Chống tham nhũng: Không ai dám nói mới đáng sợ
- Ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn (Cần Thơ) nhớ lại thời điểm cam go. Năm 1999, ông tố cáo tham nhũng nên xã hội đen đến bao vây nhà, đe dọa tính mạng, cầu cứu lên chính quyền thì chính quyền nín thinh. May nhờ lực lượng đặc biệt của Quân khu 9 bảo vệ "chứ nếu không bây giờ tôi không còn sống đứng ở đây".
Nhiều giọt nước mắt đã rơi trên diễn đàn Hội nghị toàn quốc biểu dương cá nhân có thành tích chống tham nhũng sáng nay (7/9).
"Đều bị tổn thương"
Như ông Phùng Chí Công, ngoài những thua thiệt kinh tế, rồi con cái không xin được việc làm, thì con đường chính trị của ông "muôn đời không ai cho ngóc đầu dậy". Ông Công kể, lãnh đạo giải thích "đồng chí Công thẳng thắn quá, mất lòng nội bộ, không tập hợp được anh em, khó cho tập thể. Lãnh đạo dè dặt, cảnh giác".
Trong 88 gương điển hình, có 46 người tố cáo tham nhũng, 42 người phát hiện xử lý tham nhũng. 16/88 là cán bộ ngành công an, 8 nhà báo. Ảnh: LN
Chị Dương Thị Mỹ Anh (Cần Thơ) làm cả Hội trường lặng đi khi vừa rơm rớm nước mắt vừa chia sẻ "do chống tiêu cực mà tôi bị trù dập, cô lập, cắt lương, mất việc làm, chồng đau ốm".
Nữ cựu chiến binh quận Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Thị Ngà ngay khi bước lên bục diễn đàn đã thông báo, bà vừa bị xã hội đen "dằn mặt". Còn trước đó, không ít lần người phụ nữ dũng cảm này bị dọa cắt gân chân.
Mỗi người tham gia đấu tranh với tham nhũng lại bị "bao vây" theo điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.
Cách đây ít lâu, dư luận hẳn vẫn còn nhớ vụ việc Cơ quan điều tra bắt quả tang Đoàn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV... Người tố cáo vụ việc đình đám này, ông Hoàng Văn Khánh (TGĐ Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng) đứng lên phân trần giữa hội nghị "nhiều người cho rằng tôi là người đưa hối lộ để nhận gói kích cầu của Chính phủ".
Nhưng hậu quả ông Khánh phải chịu là toàn bộ tài sản vẫn tiếp tục bị BIDV phong tỏa, không có vốn sản xuất, không có tiền trả lương công nhân hay đóng thuế. Khó khăn chồng chất, công ty của ông đứng trước ngưỡng cửa phá sản.
Nhiều người dân xem báo chí như chỗ dựa cho phòng chống tham nhũng. Nhưng tại diễn đàn, nữ nhà báo Phan Thị Thanh Hương chậm rãi kể lại câu chuyện mình bị bạc đãi, hạ lương, rút thẻ... như thế nào khi tố cáo tham nhũng ở báo Người cao tuổi. Câu chuyện không được kể liền mạch bởi những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Nhưng nỗi buồn đọng lại trong tâm tư những người dân dũng cảm một mình đứng lên “vác tù và hàng tổng” là thái độ thiếu thiện chí của chính quyền, sự mệt mỏi của người thân vì cho rằng họ đang tự “gây thù chuốc oán”. Theo ông Lê Đạo (84 tuổi, nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư huyện ủy Đức Trọng), nhiều đồng chí của ông đã nản lỏng bỏ cuộc nửa chừng. Còn lại, “đều bị tổn thương”.
Chờ xử lý, cán bộ được nghỉ phép đi du lịch
Sự nản lòng không chỉ bắt nguồn từ việc bị hăm dọa, tố cáo, “dằn mặt” mà nguyên nhân sâu xa vì nhiều vụ không được xử lý rốt ráo. Cán bộ sai phạm không những không bị kỷ luật mà còn được đề bạt.
Ông Phan Văn Độ (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng phối hợp phát hiện 14 vấn đề sai phạm, quận Cầu Giấy đã điều chuyển Chủ tịch, phó Chủ tịch phường Nghĩa Đô và nhiều cán bộ khác. Ảnh: Lê Nhung
Như nhóm đấu tranh chống tham nhũng ở Lâm Đồng của ông Lê Đạo, sau 10 năm theo đuổi một vụ việc đã giành thắng lợi và thu hồi gần 30 tỷ đồng cho Nhà nước. Hai cán bộ huyện đã bị kỷ luật.
Nhưng, đáng ngạc nhiên, theo ông Lê Đạo, là những cán bộ chủ mưu do tỉnh quản lý lại được đề bạt, cất nhắc, thậm chí được Trung ương tặng huân chương.
“Nếu không kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn, hạn chế sai phạm, củng cố niềm tin của dân với Đảng thì mới mất cán bộ, mất tài sản. Để tình trạng không ai dám nói mới thật đáng sợ”, ông Đạo tha thiết.
Vị cán bộ có 60 năm tuổi Đảng trăn trở: “Xử lý như vừa qua không có tính răn đe, ngăn chặn. Các vụ việc đấu tranh với cán bộ là những cuộc đấu tranh không cân sức, nhiều lực cản, ô dù, bao che, né tránh, đe dọa, mua chuộc”.
Mong những người chống tham nhũng giữ vững nhiệt huyết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tặng hai câu thơ: Chuyện buồn thì đổ xuống sông/Niềm vui xin giữ trong lòng dài lâu
Chính những “góc khuất” trong công tác cán bộ đã khiến cho cuộc đấu tranh ngày càng khó khăn. “Những người có trách nhiệm sợ đụng chạm nên không ai dám nói” (bà Nguyễn Thị Hòa - Hà Nội).
Chánh văn phòng UBND huyện Ô Môn (Cần Thơ) buồn bã kể, lãnh đạo khi đứng trên bục nói về phòng chống tham nhũng thì rất trôi, nhưng khi có ai đó lên tiếng tố cáo hoặc kiến nghị thì sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí khó chịu và cho rằng người đó kiếm chuyện gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng thành tích.
Ông Công kể, nhiều cán bộ tham nhũng đã bị kỷ luật, điều về phòng Nội vụ chờ kết quả để xử lý nhưng vẫn được nhận 100% lương, hưởng phụ cấp chức vụ, thậm chí được nghỉ phép đi du lịch nước ngoài. Hoặc như chánh Thanh tra một quận bị kết tội tham nhũng hơn 5 tháng, mới nộp 100/185 triệu đồng nhưng vẫn tại chức.
Bảo vệ người tố cáo
Đến hội nghị tương đối muộn do bận họp, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dành gần một tiếng đồng hồ để trình bày quyết tâm của Đảng chống tham nhũng. Phó Thủ tướng mượn rất nhiều hình ảnh thơ ca.
Ông Phùng Chí Công (trái) cùng Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Ảnh: Lê Nhung
Phó Thủ tướng nhận trách nhiệm về việc chậm xử lý các vụ việc và khẳng định, việc tự phát hiện tham nhũng trong hệ thống còn hạn chế.
Ông Trọng giao Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng phối hợp Bộ Công an ngay trong tháng 9 hoàn thiện quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Việc cần làm ngay là rà soát các vụ việc mà những người tố cáo tham nhũng đã kiến nghị nhưng chưa được xử lý, đặc biệt các vụ mà ông Đạo, ông Công… đang đề xuất.
Biểu dương 88 tấm gương nhiệt tình chống tham nhũng lần đầu được tuyên dương toàn quốc, Phó Thủ tướng mong tất cả vẫn giữ vững nhiệt huyết, đấu tranh với tấm lòng trong sáng, không vụ lợi.
-
Lê Nhung