Diễn đàn tiến sĩ Việt lên tiếng về "cách hiểu lệch chuẩn"

Cập nhật lúc 11:59, 02/07/2010 (GMT+7)

Là một diễn đàn của những người đã, đang và sẽ làm tiến sĩ, PhDvn.org cho rằng cần phải lên tiếng trước những hiểu nhầm của một số tác giả về nghề nghiệp và công việc của những người làm khoa học, đặc biệt là của các nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ (TS).

TIN LIÊN QUAN

Làm tiến sĩ nhàn nhã hay vất vả?

Mô tả ảnh.
Lễ trao bằng tiến sĩ. Ảnh: website ĐHQG Hà Nội
Trước hết, chúng tôi xin bác bỏ ý kiến trong đây cho rằng “đại đa số những người đi làm bận rộn và mệt mỏi hơn những người làm TS”.

Tại các nước phát triển, TS cũng có tới năm bảy loại, nhưng nếu được đào tạo ở một trung tâm khoa học có chất lượng và nghiêm túc, tác giả hãy quên ngay đi giấc mơ "làm TS nhàn hơn là người đi làm".

Hầu hết, người đi làm chỉ làm giờ hành chính, hưởng thụ cuộc sống và ít lo nghĩ trong khoảng thời gian còn lại. Các NCS thường phải làm việc bất kể giờ giấc, kể cả thứ 7 và chủ nhật, về đến nhà vẫn phải nghĩ vể dự án mình đang làm, lo lắng khi thấy công việc không đạt kết quả như mình mong muốn, không thảnh thơi như người đi làm.

Những áp lực vô hình như vậy nếu không là những người trong giới khoa học sẽ không thể hiểu được. Không phải ngẫu nhiên, ở các trung tâm khoa học có uy tín, tỷ lệ tự tử rất cao. Nếu ai đó google từ khóa Đại Học Cornell, một trong những đại học danh tiếng của Mỹ, có thể thấy ngay lập tức "6 người tự tử trong vòng 6 tháng".

Dạo quanh các báo chí, có thể thấy ngay rất nhiều câu chuyện lột tả được áp lực của những người làm NCKH chúng tôi phải chịu, câu chuyện nữ TS bắn chết người là một ví dụ.

Có thể các NCS không phải đến chỗ làm hằng ngày, có thể ở nhà, không phải khuân vác nhưng công việc luôn đòi hỏi suy nghĩ liên tục. Để tốt nghiệp với cái bẳng TS, các NCS đều phải làm việc thâu đêm suốt sáng, vài ngày liên tục ở trên văn phòng không về nhà là việc rất bình thường.

Khoa Toán của Đại học California, Berkeley vào ban đêm vẫn có rất nhiều NCS/GS đi lại nhộn nhịp thảo luận và thậm chí, chúng tôi còn có các seminar sinh viên được mở lúc nửa đêm và kết thúc lúc 1h sáng.

Khi thực hiện thí nghiệm, chúng tôi cũng phải túc trực bên cạnh, máy chưa nghỉ thì người chưa được đi ngủ, có khi phải đến vài ngày. Chúng tôi vẫn gọi đùa nhau, mình đang sống kiếp sống "culi khoa học" . GS Ngô Bảo Châu, khi làm TS tại Pháp cũng đã khẳng định:"Giai đoạn làm NCS là giai đoạn vất vả nhất trong cuộc đời làm nghiên cứu của tôi".

Trước ý kiến của anh Hà BC, cho rằng làm TS rất nhàn nhã hơn cả một công chức bình thường], chúng tôi xin phép bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với anh, cũng như xin hỏi anh làm TS ở trường nào, ngành gì, mà có thể làm TS một cách đơn giản như vậy?

Diễn đàn PhDvn có rất nhiều thành viên làm nghiên cứu tại những trường đại học nổi tiếng thế giới như Harvard, MIT, Berkeley, Stanford, Chicago, Wisconsin, CMU, UCLA, Paris X, Tokyo.. và bề dày thành tích không phải là mỏng, nhưng chưa từng có ai dám tuyên bố như thế.

Học vị tiến sĩ chân chính không giống như một nghề

Chúng tôi không đồng tình với ý kiến coi TS như là một nghề, vì như vậy sẽ không phản ánh được đầy đủ và rõ ràng khái niệm này, mà bản thân TS hiển nhiên là một thước đo trình độ, được gọi là “ học vị” rồi. Vì vậy, nếu coi TS là một nghề, thì nghề đó là nghề gì, thuộc phân loại nào? Ví dụ, với những người theo ngành nghề đã được xã hội công nhận như bác sĩ, luật sư,... nếu họ sắp có học vị TS trong lĩnh vực của họ thì gọi nghề nghiệp của họ là gì?

Học vị TS chứng minh năng lực làm nghiên cứu độc lập chứ không phải là năng lực kiếm tiền, vì vậy không thể sử dụng tiêu chuẩn "khả năng kiếm cơm" để đánh giá.

Mô tả ảnh.Ở Mỹ (và cả ở châu Âu, thu nhập của một NCS thấp hơn của một người lao động tay chân và cường độ lao động cao hơn rất nhiều. Lương một NCS một năm khoảng 17.000-20.000$, bảo vệ xong rồi tiếp tục làm Postdoc (nghiên cứu sau TS) sẽ có thu nhập khởi điểm là 45-50.000$. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới (được giải Fields/Nobel) thì được trả lương với mức 150.000-200.000$ một năm. Trong khi đó, nhân viên dọn dẹp trong các trường ĐH có thu nhập một năm hơn 35,000$. Các công ty tài chính vẫn về các trường ĐH nổi tiếng đăng thông báo tuyển TS toán làm phân tích tài chính, với mức lương 100.000-400.000$.

Tất cả những TS này khi chuyển sang làm cho các lãnh vực khác (ở đây là ngân hàng) đều khẳng định họ được đánh giá rất cao, được trả lương hơn rất nhiều khi họ làm khoa học thuần túy, dù yêu cầu về trí tuệ/áp lực trong công việc thấp hơn rất nhiều lần so với khi làm NCS, dù tại thời điểm được nhận họ đều hoàn toàn chưa biết gì về tài chính, kinh tế.

Điều đó có nghĩa, những tố chất về trí tuệ, khả năng làm việc dưới áp lực, sự sáng tạo của những người đã có bằng TS được thui rèn qua nhiều năm mới chính là những thứ được đánh giá cao. Hàng năm, những cựu nghiên cứu sinh này vẫn quay về khoa thay mặt cho các công ty nói chuyện nhằm "dụ dỗ" chúng tôi, với lý lẽ cùng một trí tuệ và công sức lao động, một TS có thể kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều.

Trước ý kiến cho rằng "đa số người Việt Nam làm TS tại Pháp là vì cái bằng chứ chả phải vì sự nghiệp "kinh bang tế thế" gì cả", tôi xin phép được hỏi anh Hà dựa trên lập luận nào, chứng cớ nào? Nếu như chỉ coi có bằng TS là một cái nghề kiếm tiền, chỉ là vì cái bằng, chúng tôi thừa đủ thông minh để trở thành kẻ đảo ngũ chứ không kiên trì với phòng thí nghiệm và thư viện như thế này.

Năng lực và tố chất của tiến sĩ

Mô tả ảnh.
Một hiểu nhầm nghiêm trọng, đó là phán xét và so sánh người làm TS với những nghề có lao động đầu óc khác như kĩ sư IT, chuyên viên ngân hàng... dựa vào "tầm nhìn rộng".

Tiêu chuẩn đánh giá luận án TS phải chứng tỏ độ sâu, chuyên biệt trong một lãnh vực rất hẹp và sự sáng tạo chứ không phải ở độ rộng, dù chúng tôi vẫn phải bảo đảm sự am hiểu trong nhiều lãnh vực trước khi thi chất lượng nghiên cứu sinh. Với các NCS như chúng tôi, nếu như thi trượt thì sẽ được cấp bằng thạc sĩ. Năm cái bằng thạc sĩ do đó không so nổi với một bằng TS là do sự khác nhau về chất này.

Về tốc độ học, chúng tôi phản đối ý kiến cho rằng: "Cùng điểm xuất phát thì TS khó mà vượt lên được 1 kỹ sư được đào tạo bài bản ở đây trong môi trường công nghiệp (chưa kể thời gian đào tạo của TS thì lớn hơn rất nhiều)."

Cái quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là phải cụ thể vượt lên trên về khía cạnh gì?

Nếu như bắt một TS thi vặn ốc, tiện vòng bi với một anh thợ cả thì đúng là TS thua thật. Nhưng nếu để tạo ra một kỹ thuật mới thì anh thợ cả hoàn toàn không phải là một mô hình phù hợp.

Rất nhiều nhà nghiên cứu về khoa học máy tính hoàn toàn không biết gia công phần mềm, nhưng họ lại có thể chế tạo máy tính lượng tử (ở đây, tôi lấy ví dụ về Michael H. Freedman], một nhà toán học được giải thưởng Fields vì đã chứng minh được giả thuyết Poincare trong trường hợp 4 chiều và sau đó trở thành lãnh đạo nhóm nghiên cứu của Microsoft, dù rằng khi nói chuyện với tôi, ông khẳng định mình hoàn toàn không thạo về kỹ thuật lập trình).

Cho đến nay, chưa có bất cứ một luận chứng nào khẳng định những người có bằng TS (ở đây được hiểu là có chất lượng) là "vạn năng, làm gì cũng giỏi, là hơn những người khác cả, vì thực tiễn và quy luật phát triển của xã hội, của mỗi hình thái kinh tế từ trước đến nay chưa từng chứng minh điều này. Nếu như người có bằng TS làm cái gì cũng giỏi thì ở các nước phát triển, các vị trí lãnh đạo và quản lí đã được coi như là vị trí nghiễm nhiên của các TS rồi.

Cuối cùng, sử dụng tiêu chuẩn "dễ xin việc" để đánh giá TS cũng là hoàn toàn sai lệch. Nếu như vậy tại sao tác giả không dẫn chứng rằng nghề làm nail (sơn sửa móng tay) dễ xin việc hơn nghề NCKH rất nhiều, dù rằng thu nhập là tương đương, lại gần như không cần đào tạo?


Về giá trị của khoa học

Chúng tôi đến với khoa học phần lớn là vì đam mê, sự say mê tìm tòi, sáng tạo ra những cái mới, nhưng thực sự đôi khi cũng chạnh lòng khi nhìn vào nền khoa học nước nhà.

Nền giáo dục đại học (ĐH) của chúng ta đang ở mức yếu kém so với thế giới. Và cách duy nhất để có thể vực dậy nền khoa học còn non trẻ là phải tăng cường đào tạo TS (trong và ngoài nước) đầy đủ cả chất lẫn lượng
Nền giáo dục đại học (ĐH) của chúng ta đang ở mức yếu kém so với thế giới. Và cách duy nhất để có thể vực dậy nền khoa học còn non trẻ là phải tăng cường đào tạo TS (trong và ngoài nước) đầy đủ cả chất lẫn lượng. Vì vậy, hoạt động NCKH nói chung và đào tạo TS nói riêng phải là một trong những mục tiêu sống còn của đất nước trong thời kỳ mới. Một quốc gia bị nguy vong nếu như trí thức bị hạ thấp, nếu nguyên khí của quốc gia bị đem so sánh và cào bằng bởi những tiêu chuẩn nông cạn và hài hước.

Chúng tôi đồng ý rằng, có những TS hoàn toàn không xứng đáng với học vị này và làm xấu mặt giới học thuật. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa chúng ta cần phải xem xét lại tiêu chuẩn đánh giá NCKH của mình, chứ không thể cực đoan đến mức coi rẻ, gộp chung vào một rọ, "cá mè một lứa" những người sống và làm việc cho khoa hoc như vậy.

Những bài viết chứa đựng những thông tin thiếu sót và lệch lạc như trên sẽ chỉ tạo ra những nhận thức sai lầm trong công chúng về các hoạt động nghiên cứu khoa học và hậu quả tất yếu chính là sự suy đồi của truyền thống hiếu học và sự tụt hậu của dân tộc trước thế giới hiện đại đang phát triển như vũ bão.

Lời kết: Người muốn có bằng TS thực sự và chân chính là người không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu của đầu vào TS mà quan trọng hơn, họ phải là người có tố chất tư duy nghiên cứu, có lòng kiên nhẫn để tìm tòi nhằm đưa ra những lý giải cho bài toán mà họ đang theo đuổi… Vì vậy, hãy thận trọng khi bàn về học vị TS và so sánh học vị này với các nghề nghiệp thông thường khác.

  • Diễn đàn PhDvn.org

    (Bài viết được tổ chức và gửi bởi:

    Đỗ Đức Hạnh, nghiên cứu sinh khoa Toán, ĐH California, Berkeley, USA
    Nguyễn Văn Thuật, nghiên cứu sinh Trường ĐT TS Kinh Tế,Tổ Chức và Xã Hội, ĐH Paris 10, Pháp
    Trần Phan Khoa, nghiên cứu sinh khoa Electrical Engineering, ĐH California, Los Angeles, USA
    Trần Quang Khải, nghên cứu sinh khoa Khoa Học Máy Tính, ĐH Wisconsin, Madison, USA
    Lê Hà Xuân, nghiên cứu sinh khoa Khoa Học Máy Tính, ĐH Bochum, Germany)


Ý kiến của bạn

Các tin khác