"Lợi nhuận cơ quan phải chờ tiến sĩ dỏm hết nhiệm kỳ..."

Cập nhật lúc 07:34, 01/07/2010 (GMT+7)

Tôi có một người quen rất giỏi, nhưng không có bằng tiến sĩ. Kết quả là không được đề bạt. Trong khi một ông khác, có bằng tiến sỹ nhưng không thực tài. Kết quả ông tiến sĩ được lên chức. Điều gì đã xảy ra?

TIN LIÊN QUAN

Sau 6 tháng nằm quyền, đám nhân viên khốn khổ, những đứa giỏi đi gần hết, còn lại toàn hội nịnh bợ.

Ông giỏi kia, dù là bạn ông tiến sĩ, cũng không chịu nổi (mà thực ra là bị tiến sĩ tìm đủ cách chèn ép) nên ra đi lập cơ ngơi riêng. Đến giờ, ông ấy rất khá.

Câu chuyện này không còn là hiếm, mà đã phổ biến trong xã hội. Ở một số cơ quan nhà nước, vẫn trọng bằng cấp, thay vì kiến thức thật của nhân sự.

Vấn đề đặt ra là, nếu ông giỏi kia đi mua một cái bằng dỏm, ông ấy có khả năng được đề bạt và có thể công ty dưới sự lãnh đạo của ông ấy sẽ lên như diều, nhân tài sẽ kéo về như kiến.

Nhưng nếu một ngày nào đó, câu chuyện vỡ lở, ông ấy sẽ bị chê bai tới số. Để tránh tình huống xấu nhất, ông ấy cần đi học và lấy bằng thực sự.

Nhưng rõ ràng là không phải ai giỏi thực tế thì đi học cũng như vậy. Bill Gate, Mark Zuckerberg, Paul Allen... từng trốn học, nhưng họ là tỷ phú thế giới cả đấy. Bằng cấp có quyết định thực tài hay không? Chưa chắc.

Vậy, giữa kiến thức dỏm và bằng dỏm, nên đặt nặng vấn đề nào hơn?

Chừng nào xã hội còn đặt nặng chuyện bằng cấp, thì những người thực tài sẽ khó phát huy và chuyện mua bán bằng cấp chắc chắn sẽ tồn tại, không biến tướng ở hình thức này thì sẽ chuyển đổi sang hình hài khác. Ai kiểm soát và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng sai?

Ví dụ như các doanh nghiệp tư nhân. Họ hoàn toàn có thể kiểm soát được, vì chi phí nằm trong tay, ai giỏi hơn thì cho lên, dốt thì đá viu một cái, không cần thương hoa tiếc ngọc.

Nhưng các cơ quan nhà nước thì sao, nếu vớ phải những ông như ông tiến sĩ kia, làm ăn thua lỗ, cùng lắm là cho nghỉ. Nhưng lợi nhuận của cơ quan, liệu được mấy cái 5 năm (một nhiệm kỳ) để mà chờ?

  • Thụy Khuê (Hà Nội)

(Ý kiến tham gia diễn đàn. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Lê văn Toàn, 17:04, 02/07/2010

Đề nghị chính phủ xem lại việc bổ nhiệm cán bộ và tiêu chuẩn học cao học

Việt Nam ngày nay, ngày mai và muôn thuở mai sau trong các cơ quan Nhà nước sẽ vẫn tồn tại cái nạn bằng cấp.

Hiện nay tại nhiều cơ quan có hiện tượng một người làm giám đốc thế là cho con cháu có trình độ lớp 7 phổ thông ( Tức là lớp 9 hiện nay) đi học bổ túc để có bằng cấp 3 sau đó cho đi học tại chức để có bàng đại học và sau đó đi học cao để có bằng thạc sĩ.

Thế là đủ tiêu chuẩn và hơn hẳn về tiêu chuẩn của cán bộ có trình độ đại học chính quy và thế là được cất nhắc phó trưởng phòng rồi trưởng phòng, phó giám đốc và khi ông ta về hưu là thế chỗ luôn.

Chỉ khổ cán bộ dưới quyền, nhục cho cán bộ có năng lực biết sai mà vẫn phải làm. Nếu cơ quan đó là hành chính thì tốt, vì lãnh đạo có dốt thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hoà bình thế giới vả lại cán bộ cấp dưới làm hết rồi nên lãnh đạo chỉ mỗi việc biết chữ để đọc được báo cáo thành tích do chuyên viên viết sẵn là xong.

Nhưng nếu đó là cơ quan doanh nghiệp Nhà nước thì thật là hoạ thực sự vì vai trò quản lý kém, không quyết đoán, độc đoán , kiêu căng thì kết quả kinh doanh không có dẫn đến nhân viên không có lương, chán nản thất nghiệp, nhà nước thất thu, doanh nghiệp phá sản thế là tài sản nhà nước đem thanh lý và của ngon giám đốc lại cuỗm phần mình và kết quả cuối cùng là doang nghiệp nát cũng là lúc giám đốc nghỉ hưu.

Hiện nay hiện tượng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu cha truyền con nối và theo tiêu chuẩn bằng cấp là phổ biến. Vỳ vậy tôi mong chính phủ nên đề ra tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ cho phù hợp để tránh tình trạng bổ nhiệm theo kiểu gia đình và quá phụ thuộc vào bằng cấp và cũng đề nghị chính phủ đề ra quy định, tiêu chuẩn học cao học tránh tình trạng đào tạo tràn lan như hiện nay./.

navux@yahoo.com, Hà Nội, 14:02, 02/07/2010

Xin đặt vấn đề khác đi một chút: Nếu bạn cần khám bệnh, bạn sẽ chọn khám ở đâu: một người được giới thiệu là chữa cừ lắm nhưng chẳng có bằng cấp gì cả, còn người kia có bằng bác sĩ?

Tôi nghĩ rằng, bằng cấp có là tiêu chuẩn để đánh giá đấy, có điều ở ta được quản lý kém quá nên giá trị của nó bị mất đi thôi.

Những ngoại lệ như Bill Gates thực ra chỉ càng chứng tỏ rằng bằng cấp là có cần thiết, vì nếu không thì người ta đã không gọi đó là "ngoại lệ".

Trung Tâm, Huế, 10:09, 02/07/2010

Vấn nạn bằng cấp nói mãi không hết. Bây giờ làm từ đâu? Chỉ có cơ quan Nhà nước! Nhà nước phải thay đổi gấp!

Tại sao nhiều người cần làm tiến sỹ? Tại chính sách, cơ chế đẻ ra.

Một cán bộ cấp Sở, Phòng ở tỉnh có cần phải có hàm tiến sỹ hay không? Nếu cần thì cả nước này đều tranh thủ để học (cả dỏm).

Đề bạt cán bộ thường ban đêm nhiều hơn, cần công khai minh bạch.

Tôi có đủ trình độ và điều kiện để nghiên cứu cho việc bảo vệ bằng tiến sỹ của mình một cách thực sự.

Nhưng thiết nghĩ, với bằng kỹ sư trong điều kiện làm việc hiện tại vẫn chưa sử dụng hết phần nửa của kiến thức đã một thời gian dài ngồi trên giảng đường đại học nên sự học tiếp theo sau đại học không còn là nhu cầu cho công việc và sẽ tốn kém nhiều thứ cho cá nhân và xã hội.

Nhà nước nên có chính sách đúng, không cấp ngân sách tràn lan cho công chức đi học sẽ giảm đáng kể vấn nạn đau đầu và hệ luỵ của nó đưa đến cho xã hội.

Tần Hoàng, Hà Nội, 09:35, 02/07/2010

Theo tôi, bài viết của bạn chỉ đúng một phần nhỏ trong xã hội hiện nay. Nếu tác giả nói " ông giỏi" mà không có bằng cấp thì khó tin. Ông đã giỏi tại sao không học lấy bằng mà phải đợi vô làm việc mới học để lấy?... Vậy những người bạn đã nói trên chỉ toàn ông dốt thôi. Phải chăng bạn đã "vơ đũa cả nắm"?

Nguyễn Tuấn Hùng , Biên Hòa, Đồng Nai, 14:27, 01/07/2010

Bài viết của tác giả Thụy Khuê đã nói lên một thực trạng sính bằng cấp hiện nay ở một số cơ quan, công ty nhà nước.

Một công ty tư nhân, ông Tổng Giám đốc chỉ học hết lớp 6 nhưng người ta điều hành cả một công ty với quy mô 8.000 người, doanh thu mỗi năm khoảng 800 tỷ đồng, và hơn nữa trong tám ngàn CBCNV của công ty có rất nhiều người có trình độ cao (tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ..), vì người ta biết trọng dụng, sử dụng nhân tài.

Nếu như trường hợp này mà rơi vào các cơ quan nhà nước, hay công ty nhà nước thì ông Tổng Giám đốc công ty nói trên không có cửa để làm nhân viên bảo vệ chứ đừng có nói làm Tổng Giám đốc.

Từ thực tế trên cho chúng ta thấy, cần phải xem lại cách đánh giá năng lực một người thông qua bằng cấp mà người đó có.

Theo tôi, bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để cơ cấu bổ nhiệm một chức vụ, đặc biệt là những chức vụ quan trọng mà người đó không có đủ trình độ năng lực, tâm, tầm thì hệ lụy kéo theo là cả một đơn vị đó di xuống bởi người cán bộ thiếu năng lực nhưng lại đầy đủ bằng cấp.

Cũng từ việc sính bằng cấp nêu trên mới dẫn đến hậu quả là ngày càng nhiều tiến sĩ "rởm" như báo chí đã nêu mấy bữa nay.

Nguyễn Nguyễn, Hà Nội, 14:12, 01/07/2010

Khi lấy được tấm bằng đỏ cử nhân khoa học xã hội ở nước ngoài về, đi làm báo được một thời gian, cơ quan tôi bảo theo chính sách tiêu chuẩn hóa cán bộ, những người như tôi là "không chuẩn" nên bắt phải đi học tại chức tại Phân viện Báo chí Tuyên truyền (bây giờ lại Học viện Báo chí) để lấy bằng đại học báo chí.

Tôi và mấy người trẻ bị "tóm" đi. Vào ấy, chẳng ai trong chúng tôi học hết, vì thật sự là chúng tôi không được nghe những cái mình cần thật sự cho nghề nghiệp.

Chuyện buồn cười nhất là vào trường, tôi gặp 1 bạn cũng học như tôi ở Nga về. Chỉ vì cô ấy về Phân viện này nên cô ấy bỗng dưng trở thành giáo viên đại học, và khốn thay, lại gặp bạn học là tôi nay lại là ...sinh viên! Đúng là nực cười quá!

Cái chính sách quái gở "tiêu chuẩn hóa" cho rằng, học cái gì thì ra phải làm đúng ngành ấy, và nó chủ trương đào tạo lại theo ...ý nó.

Giời ạ! Từ đó đến nay đã gần 30 năm. Tôi đã trốn khỏi cơ quan nhà nước từ rất lâu. Nhưng không phải ai cùng làm được thế.

Chồng tôi gần về hưu còn bị yêu cầu phải đi học, chẳng phải để nâng cao năng lực gì, mà họ nói trắng ra là nếu anh không thi công chức, thì anh không thể lên lương hơn.

Thi công chức người ta dạy cái gì, yêu cầu học cái gì thì mọi người biết rồi, tôi không phải viết ra (ngượng lắm). Chồng tôi nói nghĩ cái chuyện lên được mấy đồng lương mà phải đi học ba cái thứ lăng nhăng thế, vì tự trọng, anh ấy không làm.

Tôi có người bạn bay từ TP.HCM ra Hà Nội, bảo tôi bay ra để thi công chức. Giời ơi là giời! Tôi hỏi thi làm gì, lương có được bao nhiêu đâu. Cô ấy bảo thì mình cứ thi cho nó đảm bảo quyền lợi này nọ. Ra là như thế!

Kể mấy chuyện vậy để các bạn hình dung không có nhiều người như chồng tôi, nhưng vô số nghĩ như bạn tôi (vì chính sách nó bảo thế).

Câu hỏi của tôi là trong mấy chục năm như thế, có bao nhiêu người đi "học", cái họ học có giúp họ nâng cao năng suất lao động không, có trang bị thêm kỹ năng không? Câu trả lời rõ ràng là không! Bao nhiêu tiền bạc của nhà nước đã bị tiêu phí chỉ để sinh ra bao điều dối trá, nhức nhối gây bất bình sâu sắc!

Trong vấn đề "tiến sĩ", nó cũng có cái căn nguyên trong chính sách: Đó là ngộ nhận về tiến sĩ thay vì đề cao vai trò của khoa học.

Mấy chữ 'giáo sư", "tiến sĩ" trở thành cái mác quan trọng cho những kẻ bất tài, háo danh, giúp người i ta che đậy phần nào sự ngu dốt.

Gần đây, người ta lại nói về việc phải đãi ngộ tiến sĩ tử tế, trải thảm đỏ cho tiến sĩ về, trả lương cao cho tiến sĩ, đặt mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ, vv và vv. Rồi nhiều người nếu làm tiến sĩ thì lại được phong chức, tăng lươn, lại có quyền.

Việc truyền bá công trạng, truyền thống học hành của người xưa gắn với chữ "tiến sĩ" lại càng làm cho nhiều người tưởng tiến sĩ là vạn năng, là đích đến... Cái mặt nạ này rõ ràng là đang được ưa thích, lừa được nhiều người...cho nên nhiều kẻ thích đeo, từ dân đen cho đến trí thức. Vàng thau lẫn lộn là thế.

Sang làm cho cơ quan quốc tế, tôi thấy rất nhiều chuyên gia xuất sắc, có thứ bậc cao về vị trí, nhưng nếu không làm nghiên cứu, nhiều người như họ vẫn chỉ là cử nhân, hay thạc sĩ.

Tại một hội thảo do cơ quan tôi tổ chức ở HN, một quan chức cấp vùng của Mỹ lên chủ tọa, ông chỉ là cử nhân, còn một cô TS Ấn Độ cùng cơ quan với ông thì ngồi phát tài liệu cho đại biểu. Ở nước ta, chuyện đó chắc hẳn là chuyện hoang đường.

Đàm Quang Nam, 218C Đội Cấn, Hà Nội, 11:50, 01/07/2010

Một thực tế ở VN hiện nay là các cơ quan nhà nước còn tồn tại phổ biến hai loại cán bộ "không có tầm và không có tâm" thuộc diện "con ông cháu cha" và mua quan bán chức.

Nếu nhà nước mà không thay đổi cơ chế tuyển dụng và đề bạt cán bộ thì bài viết của tác giả Thụy Khuê còn phải tốn nhiều giấy mực hơn nữa. Nhưng cái mất lớn nhất là lòng tin của dân với Đảng cộng với sự nghèo mãi đeo đuổi dân tộc.
(maiquang-Hà Nội)

Nguyễn Anh Tuấn, Hà nội, 10:32, 01/07/2010

Theo tôi, một xã hội học tập là một xã hội tốt.

Một xã hội như vậy mới có thể đưa đất nước tiến lên hiện đại hóa và phát triển đươc.

Rõ ràng TS là rất cần thiết và thuộc tầng lớp trí thức cao trong một xã hội phát triển

Chúng ta không nên thần tượng hóa học vị TS nhưng cũng không được tầm thường hóa vai trò của họ.

Chúng ta cũng không thể nói là TS làm được tất cả mọi thứ nhưng cũng không nên cho rằng họ chỉ làm được công tác nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy.

Chúng ta biết rằng ở các nước phát triển, rất nhiều nhà khoa học, giáo sư hay TS ở các trường đại học ra làm quản lý cho các tập đoàn hay làm thành viên nội các chính phủ và họ cũng rất thành công trên những cương vị đó.

Chúng ta đều biết, qui trình đào tạo TS ở các trường đại học hay ở những nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đều rất khắt khe, đòi hỏi tính tự lập rất cao, tự đặt vấn đề, và tự giải quyết vấn đề trong những điều kiện, phương tiện, tài nguyên hiện có của cơ sở đào tạo hoặc biết phối hợp với các cơ sở bên ngoài để làm sao hoàn thành nhiệm vụ với chi phí hợp lí, mà không bao giờ có chuyện lãng phí.

Các GS hướng dẫn thường chỉ giúp định hướng và nhận xét kết quả nghiên cứu, không có chuyện làm hộ. Chúng ta chỉ nói đi học đại học hay đi học cao học, nhưng với việc học tiến sĩ, chúng ta còn nói là đi làm tiến sĩ hay làm nghiên cứu sinh.

Như vậy, những người học tiến sĩ thực chất là những người bất đầu chập chững bước vào và đi học một nghề là nghiên cứu khoa học. Cũng như những người học xong đại học hay cao học, sau khi tốt nghiệp họ vẫn phải có một thời gian học việc khi theo đuổi một nghề nào đó.

Học TS chính là thời gian học việc để theo đuổi nghề nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Chúng ta cần phải biết răng làm TS cũng cần phải có những kỹ năng giống như những người đi làm như là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng xây dựng và phát triển các mối quan hệ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng quản lý công việc, quản lí thời gian, kỹ năng đọc sách, viết báo, thậm chí cả kỹ năng quản lí ngân sách nữa.

Những kỹ năng này ưu tiên phát triển phục vụ cho công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nhưng cũng không có nghĩa và không có ích cho những công việc khác. Rõ ràng là TS có thể làm tốt được ở những vị trí công việc khác không nhất thiết chỉ trong công tác nghiên cứu khoa học hay giảng dạy.


Cái bàn ở đây là phải kiểm soát chất lượng và sử dụng TS để không bị lãng phí.

Để kiểm soát chất lượng TS, phải chăng chúng nên phân loại TS.

Một cách có thể làm được nhưng cần phải bàn kỹ hơn như sau. Chúng ta lập một bảng có năm cột, cột thứ nhất là 100 trường ĐH hàng đầu thế giới, cột thứ hai là 200 trường, cột thứ 3 là 500 trường, cột thứ tư là 1000 trường và cột cuối cùng là các trường còn lại; và năm hang, hàng thứ nhất là các nước G7, hàng thứ hai là các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20ngàn USD trở lên, hàng thứ ba là các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 10 ngàn USD trở lên, hàng thứ tư là các nước có GDP từ 500 tỉ USD trở lên, hàng thứ năm là các nước còn lại.

Như vậy những TS nào học ở những trường danh tiếng của các nước phát triển trên thế giới sẽ được rất nhiều ưu đãi sau khi tốt nghiệp. Một ưu tiên lớn dành cho những TS mà tên được đứng đầu trong những bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có hệ số impact cao.

Vấn đề thứ hai là sử dụng và chế độ đãi ngộ TS thế nào cho phù hợp để khuyến khích họ tiếp tuc phát triển và cống hiến cho xa hội, theo chuyên môn của họ và tốt nhất là phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Phải làm sao để công việc nghiên cứu cũng phải đảm bảo thu nhập tốt để họ không phải lo lắng, bận tâm mà tập trung vào nghiên cứu thì chất lượng giao dục của xã hội mới nâng lên được.

Vấn đề thứ ba là làm sao để bằng TS không phải là một giấy thông hành để làm chính trị.

Vấn đề này cần phải có sự phối hợp đồng bộ. Khi những người làm khoa học thực sự được đãi ngộ xứng đáng thì họ cũng không muốn làm chính trị. Điều đó chỉ làm được khi quyền năng tuyệt đối về khoa học phải được trao cho họ.

Cần phải mạnh dạn xóa bỏ hay cải cách rất nhiều vấn đề trong bộ máy đang vận hành của chúng ta thì mới có thể đảm bảo được các quyền năng này được trao cho các nhà khoa học đích thực.

Những người làm khoa học chân chinh đều hiểu và chán nản với hệ thống đang vận hành hiện nay. Nhiều trường hợp họ phải nhắm mắt làm ngơ hoặc vô tính góp tay vào làm cho hệ thống càng tồi tệ.

Chính vì vậy xuất hiện nhiều TS dởm về chuyên môn, yếu về năng lực làm việc, suy đồi về nhân cách, và coi bằng TS như là một giấy thông hành để tiến thân trên con đường hoạn lộ.

Một vấn đề nữa là hệ thống tuyển chọn lãnh đạo của xã hội không rõ ràng, dân chủ, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội, năng lực yếu kém lên làm lãnh đạo.

Chúng ta nên thực hiện qui trình bầu người đứng đầu của các tổ chức chính trị, xã hôi, nghề nghiệp,, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Có như vậy mới có thể chọn được người lãnh đạo có uy tín, có năng lực; đồng thời loại bỏ được những kẻ cơ hội, năng lực yếu kém, sử dung bằng TS thật nhưng dởm về chuyên môn làm giấy thông hành để leo cao.

Kieu Van Hung, 10:03, 01/07/2010

Rõ ràng là cách tuyển dụng và đề bạt cán bộ hiện nay trong các cơ quan nhà nước đang có rất nhiều bất cập.

Cần phải thay đổi cách làm hiện nay về công tác cán bộ sao cho sát thực tế hơn, chọn được đúng những người thực tài.

Việc lấy tiêu chí bằng cấp làm tiêu chí chủ yếu như hiện nay thì bộ máy nhà nước chỉ ngày càng mục ruỗng mà thôi, đồng thời nó cũng làm cho mọi giá trị xã hội bị đảo lộn hết cả. Thật giả lẫn lộn, không biết đằng nào mà lần. Tiêu cực tha hồ mà phát tán,

"Chạy" - câu mở miệng hiện nay trong xã hội đã nói lên tất cả. Cần phải có một giải pháp toàn diện, sát thực tế giải quyết các vấn đề từ thu nhập, môi trường làm việc đến tuyển dụng, đề bạt, sa thải, vv...

Hết sức tránh những tiêu chí chung chung về cán bộ như lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc, lập trường tư tưởng, vv...

Những tiêu chí chung chung này ai cũng có thể nói và viết được. Hãy xem họ làm gì để đem lại điều gì cho đất nước, cho nhân dân mà kết luận họ có trung thành với Đảng, với dân tộc hay không?

Hãy cụ thể hóa các tiêu chí khi tuyển dụng và đề bạt. Đặc biệt quan trọng là phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, làm sao để nhân dân, cán bộ, đảng viên được tham gia một cách thật sự vào quá trình ấy.

Lê Đình Thủ, Nha Trang, 09:48, 01/07/2010

Chuyện này cũ rồi. Quan trọng là người thực tài có được cơ hội đóng góp cho xã hội như ông bạn "không có bằng tiến sĩ" là quá quý rồi.

Điều quan trọng là nên điều chỉnh lại quy định như kiểu làm hiện nay ở Pakistan thì sẽ tự nhiên dẹp được bớt cái "loạn bằng cấp dỏm" ngay thôi mà. Cũng là quy luật cung-cầu thôi. Nếu không có cầu (bằng dỏm) thì tất cái cung (bàng dỏm) sẽ tự triệt tiêu thôi mà. Muốn điều chỉnh "cầu" thì cần có sự can thiệp của Nhà nước thông qua quy định chế tài (cơ quan làm luật).

Huân, TPHCM, 09:45, 01/07/2010

Khi chủ nghĩa cá nhân ngày càng được phát triển từ ngấm ngầm đến trắng trợn thì cũng đừng ngạc nhiên với những hiện tượng như vậy. Dây thần kinh ngạc nhiên của rất nhiều người đã bị đứt từ lâu rồi!

Nguyễn Thanh Thanh, Hà Nội, 09:02, 01/07/2010

Đã đến lúc hệ thống giáo dục đào tạo ở Việt Nam cần xem xét về chất lượng tiến sĩ hiện nay, tôi thấy đại đa số những người có bằng tiến sĩ để thăng quan tiến chức, chứ có người bao năm nay đã có một sáng kiến nào đâu.

Hoàng, Bỉ, 09:00, 01/07/2010

Tôi cố gắng tìm học bổng cũng chỉ vì làm cơ quan nhà nước (Viện nghiên cứu), nơi mà không có bằng TS thì chả làm gì được, chả được đi bầu cử viện trưởng, chả được làm chủ nhiệm đề tài - đồng nghĩa với chả có tiền. Còn thực sự chất lượng của cán bộ viện tôi thì buồn vô cùng!
Tỷ lệ con ông cháu cha nhiều vô kể, tỷ lệ tại chức cũng nhiều. Nhiều người học tại chức ở Viện tôi đã và đang học thạc sỹ và tiến sỹ.
TS ở viện tôi có thực sự làm được cống hiến được gì không thì hãy cứ nhìn vào các nghiên cứu hàng năm

hamy, Hà Nội, 08:56, 01/07/2010

Ở cơ quan tôi cũng vậy thôi và có lẽ ở cơ quan nào trên đất nước VN này đa phần cũng thế.

Một cô thạc sĩ, nhưng chưa đi giảng bao giờ lại được bổ nhiệm làm cán bộ chuyên môn tổ bộ môn tại một học viện có tiêng của cả nước- nơi đào tạo toàn công chức, cán bộ nhà nước, trong khi tổ bộ môn có tới mấy tiến sĩ, có cả người đi học TS ở nước ngoài về.

Khi trao QĐ cho cô Ths, ông PGĐ còn nói: chuyên môn không phải là tất cả. Vậy ở VN khi làm chuyên môn, người ta còn cần những gì hơn là trình độ chuyên môn đây?

Lê Bá, 137 Lê Đức Thọ, Gò Vấp,TPHCM, 08:54, 01/07/2010

Tiến sĩ - Thực-Hư tài năng

Hiện nay, xã hội chúng ta quá coi trong bằng cấp cho nên trong xã hội cũng có nnhững trào lưu chạy - kiếm bằng cấp cho bằng chị -bằng anh.
Những bằng cấp đó thật sự có giá trị khi có đóng góp nhiều công trình giá trị , truyền đạt cho sinh viên nhiều kiến thức và thực tế chứ không phải là sự tập hợp nhiều kiến thức của nhiều nơi thành các giáo trình lý thuyết không tưởng và bán sách.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tìm hiểu thông tin đối với người dân và nhất là đối với sinh viên không khó, vậy tại sao ít có ý kiến chỉ có một lý do là nói có ai nghe không hay học cho hết chương trình và tự tìm hiểu thêm ở đâu đó. Hãy xem lại khâu đào tạo để còn kịp chấn chỉnh

Vân Long, Long Thành, 08:49, 01/07/2010

Sáng nay báo Tuổi Trẻ có bài viết này ở mục phiếm luận về chuyện thường ngày:

"Đỡ phải xấu hổ một mình"

Xài bằng cấp dỏm, hàng chục ông nghị ở Pakistan đang có nguy cơ bị mất ghế. Hơn một ngàn ông khác cũng đang nhấp nha nhấp nhổm vì tòa án đòi kiểm tra lại bằng cấp của tất cả các ông nghị khác. Gay nhỉ!

- Nghĩa là thứ hàng dỏm đó không chỉ có riêng ở xứ mình! Vậy cũng an ủi phần nào, đỡ phải xấu hổ một mình.

- Xứ mình đâu có thứ hàng dỏm đó, toàn hàng thật cả đấy. Có điều bằng thật nhưng mà... học giả! Chẳng hạn như bác gì đấy làm giám đốc cấp sở ở một tỉnh phía Bắc, lấy bằng tiến sĩ của Mỹ mà tiếng Anh một chữ cưa đôi cũng ngắc nga ngắc ngứ. Đã thế bác này bảo bác... không may!

- Sao thế?

- Vì còn nhiều vị khác cũng có bằng tiến sĩ kiểu đó mà chưa bị phát hiện. Nghe nói bác này bảo lấy cái tiến sĩ hết 17.000 USD!

- Thế thì không may cho bác ấy nhưng may cho nước nhà.

- Có họa điên! Còn các bác bằng thật học giả ấy thì còn khổ chứ may cái nỗi gì!

- Vì dù sao bác ấy lấy cái bằng ấm ớ kia cũng bằng tiền túi. Còn hơn khối bác lấy bằng tiến sĩ bằng tiền của nhà nước nhưng chỉ lấy làm cảnh cho vui.

- Bằng tiền túi hay bằng tiền nhà nước gì đi nữa, hễ còn chuyện bằng thật học giả, người thật bằng giả thì cuộc đời còn khốn khổ vì mấy ông ngoại này, ông ạ!

Thang, Ha Noi, 08:37, 01/07/2010

Chỉ được cái nói đúng!

Trí Trung, 08:29, 01/07/2010

Bạn này cứ lo cái lo nhỏ, nếu ông kia không có bằng cấp mà có thực lực mà bị ăn hiếp thì ra làm riêng thì tức là để tự khai thác hiệu quả năng lực của mình xây dựng cơ ngơi cho mình và phục vụ xã hội mất đi đâu mà sợ.
Còn nơi nào các tổ chức không trọng thực lực thì tự nó sẽ chết đi thôi. Việc gì phải lo những tổ chức đã hư hỏng ấy làm gì.

Các tin khác