"10 năm tới chưa nên bàn thu thuế đất nông nghiệp"

Cập nhật lúc 15:48, 08/11/2010 (GMT+7)

- Thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp sáng nay (8/11), các ĐBQH đều đồng tình tiếp tục miễn giảm thuế để tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp.

Nhất trí cao với chính sách này, các ĐB chia sẻ sự phấn khởi và kỳ vọng của cử tri trong các buổi tiếp xúc ở cơ sở. ĐB Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) cho biết cử tri tỉnh nhà nhắn gửi các ĐB “hãy tích cực ủng hộ chính sách này” để tiếp hơi cho nông dân dễ thở hơn trong thời gian tới”.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) thì cho biết “cử tri thấy chính sách này được lòng dân nhất” trong số các chính sách tam nông hiện nay.

Để nông dân không phải bán đất

ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nhận định “thuế thu được từ đất nông nghiệp thời gian qua không lớn, chi phí cho bộ máy thực thi việc này lại không nhỏ”, vì vậy nên miễn giảm toàn bộ loại thuế này.

“Đời sống nông dân khó khăn, lợi nhuận thấp, nông nghiệp có năm đạt định mức Chính phủ giao, có năm không đạt do thiên tai, dịch bệnh”, ông Kiệt nói. “Cây lúa không những làm nhiệm vụ ổn định an ninh lương thực quốc gia, mà còn tham gia xuất khẩu mang lợi nhuận về cho đất nước. Miễn 100% thuế vừa khuyến khích nông dân bước đầu tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, vừa giải quyết công ăn việc làm cho khu vực nông thôn”.

Mô tả ảnh.

ĐB Trần Du Lịch: Còn lấy nông hộ làm gốc như hiện nay thì còn “tắc”. Ảnh: LAD

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình “10 năm tới chưa nên bàn việc thu thuế đất nông nghiệp” để giải quyết cho được tình trạng bất cập nhất trong nông nghiệp hiện nay: quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không thể tiến hành công nghiệp hoá nông nghiệp, không áp dụng được tiến bộ khoa học công nghệ.

Theo ông Lịch, nông nghiệp phải tiến tới hai hình thức nông trang và hợp tác xã, chứ còn lấy nông hộ làm gốc như hiện nay thì còn “tắc”. Ông đề nghị “hộ nào vượt hạn điền nhưng là thành viên hợp tác xã hoặc có diện tích đất thuê của nông dân lớn thì không phải nộp thuế”.

Ông phân tích các hợp tác xã chỉ phát triển được nếu có nòng cốt là những nông dân có nông trang, làm ăn hiệu quả. Khuyến khích mở rộng quy mô bằng đất thuê chứ không phải đất mua cũng là để những nông dân có ít đất không phải bán đất, mất ruộng. Ông gọi đó là một quá trình “tích tụ hợp lý”.

ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) thì yêu cầu sau khi ra Nghị quyết này, Quốc hội phải quan tâm theo dõi việc thực hiện, và “khi có đủ điều kiện thì miễn vĩnh viễn” thuế đất nông nghiệp cho nông dân.

Chấm dứt “phát canh thu tô”

Đa số ĐB đều nhấn mạnh để chính sách này thực sự công bằng, điều cần nhất là phải rà soát lại việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay đã đúng mục đích hay chưa.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) yêu cầu xem xét việc sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng đang được giao đất nông nghiệp. Ông cho biết đa phần các tổ chức này không có chức năng sản xuất nông nghiệp và đang sử dụng sai mục đích diện tích đất được giao, thậm chí để hoang hoá, lãng phí.

Ông nhận định “chỉ còn một số ít tổ chức còn làm nông nghiệp, còn lại đều chuyển đổi mục đích hoặc cho thuê, làm thất thoát cán bộ, gây mất ổn định xã hội, dẫn đến khiếu kiện, gây bức xúc cho dân”. Trong khi nông dân địa phương không có đất sản xuất thì các tổ chức này lại cho người ngoài thuê đất và vẫn được miễn giảm thuế.

Đồng tình với nhận định này, các ĐB đều yêu cầu thu hồi những diện tích đất đang bị sử dụng sai mục đích để giao lại cho nông dân sản xuất nông nghiệp.

ĐB Trần Văn Kiệt còn cho rằng nếu việc thu hồi đất khó khăn thì nên tăng thuế gấp 2-3 lần đối với những tổ chức nhận đất nông nghiệp nhà nước giao mà không sử dụng, để lãng phí, thậm chí “chờ giá” để cho thuê thu lợi.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết việc thu hồi đất bị sử dụng sai mục đích đã được quy định trong điều 38 Luật đất đai hiện hành, nhưng do triển khai chưa kiên quyết nên cử tri và ĐB chưa nhìn thấy hiệu quả rõ ràng.

Nghị quyết của QH về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

  • Thủy Chung

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác