Người Thủ đô chấp hành pháp luật kém hơn nơi khác?

Cập nhật lúc 18:42, 04/11/2010 (GMT+7)

- Trước đề xuất để Thủ đô áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức chung trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú, UB Pháp luật đặt câu hỏi "Phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn?".

Thẩm tra dự thảo Luật Thủ đô lần đầu tiên được trình ra Quốc hội chiều nay (4/11), UB Pháp luật đã "bác" rất nhiều đề xuất ưu tiên cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội của Chính phủ.

Sửa đổi thể chế để giải quyết ách tắc giao thông? Ảnh: VNE.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính phủ đã sửa 2 trong số 20 cơ chế đặc thù. Ảnh: LAD

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, thậm chí nhiều ý kiến thẩm tra còn cho rằng, việc đặt ra cơ chế đặc thù là không phù hợp với nguyên tắc pháp quyền.

"Trong khi tại tất cả các địa phương khác đều áp dụng thống nhất theo các quy định của luật thì việc đặt ra cơ chế đặc thù cho dù chỉ trong một số lĩnh vực là điều không bình thường. Lẽ ra với vị trí, vai trò Thủ đô của một quốc gia thì Hà Nội cần phải là “chuẩn mực” trong việc thi hành và áp dụng thống nhất pháp luật".

Chẳng hạn, hàng loạt vấn đề của Hà Nội như ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ách tắc giao thông, sự xuống cấp của cảnh quan đô thị, tình trạng cải tạo nhà cổ, biệt thự cũ không chặt chẽ, giải phóng mặt bằng chậm, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng các công trình sai phép, không phù hợp với quy hoạch... "là do thi hành pháp luật chưa nghiêm, nên giải pháp trước hết và chủ yếu là cần chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật chứ không phải là sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế, chính sách đặc thù".

Cũng theo UB Pháp luật, rất nhiều quy định có thể áp dụng được đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội, quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng, quản lý và bảo vệ môi trường.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận: Các vấn đề của Hà Nội là do thi hành pháp luật chưa nghiêm. Ảnh: LAD

Thậm chí nhiều điều, khoản trong dự thảo luật bị UB Pháp luật cho là hoàn toàn "thừa", bởi chỉ với các quy định hiện hành đã hoàn toàn có thể thực hiện được, như quy định UBND TP Hà Nội có thẩm quyền bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo để áp dụng chung đối với các trường chất lượng cao...

Với đề xuất để Thủ đô sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán hàng năm để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô, UB Pháp luật cho rằng "không nên coi việc tăng ngân sách cho Hà Nội là vấn đề có tính thường xuyên, liên tục, mà chỉ nên xác định đây là giải pháp trong một giai đoạn phát triển nhất định".

Giải pháp được UB đề xuất là mỗi nhiệm kỳ, Chính phủ trình Quốc hội quyết định đầu tư cho Hà Nội một số hạng mục công trình, chẳng hạn hệ thống tàu điện ngầm hoặc hệ thống giao thông đô thị khác, rồi hàng năm khi Quốc hội quyết định ngân sách, sẽ dành một khoản phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu đó. "Điều này cũng là để thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với Thủ đô Hà Nội", ông Thuận phát biểu.

Tuy dự thảo luật cũng như quy định hiện hành khẳng định quy hoạch Thủ đô do Thủ tướng phê duyệt, UB Pháp luật vẫn đề nghị đây là vấn đề lớn, hệ trọng liên quan đến cả nước, nên "cần sửa đổi Luật quy hoạch về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo hướng giao cho Quốc hội phê chuẩn quy hoạch Thủ đô".

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật chứ không phải được cư trú khắp nơi

Trao đổi với báo chí bên lề QH, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định Chính phủ đã có chỉnh sửa, giảm 2 cơ chế trong số 20 cơ chế đặc thù.

Việc quản lý nhập cư của Hà Nội có trái với Luật cư trú?

- Luật Thủ đô bổ sung cho các luật hiện hành, về nguyên tắc nó không trái Hiến pháp. Tuy nhiên, nếu không có quy định khác các luật khác thì có lẽ không cần thiết ban hành luật này. Vì thế, nếu nói luật này trái với luật khác là nâng cao vấn đề.

Còn việc giảm nhập cư là cần thiết để tránh việc gia tăng dân số ở Thủ đô mà có người đã gọi là thảm họa ùn tắc giao thông, để giảm bớt bộ mặt nhếch nhác của Thủ đô. Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật chứ không phải được cư trú khắp nơi. Vì thấy không thể nói quy định cư trú trong luật là trái với pháp luật.

Hiến pháp nói, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi ban hành luật này thì người dân ở thủ đô phải chịu quy định khác. Như vậy có trái Hiến pháp?

- Nói là người dân Thủ đô phải chịu là không phải, mà phải hiểu là bất kỳ ai đến Thủ đô cũng phải chịu, thế là bình đẳng. Người dân ở Thủ đô được hưởng nhiều lợi thế mà cả nước đã đầu tư nên phải nộp một số tiền cao hơn cũng là hợp lý.

Hơn nữa, việc thu thuế trước bạ đối với ô tô cao hơn không phải để thu tiền mà mục đích chính là để hạn chế sở hữu ô tô cá nhân. Nếu phương tiện cá nhân giảm, sẽ đỡ cho chi phí xã hội, lợi cho sản xuất kinh doanh.

  • Cao Nhật ghi

  • Khánh Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác