Tiếp tục rót vốn cho tập đoàn kinh tế nhà nước

Cập nhật lúc 11:54, 15/11/2010 (GMT+7)

 - Theo Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 được thông qua sáng nay (15/11), Quốc hội chấp thuận chi cho 5 tập đoàn và Tổng công ty 91, đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách cho một số tập đoàn, NHTM để  thực hiện cho xong các nhiệm vụ Nhà nước đã giao.

Xem xét phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét việc chi cho các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91, các Ngân hàng thương mại Nhà nước.

Mô tả ảnh.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển (trái) . Ảnh: VietNamNet

Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là để thực hiện các công trình, dự án phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công công được Nhà nước giao chứ không phải cấp vốn cho doanh nghiệp Nhà nước.

Hơn nữa, trong số vốn có một số nguồn vốn ngoài nước (ODA) hỗ trợ trực tiếp, theo địa chỉ từng dự án, công trình cho các tập đoàn, tổng công ty.

Do đó, Quốc hội đã chấp thuận khoản chi cho 5 tập đoàn và Tổng công ty 91, trong đó vốn ngoài nước là 1.090 tỷ đồng hỗ trợ cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách Nhà nước cho một số tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục thực hiện cho xong các nhiệm vụ Nhà nước đã giao trong những năm trước đây. 

Tăng thanh tra, kiểm tra Petro Vietnam

Riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) được bố trí đầu tư 3500 tỷ đồng. Khoản ngân sách quốc gia nói trên dành cho Petro Vietnam trong năm 2011 được thông qua theo điều 2 của Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở trung ương và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (với tỷ lệ đa số phiếu tán thành chiếm 76,47%).

Mặc dù trước khi điều 2 được thông qua, trên 50% ý kiến của các đại biểu Quốc hội (200/398 phiếu) không đồng ý đầu tư trở lại 3500 tỷ đồng cho Petro Vietnam.

Một số ý kiến đề nghị bố trí 3.000 tỷ đồng, ý kiến khác đề nghị chỉ bố trí 1500 tỷ đồng, còn 2000 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước và yêu cầu báo cáo danh mục, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này.

Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có ý kiến trái lại, cho rằng, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án công trình đang trong qúa trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Ủng hộ việc đầu tư trở lại 3500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ báo cáo một số nội dung theo yêu cầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 9, sau đó mới quyết định chi cụ thể.

Để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và Petro Vietnam báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu  tư đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với Petro Vietnam nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật.

Xăng E5 pha chế Etanol không phải chịu thuế

Xăng E5 pha chế với Etanol, loại xăng ít gây ô nhiễm môi trường sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

Quốc hội sáng nay đã thông qua dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, theo đó không đặt Etanol trong danh mục đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.

Trong khi đó, các sản phẩm xăng nói chung sẽ chịu mức thuế từ 1000 đến 4000 đồng/lít.

Đáng chú ý, theo danh mục đối tượng chịu thuế của luật, lần đầu tiên, túi nilon bị điều chỉnh "đánh" thuế ở mức cao hơn so với hiện nay, tăng từ 20 nghìn - 30 nghìn đồng lên từ 30 nghìn lên 50 nghìn đồng.

Việc đánh thuế cao hơn túi nilon do đây là sản phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng, khó phân hủy, lại được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, dù hiện vẫn chưa có sản phẩm phổ biến thay thế.

  • X.Linh

Ý kiến của bạn

Các tin khác