Phần Lan: Công bằng hơn, cạnh tranh hơn
Phần Lan là quốc gia duy nhất ở châu Âu chưa từng có một quốc vương hay một tầng lớp quý tộc. Ở đây, không có hệ thống trường tư thục, không có câu lạc bộ đẳng cấp hay nơi tập trung các cộng đồng “quý tộc” - nơi người giàu có thể tách mình ra khỏi cuộc sống hàng ngày.
Một trong những người giàu nhất ở Phần Lan là Risto Siilasmaa, ngoài 40 tuổi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành F-Secure, hãng bảo mật Internet cạnh tranh thành công với các đại gia Mỹ Symantec và McAfee. Siilasmaa, điển hình của một triệu phú tự làm giàu, có tài khoản vài trăm triệu USD.
Hệ thống giáo dục Phần Lan là chìa khoá cho sự thành công của đất nước. Ảnh: newamerica
Vợ anh, Kaisu, là mẹ của ba đứa trẻ, lại theo đuổi sự nghiệp không có gì liên quan tới “phu nhân” triệu phú. Cô dạy lớp một và lớp hai ở một trường bình thường. Giống như mọi người Phần Lan khi đề cập tới tiền bạc, Siilasmaa không hoàn toàn thừa nhận không hứng thú với vấn đề này. “Tôi là người thích cạnh tranh, tôi muốn chiến thắng”, anh nói. “Nhưng tôi đã kiểm đủ tiền từ khi 15 tuổi”.
Điều này dường như là một phần trong chủ nghĩa quân bình của người Phần Lan: Phần lớn họ không thích phô trương giàu có hay tiêu dùng hoang phí. Chính quyền ở Phần Lan biết rõ thu nhập của từng người, và họ đưa ra các mức phạt phụ thuộc vào sự giàu có của người vi phạm. Năm trước, một người thừa kế công ty xúc xích giàu có ở địa phương đã bị phạt 170.000 euro (khoảng 204.000 USD thời điểm đó) do lái xe quá tốc độ tại Helsinki.
Hệ thống giáo dục Phần Lan là chìa khóa cho sự thành công của đất nước, và cũng là sự biểu thị của chủ nghĩa quân bình.
Với các nhà cải cách, giáo dục là một lĩnh vực trọng yếu. Hệ thống truyền thống của Phần Lan khá bảo thủ và bất đồng. Trẻ em được chọn lựa thông qua thi cử, người thi trượt không có cơ hội tiếp cận nền giáo dục cao hơn. Trường đại học khá ít ỏi và phần lớn ở mức bình thường.
Và các nhà cải cách đã quyết định, cần phải “hoàn thiện” chế độ học phí, mọi trẻ em đều được tới trường như nhau trong suốt chín năm học mà không cần thi cử đánh giá khả năng. Chỉ tới bậc trung học mới đánh giá học sinh liên quan tới mục tiêu hướng nghiệp. Trường học được chính quyền địa phương quản lý, nhưng chương trình cải tổ do Ủy ban Giáo dục quốc gia và chính phủ kiểm soát.
Chìa khóa của cải tổ giáo dục chính là đào tạo giáo viên. Dạy học là một nghề được trọng vọng ở Phần Lan và ngày càng trở nên danh giá. Giáo viên phải hoàn thành bằng cấp ngành sư phạm trong vòng sáu năm. Chương trình cải cách ban đầu đã không được ủng hộ.
Tuy nhiên, vào cuối thập niên 80, hệ thống mới khá phổ biến. Chương trình cải tổ đã khiến cho Phần Lan có thêm nhiều trường đại học chất lượng cao. Một cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 90 đã là phép thử chuẩn xác và chứng minh rằng, thậm chí ngay trong bối cảnh sụt giảm, Phần Lan vẫn phải giữ vững hệ thống giáo dục mới này.
Thực tế là như vậy. Phần Lan trong thập niên 90 đã trở thành một “cường quốc công nghệ cao”, dẫn đầu là Nokia, giờ đây là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Học sinh Phần Lan được đánh giá là xuất sắc nhất thế giới.
Chính giáo viên và hiệu trưởng các trường được quyền viết chương trình giảng dạy, chọn sách giáo khoa và phân phối các nguồn tài nguyên.
Một số nhà doanh nghiệp tại Phần Lan bày tỏ mong muốn chính phủ yêu cầu sinh viên các trường đại học đóng một khoản chi phí phù hợp để ít nhất “họ nhận thức thấy giá trị của điều đó”. Sinh viên Phần Lan không phải đóng học phí và còn được cấp một khoản tiền chi tiêu trong quá trình học tập.
Người Phần Lan đề cập tới Dự án Quốc gia của mình, một nỗ lực liên quan tới mọi phương diện nhằm giúp đất nước nâng cao chất lượng giáo dục hơn, linh hoạt và thích nghi hơn, xanh hơn, công bằng hơn, cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Manuel Castells, nhà xã hội học giảng dạy tại trường Đại học Nam California, người viết về Phần Lan trong suốt một thập niên cho rằng, khả năng của Phần Lan trong việc “làm mới” chính mình tiếp theo sự thành công trong việc tạo ra một chương trình phúc lợi xã hội đã khiến cho người dân nước này cảm thấy an tâm. "Nếu bạn cung cấp sự đảm bảo cho người dân, bạn có thể tiến hành cải tổ”, ông nhấn mạnh.
-
Diệu Thúy (Theo Washington Post)