Chống tham nhũng: Không ai chờ đợi quá lâu

Cập nhật lúc 14:04, 16/11/2010 (GMT+7)

- "Nếu một lần người tham nhũng không bị trừng phạt, cuộc chiến chống tham nhũng của các bạn sẽ bị một bước lùi, nhiều nỗ lực trước đó sẽ thành số 0 và lòng tin của người dân sẽ bị giảm sút" - ông Pascal Fabie, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) chia sẻ.

>> Nỗi đơn độc của những người chống tham nhũng

Người thổi còi

Quan sát những kết quả mà các nước trong khu vực đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng, theo ông, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì?

- Tôi nghĩ cách Việt Nam đang nỗ lực đối phó với tham nhũng rất đáng được ghi nhận: cam kết của chính phủ, Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, Chiến lược quốc gia về PCNT, hiện nay Luật tố cáo cũng đang được thảo luận, trong đó người tố cáo sẽ được bảo vệ...

Mô tả ảnh.
Ông Pascal Fabie (giữa) tại Hà Nội tháng 9/2010

Chúng ta phải hết sức cẩn thận khi học hỏi kinh nghiệm của các nước, vì mỗi hệ thống chính trị khác nhau sẽ cần những cách tiếp cận khác nhau.

Nhưng tôi nghĩ Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Malaysia, Thái Lan và Indonesia trong việc thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, của người dân vào công cuộc chống tham nhũng.

Chống tham nhũng không chỉ là việc của chính phủ, dù chính phủ đóng vai trò then chốt, và cam kết chính trị của chính phủ sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân có được hành lang pháp lý tốt hơn, được tiếp cận thông tin chính xác hơn.

Mặt khác, chính sự mạnh mẽ của cộng đồng sẽ "thúc ép" chính phủ phải mạnh tay hơn. Chính cộng đồng sẽ là những "người thổi còi" chính xác nhất các hành vi tham nhũng, kể cả của khu vực công hay khu vực tư.

Vấn đề là chính phủ phản ứng thế nào với những trường hợp tham nhũng được người dân phát hiện. Trước hết, những người tố cáo tham nhũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Liệu người tố cáo được bảo vệ có đủ khuyến khích sự tham gia của cộng đồng chưa?

- Đó là một xuất phát điểm không thể thiếu. Một điều rất quan trọng nữa là, nếu chính phủ tiến hành điều tra nghiêm túc, xử lý nghiêm minh những trường hợp tham nhũng bị phát hiện đó, thì sẽ có thêm những người thổi còi khác góp sức cùng chính phủ. Còn ngược lại, niềm tin của người dân sẽ bị giảm sút, những người tố cáo sẽ cảm thấy mình là tiếng nói lạc lõng, và họ sẽ bỏ cuộc.

Câu chuyện cũng hoàn toàn tương tự như thế với vai trò của truyền thông.

Vấn đề là, chính các bạn sẽ biết rõ hơn ai hết, các bạn muốn một xã hội thế nào cho thế hệ con cháu?

Trong một xã hội tham nhũng, đại đa số sẽ là nạn nhân, tất nhiên nặng nề nhất sẽ là những người nghèo đói, nhưng kể cả người giàu hay người có quyền lực cũng sẽ bị tham nhũng đánh bại.

Từ bước lùi đến con số 0

Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần thứ 14 mới đây có chủ đề là "Khôi phục lòng tin: Hành động toàn cầu vì sự minh bạch". Ông có nghĩ rằng sau hội nghị này, niềm tin sẽ được khôi phục không?

- Phải thẳng thắn nhận định, những bước tiến của chúng ta chậm hơn sự mong đợi của rất nhiều người.

Luật chơi sẽ giống nhau trong mọi cuộc chiến chống tham nhũng ở cấp quốc gia. Cam kết chống tham nhũng của chính phủ phải được thể hiện thông qua những hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn. Không chỉ là việc xây dựng hệ thống pháp luật tốt, mà quan trọng nhất là việc xử lý triệt để mỗi khi một vụ tham nhũng được phát hiện.

Nếu một lần người tham nhũng không bị trừng phạt, cuộc chiến chống tham nhũng của các bạn sẽ bị một bước lùi, nhiều nỗ lực trước đó sẽ thành số 0 và lòng tin của người dân sẽ bị giảm sút. Tôi nghĩ người dân sẽ kiên nhẫn trong một khoảng thời gian, nhưng không ai có thể chờ đợi quá lâu!

TI có rất nhiều công cụ kỹ thuật để hỗ trợ các quốc gia, như Hiệp ước Liêm chính (Integrity pact) nhằm tăng cường minh bạch hóa trong đấu thầu công. Đây là thủ tục pháp lý gồm thỏa thuận giữa một chính phủ hoặc một cơ quan chính phủ với tất cả các nhà thầu tham gia hợp đồng nhà nước.

Thỏa thuận liêm chính quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên với mục đích không để xảy ra việc đưa và nhận hối lộ, hoặc tình trạng cấu kết, thông đồng giữa các đơn vị tham gia đấu thầu để dành được hợp đồng...

Ngoài ra, TI còn có rất nhiều công cụ khác dành cho nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam cũng đã sử dụng một số công cụ, như Bảng hỏi điều tra giới trẻ ở Việt Nam về quan niệm và trải nghiệm của họ về tham nhũng và liêm chính.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt dự án “Xây dựng Tính nhất quán và Minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI)” vào đầu năm 2010. Thúc đẩy và tăng cường liêm chính và minh bạch trong kinh doanh ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới là vô cùng quan trọng giúp giảm thiểu "phần cung" của tham nhũng. Khu vực tư nhân là một phần của vấn đề, và họ sẽ phải là một phần quan trọng của giải pháp để giúp giảm vấn nạn hối lộ và tham nhũng.

  • Khánh Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác