Luật Thủ đô: Cấp trên sẽ "thổi còi" nếu lạm quyền

Cập nhật lúc 05:31, 11/03/2010 (GMT+7)

- Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thủ đô hôm qua (10/3) tại hội nghị của Thường vụ Thành ủy mở rộng, nhiều đại biểu tiếp tục cho rằng Hà Nội cần được hưởng những cơ chế đặc thù riêng.

Mô tả ảnh.
Hà Nội sau mở rộng ngổn ngang công trình mới. Ảnh: Lê Nhung

Theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, muốn Thủ đô xanh, sạch đẹp thì mức phạt vi phạm giao thông, trật tự xây dựng cũng phải cao hơn các tỉnh. Mức cụ thể sẽ do Hội đồng nhân dân ban hành.

Phó Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực nêu quan điểm, thậm chí có thể phạt cao gấp mười lần, nhưng cũng không nên ghi cụ thể trong luật.

Ông Dực cũng cho rằng việc Hà Nội được phép giữ lại tối thiểu 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và Thành phố vẫn “chưa ăn thua gì” vì Hà Nội phải làm hầm ngầm, cầu vượt với rất nhiều công trình hạ tầng tốn kém khác.

Xung quanh chuyện quản lý dân cư, theo ông Dực, dự thảo luật quy định Hà Nội được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung… là quy định “mở”.

Nhưng, tiếp đó lại thêm điều kiện Chính phủ sẽ quy định điều kiện nhập cư vào khu vực nội đô là "siết" theo hướng “quản”. Việc vừa mở, vừa quản như vậy sẽ rất khó thực hiện.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Quang Nhuệ cung cấp thông tin, những năm qua tăng dân số nhiều nhất phải là huyện Từ Liêm. Do đó, nếu khu vực bên ngoài, dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn… sẽ có việc dân cư tự di chuyển ra bên ngoài thay vì chen chân vào nội đô.

“Thay vì biện pháp hành chính, nếu ta có biện pháp kinh tế sẽ hay hơn”, ông Nhuệ nói. Việc có khu vực “nội đô” để hạn chế nhập cư sẽ là mảnh đất dễ sinh ra tiêu cực, cửa quyền.

Không ít đại biểu dẫn lại những ý kiến lo ngại về việc Hà Nội sẽ có quá nhiều quyền so với các địa phương khác.

Nhưng theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, cũng không nên quá lo ngại việc giao UB, HĐND thành phố ban hành các quy định.

Bởi lẽ, trước khi ban hành, Hà Nội cũng phải xin ý kiến các bộ, ngành. Trong trường hợp có sai sót sau khi ban hành cũng phải sửa ngay. “Không lo lạm quyền vì lạm quyền thì cấp trên sẽ thổi còi, còn lo nhất là cứ chung chung, không ai chịu trách nhiệm”, ông Nghị nói.

Trong dự thảo Luật này có những quy định về “quyền” của Thủ đô thì cũng cần quy định “trách nhiệm”. Ngoài ra, khi lấy ý kiến các bộ, ngành. địa phương thì Ban soạn thảo phải kiên quyết bảo vệ những chính kiến phù hợp với đặc thù Hà Nội như tăng mức phạt xử lý vi phạm hành chính, quản lý dân cư, quản lý đất đai...

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý Ban soạn thảo tuy một mặt gấp rút làm luật cho kịp tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Theo đó, nếu Luật có thể được thông qua tại kì họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 6 tới đây) sẽ rất ý nghĩa kịp với kỷ niệm 1.000 năm, nhưng nếu vẫn còn những vấn đề vướng mắc phải lùi lại thông qua tại kì họp thứ 8 cũng là cần thiết cho một bộ luật chất lượng tốt.

Hiện dự án luật đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

  • Ngọc Lê

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác