Kiến nghị không thông qua Quy hoạch Thủ đô
- Nhấn mạnh chuyện quy hoạch đô thị không thể chỉ là việc của những người làm kiến trúc, xây dựng, rất nhiều ý kiến phát biểu chiều 8/10 đề nghị hội thảo "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình" phải có kiến nghị chung để Chính phủ không thông qua bản quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Vết xe đổ
Không khí của tiểu ban 4 (Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị) tại hội thảo chiều 8/10 nóng lên sau phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa về "Những bài học kinh nghiệm của đại đô thị Hồ Chí Minh cho đại đô thị Hà Nội hướng tới phát triển bền vững".
Rất thẳng thắn khi thú nhận TP.HCM vướng quá nhiều sai lầm trong quá trình phát triển, TS Hòa mong Hà Nội "rút kinh nghiệm" để thật sự phát triển bền vững. Đó là sai lầm khi quy hoạch không gian đi trước quy hoạch kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch đô thị được xem là công việc thuần túy của KTS, khiến "khái niệm quy hoạch treo xuất hiện chính từ thực tế của TP.HCM, khi quá nhiều nội dung của quy hoạch bay bổng, chỉ tồn tại dưới dạng mô hình. Mong Hà Nội không giẫm vào vết xe đổ này".
Những sai lầm trong việc quy hoạch và phát triển TP.HCM dường như đang được "nhắc lại" ở Hà Nội, nào chuyện TP.HCM "dồn dập" phát triển về phía Nam khiến thành phố mất đi vùng thoát nước, thường xuyên bị ngập rộng và sâu, hậu quả không thể khắc phục được nữa; chuyện nén vào trung tâm quá dày đặc khiến cơ sở hạ tầng quá tải, chuyện không thành công khi phát triển các đô thị vệ tinh, chuyện quỹ đất dự trữ cạn kiệt... Nhưng dường như nghe diễn giả nhắc đến "chuyện" nào, cũng thấy người nghe bên dưới ưu tư vì hình như Hà Nội đang lặp lại đủ các vết xe đổ ấy rồi.
Chẳng thế mà TS Hòa tha thiết mong Hà Nội đừng lấp ao hồ nữa, hãy chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh, phải có quy hoạch kinh tế - xã hội để tránh chuyện quy hoạch treo. Hồ nước, cây xanh, khu phố cổ, khu thành cổ... là những cụm từ được nhắc lại nhiều lần trong các tham luận của học giả trong và ngoài nước khi nhắc đến những đặc trưng của Hà Nội, những yếu tố phải được nâng niu, gìn giữ, nếu muốn Hà Nội phát triển bền vững. Đó là chưa kể, yếu tố con người dường như đã bị bỏ quên hoàn toàn khi làm quy hoạch.
Hai phần thảo luận của buổi chiều, vì thế trở thành cơ hội để các chuyên gia bày tỏ rất nhiều lo âu với thực trạng phát triển của Hà Nội và bản quy hoạch chung đang được thực hiện, nhất là khi chủ tọa đề nghị hội thảo đề xuất những chỉ số để có thể đánh giá Hà Nội có phát triển bền vững hay không.
Trước đó, phần trình bày của KTS Ngô Trung Hải (Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng) về Quy hoạch chung đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của một nhà hóa học đến từ ĐH Bách khoa, rằng "đây là hội thảo khoa học, không phải nơi để Viện kể lại những thành tích trong việc thực hiện quy hoạch".
Tầm nhìn không quá... lỗ mũi
GS.TS Đỗ Thị Minh Đức nhắc chuyện phiếu lấy ý kiến người dân được làm rất hình thức, "làm chỉ để mà chơi", trong khi những người làm chính sách, làm quy hoạch lẽ ra phải thật sự lắng nghe, thậm chí mời gọi sự tham gia của các nhà khoa học. Theo bà, sự tham gia của người dân phải là chỉ số rất quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của thành phố, và phải làm thực chất, "các nhà khoa học cũng chính là người dân thôi mà".
Còn theo PGS Phạm Quang Anh, chỉ tiêu phải nhắc đến đầu tiên để có một Hà Nội phát triển bền vững chính là quan trí, tầm văn hóa của người quản lý và nhà quy hoạch, "còn nếu quy hoạch là ý chí của quyền lực như lời Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thì đương nhiên sẽ được thực thi bằng văn hóa quyền lực, văn hóa nhiệm kỳ. 35 năm từ ngày thống nhất đất nước, ta đã quản lý và phát triển Hà Nội ra sao, hay chỉ làm cho Hà Nội ngày càng phát triển kém bền vững hơn? Thẳng thắn mà nói, bản quy hoạch đang thực hiện, gọi là tầm nhìn 2050, nhưng là tầm nhìn không quá... lỗ mũi", PGS Quang Anh "bức xúc".
PGS Nguyễn Trần Cầu thì đặt thẳng vấn đề, sau khi mở rộng, "Hà Nội bây giờ không đủ tiêu chuẩn để là một đô thị nữa, và chúng ta đang nông thôn hóa đô thị Hà Nội mất rồi".
Nhấn mạnh chuyện quy hoạch đô thị không thể chỉ là việc của những người làm kiến trúc, xây dựng, rất nhiều ý kiến phát biểu đề nghị Hội thảo phải có kiến nghị chung để Chính phủ không thông qua bản quy hoạch này, làm lại một quy hoạch thật sự có tính liên ngành, "việc lấy ý kiến rộng khắp của giới khoa học, phải giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN, mới có được tính khách quan từ những trí thức, nhất là những trí thức cao cấp đã nghỉ hưu, để có được ý kiến hoàn toàn chuyên môn, không bị dính dáng lợi ích" như lời trần tình của PGS Nguyễn Trần Cầu.
Rất tiếc, không có đại diện nào của Bộ Xây dựng ở lại nghe phần thảo luận của hội thảo.
-
Khánh Linh