "Không có việc Thanh tra Chính phủ trì hoãn thanh tra và cũng không có việc Chính phủ đã chặn lại không cho thanh tra đối với Vinashin".
Trong công văn trả lời chất vấn (theo đường văn bản) gửi ĐB Vũ Quang Hải, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình rõ nội dung của 11 cuộc thanh tra, kiểm toán (từ 2006 - 2009).
ĐBQH Vũ Quang Hải chất vấn: "Vì sao có tới 11 lần thanh tra, kiểm toán mà vẫn để xảy ra hậu quả nặng nề, kéo theo hơn 80.000 tỷ đồng tiền thuế của dân sẽ bị nhấn chìm". Ảnh: Lê Anh Dũng
Thanh tra Chính phủ chỉ tiến hành thanh tra một lần duy nhất với với ba phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, nội dung chỉ tập trung việc xây dựng và trang bị phòng thí nghiệm, bể thử mô hình tàu thủy.
Ngoài ra, có bốn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý, sử dụng trái phiếu quốc tế, năm 2006; Bộ Xây dựng thanh tra công tác đầu tư xây dựng tại Công ty Vận tải thủy Cần Thơ, Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn, năm 2007; Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm tra việc thực hiện, sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển, năm 2008; Bộ Tài chính thanh tra về quản lý tài chính của Vinashin.
Cơ quan Đảng tiến hành một cuộc kiểm tra (việc thực hiện nghị quyết T.Ư 3 về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, năm 2009).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành một cuộc giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Vinashin, năm 2009.
Ngoài ra, có bốn cuộc kiểm toán độc lập (do kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính của Vinashin từ năm 2006-2009).
Theo ông Trần Văn Truyền, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất việc quản lý, sử dụng vốn, trái phiếu quốc tế theo quy định của pháp luật.
Nếu tính thêm cả cuộc kiểm tra do Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện từ tháng 1 đến cuối tháng 6/2010 và cuộc thanh tra mà Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc tuần qua thì từ năm 2006 đến nay đã có ít nhất 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát với Vinashin.
"Nhưng mỗi cuộc chỉ đề cập đến một hoặc một số nội dung nhất định, duy chỉ có 1 cuộc thanh tra của thanh tra Bộ Tài chính tiến hành năm 2008 là thanh tra về quản lý tài chính của Vinashin", ông Truyền cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng "phân trần" thêm, năm 2008, khi tiến hành thanh tra các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo những sai phạm của Ban quản lý dự án (Viện khoa học Tàu thuỷ, thuộc Vinashin) với Thủ tướng, được Thủ tướng đồng ý.
Liên quan đến hai lần "hoãn" thanh tra năm 2009, 2010, ông Trần Văn Truyền cũng giải thích chi tiết hơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: Lê Nhung
Theo đó, cuối năm 2008, Thanh tra Chính phủ đã chủ động đưa tên Vinashin vào chương trình thanh tra năm 2009, được Thủ tướng phê duyệt. Nhưng rồi chính tập đoàn Vinashin đã đề nghị lùi thời gian.
"Thanh tra Chính phủ không chấp nhận lùi thời gian, nhưng ngày 23/4/2009, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với nội dung để tập trung phát triển sản xuất chống suy thoái kinh tế, nhất trí lùi thời gian thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước".
Năm 2010, kế hoạch thanh tra tiếp tục bị "đình" lại để tránh trùng lặp với đoàn làm việc của uỷ ban kiểm tra Trung ương.
Và cuối cùng, việc thanh tra toàn diện Vinashin chỉ được tiến hành vào tháng 7 năm nay, khi mà mọi sai phạm của tập đoàn này đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ và Chính phủ ban hành kế hoạch tái cơ cấu.
"Như vậy, Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, chương trình và kịp thời ra quyết định thanh tra đối với Vinashin. Không có việc Thanh tra Chính phủ trì hoãn thanh tra và cũng không có việc Chính phủ đã chặn lại không cho thanh tra đối với Vinashin", ông Trần Văn Truyền đánh giá.
Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, để xảy ra sai phạm ở tập đoàn này, "trước hết và chủ yếu do nguyên nhân nội tại Tập đoàn Vinashin, đồng thời có nguyên nhân quan trọng từ trách nhiệm quản lý và những bất cập trong thể chế về tổ chức, quản lý, thanh tra, kiểm toán, giám sát với DNNN nên đã có sự chậm trễ phát hiện và phát hiện không đầy đủ".
Trao đổi với báo giới tại hành lang kỳ họp chiều nay, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, cuộc thanh tra toàn diện Vinashin đã kết thúc tuần qua. Thanh tra Chính phủ đang soạn dự thảo báo cáo gửi lên Thủ tướng để ra kết luận cuối cùng.
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, vừa qua, mọi vấn đề do Thanh tra Chính phủ kết luận đều được chỉ đạo thực hiện.
"Nội dung kết luận vẫn là những ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ. Còn việc báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng xem xét đánh giá toàn bộ vấn đề và chỉ đạo việc thực hiện các kết luận đó", ông Truyền cho hay.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, do Luật hiện hành quy định chưa rạch ròi nên có lúc dẫn đến tình huống người đứng đầu cơ quan hành chính can thiệp rất sâu, cụ thể vào kết luận thanh tra.
-
Lê Nhung