Nhật -Trung: Khi cuốn video là giọt nước tràn ly

Cập nhật lúc 04:09, 08/11/2010 (GMT+7)

Tại Nhật Bản, hàng nghìn người dân theo chủ nghĩa dân tộc đã tiến hành biểu tình phản đối Trung Quốc cũng như chỉ trích cách giải quyết của Tokyo về cuộc tranh chấp lãnh thổ làm quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á thêm căng thẳng.

Trong khi đó, chỉ còn một tuần nữa, hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra ở Nhật.

Hình ảnh vụ va chạm tàu lấy từ cuốn video trên Youtube. Ảnh: Reuters
Hình ảnh vụ va chạm tàu lấy từ cuốn video trên Youtube. Ảnh: Reuters
Đây là cuộc biểu tình thứ ba với quy mô lớn ở Nhật tính từ tháng 9 - thời điểm nước này bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau khi tàu này va chạm với hai tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông, mang tên Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay là quần đảo Senkaku (theo tiếng Nhật). Giới phân tích cho rằng, những tranh cãi về vụ va chạm có nguyên nhân sâu xa là chuyện chủ quyền ở một khu vực giàu tài nguyên khí đốt.

Những tranh cãi lại trở nên nóng hơn kể từ thứ sáu, khi cuốn video trực tuyến (mà báo chí địa phương nói bị rò rỉ) xuất hiện cho thấy, một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản. Chính phủ Nhật tuyên bố đang kiểm tra tính xác thực của cuộn băng.

"Cuốn băng rò rỉ đã cho người Nhật biết được sự thật”, Toshio Tamogami, đứng đầu Ganbare Nippon, nhóm tổ chức biểu tình nói. "Chính phủ đã che giấu sự thật”, ông nói trước đám đông tại công viên Hibiya ở trung tâm Tokyo. Theo ước tính của nhà tổ chức, có khoảng 5.000 người tham dự cuộc biểu tình.

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã đối mặt với những chỉ trích nặng nề từ trong nước khi quyết định thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích còn tỏ ra hoài nghi về khả năng của đảng Dân chủ cầm quyền tại Nhật trong việc giải quyết những sóng gió ngoại giao về tranh chấp trên biển.

Khi đưa ra quyết định thả người, các công tố viên Nhật tuyên bố: "Ảnh hưởng của người dân trong nước và tương lai quan hệ Nhật - Trung được cân nhắc”. Ngay sau đó, tờ Mainichi Shimbun đã bình luận, thật kỳ lạ khi công tố viên đề cập tới “xem xét ngoại giao” với quyết định thả thuyền trưởng Trung Quốc và điều này đi ngược với quan điểm của chính phủ là, vấn đề cần được giải quyết theo luôn khổ luật pháp.

Và khi căng thẳng Trung - Nhật vẫn gia tăng, thì viễn cảnh hội đàm song phương giữa ông Kan và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị thượng đỉnh APEC 13-14/11 sẽ còn u ám.

Những cuộc biểu tình kể từ tháng 9 tới nay ở Nhật lại càng dấy lên những quan ngại về thực trạng kinh tế trì trệ của đất nước, về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở chính một đất nước đề cao chủ nghĩa dân tộc.

Hiroki Sato, một người thất nghiệp 23 tuổi, đã tham gia cả ba cuộc biểu tình, đều phản đối cách hành xử của chính phủ Trung Quốc cũng như Nhật Bản về cuộc tranh chấp lãnh thổ. "Phản ứng của Thủ tướng Kan và Chánh văn phòng nội các Sengoku với Trung Quốc là rất yếu ớt”, hãng Reuters dẫn lời Sato như vậy. “Chính phủ cần công bố hoàn toàn cuộn băng video về vụ va chạm để người dân hiểu rõ”.

Trong lúc đó, một lần nữa, Trung Quốc lại đổ lỗi cho Nhật về vụ va chạm hàng hải hai tháng trước đây giữa hai cường quốc châu Á, sau khi có thông tin về cuốn video rò rỉ.

Tôi một lần nữa khẳng định, phía Nhật Bản đã ngăn chặn và bao vây tàu cá Trung Quốc, dẫn tới vụ va chạm”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lôi tuyên bố. “Cách cư xử của phía Nhật Bản là trái phép”, ông Hồng nói khi được yêu cầu bình luận về cuộn video. “Cuốn băng không thể thay đổi sự thật và không thể che giấu hành động bất hợp pháp của phía Nhật”, người phát ngôn nhấn mạnh.

Sau khi cuốn băng 44 phút về vụ va chạm được đưa lên trang web chia sẻ video Youtube, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo, Tokyo nên “tránh bất kỳ cản trở nào” nếu muốn cải thiện quan hệ hai bên.

Cuốn băng khiến Thủ tướng Naoto Kan thêm đau đầu khi đã phải vật lộn với quá nhiều thách thức trong nước về kinh tế, điều hành chính phủ… Nó làm gia tăng quan điểm phản đối Trung Quốc của người dân Nhật, và ảnh hưởng tới tỉ lệ tín nhiệm của Tokyo.

"Điều quan trọng là cả hai nước cần giải quyết vấn đề với sự bình tĩnh”, ông Kan nói với báo giới. "Nếu ai đó cố tình làm rò rỉ hình ảnh, thì đó rõ ràng là vi phạm luật pháp”, Chánh văn phòng Nội các Sengoku nói trong một cuộc họp báo.

Chương trình tin tức của truyền hình Nhật cũng phát đi đoạn clip cho thấy, một tàu màu xanh dương mang chữ Trung Quốc va chạm với hai tàu tuần tra khi còi báo động vang lên và thủy thủ Nhật hét lớn “dừng lại”.

Chính phủ Nhật đã chiếu cuốn video với một số nghị sĩ nhưng từ chối đưa ra công chúng vì lo ngại làm dấy lên cảm giác chống Trung Quốc.

Đảng Dân chủ Tự do đối lập tại Nhật đe dọa trì hoãn thông qua thêm khoản 54,51 tỉ USD ngân sách cho năm tài chính tính tới 31/3 để phản đối cách giải quyết của chính phủ với băng video.

"Vấn đề này liên quan tới chủ quyền và lợi ích quốc gia, nếu cuộn video không được công bố với công chúng, tôi không chắc những gì sẽ xảy ra với cuộc thương thảo về gia tăng ngân sách”, Nobuteru Ishihara của đảng Dân chủ Tự do khẳng định.

Về phần mình, Bắc Kinh tuyên bố, cuộn video không thay đổi quan điểm của họ. "Tôi nghĩ, đúng hay sai về vụ việc đã rất rõ ràng”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khai nói với báo chí tại Bắc Kinh. “Nếu phía Nhật thực sự nghiêm túc và thành thực để vượt qua những khó khăn hiện tại trong quan hệ Trung - Nhật, thúc đẩy quan hệ chiến lược cùng có lợi, họ nên làm tất cả để tránh mọi cản trở”, ông nhấn mạnh.

Tuần trước, tại Hà Nội, bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có cuộc trao đổi ngắn xung quanh vấn đề giảm nhẹ tranh chấp lãnh thổ.

  • Thái An

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác