Chống tham nhũng: Sợ mất chức, mất quyền
- Theo những người dân dám đương đầu với tiêu cực, chống tham nhũng, thì có nhiều đảng viên chỉ sống lương thiện mà không đủ dũng khí đấu tranh, hoặc chỉ dám lén cung cấp tài liệu chứ không "ra mặt".
>> Chống tham nhũng: Không ai dám nói mới đáng sợ
Ông Phùng Chí Công (trái): Vấn đề nào các lãnh đạo thấy trả giá với tôi không được thì họ hứa. Hứa sẽ chỉ đạo làm, nhưng dây dưa. Ảnh: LN |
Nhiều gương điển hình là các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí tại hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích chống tham nhũng đã nói rằng họ bị trù dập vì chống tham nhũng. Còn ông đang là một Chánh Văn phòng của UBND quận mà lại tham gia chống tham nhũng tích cực thì có bị gây sức ép nào khi làm việc không?
- Ảnh hưởng chứ. Tôi bị mời tới mời lui. Mình đấu tranh chống tham nhũng nhưng bị coi như người đi vu khống. Trong lúc chứng cứ tôi đưa ra bị phớt lờ thì họ quay lại phía tôi buộc tội tôi chuyện này chuyện kia. Đó mới là điều đau lòng.
Trước đến nay, tôi cũng chưa thấy đồng chí chánh văn phòng nào tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng kiểu như tôi.
Tôi thì tham gia tích cực từ lần thứ nhất vào năm 1998 - 2003, phanh phui ra nhiều vị lãnh đạo bán tài sản nhà nước tịch thu của chế độ cũ, tham ô.
Gia đình tôi bị xã hội đen bao vây nhà hàng tháng trời, mang gậy gộc mã tấu đi lòng vòng, vào nhà hằm hè, nói tôi đi chỗ này chỗ kia dám phát biểu này nọ. Tôi rất ngạc nhiên vì cho rằng đây là chuyện nội bộ, phát biểu nội bộ sao lại liên quan xã hội đen. Nhưng khi báo công an và quận ủy thì không ai ý kiến gì hết.
Lãnh đạo quận trả thù tôi bằng cách ra lệnh cho UBND các xã không trả nợ cho gia đình tôi, để khống chế kinh tế, khủng bố tinh thần tôi. May mắn có anh em trên quân khu phát hiện ra vụ việc, đưa lực lượng đặc nhiệm xuống nhà bảo vệ nên cuối cùng đám người xấu đó mới bỏ chạy.
Lần thứ hai từ năm 2008 đến nay, khi phát hiện sai trái, tôi đã phân tích can ngăn. Thậm chí đấu tranh ngay tại cuộc họp. Nhưng không có chuyển biến thì tôi phải gửi đơn đấu tranh với chính các đồng chí của mình.
Chưa có sự trả thù gì như lần trước nhưng lãnh đạo đối xử với tôi có vẻ lạnh lùng, thận trọng hơn, thậm chí gợi ý cho tôi nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng lần này có các cán bộ Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng đến gặp tôi, hỏi han có bị trù dập, trả thù không, nên tôi cũng thấy không nản lòng.
Tất nhiên cũng buồn khi phải nói thực tế phũ phàng là bình thường các lãnh đạo đứng ở bục nói về phòng chống tham nhũng mà không liên quan đến ai, không xử lý ai thì dễ. Nhưng hễ có người đấu tranh đòi giải quyết các vụ việc, đáng lẽ phải hoan nghênh thì lãnh đạo sẽ khó chịu. Hoặc thốt ra với tôi rằng sao không làm gì mà tối ngày chỉ kiếm chuyện đi thưa gửi.
Cuối năm vừa rồi, tôi làm báo cáo của chi bộ gửi lên cấp trên, đề ra phương hướng giải quyết tham nhũng, đáng lẽ cấp trên phải mừng mới đúng, thì lại hăm he đòi xử lý tôi vì không nộp bản báo cáo màu hồng, một chiều.
Chịu nhiều sức ép nhưng lý do nào khiến ông không nản lòng?
- Chánh văn phòng mà lên tiếng tố cáo tham nhũng thì không dễ đâu. Các lãnh đạo cũng có nhiều cách đối xử gây khó dễ cho tôi, hoặc dàn xếp để đối phó với tôi.
Nhưng tôi thì không ngại. Hôm vừa rồi sơ kết ba năm học tập đạo đức Hồ Chí Minh, tôi cũng lên thẳng diễn đàn chỉ ra cái đúng, cái sai và hình thức xử lý. Tất nhiên, ở vị trí của tôi mà làm vậy không có lợi cho mình.
Ngày xưa đi kháng chiến hy sinh chết chóc, bây giờ đi làm, ăn lương nhà nước do thuế dân đóng thì phải làm việc cho xứng đáng với đóng góp của dân. Phải tham gia bảo vệ công lý, xây dựng đội ngũ cán bộ sao cho thật tốt.
Tôi không ngại trực tiếp làm việc với quận ủy, ủy ban và các cơ quan chức năng. Tôi có đủ cơ sở chứng cứ, tôi tranh luận, đấu tranh, phân tích quyết liệt. Vấn đề nào các đồng chí lãnh đạo thấy trả giá với tôi không được thì họ hứa. Hứa sẽ tiến hành chỉ đạo làm, nhưng dây dưa. Nhiều vụ việc chẳng hạn như chuyện máy phát điện vừa rồi rất đơn giản. Lập hồ sơ giả để quyết toán, dùng máy cũ thay máy mới, lập hồ sơ giả và con dấu giả để đối phó đoàn kiểm tra, nghĩa là hai lần làm giả hồ sơ. Khi công an thụ lý hồ sơ để điều tra thì họ lại tiến hành đánh tráo tài liệu để chạy tội.
Tôi đem tất cả những vấn đề này ra đấu tranh trực diện với trưởng công an, với quận ủy, ủy ban nhân dân. Làm rất quyết liệt. Các đồng chí đều có ý kiến công an phải làm rõ. Tôi cho rằng chỉ cần 10 ngày là làm xong. Nhưng thực tế đã kéo dài cả năm trời nay mà chưa xong.
Như ông quan sát thì việc đấu tranh và tự phát hiện hành vi tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị hiện nay như thế nào? Có nhiều vụ việc được phanh phui nhờ đấu tranh nội bộ hoặc sự tham gia của cấp ủy Đảng không?
- Nhìn chung, cán bộ tại địa phương, các vị trưởng ngành, đảng viên, rất ít người dám lên tiếng nói thẳng vấn đề.
Anh em sợ bị trù dập. Ai dính cái tiếng chống tham nhũng rồi thì muôn đời không được đề bạt. Như tôi, chỗ nào khó họ sẽ phân công tôi đi. Còn chỗ nào ngon lành hoặc vị trí quan trọng, người ta nói: "Đồng chí thẳng thắn quá, dễ mất lòng anh em, không tập hợp được lực lượng".
Tôi không đồng tình với lối sống của các đảng viên dù không vi phạm pháp luật nhưng lại không bộc lộ thái độ, quan điểm, phê phán các hành vi phạm pháp, lợi dụng quản lý nhà nước để làm điều sai trái, chỉ giữ an toàn cho riêng mình. Đảng viên chỉ sống lương thiện mà không đủ dũng khí đấu tranh với mọi sự bất lương. Tuy giữ được mình nhưng bạc nhược về chính trị, đạo đức. Nặng hơn là dung túng bao che, mất hết ý chí chiến đấu.
Ông Lê Đạo: Chỉ có thể đấu tranh khi đặt vấn đề tồn vong đất nước lên trên hết. Ảnh: LN |
Bí quyết đấu tranh thành công là phải tập hợp lực lượng, gây dựng lòng tin.
Cái khó của đấu tranh chống tham nhũng là những người biết mà không dám nói. Cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước càng không dám đấu tranh một phần vì sợ mất chức mất quyền, phần khác vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể.
Trong cơ quan nhà nước có một bộ phận không dám nói nhưng lại biết nhiều chuyện. Bởi vì trong hệ thống thì ngoài những người tham ô, nhũng nhiễu, vẫn còn nhiều cán bộ tốt. Bí quyết đấu tranh là nếu chúng tôi giữ được bí mật cho họ là họ sẽ cung cấp thông tin. Những cán bộ đó không dám đấu tranh nhưng có thể cung cấp thông tin, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, nghị quyết.
Chỉ có thể đấu tranh khi đặt vấn đề tồn vong đất nước, quyền lợi đất nước lên trên hết.
Cũng phải thông cảm với những người không dám đấu tranh. Vì người tham nhũng là những người có chức, có quyền. Đấu tranh là đụng đến nồi cơm của họ, quyền lợi của họ, thậm chí họ thấy mà phải làm thinh hoặc bỏ qua vì sợ mất chức, sợ trù dập.
Có một điều an ủi là những đảng viên tốt bây giờ không đấu tranh trực tiếp nữa nhưng họ lại đấu tranh bằng con đường bí mật, thông qua những người như chúng tôi đây.
-
Lê Nhung