Khi án dân sự không "nhẹ nhõm"

Cập nhật lúc 05:51, 17/11/2010 (GMT+7)


- Đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng không thể coi nhẹ những vụ án dân sự, vốn tưởng "nhẹ nhõm" nhưng thực tế tranh chấp, kiện cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

“Việc dân sự cốt ở hai bên”

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng quan hệ dân sự luôn chứa đựng phức tạp, giải quyết tranh chấp dân sự khó, không thể coi nhẹ những vụ án dân sự, vốn tưởng “nhẹ nhõm” nhưng thực tiễn tranh chấp, kiện cáo phức tạp, tồn đọng.

Mô tả ảnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: LAD

Thành viên của Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói phải coi những vụ án dân sự là những vụ án quan trọng vì liên quan tranh chấp kéo dài về tài sản, ảnh hưởng đến quan hệ xã hội, gia đình, dòng tộc, thậm chí huyết thống. “Án dân sự rất khổ. Phải đảm bảo xử có lý có tình”, ông Hải nói.

Một trong những quy định theo dự thảo luật được ông cho là cần thiết để đảm bảo tố tụng dân sự khách quan, đó là việc Viện kiểm sát (VKS) tham gia tố tụng dân sự với tư cách là đại diện cho quyền lợi của xã hội (không phải đại diện của các bên đương sự), đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào.

Theo đó VKS tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành vai trò của VKS trong tố tụng dân sự song chỉ tham gia phát biểu quan điểm việc giải quyết vụ án từ giai đoạn phúc thẩm, tức khi đã có bản án sơ thẩm. Còn tại phiên sơ thẩm, để không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án, VKS chỉ phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trước khi tòa án nghị án.

Quy định về vai trò của VKS trong tố tụng dân sự như dự thảo sửa đổi luật lại bị Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đánh giá “không ổn”, trái với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, theo đó tiến tới xây dựng Viện công tố, tức VKS chỉ làm chức năng công tố.

"Trong quan hệ dân sự, chúng ta phải tiến tới một xã hội mà việc dân sự cốt ở hai bên. Các bên phải tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, tòa án như trung gian hòa giải, không nên làm thay. Đặt vấn đề VKS phát biểu thì phát biểu cái gì?”, ông Thuận nói.

Tránh lạm dụng

Trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót cũng có các ý kiến khác nhau.

Bà Lê Thị Nga cho hay thực trạng trên trong án dân sự xảy ra khá nhiều khi 10 năm qua bế tắc không có cơ chế giải quyết những trường hợp đặc biệt như vậy.

Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tòa án mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian xem xét.

Mặt khác, thực tế cũng có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của tòa án thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự nhưng không có cơ chế giải quyết.

Do đó, dự thảo luật kiến nghị sửa đổi điều 284 về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và điều 288 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chúng tôi đồng tình, có điều cần phải quy định thật chặt chẽ để tránh lạm dụng. Nếu quy định không khéo, sẽ không có điểm dừng trong tố tụng”, bà Nga nói.

  • Linh Thư

Các tin khác