Dự thảo Luật Thủ đô và quyền tự do công dân

Cập nhật lúc 07:08, 19/01/2010 (GMT+7)
- Dự thảo lần 3 Luật Thủ đô mới được công bố có những quy định giới hạn một số quyền cơ bản của công dân, quyền tự do cư trú và quyền tự do lao động, một cách thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn.

>> Tạm trú 5 năm mới mong thành người Thủ đô

Đây là các nhân quyền cơ bản, cần đối chiếu với những quy phạm pháp lý quốc tế (luật nhân quyền quốc tế) và quốc gia liên quan để đánh giá những nội dung này trong Dự thảo.

Quyền tự do cư trú

Theo khoản 1 điều 19 dự thảo, ngoài các điều kiện đã được pháp luật về cư trú quy định, công dân muốn đăng ký thường trú ở Thủ đô phái đáp ứng các yêu cầu: a) Đã tạm trú liên tục tại Thủ đô từ 5 năm trở lên; có văn bản chứng minh về chỗ ở; b) Người lần đầu đăng ký thường trú phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu…

Mô tả ảnh.
Dự thảo Luật Thủ đô dự kiến sẽ được trình và thông qua tại Quốc hội trong năm 2010. Ảnh: CN

Trước hết, có thể khẳng định bản thân việc tiếp tục yêu cầu công dân phải đăng ký nơi thường trú bằng chế độ hộ khẩu như hiện nay chỉ nên coi là biện pháp trong thời gian quá độ. Hiện chỉ có 4 quốc gia trên thế giới còn sử dụng chế độ hộ khẩu (Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản).

Nói cách khác, việc quản lý về nơi cư trú của công dân không phải là phương thức được nhiều xã hội văn minh áp dụng. Hàn Quốc đã bỏ chế độ hộ khẩu từ ngày 1/1/2008, chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc đang được nới lỏng dần.

Năm 2006, khi thảo luận Luật Cư trú tại Quốc hội Việt Nam, một số đại biểu cũng đã nêu vấn đề liệu hộ khẩu đã có thể bỏ được chưa…Tuy nhiên, số đại biểu cho rằng cần duy trì đã chiếm ưu thế vào thời điểm đó. Và thực tế là hiện còn có nhiều lợi ích, nhu cầu cơ bản của người dân phải tiếp tục phụ thuộc hay “ăn theo” hộ khẩu.

Quyền tự do cư trú gắn liền với quyền tự do đi lại, đây là hai quyền rất quan trọng cho việc phát triển cá nhân, cũng là tiền đề cho phát triển xã hội. Chính vì tầm quan trọng của nó mà pháp luật quốc tế cũng như Hiến pháp mọi quốc gia đều ghi nhận và bảo vệ. Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) khẳng định “Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia”.

Quy định này được tái khẳng định và cụ thể hóa trong điều 12 và điều 13 Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR năm 1966) mà Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ vì đã gia nhập từ năm 1982.

Quyền tự do đi lại và cư trú không phải là quyền tuyệt đối, nó có thể bị hạn chế, nhưng để tránh sự tùy tiện của các chính quyền, luật quốc tế quy định khá chặt chẽ về điều kiện để hạn chế quyền này. Theo khoản 3 điều 12 ICCPR thì chỉ được hạn chế quyền này khi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được ICCPR công nhận.

Trong pháp luật Việt Nam, quyền tự do đi lại và cư trú được ghi nhận tại điều 68 Hiến pháp 1992, cũng như tại điều 48 Bộ luật Dân sự và điều 3 Luật cư trú. Tuy nhiên, để được đăng ký thường trú ở thành phố thì công dân phải chứng minh mình có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên (điều 20 Luật cư trú, ngoài ra có một số trường hợp khác).

Việc dự thảo Luật Thủ đô định ra mức tạm trú 5 năm, cao hơn cả Luật cư trú, rõ ràng là giới hạn quyền của công dân mức độ cao hơn. Các nhà soạn thảo luật không thể có cơ sở để cho rằng việc hạn chế này là vì lý do “trật tự công cộng” vì không phải người tạm trú nào cũng vi phạm pháp luật. Nếu người nào có hành vi vi phạm pháp luật thi về nguyên tắc bình đẳng cũng cần xử lý như mọi công dân khác.

Từ mấy nét khái quát trên, có thể thấy khoản 1, điều 19 dự thảo là không có căn cứ thuyết phục và đi ngược với xu hướng chung của phát triển xã hội.

Quyền làm việc

Theo khoản 2, điều 19 dự thảo quy định về điều kiện làm việc tại Hà Nội, người không thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại Thủ đô phải có giấy phép lao động do Sở Thương binh xã hội của Thành phố cấp. Quy định này còn thiếu căn cứ hơn cả quy định về cư trú nêu trên.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Khoa học Đời sống

Các văn kiện nhân quyền quốc tế quy định quyền làm việc và tự do lựa chọn nghề nghiệp bên cạnh quyền được đảm bảo điều kiện lao động hợp lý, được trả thù lao hợp lý, được thành lập công đoàn, được đình công, quyền được nghỉ ngơi…

Điều 23 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền quy định “Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp”. Điều 55 Hiến pháp và Điều 5 Bộ luật Lao động Việt Nam cũng ghi nhận quyền về lao động. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, năm 1966, Việt Nam cũng đã gia nhập từ năm 1982) cụ thể hóa các quyền về lao động.

Theo khoản 1, điều 6 của Công ước này thì “các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này”.

Khoản 2 điều này còn quy định cụ thể hơn việc các quốc gia phải tiến hành các biện pháp cần thiết như triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội để tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích cho từng cá nhân. Như vậy, Nhà nước Việt Nam (cả bộ máy từ trung ương đến địa phương, cả khu vực nông thôn và đô thị) không chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền làm việc, mà còn có nghĩa vụ tạo việc làm cho công dân.

Thế nhưng, theo khoản 2 điều 19 dự thảo Luật Thủ đô, người ngoại tỉnh vào Hà Nội (không thường trú hoặc tạm trú) làm việc sẽ phải làm bộ hồ sơ nộp cho Sở Lao động để xin giấy phép lao động. Tư duy xin - cho, muốn quản lý xã hội bằng các loại giấy phép, quả thực còn bám dai dẳng trong các cơ quan công quyền.

Quy định của dự thảo không chỉ hạn chế quyền làm việc của công dân mà còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng. Chưa kể hiện nay, nhiều loại công việc, dịch vụ có thể thực hiện qua mạng Internet từ một tỉnh khác hay một quốc gia khác, việc định vị xem người lao động làm việc ở đâu không có ý nghĩa gì.

Việc nhiều người lao động nhập cư vào thành phố làm việc là điều dễ hiểu trong một nền kinh tế thị trường. Nếu không vì lý do mưu sinh, phải kiếm sống thì chẳng mấy người muốn xa nhà, phần đông những người lao động nhập cư là “bị đẩy ra thành phố”. Giải quyết vấn đề của các đô thị vì vậy có những gốc rễ ở nông thôn. Đô thị hóa, tập trung dân cư về các đô thị là tất yếu trong tiến trình phát triển.

Hiện nay tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam khoảng 30%, con số này sẽ tiếp tục tăng dần đến 50% và hơn thế nữa. Điều này lẽ ra cần được nhận ra từ lâu bởi các nhà hoạch định chính sách để có các quy hoạch đô thị tổng thể, tránh được tình trạng đô thị tương đối hỗn loạn như hiện nay.

Tuy nhiên, dù thế nào thì bảo đảm đời sống bình yên và môi trường an toàn cho cộng đồng là trách nhiệm trước hết của các cơ quan nhà nước. Quyền con người mang tính phổ quát, phổ biến, do đó bài toán cân bằng giữa tự do cá nhân và phát triển dù khó. Những quy phạm đặc thù cho Hà Nội chỉ có thể là để bảo vệ con người tốt hơn trước các rủi ro, bất ổn, chứ không thể khiến những nhóm vốn yếu thế trong xã hội lại bị phân biệt đối xử hơn.

  • Luật sư Lã Khánh Tùng (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Ý kiến của bạn

Các tin khác