"Hoãn" Luật Thủ đô
- Do chưa chuẩn bị kịp nên dự án Luật Thủ đô sẽ không thể được trình Quốc hội ở kỳ họp khai mạc 2 tuần tới - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (6/5).
Trước đó, theo chương trình dự kiến, dự án Luật Thủ đô sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 10/5 trước khi trình Quốc hội tháng 5. Nhưng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ lại xin hoãn vào chiều hôm qua (5/5).
Như vậy, mặc dù ban soạn thảo thời gian gần đây đã ráo riết sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự án luật nhằm kịp thông qua ngay kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng đã "rộng cửa" đưa vào chương trình làm luật lần này, nhưng Chính phủ vẫn tiếp tục "bác" dự án luật này vì chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Ban soạn thảo Luật Thủ đô được thành lập tháng 7/2009. Trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu năm nay, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Luật Thủ đô được ban hành sẽ tạo thêm điều kiện về pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội.
Tuy nhiên, bản dự thảo lần đầu với 7 chương và gần 60 điều đã vấp phải sự phản ứng của dư luận vì nhiều quy định chưa hợp hiến, hợp pháp.
Chẳng hạn, công dân muốn đăng ký thường trú tại Thủ đô phải đáp ứng yêu cầu là đã tạm trú liên tục tại Thủ đô từ 5 năm trở lên. Người thường trú hoặc tạm trú muốn làm việc tại Hà Nội phải có giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội cấp. Hoặc, Thủ đô được hưởng một số cơ chế đặc thù như có cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng, về tài chính, đất đai, thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật...
Tháng 2 năm nay, tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án án Luật Thủ đô ngay tháng 5. Một trong những lý do để thúc đẩy dự án luật này được thông qua chóng vánh là để kịp với tiến độ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình cao trong Ủy ban Thường vụ.
Tiếp đó, ngày 8/4, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án Luật Thủ đô. Theo Thủ tướng, đây là một dự án luật rất đặc thù, quy định tổng hợp nhiều vấn đề, nhưng thời gian soạn thảo chưa nhiều, việc chuẩn bị có nhiều khó khăn nên chất lượng dự thảo còn hạn chế, cần nghiên cứu tiếp.
Tuy nhiên, công văn triệu tập ngày 16/4 của Văn phòng Quốc hội gửi các đoàn ĐBQH vẫn nêu rõ, sẽ thảo luận dự án Luật Thủ đô vào tháng 5 và có thể thông qua nếu được đa số đại biểu tán đồng.
Tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình đầu tuần này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, không đặt nặng vấn đề "chạy đua" với kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nhưng sẽ phải làm quyết liệt để có thể thông qua dự án luật ngay ở kỳ họp giữa năm của Quốc hội.
Bản dự thảo Luật Thủ đô mới nhất vừa được ban soạn thảo hoàn chỉnh đã rút xuống chỉ còn 14 trang với 36 điều, đã lược bỏ nhiều quy định gây tranh cãi về tính hợp hiến, hợp pháp và không khác nhiều so với Pháp lệnh Thủ đô.
-
Lê Nhung