Dự án Luật Thủ đô: Nhiều tranh luận chưa ngã ngũ

Cập nhật lúc 10:53, 07/03/2010 (GMT+7)

Ý kiến của các đại biểu góp ý cho dự án Luật Thủ đô cho thấy chính những người đang chủ trì soạn thảo dự luật này cũng còn khá nhiều băn khoăn trong việc xây dựng một cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Ngày 4/3, Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức cuộc họp tổ biên tập mở rộng dự án Luật Thủ đô trước khi trình Chính phủ vào trung tuần tháng 3. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh trần tình: “Dự luật còn nhiều nội dung cần phải suy nghĩ và tiếp tục hoàn chỉnh”.

Chưa rõ cơ chế kiểm tra, giám sát

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận xét, dự án đang được lấy ý kiến (rút còn 34 điều so với 56 điều trước đó) so với Pháp lệnh Thủ đô hiện hành thì “chưa có gì khác lắm”. Mặt khác, những ưu tiên đặc thù dành cho Hà Nội (so với các tỉnh, thành khác) đòi hỏi thành phố phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn nhưng dự luật lại chưa đề cập. Chẳng hạn, dự luật quy định chính quyền Thủ đô được quyết định các khoản phụ cấp, mức thưởng, mức thù lao đối với đội ngũ công chức, viên chức của Thủ đô. Công chức Hà Nội được trả lương cao hơn, vậy yêu cầu thế nào?

“Tiêu chuẩn như nhau nhưng lại được hưởng ưu đãi hơn thì không được. Nếu quy định như dự luật sẽ khó nhận được sự đồng tình của 62 đoàn đại biểu Quốc hội khác” - Bộ trưởng Cường thẳng thắn.

Mô tả ảnh.
Công chức Hà Nội được trả lương cao hơn, vậy yêu cầu thế nào? Ảnh minh họa: VA

Bà Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), băn khoăn cơ chế kiểm tra, giám sát thể hiện trong dự án luật còn yếu. Cơ chế thông tin, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến cũng chưa đủ mạnh. Dự luật cũng chưa đề cập tới việc giám sát và phản biện xã hội của người dân đối với việc thực thi quyền lực của chính quyền thành phố. “Những việc lớn như điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thì phải có sự tham gia ý kiến của người dân” - bà Mai nói.

Nên đưa mức chế tài vào luật

Dự án mới nhất đã bỏ quy định công dân muốn đăng ký thường trú tại thủ đô phải đáp ứng điều kiện đã tạm trú liên tục tại thủ đô từ năm năm trở lên, có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường gợi ý tổ biên tập nghiên cứu bổ sung vào dự án quy định từ vành đai ba (hoặc vành đai hai) trở vào là khu vực nội đô, hay đô thị lõi; việc quản lý về quy hoạch, dân cư… tại đây phải được thực hiện nghiêm ngặt. Công dân sinh sống tại nội đô phải đáp ứng các điều kiện: có công việc ổn định, có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Điều 22 dự luật quy định chính quyền Thủ đô có trách nhiệm ban hành và thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông của thủ đô. Bên cạnh đó, điều 29 dự luật cũng quy định Chính phủ có trách nhiệm quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn so với quy định chung trong các lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, xây dựng, giao thông, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để áp dụng trên thủ đô.

Ông Khanh cho rằng nếu cụ thể hóa được mức chế tài (tăng hai lần hoặc ba lần) thì nên quy định thẳng vào luật.

Nhiều băn khoăn

Điều 27 dự luật quy định: “trong trường hợp cần thiết (…), HĐND thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật quy định. Việc ban hành văn bản QPPL trong trường hợp này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, thừa nhận quy định như vậy là vênh so với Luật Ban hành văn bản QPPL và vướng Hiến pháp ở quy định “phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên hiến kế, có thể xin cơ chế cho phép thành phố thí điểm áp dụng với những trường hợp nêu trên.

Ông Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, lại nêu băn khoăn: “trường hợp có sự khác nhau giữa luật này với các luật hiện hành có liên quan thì áp dụng các quy định của luật này…”. Theo ông Sơn, Điều 83 Luật Ban hành văn bản QPPL đã quy định rõ nguyên tắc áp dụng văn bản QPPL. “Giả sử hai luật quy định cùng một vấn đề, luật kia ban hành sau Luật Thủ đô thì áp dụng thế nào?” - ông Sơn hỏi.

Theo Pháp luật TP.HCM

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác