Xem người Phần Lan xuất khẩu sự minh bạch

Cập nhật lúc 06:01, 17/11/2010 (GMT+7)

Người dân và các nhà hoạch định chính sách Phần Lan cố gắng thể hiện nỗ lực chống tham nhũng của họ trên bình diện quốc tế.

>> Chính trị sạch để kiểm soát tham nhũng>> Chiếc xe đạp không khóa và nền chính trị sạch

Năm 2004, liên minh các tổ chức môi trường ở Phần Lan đã phát hiện ra rằng, một nhà máy bột giấy ở Riau, Indonesia, được xây dựng nhờ các quỹ và sự hỗ trợ công nghệ của Phần Lan, đã sử dụng các cây khai thác trái phép làm bột gỗ từ một công viên quốc gia và rừng bảo tồn của Indonesia.

a
Ảnh: nationalgeographic
Liên minh này lập tức bắt đầu một chiến dịch để thuyết phục Phần Lan không hỗ trợ tài chính và công nghệ cho bất kỳ dự án nào liên quan tới lâm nghiệp ở Indonesia, nếu sử dụng các biện pháp không bền vững hoặc dính líu tới khả năng tham nhũng.

Cùng năm đó, người dân Phần Lan đã rất tức giận, yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện về thỏa thuận tài chính tham nhũng là một phần gói trợ giúp dược phẩm cho chính phủ Costa Rica, liên quan tới cả chính phủ Phần Lan và Instrumentarium - công ty dược hàng đầu nước này.

Người Phần Lan sẽ không dung thứ cho hành vi tham nhũng, dù ở trong hay ngoài nước.

Với những thành tựu của mình, Phần Lan thực sự là nơi để đào tạo các quan chức chính phủ khắp thế giới - đặc biệt là các nước xảy ra nạn tham nhũng - về một nền chính trị sạch. Ngoài thương hiệu điện thoại di động Nokia và công nghệ liên quan tới lâm nghiệp, giờ đây, Phần Lan có thể tính tới việc “xuất khẩu" chính sách minh bạch và chống tham nhũng. Đã trở nên khó có thể đi ở Helsinki mà không “đụng độ” với một quan chức, một bộ trưởng, hay một nhóm công chức đến từ các vùng khắp thế giới, tất cả là để nghiên cứu “danh thơm” về một nền chính trị trong sạch.

Người dân Phần Lan nổi tiếng là ngắn gọn súc tích, nhưng khi nói với người khác về nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả của mình, họ sẽ rất dông dài.

Có lẽ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất với mô hình dựa trên sự minh bạch của Phần Lan là từ Singapore - quốc gia châu Á duy nhất và quốc gia duy nhất không đến từ phương Tây lọt vào top 5 xếp hạng hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Thành công khác thường của Singapore trong kiểm soát tham nhũng ở cả lĩnh vực công và tư nhân là một thách thức với mô hình Phần Lan, đồng thời tạo ra sự so sánh về giá trị hai bên.

Mô hình của Phần Lan không chỉ dựa trên chính sách chính phủ mà còn dựa trên đặc điểm chính trị và văn hóa rộng lớn của lòng tin xã hội nhà nước minh bạch, thực hành dân chủ, và hoạt động xã hội dân sự, trách nhiệm cá nhân, phúc lợi rộng rãi.

Mô hình Singapore lại khác hẳn, khi dựa trên sự kiểm soát chính phủ từ trên xuống dưới, quản lý bằng chính sách, thực thi và thực hiện thông qua các thể chế mạnh mẽ. Mô hình Singapore bỏ qua lĩnh vực xã hội dân sự, tập trung vào mọi khía cạnh của chính sách chống tham nhũng, chính phủ tự giám sát và thực hiện.

Minh bạch trong mô hình Singapore thiên về trách nhiệm pháp lý, hay đúng hơn minh bạch từ chính việc thực hiện hiệu quả chính sách công thông qua các kênh dân sự. Sự hấp dẫn của mô hình này là cho phép một chính phủ thực hiện chính sách chống tham nhũng một cách nhanh chóng mà không cần sức mạnh tiềm tàng của xã hội dân sự. Nói cách khác, với mô hình thành công của Singapore, các biện pháp chống tham nhũng có thể được thực hiện mà không đòi hỏi đi kèm theo nó là tự do hóa hay cải cách dân chủ.

Tuy nhiên, mô hình của Singapore cũng có những bất lợi. Đầu tiên, khi bỏ qua lĩnh vực xã hội dân sự, việc thực hiện và đánh giá chính sách chống tham nhũng đều nằm trong tay quan chức, xa rời sự giám sát của người dân. Chính phủ tự xem xét đánh giá các hành động và chính sách của mình, hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào việc tự cải tổ, tự giám sát.

Thứ hai, mô hình của Singapore quá đắt đỏ. Chưa rõ liệu mức độ tham nhũng thấp ở nước này có thể được duy trì nếu họ không còn trả lương quá cao cho các công chức. Singapore nỗ lực kiểm soát tham nhũng bằng cách cung cấp một mức lương rất cao cho bộ máy công chức.

Ví dụ, nội các của Singapore được trả lương cao nhất thế giới, nhưng quốc gia nhỏ bé này có thể duy trì được điều này chỉ khi đảm bảo và giữ vững những thành công vượt bậc về kinh tế.

Cuối cùng, mô hình của Singapore có thể không bền vững và về lâu dài là không hiệu quả khi giảm bớt tham nhũng đi liền với tỉ lệ chi tiêu ngày càng lớn trong ngân sách quốc gia.

Trong khi đó, mô hình Phần Lan, dựa trên lòng tin của người dân và xã hội, đã thành công thậm chí kể cả khi nước này là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu trước đây. Thể chế dựa trên lòng tin đơn giản là hiệu quả hơn thể chế dựa trên sự sợ hãi.

Vậy có thể rút ra được những bài học gì từ nền chính trị sạch của Phần Lan? Khác với cách tiếp cận của Singapore để ngăn chặn tham nhũng vốn khó có thể áp dụng với những quốc gia không mạnh về kinh tế và đang phải vật lộn với tham nhũng, mô hình Phần Lan có thể được xuất khẩu, thích hợp với nhiều cách ứng dụng khác nhau với những nền văn hóa, chính trị khác nhau.

Những nhân tố chính là: Thiết lập và bảo vệ bằng luật pháp các kênh tạo điều kiện giao tiếp, thông tin thuận lợi giữa các tác nhân tư nhân (lòng tin xã hội), giữa tác nhân tư nhân và nhà nước (minh bạch); các thể chế cho phép thực hiện hiệu quả chính sách công; một xã hội dân sự sôi nổi, vì những giá trị dân chủ căn bản như cởi mở, công bằng, minh bạch và trách nhiệm. Mô hình của Phần Lan cho thấy tất cả các nhân tố này cần được nuôi dưỡng để duy trì những mức tối ưu cho một chính phủ sạch.

Thực hành chính trị quan trọng như chính sách, và một mình chính sách sẽ không bao giờ đủ. Những hứa hẹn về nền chính trị sạch theo mô hình Phần Lan là điều không ai có thể bỏ qua.

  • Thái An dịch

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác