18 tuổi, đạo đức giả và giá trị của "hoạt ngôn"

Cập nhật lúc 07:08, 24/07/2010 (GMT+7)

Mấy hôm nay, trên VietNamNet khá ầm ĩ vụ tranh luận về đề thi văn ĐH 2010. Từ hồi sang Mỹ học, thấy rõ giá trị của “hoạt ngôn", tôi cũng muốn bày tỏ chút ý kiến cá nhân về việc này.

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Trước tiên, xem lại đề thi để tiện theo dõi.

Việc đưa nghị luận xã hội và đề thi Ngữ văn là cần thiết, và đáng lẽ phải làm từ nhiều năm nay rồi, chứ không phải chờ đến bây giờ, khi cả xã hội ngã ngửa ra khi thấy khả năng lập luận và trình bày vấn đề học trò Việt Nam quá kém.

Nhưng muộn còn hơn không. Dù sao, đây cũng là tín hiệu đáng hoan nghênh của một nền giáo dục rập khuôn kiểu mẫu.

Có người cho rằng, đề thi như vậy là “quá sức” với học trò, vì các em vẫn còn non nớt, chưa va chạm, chưa trải nghiệm cuộc sống nhiều.

Tôi cho rằng ý kiến như vậy vừa đánh giá thấp khả năng của học sinh, vừa mâu thuẫn với chính chương trình giáo dục hiện hành.

Mô tả ảnh.
Thí sinh làm thủ tục dự thi. Ảnh: Hương Giang

Các em đã 18 tuổi, cái tuổi được cầm lá phiếu đi bầu cử, cái tuổi con gái được phép lấy chồng, cái tuổi được lái xe máy vi vu rồi mà không có suy nghĩ độc lập về thói “vô trách nhiệm” và “đạo đức giả” được hay sao?

Hơn nữa, thử nhìn vào các tác phẩm văn học mà các em phải phân tích, bình luận từ lớp 6 tới lớp 12.

Tất cả đều là những chủ đề rất “nghiêm túc” như lòng yêu nước, về tình yêu giữa con người với con người, về sự nhân hậu và vị tha, về thói vị kỷ và tâm địa độc ác, về nhân và quả, về đủ những thứ cao siêu khác trong hàng trăm tác phẩm văn học kinh điển.

Đã yêu cầu các em học và hiểu các tác phẩm đó, sao không thể hỏi các em về “trách nhiệm” và “đạo đức” – hai phạm trù rất gần gũi của cuộc sống?

Vô trách nhiệm là khi lớp học bẩn mà chẳng ai chịu cầm chổi đi quét. Vô trách nhiệm là bài tập về nhà không chịu làm. Vô trách nhiệm là đổ hết việc nhà lên đầu bố mẹ, anh chị. Vô trách nhiệm là lớp giao cho mua bình hoa nhân dịp 20/11 nhưng không ai nhận.

Còn đạo đức giả ư? Đạo đức giả là khi quay bài nhan nhản mà vẫn nhận danh hiệu học sinh giỏi cuối năm. Đạo đức giả là khi ở nhà, ở trường thì "gọi dạ, bảo vâng", ra đường thì nói tục, chửi bậy "hay hơn hát". Đạo đức giả là “bề ngoài thơn thớt nói cười”, đến lúc sau lưng thì đặt điều, buôn chuyện nói xấu nhau.

Tất cả những chuyện đó, đời HS chẳng lẽ chưa gặp lần nào? Không xảy ra với mình thì cũng với với bạn bè xung quanh.

Vấn đề ở chỗ, người chấm bài phải đặt mình vào địa vị của đứa học trò 18 tuổi, chứ không phải ông thầy đầu bạc để mà đánh giá bài làm của các em.

Dẫn chứng của các em có thể chỉ mới đơn sơ, mộc mạc, nhưng nếu các em chạm được vào vấn đề và phát triển mạch lạc, thế là cũng đủ đáng khen rồi. Đừng bắt các em phải nêu ví dụ về Vinashin cho thói vô trách nhiệm, dù tôi tin rằng không ít học trò lớp 12 có đủ hiểu biết và tư duy để thảo luận vấn đề này.

Hơn nữa, đổi mới đề thi phải đi kèm với đổi mới học tập. Nếu quanh năm ngày tháng, các em chỉ biết cắm mặt vào chép sách văn mẫu (nói thật ngày xưa quyển văn mẫu là bạn tri kỷ của tôi). Rồi đùng một cái, đi thi bắt các em biện luận xã hội thì đúng là thả thằng không biết bơi xuống hồ nước. Và như thế thật là không công bằng với các em.

Giá trị của hoạt ngôn

Tôi không phải người có tư duy “Tây cái gì cũng nhất”, nhưng từ hồi đi học ở bên này, tôi thấy phục khả năng trình bày vấn đề của các bạn Mỹ.

Họ sử dụng từ ngữ đa dạng, với nhiều tầng lớp nghĩa và cấp độ khác nhau, đôi khi tùy vào độ “nóng” của cuộc tranh luận. Các bạn lớp tôi trình bày khoảng 5 câu mà lặp lại một từ nào đó 3 lần là họ sẽ xin lỗi vì “vốn từ có hạn”, kể cả khi từ đó là "từ chủ đạo”.

Bất kể các em teen hay các bạn cùng lớp, thường trình bày vấn đề rất rõ ràng, rành mạch, ngôn ngữ và lập luận rất thuyết phục chỉ trong vài câu nói.

Họ tóm tắt, rồi diễn giải vấn đề rất gọn gàng, đặc biệt là khả năng sử dụng ngôn từ rất tốt

Họ sử dụng từ ngữ đa dạng, với nhiều tầng lớp nghĩa và cấp độ khác nhau, đôi khi tùy vào độ “nóng” của cuộc tranh luận. Các bạn lớp tôi trình bày khoảng 5 câu mà lặp lại một từ nào đó 3 lần là họ sẽ xin lỗi vì “vốn từ có hạn”, kể cả khi từ đó là "từ chủ đạo”.

Nhiều lúc, tôi thấy ức chế vì mình cũng có ý kiến như thế, nhưng sao trình bày không thuyết phục bằng người ta.

Đôi khi tôi trao đổi ý kiến với các bạn cùng lớp, rồi các bạn ý diễn đạt lại, mình nghe thấy sáng sủa và hấp dẫn hơn hẳn.

Tất nhiên, cũng một phần do ngôn ngữ của mình không bằng các bạn, nhưng cũng do mình chưa quen trình bày vấn đề rắc rối chỉ trong vòng 2, 3 câu.

Thế nên, từ hồi ở bên này, tôi càng thấy rõ giá trị của “hoạt ngôn”. Và tôi thấy, nếu giáo dục Việt Nam thực sự chuyển mình theo hướng rộng mở và kích thích học trò trình bày và phát triển ý kiến của mình một cách mạch lạc thì các em HS thế hệ sau thật là may mắn. Nhưng cũng mong cải cách không nửa vời…

  • Vũ Lan Hương (ĐH Northwestern, Mỹ)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Phạm Thị Tám, HH- Bắc Giang, 14:51, 26/07/2010

Tôi không có điều kiện và khả năng như bạn, nhưng tôi rất đồng tình với cách nhìn nhận về nền giáo dục của nước nhà.

Năm nay con gái tôi vào lớp 1 và tôi đang rất lo với phương pháp giáo dục hiện nay mai này cháu sẽ như thế nào.

Tuy chưa vào năm học mà cháu đã phải học thêm, tự học ở nhà suốt ngày vì sợ không theo kịp các bạn nhưng những kỹ năng sống, kỹ năng nói thì cháu lại không được học, thật buồn đúng không bạn.

Nguyễn Trí Toàn, Trần Nhân Tông- Hà Nội, 08:57, 25/07/2010

Bài viết của bạn Hương rất hay, rất sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề mà mỗi chúng ta - từ người lớn, những người có trách nhiệm đối với nền GD nước nhà, và cả các bạn HS, phụ huynh HS...nên suy ngẫm...

Đúng là những năm trước đây, bây giờ và cả sau này, nếu chúng ta không có thay đổi trong cách giảng dạy, trong GD nói chung (GĐ, nhà trường, XH...) thì thật là nguy hại.

Lớp trẻ ngày càng, thay vì đọc sách, thay vì tư duy cuộc sống, có trách nhiệm với mình, với GĐ và xã hội thì có thừa thời gian để chơi game hoặc các trò bạo động, nguy hại khác...mà không biết rằng hệ lụy của nó ảnh hưởng rất xấu trong suốt cả cuộc đời, đem lại nhiều nguy hiểm cho bản thân, GĐ và XH...

Tân, TP. HCM, 01:18, 25/07/2010

Tôi cũng đồng tình với tác giả mặc dù em không phải là người tôn sùng Mỹ.

Nếu mình chỉ ở VN thì không thể thấy những cái hay ở bên ngoài để so sánh với những cái tương tự trong nước. Từ khi học ở Mỹ tôi đã cố gắng tìm và nhận ra những khác biệt, những ưu điểm của 2 nền giáo dục VN và Mỹ.

Tôi cũng nhận ra điều mà tác giả bài viết có nói - khả năng diễn đạt và biện luận của người Mỹ tốt hơn hẳn mình. Tại sao vậy?

Tôi tự đưa ra lời giải cho mình như sau. Nếu nhìn từ khía cạnh giáo dục hàn lâm (academic), nền giáo dục VN không khuyến khích học sinh và sinh viên (tôi gọi chung là students) sự sáng tạo, quá xem nhẹ việc trau dồi kỹ năng phân tích, biện luận và thuyết trình cho students. Về phần ngôn ngữ, văn chương, văn học thì mình chỉ được học ở phổ thông chứ không được học ở đại học hay cao đẳng.

Chương trình đại cương của đa số cái trường đại học VN không tiếp tục dạy phần này, trừ những ngành có liên quan đến văn chương. Do vậy, các cử nhân , kỹ sư VN khi ra trường thiếu kỹ năng thuyết trình, viết luận văn, và critical thinking. Khi làm luận văn tốt nghiệp ai muốn viết sao cũng được, không có quy tắc và quy luật gì cả.

Trong khi đó, ở Mỹ, chương trình đại cương (general education) ở colleges hay universities được dạy rất rộng về English, bao gồm đủ các kỹ năng như văn phạm, viết essay, đọc, critical thingking, thuyết trình (speech), thậm chí học cả văn học nữa.

Bên cạnh đó, students phải chọn học những môn về triết, sử, địa lý, vật lý, nhân chủng học.v.v... Những môn này trang bị cho students nền tảng kiến thức tổng quát rất rộng. Chính những kiến thức tổng quát đó hỗ trợ khả năng nói, viết, phê bình, biện luận của students. Tôi nhớ ở DH Bách Khoa tôi chỉ học 2 môn gần tương tự là triết học và kinh tế chính trị (2 môn để tuyên truyền chứ không mang tính hàn lâm).

Trong cách dạy, cách tiếp cận vấn đề của những môn này ở Mỹ cũng khác VN.

Hồi học ở Bách Khoa, tôi đâu được học những môn như địa lý, nhân chủng học hay lịch sử. Từ khi được học 2 lớp địa lý ở college Mỹ, ý thức bảo vệ môi trường của tôi cao hơn rất nhiều (mặc dù trước đây tôi đã có).

Những lớp địa lý ở phổ thông của VN chỉ tập trung tuyên truyền rằng VN có rất nhiều tài nguyên, có rừng vàng biển bạc, và học về phân bố tài nguyên trong nước. Còn ở Mỹ, địa lý được dạy thuần túy về khía cạnh tự nhiên, theo phương diện khoa học và nhấn mạnh đến những vấn đề môi trường. Kết quả là nền giáo dục Mỹ tạo cho con người có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt.

Nếu tôi nhớ không lầm thì các trường đại học của Pháp cũng dạy văn rất nhiều vì họ cho rằng 1 kỹ sư hay cử nhân khi ra làm việc hoặc phát biểu trước công chúng mà không thể trình bày rõ ràng, lưu loát, hoặc không thể viết 1 bài luận ra hồn thì thật đáng xấu hổ.

Chỉ riêng trình độ nói của học sinh phổ thông của các nước Âu Mỹ đã thấy hơn học sinh VN rồi.

Đơn cử một trường hợp là các bình luận viên thể thao.

Ở Âu Mỹ, hầu hết bình luận viên thể thao là những cựu vận động viên chuyên nghiệp. Mà ta biết rằng những vận động viên nhà nghề luôn bỏ thời gian để tập luyện và thi đấu nhiều hơn là học. Do đó, đa phần trình độ của họ chỉ ở lớp 12.

Ở Mỹ có rất nhiều vận động viên học college hoặc university, nhưng thực chất họ chỉ chơi thể thao cho team của trường chứ không học như một sinh viên thực thụ.

Các trường này cho họ là sinh viên trong trường chỉ vì họ có thể hái ra tiền và mang lại tiếng tăm cho trường bằng con đường thể thao (số tiền này rất lớn). Thế nhưng, khi ta nghe những cựu vận động viên này bình luận những trận đấu và sự kiện thể thao, ta thấy họ nói rất lưu loát, bình luận rất hay, rất sắc sảo, sử dụng những từ ngữ rất "pro" trong môn thể thao mà họ đang bình luận. Như vậy, khả năng nói của họ đã có từ khi học phổ thông. Nhìn lại những bình luận viên thể thao ở VN, đa số không phải là những cựu vận động viên chuyên nghiệp mà là những phóng viên thể thao. Vì sao không có cựu vận động viên chuyên nghiệp nào bình luận thể thao? Lý do rất đơn giản là vì khả năng nói và diễn đạt của họ rất kém. Trình độ văn hóa của phần lớn trong số họ là lớp 12 trở xuống, tương tự như những vận động viên Âu Mỹ. Thế nhưng họ lại không thể nói lưu loát, có đầu có đuôi và hấp dẫn người nghe.

Nếu nhìn từ khía cạnh con người thì người Việt mình quá dễ dãi đối với bản thân và đi theo "hội chứng bầy đàn." Có nhiều người không học cái hay mà lại học theo cái dở của người khác. Không biết từ bao giờ mà cả xã hội, cả đất nước VN từ khắp mọi miền đều sử dụng cụm từ "nghe mùi" chứ không phải "ngửi mùi." Nếu tai mà có thể cảm nhận được mùi thì quả thật người VN là 1 dạng siêu nhân hoặc X-Men rồi . Không lẽ tiếng Việt đã thoái hóa đến mức đó sao? Bản thân người nói cũng không ý thức được mình đang dùng từ sai một cách trầm trọng. Cả người Việt ở VN và người Việt ở vùng Nam California đều nói sai như vậy. Tôi không biết những người Việt sống những nơi khác trên thế giới có bị tình trạng này không.

Vài dòng tâm sự và bình luận cho vui cửa vui nhà . Chúc mọi người một ngày vui vẻ.

Tân

Mai Anh, Tp.HCM, 21:42, 24/07/2010

Vấn đề quan trọng nhất chính là văn hoá đọc. Thẳng thắn rằng, đa phần các bạn trẻ VN rất lười đọc. Họ chọn nhiều cách giải trí khác thay cho đọc sách, đọc truyện mà không hiểu rõ rằng việc đọc cải thiện rất nhiều vốn từ và kỹ năng sử dụng từ của họ.

tuan, Hà Nội, 16:29, 24/07/2010

Bài viết rất hay. Tôi cũng nghĩ thế nhưng không viết được ra như bạn.
Nhưng ai có ý kiến về đề văn khó, không thực tế cần xem và nhìn lại mình.

Đặng Duyên Phương, Hà Nội, 15:01, 24/07/2010

Người học không biết tư duy, không biết trình bày ý kiến theo cách của mình.

Đây chính là hệ quả tất yếu của một quá trình dạy học theo tư duy một chiều, tạo ra những con người chỉ biết nói lại, viết lại những gì người khác đã nói, đã viết.

Họ không dám nghĩ khác, nói khác, viết khác đi về cùng một vấn đề.

Họ cũng không có khả năng lý giải vấn đề theo suy nghĩ, tình cảm của riêng mình.

Cách dạy thụ động tạo ra người học thụ động. Do đó, trước những đề thi “mở” như đã thấy, học sinh lúng túng, do dự, không biết viết gì, thế nào, có đúng không, có trúng đáp án không, có bị xem là “phạm…” không, và người chấm bài chắc cũng thế.

Sự sáo mòn, khuôn mẫu đã trói buộc con người trong những khuôn khổ chật hẹp, giết dần sự sáng tạo, thui chột những tiềm năng của con người mà lẽ ra cần phải khai mở để hướng đến những chân trời tri thức mới mẻ, đa dạng hơn, sâu sắc, toàn diện hơn.

Lê Đình Khánh, 131/35/9 Thành Thái, 14:44, 24/07/2010

Bài viết rất hay. Tư duy ngôn ngữ là một điều rất quan trọng để quyết định thành công sau này của các em. Muốn hiện thực được điều này thì theo tôi cần phải đổi mới rất nhiều môn chứ không chỉ riêng môn Văn. Các em học sinh cần phải được học cách để chủ động trong tất cả các môn học.

Nguyễn Văn Nội, Hà Nội, 10:43, 24/07/2010

Thực ra, sự ầm ĩ chỉ dồn vào câu tự luận thôi (cả C và D).

Những người cho là khó (tôi là 1 trong đó) là muốn nói cái khó của một thí sinh khi phải xử lý tình huống: dùng dẫn chứng "hot" (vừa dễ phân tích, vừa đáp ứng yêu cầu của câu hỏi mang tính xã hội) nhưng không biết người chấm có đồng tình và cho điểm cao không?

Người chấm (số nhiều (ngôn ngữ Việt không thêm "s" như tiếng Anh, mà dùng "những" thì câu không hay), cũng khó vì gặp tình huống tương tự nhưng ngược tính chất: đáp án khống chế! Người làm đáp án (số nhiều) cũng khó vì "nhạy cảm" và "khó nói lắm"!

Nên, thôi thì chung chung vậy, gợi ý là chính thôi! Còn do và tôn trọng người chấm chứ!

Người chấm (số ít) cũng thế, tương đối thôi, chấm hai vòng cơ mà! Còn hai câu nữa, xem thế nào đã!

Thí sinh, áp lực thi cử, áp lực thời gian và cũng chỉ có 2-3 điểm thôi, cứ làm chung chung, loanh quoanh, vừa "lành" vừa "gần giống" với đáp án vì được ôn tập và hướng dẫn thế! Còn phải dành thời gian, trí tuệ và cảm xúc cho hai câu kia chứ! Đây là đi thi kia mà!

Thế đấy! Ở một góc độ nào đó (rất nhỏ), "văn học là nhân học" vì thế chăng?

Tôi cho rằng, đề tài tự luận về những vấn đề gần gũi và quan thiết đến thí sinh sẽ giúp các học sinh chuẩn bị dự thi ĐH (nếu chưa bỏ), không chỉ phương pháp học văn, không chỉ tự tin khi làm bài thi mà còn được nhiều hơn về văn hóa trong giai đoạn đang hội nhập này.

Nguyenquangtrung, Dai hoc TM Ha Noi, 09:37, 24/07/2010

Cách đặt vấn đề của Lan Hương về đề thi ĐH Môn văn 2010 cũng có cơ sở của nó để chúng ta tham khảo.

Trần Ngọc Âu, 182 Lê Lợi - Tp Quảng Ngãi, 09:26, 24/07/2010

Nói rất ngắn gọn, nhưng thực tế và sâu sát.

Lê Thu Hà, Thanh Hóa, 09:22, 24/07/2010

Bài viết hay !

Các tin khác