Thực hư lời từ chức của Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương
Cập nhật lúc 21:56, 16/07/2010 (GMT+7)
- Trước phiên họp HĐND, Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đánh giá cao cách làm việc của Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương. Tuy nhiên khi ra diễn đàn, ông đã gặp nhiều chất vấn nóng và buột miệng nói lời từ chức. Sau sự kiện này, người đứng đầu ngành giáo dục của một địa phương có nền kinh tế thuộc diện năng động nhất nước từ chối giải thích tiếp câu chuyện lời từ chức của mình.
TIN LIÊN QUAN |
|
|
Kỳ họp HĐND lần thứ 17, khóa 7 của tỉnh Bình Dương mới đây đã đưa ngành giáo dục tỉnh này ra diễn đàn chất vấn.
Ngay trên diễn đàn, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương nói, nếu các đại biểu không còn tín nhiệm thì ông xin từ chức, để nhường cho người khác trẻ, khỏe và làm tốt hơn ông. Trường hợp vẫn tín nhiệm thì phải chấp nhận cách làm của ông, chứ không thể ép chất lượng giáo dục thông qua các con số phần trăm, tỷ lệ…
Cũng tại kỳ họp này, một số đại biểu HĐND Bình Dương đã so sánh tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010 của tỉnh (87,75%) với tỉnh láng giềng Bình Phước (92,04%), dù con số của địa phương so với năm học trước đã tăng 10%. Bình Dương và Bình Phước vốn được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ. Các đại biểu cũng lo lắng khi mức đầu tư vào giáo dục tiếp tục tăng cao mà các con số thống kê "chẳng đẹp tí nào".
Sau khi lên tiếng với báo chí "tôi không có ai chia sẻ", ông Phương từ chối phát biểu thêm về sự việc này. Thực tế là ông Phương chưa viết đơn xin từ chức
|
Phụ huynh chờ con thi tốt nghiệp. Ảnh: Phạm Hải |
Ông Nguyễn Văn Rua - một trong những đại biểu chất vấn gay gắt ông Phương về chuyện này - nguyên là Giám đốc Sở GD - ĐT ngay trước nhiệm kỳ của ông Phương. Gặp lại phóng viên, ông khẳng định những gì muốn nói, mình đã nói hết trên diễn đàn HĐND và không muốn nhắc lại.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Tuyên giáo Bình Dương cho biết, trước khi họp HĐND, Tỉnh ủy đã làm việc với ngành giáo dục.
Tại buổi làm việc này, ông Phương đã thuyết phục tỉnh ủy cần tiếp tục tin tưởng vào cách làm việc của mình. Nếu cần thiết, ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Ông Thanh Liêm cho biết thêm, Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đánh giá cao cách làm việc của ông Phương và vẫn tiếp tục ủng hộ ông.
Tuy nhiên, tại diễn đàn HĐND, các vị đại biểu đã không nghĩ như vậy.
Được biết, năm 2006, khi phong trào “hai không” được Bộ phát động (Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử), lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhiều lần thuyết phục các địa phương, không nên căn cứ vào các con số thống kê (cụ thể là tỷ lệ tốt nghiệp) để đánh giá thi đua đối với ngành giáo dục. Nói cách khác, Bộ thuyết phục địa phương chấp nhận xiết chặt thi cử, để nâng chất lượng một cách bền vững.
Tuy nhiên, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010 vừa xong, kết quả lại không đồng đều ở nhiều tỉnh thành, mà đáng chú ý là một số địa phương vốn có tỷ lệ rất thấp ở thời kỳ đầu thực hiện "hai không" lại nhảy vọt lên so với những năm trước.
Kết thúc phiên họp của HĐND tỉnh Bình Dương, có tới 5 trong số 9 nghị quyết được thông qua đều thuộc lĩnh vực giáo dục, với chủ trương "bơm" mạnh tiền cho mảng "quốc sách hàng đầu" này.
Cụ thể là phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, cán bộ quản lý… công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn theo tiêu chí của tỉnh. Và có cả chế độ hỗ trợ cho HS phổ thông trên địa bàn. Riêng HS có điểm IELTS từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL tương đương, được hỗ trợ học phí 8 triệu đồng cho mỗi em.
Bình Dương hiện có 369 đơn vị, trường học với 215.333 học sinh. 53,93% trường học được "lầu hóa" (trong đó các trường THPT, GDTX-dạy nghề đạt 100%); 46,84% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, riêng trường THPT và Tiểu học có 33,88% đạt chuẩn.
Tỷ lệ trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2006 đạt 18,4%, năm 2007 đạt 22,6%, năm 2008 đạt 32,2%, năm 2009 đạt 41,5% (nghị quyết của Bình Dương đề ra là tăng từ 2-3% hàng năm).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 -2010, Bình Dương có 5.420 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 87,75%, tăng hơn năm học trước gần 10%. Có hai trường đạt tỷ lệ 100% là THPT Tây Sơn (Phú Giáo) và THPT Chuyên Hùng Vương.
|
Ý kiến bạn đọc
Lê Thuỷ Thiệp, Trường Tiểu học Mộc Bắc- Duy Tiên- Hà Nam, 20:53, 18/07/2010
Tôi đồng ý với bạn Tuấn Minh.
Tuy nhiên, không chỉ 3 vấn đề bạn nêu lên ở Bình Dương (cũng là những vấn đề chung của cả nước), còn vấn đề thứ 4 quan trọng hơn cả nữa là: Khâu quản lý trong ngành Giáo dục là yếu kém nhất nhất trong các yếu kém. Vậy thì muốn thay đổi, trước tiên cần có con người tiên phong. Người tiên phong đầu tiên phải là quan chức ngành Giáo dục. Vì chỉ quan chức, lãnh đạo mới có tiếng nói, ảnh hưởng lớn tới ngành....
trangchidiep, seoul Korea, 19:53, 18/07/2010
Một phương pháp rất đơn giản để xác định chính xác chất lượng thi cử, đó là việc bộ giáo dục cho chấm lại ngẫu nhiên bài thi tốt nghiệp của học sinh tại một số tỉnh.
Trong trường hợp này những bài thi quay cóp hoặc chấm cao hơn thực tế... đều có thể kiểm chứng và có con số cụ thể.
Từ đó so sánh với kết quả công bố của tỉnh đó . Trong trường hợp kết quả chênh lệch cao, tôi cho rằng cần có biện pháp đích đáng với các cán bộ quản lý giáo dục trong ngành tỉnh đó. Ngoài ra biện pháp này sẽ có hiệu quả vì đó sẽ là tấm gương cho tỉnh đó ( và cả các tỉnh khác) trong các năm về sau.
Ai cũng biết có nhiều tiêu cực, ai cũng biết có thực trạng tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn thực tế? Nhưng tôi cho rằng điều chúng ta cần làm là có những hành động cụ thế, không chỉ đơn thuần là những lời hô hào của bộ trưởng hay của một vài cá nhân nào đó.
hà Trang, 19:02, 18/07/2010
Tôi là người rất quan tâm tới GD - ĐT với phong trào hai không.
Không nên dựa vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp để đánh giá thành tích của nhà trường. một giám đốc phát biểu được như vậy tôi thấy rất đáng quí .
Các nhà quản lý giáo dục cần nhìn thẳng và đối diện với sự thật , cần có cuộc cách mạng trong việc quản lý giáo dục để có những cách làm mới khác trước đây, để sao xóa bỏ được bệnh thành tích.
Qua mỗi cuộc thi nơi nào có báo cáo tỷ lệ vi phạm qui chế thi cao ( kể cả giám thị) là nơi đó làm nghiêm. Tỷ lệ đỗ cao như năm nay, tình hình thực hiện qui chế thi tốt như năm nay, tôi không được tin tưởng lắm . Học sinh đi in phao tại các cửa hàng foto vẫn rất đông. các hiệu trưởng và giám đốc cần dũng cảm hơn nữa . Mong nhà nước hãy tạo điều kiện cho họ có những bước cải tiến và đột phá .
Phan Đức Hải, Nha Trang, 04:26, 18/07/2010
Việc đỗ tốt nghiệp phổ thông cao như hiện nay chưa phản ảnh thực chất của giáo dục phổ thông vì có những tỉnh dân trí rất thấp nhưng kết quả thi tốt nghiệp điểm rất cao giống như học sinh tự do chép bài cho nhau. Tôi thấy chỉ số giáo dục ở bậc ĐH mới tương đối khách quan, một số trường đào tạo sinh viên ra trường rất hạn chế về tỷ lệ tốt nghiệp nhưng xã hội lại đánh giá rất cao về chuyên ngành đào tạo vì họ đăt chất lượng là hàng đầu. Qua đây tôi thấy bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông rất phổ biến nên phải cải cách lại.
nguyen bich ngoc, Hà Tĩnh, 23:08, 17/07/2010
Mình mong Hà Tĩnh quê nhà cũng có ông giám đốc sở giám làm giám chịu như thế. Mất 10 năm làm thật, sẽ có hàng ngàn thế hệ sau có nếp học thật. Hoan hô
Hoang Nguyên , Phú Thọ , Thu Dầu Một , 21:41, 17/07/2010
Tôi hoàn toàn ủng hộ những gì ông Phương đã làm ở ngành giáo dục tỉnh nhà . Nếu muốn tăng lên trong bảng xếp hạn thì cũng không khó lắm đâu , chỉ cần lơ là một trong các khâu coi thi thôi thì có thể tăng tỉ lệ từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm . Xin thầy Phương đừng nản lòng , hãy làm như đã làm , tôi tin rằng sẻ có rất nhiều giáo viên , PHHS , ủng hộ cách làm của thầy .
tuanminh, Binh Duong, 21:03, 17/07/2010
Tôi là người Bình Dương, và đang là quản lý trong ngành giáo dục của tỉnh Bình dương.
Đọc những trang tin ngày 14/7/2010 tôi thấy Thầy Giám đốc Sở Giáo dục Bình Dương trên báo Tuổi Trẻ đã thẳng thắn nhìn nhận vai trò của mình trong giáo dục tỉnh nhà và bản thân tôi cũng rất kính trọng thầy Phương vì tôi đã nhiều lần tiếp xúc với Thầy và chứng kiến nhiều cuộc vi hành của Thầy đến với cơ sở.
Tuy nhiên, là những người từ cơ sở, hàng ngày thực thi mọi sự chỉ đạo của ngành giáo dục, tôi thấy rằng giáo dục Bình Dương yếu kém nhiều năm liền và luôn đứng ở tốp cuối của cả nước là đúng, và nếu điều này không được giải quyết thì bài toán chất lượng giáo dục sẽ không thể nâng lên một cách thực chất, vì không thể nói Bình Dương là công tác coi thi nghiêm túc mà các tỉnh khác vừa rồi coi thi không nghiêm túc.
Ba vấn đề cần giải quyết ở Bình Dương hiện nay là:
1. Đội ngũ cán bộ quản lý từ cơ sở đến phòng giáo dục đến sở giáo dục của Bình Dương hiện nay rất yếu kém. Thực tế đã thấy, việc chỉ đạo quản lý hiện nay của giáo dục Bình Dương không đến nơi đến chốn, trách nhiệm về chất lượng từ các lớp học ở mỗi cấp học không ai chịu trách nhiệm; từ tiểu học tới trung học phổ thông nhiều lớp kiểm tra, khảo sát tỷ lệ thấp chưa từng có nhưng cán bộ quản lý vẫn cứ được khen thưởng vẫn cứ được ca ngợi. Cán bộ lãnh đạo thì né tránh trách nhiệm; bổ nhiệm theo quan hệ cá nhân, việc luân chuyển ở cấp Phòng chỉ là sự đe dọa nhau chứ không phải vì mục đích phát triển.
2. Năng lực thực chất của đội ngũ quá yếu, không thực chất với trình độ đào tạo những luôn bị các cấp quản lý đánh giá sai lệch, báo cáo thành tích.
3. Nền tảng giáo dục quá thấp, từ lớp 5 cho đến lớp 9 chất lượng thực hiện nay quá thấp thì đến lớp 12 thi tốt nghiệp, thi đại học cũng sẽ thấp là đúng. Vì hiện nay rà soát lại chất lượng học sinh ở các lớp dưới thì đáng báo động, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Tình trạng này còn kéo dài thì 10 năm sau giáo dục Bình Dương vẫn chưa thể có tên trên bản đồ tiêu biểu của giáo dục cả nước.
Đây là những lời góp ý chân thành của tôi,và đó cung chính là những gì tôi đang thấy và lo lắng trước thực trang giáo dục Bình Dương hiện nay!
Lê Thuỷ Thiệp, Hà Nam, 16:35, 17/07/2010
Tôi rất đồng ý với quan điểm tiến bộ của ông Giám đốc, là một giáo viên, tôi thiết tha mong muốn có nhiều quan chức ngành Giáo dục như ông. Tôi rất muốn trở thành giáo viên của tỉnh Bình Dương nếu ông Dương Thế Phương làm Giám đốc. Có ai biết địa chỉ thư điện tử, hoặc số điện thoại của ông Phươỗngin cho tôi biết theo địa chỉ lethuythiepthiep@yahoo.com.vn để tôi có thể được chia sẻ với ông. Xin cảm ơn!
Nguyễn Minh Đức, TpHCM, 15:58, 17/07/2010
Tôi từng là một can bộ quản lí giáo dục cấp quận, huyện. Qua câu chuyện của ông Dương Thế Phương, tôi rất hiểu sức ép dành cho ông từ cac cấp chính quyền địa phương.
Theo cơ chế hiện nay, Sở hay Phòng GD là cơ quan chuyên môn về GD của các địa phương, nên thành tich của GD chính là thành tựu của từng địa phương.
Nên cái gọi là "bệnh thành tich " của ngành GD thực ra là bệnh của lãnh đạo cac địa phương "lây truyền cưỡng bức" cho ngành GD của địa phương mình.
Theo kinh ngiệm tôi thấy, nếu hiểu rằng mong muốn con cái mình đỗ đạt ,tối thiểu là cái bằng tú tài để vào đời hoăc hoc lên - là chính đáng,là khát vọng rất nhỏ nhoi của cac bậc cha mẹ, thì cac nhà quản lí GD vẫn có thể đáp lại ước nguyện bình thường đó của các bậc cha mẹ - mà không hề "nhiễm bệnh".
Vì không phải và không được vội vàng qui kết nơi nào đậu cao là thi cử gian dối, rồi la lớn là mắc "bệnh thành tích". Những người quản lí GD có trí tuệ, năng động sáng tạo, có tâm huyết với đội ngũ giáo viên tất cả vì hs thân yêu, sẽ không phụ lòng mong mỏi của nhân dân và các cấp chính quyền.
Tôi biết nhiều tỉnh, thành ,nhiều quận, huyện làm được như vậy (tôi có may mắn được tới tham quan học hỏi tìm hiểu thường xuyên cac địa phương này).
Trở lại chuyện giáo dục Bình Dương, tôi ủng hộ lập trường kiên quyết bảo vệ "cách làm việc của mình". Nhưng không dám chắc như vậy là "anh hùng lẻ loi" trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Chúng ta không nên vơ đũa cả nắm, nghi ngờ cả nắm những nơi đậu cao. Và rồi cứ đậu thấp hơn, thậm chí thấp nhất là "ngọn cờ chống tiêu cực", là thi cử trong sạch!
Cách nhìn nhận đó quá cảm tính, đôi khi hồ đồ, xúc phạm những người chống tiêu cực chân chính.
Nếu ông Giám đốc tỉnh Bình Dương cùng quan điểm với tôi, hãy bình tĩnh rút kinh nghiệm nôi bộ ngành - từ đó với bản lĩnh của mình, với sự quan tâm đầu tư cho GD như chính tại phiên họp HĐND tỉnh kì này đã thành nghị quyết,chắc chắn ông sẽ đưa GD Bình Dương tiến nhanh tiến vững chắc!
Giaos dục nhiều tỉnh thành,nhất là cac tỉnh nghèo miền núi phía Bắc,ngay cả người anh em song sinh còn nghèo Bình Phước láng giềng luôn ước ao dược như Bình Dương của ông đó.
Tôi thì không khen ông là dũng cảm khi ông từ chức đâu, mà ngược lại. Đó là lời khuyên của một đồng nghiêp già ở TP.HCM gửi tới ông.
Hoàng Minh, 13:19, 17/07/2010
Lâu nay Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách, nhưng đến bây giờ tôi thấy đúng là quốc sách(toàn quốc chạy đua thành tích). Như vậy thử hỏi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi về đâu so với quỹ đạo phát triển quả thế giới khi mà tất cả các ngành nghề, đại phương đều phải chạy đua bằng con số, phần trăm, tỷ lệ với tiêu chí năm sau cao hơn năm trước, địa phương này hơn địa phương kia...trong lúc đó chưa có ngành nghề nào mà tự chủ trong quản lý, trong sản xuất(ngành trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi thì phải mua nhập phân bón, thức ăn, ngành may mặc thì nhập vải vóc, chỉ may, máy may, ngành ôtô, điện tử thì nhập hầu hết các linh phụ kiện.....).
Vậy do đâu mà chúng ta chưa tạo ra được sản phẩm vì chúng ta không có được đội ngũ cán bộ, con người không đạt đến trình độ để quản lý, để phát minh nghiên cứu, chế tạo ra các sản phầm nguyên do là "không có" được nền giáo dục "phát triển thực chất" để dạy, đào tạo.
Quốc Tuấn, Hà Nội, 11:35, 17/07/2010
Chào các vị độc giả
Theo tôi ông Phương hay thày Khoa hay cả các vị trong hội đồng nhân dân cùng rất nhiều độc giả và đông đảo các em học sinh , phụ huynh đều là nạn nhân đau khổ của 1 lối giáo dục không đúng bản chất giáo dục hiện nay.
Các vị thử hỏi xem một học sinh bỏ ra 12 năm trời trong cuộc đời để chỉ đi học, mà học cái gì? học phổ thông, phổ thông là gì? là những kiến thức thông thường ai cũng cần và phải biết để phục vụ cho cuộc sống phổ thông thường ngày, có thế thôi. Vậy không cho các em tốt nghiệp phổ thông là cớ gì? cái bằng phổ thông thì giá trị gì mà đày đoạ bao nhiêu trẻ em và người lớn như vậy.
Lỗi lớn nhất thuộc về Bộ GD-ĐT và lối suy nghĩ sai lầm bao lâu nay của người dân không quan niệm đúng thế nào là giáo dục phổ thông.
Theo Tôi cần phải nhanh chóng bỏ thi tốt nghiệp phổ thông giống như đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở trước đây, những kỳ thi vô nghĩa làm khổ bao nhiêu con người Việt Nam.
Cần soạn lại chương trình giáo dục phổ thông cho đúng nghĩa phổ thông, ai học xong cũng được cấp giấy "đã học xong phổ thông" là đủ. Ai tài giỏi muốn vào đại học... thì các đại học tự tuyển, phổ thông chỉ thế thôi, đừng đày đoạ nhau nữa.
Trang A Pao, Tuyên Quang, 10:26, 17/07/2010
HĐND tỉnh Bình Dương, tại sao các vị lại ấu trĩ đến mức đem sản phẩm của ngành GD ra để so sánh với tăng trưởng cinh tế do ngành công nghiệp dem lại, các vị đang có trong tay những tinh tuý còn lại sau 4 năm cải cách GD của nước nhà, Bình Dương là một trong những địa phương ít ỏi đã chiến thắng trong cuộc chiến cam go này, các vị đang có trong tay nhân tố mà ngành GD đang tìm kiếm. Xa hội đang muốn nhân lên còn các vị đang tìm cách vùi dập đốm lửa cuối cùng để ngành giáo dục nước nhà tiếp tục chìm đắm trong mông muội. Các vị lại muốn tiếp tục gây áp lực để ngành GD tỉnh nhà đem con cháu của mình ra tô hồng thành tích cho các vị, lẽ nào chỉ vì một chút thành tích mà các vị đang tâm làm hư hỏng cả một thế hệ sao .
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại điểm bắt đầu của chương trình giáo dục, điểm bắt đầu không phải là các cháu mầm non mà phải bắt đầu giáo dục từ ... HĐBD.
Nguyễn Minh Tuệ, 09:17, 17/07/2010
Hãy đặt chất lượng giáo dục thật sự lên hàng đầu.
Chúng ta đã quá biết nghĩa của từ "số liệu".
lê văn tám, 08:33, 17/07/2010
Theo tôi, giáo dục không nên dựa vào tỉ lệ tốt nghiệp ảo.
Đã từ lâu chúng ta đã để con em chúng ta học vẹt, học vì thành tích của trường của tỉnh, không chú trọng đến chất lượng đầu ra.
Đất nước ta sẽ ra sao khi thế hệ sao này bằng cấp thì đủ loại nhưng áp dụng để phát triển đất nước thì có công trình nào?
Mỗi khi báo chí ca ngợi anh nông dân sáng chế máy móc dùng cho công việc đồng án ,tôi lại thấy xấu hổ vì đội ngũ kỹ sư Việt Nam.
Vì vậy, tôi ủng hộ ông giám dốc Bình Dương dám nhìn nhận thực tại ngành giáo dục dể chấn chỉnh hơn là cứ là cho con số tỉ lệ tốt nghiệp cao lên để được khen ngợi .Cám ơn ông vì việc làm có ý nghĩa này
Trần Hùng Thắng, Vĩnh Phúc, 08:30, 17/07/2010
Trong cuộc sống, ai chân thành thì người đó thường có cái Dũng của mình. Hỏi các vị quản lí giáo dục có mấy người có cái Dũng như ông giám đốc sở GD-ĐT Bình Dương ?(ít nhất là tôi biết được như thế qua báo chí) Tất cả đều phụ thuộc và phản ánh cơ chế quản lí trong GD.
Con số là "mã hóa" những điều cụ thể. Qua các con số người ta có thể biết được hai điều: hoặc chất -số lượng thật (hay cũng gần thật) và ngược lại. Con số tỉ lệ đậu ĐH- CĐ của BÌnh Dương cũng đáng được nói đến đấy chứ.
Bao giờ mà người dạy học vẫn còn "ĐÓI" và bao giờ cách quản lí nhân sự GD còn lỏng lẻo, bất cập như hiện nay thì đừng mong có chất lượng thật, nhân tố con người đáp ứng yêu cầu XH.
Thành Tích, 08:27, 17/07/2010
Xem ra bệnh thành tích đã trở lại, có khả năng bùng phát mạnh mẽ hơn khi các đại biểu thúc ép con số. quá dễ! muốn vậy thì bật đèn xanh cho giám thị coi thi lơ là, thì a lê hấp! con số rất đẹp: tốt nghiệp 100% ngay. Tôi ủng hộ lương tâm nhà giáo của vị Giám đốc sở này. Hoan hô ông Phương.
Nguyễn thị Bích Phượng, Tp Hồ Chí Minh, 08:23, 17/07/2010
Ước gì tôi có thể làm giáo viên ở Bình Dương nhỉ! (đương nhiên là khi ông Phương vẫn còn làm giám đốc)
Trần Anh Vũ, Hà Nội, 08:17, 17/07/2010
Đảng, Chính phủ có Nghị quyết, chỉ thị về chống bệnh thành tích trong giáo dục. Bộ GD-DT có chương trình hành động triển khai khắp cả đất nước, toàn ngành.
Lãnh đạo các sở GD, các Trường nghiêm túc thực hiện thì không được một số lãnh đạo ngành khác, một số đại biểu HĐND (cụ thể như cá nhân ông Rua ở Bình Dương) chất vấn với ý thức gay gắt, truy bức. Đề nghị với Đảng, Chính phủ:
-Chỉ đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương bảo vệ người thưc hiện tốt Nghị quyết, chỉ thị của cấp trên (ví dụ Ông Phương)
-Đánh giá, thậm chí cho thôi làm lãnh đạo với cá nhân sính thành thích
-Người dân rất ủng hộ các chủ trương của Bộ GD DDT và cá làm của ông Phương
nguyenthanh, hai duong, 08:14, 17/07/2010
Tôi là một giảng viên trẻ.
Tôi thấy, ngày nay những học sinh giỏi không còn mấy người thi vào nghành giáo dục nữa.
Vì sao các bạn cũng tự trả lời được?
Tôi ở một tỉnh đồng bằng bắc bộ, tốt nghiệp ĐH SP1, thi gần thủ khoa ĐH vậy mà về quê xin vào 1 trường phổ thông họ đòi 80 triệu, thử hỏi nghành giáo dục này tiêu cực từ tuyển dụng còn gì để nói nữa.
Rất nhiều sinh viên sư phạm tài năng tâm huyết như chúng tôi đang bị kinh tế thị trường nay bóp chết.
Minh Trang, Tp Hồ Chí Minh, 08:14, 17/07/2010
Thế mới nói, giáo dục Việt Nam không chỉ nói hai không mà còn thêm hai có nữa chứ...
Nguyễn Phước Loan, 45 hoa mai, p2 ,phú nhuận, TP.HCM, 08:09, 17/07/2010
ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương nên giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục. Vì tình trạng giáo dục Việt Nam hiện nay cần có những nhà giáo như Thầy Dương Thế Phương, Chức Giám đốc sở và thiên chức làm thầy cái nào lớn hơn?, Chức Giám đốc sở và lương tâm người thầy đã được Thầy Phương bóc ra để chúng ta thấy còn nhiều người thầy tâm huyết với ngành với nghề. Còn nhiều ông quan có tâm có đức.
Đề nghị mọi người hảy cùng tôi bình chọn và tiến cử Thầy Phương lên chức Bộ trưởng Bộ giáo dục. Tôi tin Thầy Phương sẽ là tấm gương lớn cho những ngượi đang đứng trên bục giảng.
Nguyễn Anh, Quảng Nam, 08:07, 17/07/2010
“Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đánh giá cao cách làm việc của ông Phương và vẫn tiếp tục ủng hộ ông.”. Nghe câu này mà mừng. Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai, chất lượng giáo dục của tỉnh Bình Dương luôn được xem trọng hơn số lượng.
Từ lâu, việc địa phương áp đặt chỉ tiêu trong giáo dục về sở, sở về phòng, phòng về trường học đã góp phần làm méo mó nền giáo dục Việt Nam.
Không hiểu sao đến bây giờ vẫn còn có lối tư duy ấu trĩ, đòi hỏi tỷ lệ thi tốt nghiệp (hoặc tỷ lệ lên lớp) của địa phương mình không thể thấp hơn các địa phương khác.
Lẽ ra, là đại biểu hội đồng nhân dân, hơn nữa lại từng là người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương, ông Nguyễn Văn Rua phải ủng họ người kế nhiệm của mình chứ.
Chả lẽ ông quên cuộc vận động “2 không” của Bộ Giáo dục Đào tạo (mà có lẽ thời điểm đó ông vẫn còn đương nhiệm). Tôi khâm phục ông Dương Thế Phương đã vì chất lượng của nền giáo dục địa phương mà sẵn sàng đón nhận những phản ứng gay gắt từ một số vị đại biểu hội đồng nhân dân.
“Trường hợp vẫn tín nhiệm thì phải chấp nhận cách làm của ông, chứ không thể ép chất lượng giáo dục thông qua các con số phần trăm, tỷ lệ…” .
Là một trong những phụ huynh trong cả nước, tôi mạo muội chấm điểm 10 cho ý kiến này của ông Dương Thế Phương.
Nếu có điều kiện, tôi sẽ đưa con tôi vào Bình Dương đi học để được có một kết quả thật nhất từ việc học
. Vì lãnh đạo địa phương, vì người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh đã không gây sức ép cho việc dạy và học.
Có vậy, những người thầy chân chính mới không thấy hỗ thẹn với lương tâm mình và những thế hệ học sinh mới biết miễn nhiễm với thói dối trá.
Vu Dung Nam , Gian Nghia Dak Nong , 07:35, 17/07/2010
Thế mới biết, đâu phải những người làm giáo dục của chúng tôi muốn vậy.
Cả các đại biểu muổn giả dối vậy, người dân thì cũng vậy, chỉ muốn thành tich ảo thôi.
Các tỉnh đươc thành tích ảo như Hà Giang, Yên Bái ...chắc vui lắm nhỉ họ đã có những bươc tiến thần kì trong giáo dục.
Bênh của giáo dục của ta là bệnh thiếu dinh dưỡng nên cứ ốm o mãi làm sao có đủ chất được nếu muốn lớn nhanh thì chỉ uống thuốc tăng trọng và uống nươc thì chỉ được 1 thời gian ngắn đâu lại vào đó thôi.
Thiếu dinh dưỡng chính là thiếu nhưng cái sau:
Học sinh thiếu giáo viên giỏi giảng dạy chất lượng nhiệt tình là cái thiếu cơ bản bên cạnh thiếu cơ sở vật chất thứ hai...v..v..
Giáo viên thiếu tiền để sinh sống, thiếu được đào tạo liên tục.
Ở các nước trên thế giới giáo viên bác sĩ là những người được đào tạo lương cao gấp đôi lao động phổ thông. mà ở ta Giáo viên trình độ đại học chính quy ra trường lương cũng chỉ bằng lao động phổ thông. 2,3 triệu 1 tháng trong khi đó thu nhập bình quân đầu người là 1200 dola.
Hóa ra chúng tôi chỉ bằng thu nhập bình quân đầu người vậy con cái chúng tôi sống bằng gì nếu 2 vợ chồng là giáo viên nhà 4 người thì thu nhập mỗi người là bao nhiêu. Như vậy chúng tôi suy dinh dưỡng nặng tâm sức đâu mà dạy, buộc phải dạy thêm và tìm nghề phụ để trang trải cuộc sống.
Còn học sinh kém phần đa do giáo viên giỏi it, và thứ nữa là do kinh tế gia đình chưa đầu tư.
Đầu vào như vậy đầu ra tương ứng đó là phản ánh đúng thực trạng thôi.
Đề nghị Quốc hội nhanh chóng xem xét lại và tính toán cho đúng và phù hợp lương của giáo viên. Tương lai của đất nước là của thế hẹ trẻ, thế hệ trẻ là thế hệ vàng của.
Đất nước chúng ta đã lạc hậu hàng trăm năm so với các cường quốc năm châu quá nhiều rồi mong quý đại biểu Quốc hội quyết định nhanh.
Mong Quốc hội sớm điều tra thực trạng và thu nhập của giáo viên (xem lương và làm thêm như thế nào) để nâng cao chất lượng giáo dục:
Bồi dưỡng sức dân chính là kế sâu rễ bền gốc hơn dành tiền xây thành cao hào sâu không dữ được nươc đâu?
Chỉ có tạo ra 1 đội ngũ nguồn lao động chất lượng tương đương với chất lượng lao động thế giới mới có thể thay đổi thời cuộc.
lam thach ngoc , TP.HCM, 07:33, 17/07/2010
Chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải thực hiện nghiêm và thật cương quyết với cuộc vận động hai không với bốn nội dung mơi mong được kết quả học thật, thi thật điểm thật và kết quả phải thật là thật. Nhiếu tỉnh báo cáo kết quả đật tốt nghiệp rất cao song họ có nghe thật sự những lơi nói xuất phát từ lương tâm của những người trự tiếp giảng dạy như thế nào chưa?hay cả các đại biểu HĐND đay chạy theo thành tích.
Anh Quang, 80/1/1 Nguyễn Hoàng - Kim Long - Huế, 06:49, 17/07/2010
Giáo dục không thống kê con số thì không ổn. Nhưng tôi tin rằng giáo dục mà cứ quá nặng vào con số cũng sẽ chẳng ra gì! Giáo dục là phải nhìn vào con người.
lequang, longmy, haugiang, 06:25, 17/07/2010
Theo tôi, tỉ lệ tốt nghiệp như thế là quá cao đối với chất lượng giáo dục như Việt Nam nếu lãnh dạo nào cũng nhìn thực trạng giáo dục như ông Phương thì đó là điều đáng mừng cho giáo dục Việt Nam. (mong rằng chất lượng giáo dục VN thật sự nâng cao 98-99% như nhiều tỉnh đạt được?)
nguyen thanh trung , Duy Tien Ha Nam , 06:18, 17/07/2010
Chúng tôi là những giáo viên trẻ cũng thấy cực kì bức xúc về chất lượng đào tạo hiện nay và đặc biệt hơn là căn bệnh thành tích trong giáo dục.
Việc Giám đốc sở GDĐT Bình Dương làm là có trách nhiệm với phụ huynh với nhân dân với thế hệ con cháu chúng tôi rất hoan nghênh.
Ông hãy ngẩng cao đầu mà nói, mà làm còn nếu người dân tỉnh muốn con mình ăn bánh vẽ thì ông hãy ra đi để người khác làm.... Ông hãy dũng cảm lên ông a và ông sẻ được thanh thản. Chúc ông mạnh khỏe
Hồ Anh Trình, Quảng Trị, 23:12, 16/07/2010
Em là sinh viên năm thứ 5, ĐH Đà Nẵng. Em rất vui khi thấy mình được làm giám thị kỳ thi đại học. Nhưng bước vào phòng thi, có 39 bạn mà chỉ ít người làm được. Thậm chí phòng em có nhiều học sinh chỉ làm được câu khảo sát hàm số, còn nói thế này chứ: "Thầy ơi, em ngủ. Khi nào quá 2/3 thời gian, thầy cho em về nghe". Em nghĩ nền giáo dục của mình đang đi xuống rồi, Thế mà thấy các em phổ thông tốt nghiệp 80%, đã là quá cao. Em nghĩ, muốn nền giáo dục phát triển thì phải nhìn nhận thực tế là chất lượng giáo dục của ta hiện nay đang đi xuống. Em ủng hộ cách làm của thầy Phương.
bui xuan trang , dong nai, 22:20, 16/07/2010
Cái ông Rua quá tồi. Trong khi HĐND tỉnh có hiểu chất lượng khác với số lượng không? Giám đốc cũ phải ủng hộ GĐ mới vì không ai hiểu rõ ngành GD tỉnh nhà bằng thầy Rua.
mainguyen, hanoi, 22:17, 16/07/2010
Tỉnh Bình Dương đỗ tốt nghiệp 87% tôi nghĩ còn chưa thực chất; trong khi đó có tỉnh đỗ 100% thì quả thật hết chỗ nói; Có lẽ còn rất lâu giáo dục mới đi đến thực chất được. Tỷ lệ thực chất theo tôi nghĩ chỉ tầm 70% trở lại( tôi ở nghề này đã 32 năm); Không biết các vị lãnh đạo sẽ đưa giáo dục về đâu nữa?
cuong, bg, 20:47, 16/07/2010
Tôi mong có sự đồng cảm chia của mọi người của lãnh đạo cấp trên vẫn biết l àm th ật thì động chạm đ ến nhiều người nên càng cần những người như ông để có một nền gd chất lượng thât
Trọng Dân, Q.12 Tp.HCM, 18:33, 16/07/2010
Chuyện chỉ tiêu, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, nghĩ cho cùng rất phi lý, chả khác nào chuyện nực cười xưa nay xảy ra ở Việt Nam, như mấy loại chỉ tiêu hay gặp, rất vô lý và buồn cười có lẽ ở VN mới có:
- Chỉ tiêu kế hoạch hàng năm bệnh viện phải có bao nhiêu bệnh nhân đến nhập viện - nếu không hoàn thành thì tập thể, cá nhân giám đốc bệnh viện sẽ bị cắt thi đua ...
- Chỉ tiêu của ngành CA hàng năm phải bắt được bao nhiêu vụ buôn lậu, cướp giật...
Đã đến lúc chúng ta phải gạt bỏ những chỉ tiêu như trên, và nhất là giáo dục con người là những vấn đề nhạy cảm, không nên coi trọng chỉ tiêu..., mà tập trung coi trọng chất lượng...
Tôi là một giảng viên ĐH, mấy ngày nay được phân công coi thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều lúc ngồi trên bục giảng coi thi nhìn thấy cảnh Phòng thi có 29 em thi, thì gần đến một nửa thí sinh ngồi cắn bút, mắt nhìn xa xăm, mơ về một phương trời nào đó, cá biệt có em từ khi nhận được đề thi là ngáp ngắn ngáp dài, gục đầu xuống ngủ một giấc ngon lành, tôi không hiểu tại sao các em lại qua kỳ thi tốt nghiệp được nhỉ...
-------------------------------
Hoàng, Hà Nội, 18:12, 16/07/2010
Chính tôi mất niềm tin dành cho lãnh đạo giáo dục ở các tỉnh có tỉ lệ đỗ tới trên 90%. Nếu tôi làm lãnh đạo ngành giáo dục, tôi cũng sẽ làm thật nghiêm túc. Còn gì nguy hiểm hơn khi để các em phải trải qua 1 kì thi nhốn nháo. Sau này, các em cũng sẽ bị tâm lý làm việc nhốn nháo như vậy, làm sao có thể phát triển tốt nhất khi có tâm lý học tập và làm việc nhốn nháo như vậy.