Phần Lan: Cung cấp công bằng cơ hội cuộc sống

Cập nhật lúc 06:03, 21/08/2010 (GMT+7)

Cuộc sống ở Phần Lan, một trong những quốc gia có mạng lưới an sinh xã hội tốt nhất thế giới, có thể có cả những phức tạp. Sự phức tạp ấy cụ thể thế nào, hãy xem câu chuyện về một cặp cha mẹ tìm nơi chăm sóc ban ngày cho cô con gái 4 tuổi ở Kuhmo, một thị trấn có 10.000 dân.

Họ có thể đưa con tới trường mẫu giáo trong thị trấn, nơi bé gái có thể bắt đầu các ngày trong tuần từ 6h30 sáng tới 5h chiều với khoảng 40 trẻ em khác.

Ngôi trường có một hiệu trưởng 47 tuổi với 20 năm kinh nghiệm, 4 giáo viên bằng thạc sĩ về giáo dục mầm non, hai trợ lý giáo viên và các nhân viên nhà bếp. Con họ có thể được nghe đọc sách hàng ngày, chơi trò chơi, học bảng chữ cái, học tiếng Anh, hát và biểu diễn âm nhạc, vẽ tranh, học cách chơi hay làm việc cùng nhóm…

a
Tất cả trẻ em Phần Lan đều có cơ hội cơ bản như nhau ở mọi trường học. Ảnh: flickr

Hoặc cô con gái bốn tuổi của họ có thể được gửi đến nơi trông trẻ tư. Phần lớn cha mẹ ở Kuhmo chọn lựa cách này, họ đưa con tới những bảo mẫu như Anneli Vaisanen, người trông ba đến bốn em ở nhà hàng ngày. Cô bảo mẫu 49 tuổi này không có bằng cấp chuyên môn nhưng đã trải qua kinh nghiệm và những chương trình đào tạo mở rộng, trông trẻ trong suốt 20 năm và bản thân nuôi hai con nhỏ trưởng thành. Những đứa trẻ tới đây làm hầu hết những việc như ở trường mẫu giáo, nhưng không trật tự và tổ chức chặt chẽ bằng. Chúng có thể được dạy cả nướng bánh mỳ hay làm bánh ngọt.

Vậy quyết định nên thế nào, lựa chọn sao cho hợp lý? Ở đây không hề có sự khác biệt tài chính, cả hai hình thức chăm sóc trẻ hoàn toàn miễn phí. Không có sự khác biệt trong chương trình giáo dục. Tất cả trẻ em ở Kuhmo (và khắp Phần Lan) đều có cơ hội cơ bản như nhau trong mọi trường học ở một quốc gia được đánh giá có nền giáo dục tốt nhất châu Âu. Không có chọn lựa “đẳng cấp”, không chọn lựa của dân lao động, tất cả đều được đối xử công bằng.

Đó là tình trạng “lựa chọn khó khăn” mà cha mẹ ở cả những nước phát triển cũng khó có cơ hội tiếp cận (kể cả Mỹ). Và đó cũng là một ví dụ sống động cho những gì mà người Phần Lan tự hào đề cập đến khái niệm xã hội dân chủ.

Phần Lan là ví dụ điển hình ở Bắc Âu cho một xã hội cạnh tranh và thành công, cung cấp những dịch vụ xã hội căn bản tới mọi người dân ở mức giá cả hợp lý hoặc miễn phí cho mọi đối tượng. Nhiều học giả ở Mỹ thậm chí đã đặt câu hỏi: Nếu Mỹ giàu và thông minh, tại sao lại chưa cư xử với mọi công dân như Phần Lan đã làm?

Phần Lan là một trong những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội từ giáo dục, y tế, phúc lợi rộng rãi nhất thế giới. Mọi người dân được hưởng các dịch vụ này từ lúc ở thời kỳ thai nghén cho tới cuối đời. Họ không phải trả tiền cho giáo dục ở bất kỳ mức nào, kể cả khi theo học trường Y hay trường Luật. Tỉ lệ tiêu dùng cho chăm sóc y tế so với GDP thấp hơn ở Mỹ (Phần Lan dành 7% GDP cho chăm sóc y tế còn Mỹ là 15%).

Người về hưu ở Phần Lan cũng được chăm sóc tốt, trợ cấp thất nghiệp cao…

Người Phần Lan sống trong những ngôi nhà nhỏ hơn người Mỹ và tiêu dùng cũng ít hơn. Họ chi tiêu khá ít cho quốc phòng. Chi tiêu cá nhân cho hàng hoá và dịch vụ chiếm khoảng 52% nền kinh tế, trong khi đó Mỹ là 71%. Tuy nhiên, người Phần Lan được cho là phải đóng thuế ở mức cao hơn, gần một nửa thu nhập quốc gia đến từ các loại thuế, trong khi người Mỹ chỉ trả khoảng 30% thuế cho liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương.

Điều đáng chú ý là, mọi đảng chính trị tại Phần Lan đều ủng hộ hệ thống phúc lợi xã hội, tự do phát ngôn và hệ thống thuế hợp lý. Người Phần Lan đặc biệt đặt niềm tin vào tầng lớp chính khách và quan chức chính quyền. Ở đất nước này, tham nhũng rất hiếm hoi.

Một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống giá trị của người Phần Lan là “cung cấp công bằng những cơ hội trong cuộc sống cho tất cả mọi người”. Pekka Himanen, một người lấy bằng tiến sĩ triết học năm 21 tuổi đánh giá rằng, Phần Lan giờ đây thực hiện nguyên tắc này tốt hơn Mỹ. Himanen sống ở Mỹ một thời gian khi tham gia hợp tác với Đại học California ở Berkeley

Tại Phần Lan, mọi người đều có cơ hội tiếp cận những cơ hội công bằng trong cuộc sống, tự do và hạnh phúc.

  • Diệu Thúy (Theo Washington Post)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác