Minh bạch thông tin để cải thiện môi trường kinh doanh

Cập nhật lúc 19:12, 08/11/2010 (GMT+7)

- Bình luận về việc Việt Nam tăng 10 bậc về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - Công ty Tài chính quốc tế (WB - IFC) Janamitra Devan nói, các chỉ số được đo lường từ việc ban hành chính sách pháp luật. Song quan trọng hơn cả là áp dụng trong thực tế.

>> Việt Nam tăng 10 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh

Mô tả ảnh.
Người dân chờ làm thủ tục đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Lê Nhung
Tại hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam chiều nay (8/11) ở Hà Nội, Phó Chủ tịch WB - IFC nêu ví dụ, nghị định mới về đăng ký kinh doanh cho phép thực hiện đăng ký trực tuyến. Nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn phải chầu chực ở nhiều cơ quan để xin dấu xác nhận, trong khi "đáng lẽ mọi khâu đều phải được làm trực tuyến".

Chính vì vậy, ông Janamitra Devan khuyến cáo, Việt Nam có thể tăng thứ hạng cao hơn nữa nếu chú ý cải thiện một số lĩnh vực tiềm năng.

Đáng chú ý nhất là chỉ số thuế (xếp thứ hạng 124/183). Quy trình nộp thuế hiện vẫn phức tạp, tốn thời gian.

Các thành viên trong tổ công tác Đề án 30 của Chính phủ giải thích, nếu một số cải cách của quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính được áp dụng trong năm tới thì chỉ số này chắc chắn cải thiện.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, "các doanh nghiệp lớn được phép tự in hóa đơn, điều này sẽ giúp tiết kiệm gần 400 tỷ đồng/năm. Tần suất kê khai thủ tục thuế cũng giảm từ mỗi tháng/lần sang mỗi quý/lần".

Một lĩnh vực khác mà Việt Nam cần cải thiện, theo Phó Chủ tịch WB - IFC, đó là việc bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 nước cuối bảng khi đánh giá về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trước đề xuất của đại diện Hiệp hội tài chính về việc lập cơ quan thuộc Chính phủ để bảo vệ nhà đầu tư, ông Janamitra Devan cho hay, điều cần làm là đánh giá các thiết chế hiện tại, xem các nhà đầu tư đang được bảo vệ đến đâu, cơ chế trọng tài đang được vận hành thế nào.

Một trong những điểm quan trọng là công khai và minh bạch thông tin. Chính điều này mới có tác dụng điều chỉnh hợp lý.

Ngoài ra, các chuyên gia WB cũng cho rằng cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Đảm bảo tiến trình cổ phần hóa phải được đẩy nhanh cũng như nâng cao vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ để có tăng trưởng đồng đều.

Theo kế hoạch, nếu đơn giản được 5.000 thủ tục hành chính, Đề án 30 sẽ cho phép tiết kiệm được gần 30.000 tỷ mỗi năm, tương đương 1,4 tỷ USD.

Kèm theo đó, phải sửa đổi, bổ sung 1.017 văn bản, gồm 44 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc

  • Lê Nhung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác