Chơi vơi như học sinh chuyên trượt đại học
Cập nhật lúc 07:08, 16/07/2010 (GMT+7)
- Câu chuyện một học sinh chuyên Toán 12 năm học giỏi, con của một gia đình nông dân, đã tự tử vì làm bài thi đại học không tốt một lần nữa lại dấy lên mối quan tâm của dư luận xã hội. Tâm lý phổ biến đè nặng lên vai các thí sinh "phải đỗ đại học bằng mọi giá" dường như tăng gấp hai lần với học sinh trường chuyên. Đây cũng là chia sẻ của những người đã từng kinh qua "ải vũ môn" với những áp lực tương tự.
|
Ngóng con thi ĐH. Ảnh: Phạm Hải |
"Học sinh chuyên mà trượt à?"
Tôi thấy thực sự sốc khi đọc bài viết này. Là một học sinh chuyên năm nay thi đại học, tôi hiểu áp lực lớn thế nào đối với những học sinh chuyên như chúng tôi nếu không đỗ.
Giả sử trượt, có lẽ tôi cũng sẽ nghĩ đến cái chết và tôi hoàn toàn hiểu vì sao bạn ấy làm như thế.
Có thể nhiều người sẽ nói bạn ấy dại, nông nổi, bồng bột nhưng sao không ai nói phải làm thế nào để chúng tôi vượt qua khi việc đỗ trượt trở thành danh dự của học sinh chuyên, là niềm tự hào của cha mẹ, là những lời bàn tán dù chỉ là sau lưng.. Nếu không phải học sinh chuyên, tôi nghĩ ít ai hiểu được thần kinh của họ căng đến mức nào.
Dương Huyền (TP.HCM)
Các bạn sống thiếu ý chí
Trước hết, tôi xin chia buồn cùng gia đình em.
Nhưng sau chuyện này, tôi nghĩ rằng các trường chuyên trong cả nước cần nhìn lại cách dạy người của mình.
Tôi quen nhiều bạn học trường chuyên, tôi nhận thấy rằng những bạn được đào tạo trong trường chuyên thường có thái độ rất ngạo mạn, hay coi thường các bạn không học trường chuyên nhưng lại sống rất thiếu ý chí, khi có chuyện thì chỉ biết dựa dẫm vào người khác.
Mong rằng các nhà trường coi lại cách dạy người của mình, đừng vì chút thành tích học tập mà khiến các em có thái độ sống không đúng mực vì xét cho cùng tôi vẫn luôn nghĩ rằng học làm người mới là cái cốt yếu khi đến trường!
Phong (Đà Nẵng)
"Thẹn không chịu được!"
Trước kia, là một học sinh của trường Lê Khiết, mình học cũng khá. Nhưng khi thi đại học lại "rụng" trường cao.
Các bạn hiểu vì sao không? Nghĩ sao? Nguyên một lớp đứa nào cũng đậu cao, tự nhiên mình lại lẹt đẹt, mình cảm thấy thẹn không chịu được, chẳng thà mình học hành bình thường đi, nhưng đằng này mình học cũng có tiếng trong lớp.
Xong đợt thi đó mình thất vọng, chán nản đến tận cùng, không còn chút ý trí nào hết. Không dám gặp bạn bè, không dám ra khỏi nhà, ra bà con xung quanh hỏi thì biết nói sao.
Mình cũng từng nghĩ đến chuyện ra đi như Sĩ, nhưng không hành động ngu muội như bạn.
Tuy vậy, giờ mình đã mãi vô danh ẩn tích trong TP.HCM luôn, không còn gặp bất cứ bạn bè nào học chung trường Lê Khiết cả! Mình đã có cuộc sống vui sướng ở Sài Gòn, niềm vui này dư sức che lấp nỗi buồn là mình sẽ không bao giờ về Quảng Ngãi nữa.
Mình hiểu được phần nào hành động của Sĩ, nhưng có lẽ Sĩ hành động tức thời quá. Sĩ không chịu nghĩ đến người khác gì hết, nhất là những người thân xung quanh. Sĩ đi rồi là Sĩ sẽ quên hết tất cả, không còn biết gì hết, nhưng còn ba, mẹ, anh Sĩ, liệu có chịu được không?
Vài lời gởi cho bạn nào muốn hành động giống Sĩ: Đừng có khờ dại và ngu muội, đừng có ích kỷ. Ba mẹ cực khổ nuôi mình lớn lên chứ đâu phải tự nhiên mình lớn lên đâu mà muốn làm gì thì làm. Thân xác mình là của ba mẹ chứ không phải của mình đâu. Nếu mình cảm thấy sống không nổi nữa thì cố gắng sống cho ba mẹ, cho người thân đi, đừng có nghĩ cho bản thân mình.
Mình sống thì cùng lắm khổ cho bản thân mình thôi. Còn mình ra đi thì có quá trời người phải khổ. Cái gì thời gian rồi cũng phai mờ, không có theo suốt đời đâu mà phải hành động như vậy!
Chúc Sĩ ra đi thanh thản, không còn gì vương vấn ở trần thế này nữa . Và chia buồn cùng ba, mẹ, anh trai Sĩ.
Minh Minh (TP.HCM)
Chuyên Toán không bằng chuyên Tâm, chuyên Lý không bằng chuyên Lý trí
Tôi xin chia buồn với giai đình em Sĩ.
Tôi hiểu suy nghĩ của em, chỉ tiếc là ở một ranh giới mong manh đó, không có tác động nào níu kéo em trở lại.
Bản thân tôi cũng từng học giỏi rồi rơi xuống cuối lớp chuyên.
Nỗi nhục của kẻ bại trận, không niềm vui, không hạnh phúc cũng đã từng dẫn tôi đến những suy nghĩ như vậy.
Tôi đã đứng lên với lòng hận thù, hận thù chính bản thân mình. Tôi đã thi đỗ đại học dù muôn hơn bạn bè, tôi có việc làm, có thu nhập cao. Giờ, tôi đã có thể tự tin với chính mình, với những bạn bè xưa. Nhưng thực sự, vết thương tâm hồn quá lớn, có lẽ nó sẽ theo tôi suốt cuộc đời.
Với em Sĩ, những em năm sau hay năm sau nữa sẽ phải thử lửa trường thi mà ở đó là bước ngoặt của cuộc đời. Tôi mong các em hiểu cho rằng: Chuyên Toán không bằng chuyên tâm, chuyên Lý không bằng lý trí.
Lực cản khó vượt qua nhất không phải là cổng trường đại học mà là chính bản thân mình. Kẻ thù lớn nhất cuộc đời là chính mình mà.
Em Sĩ có vượt qua được cổng trường đại học thì em ấy cũng đã thua chính bản thân mình rồi. Đến bây giờ, tôi sống cũng chỉ với một ý nghĩa duy nhất: không muốn là kẻ chiến bại của chính mình.
Tôi mong các bậc phụ huynh quan tâm và động viên các em. Để các em cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống chứ không phải chỉ sống với một mục đích duy nhất là không chịu khuất phục chính mình. Chắc mọi người còn nhớ thủ khoa Luật của ĐH Vinh tự tử năm nào?!.
Solive (TP.HCM)
Áp lực trường chuyên
Các phóng viên báo Tuổi Trẻ đã gặp gỡ những học sinh lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Lê Khiết để tìm hiểu những áp lực mà các em gặp phải.
Em Lê Nguyên Khánh cho biết, cuộc thi vào trường cũng cam go không khác gì thi ĐH vừa qua với tỉ lệ chọi đã là 1/11. Khi vào lớp, các bạn đều có tâm lý khẳng định mình và không muốn thua kém bạn bè. Trong những lần kiểm tra trên lớp, có bạn điểm thấp hơn một chút là đã buồn.
“Tụi em học thêm từ thứ hai đến chủ nhật và phải “chạy sô”, có buổi phải học hai môn liên tiếp tại nhà hai giáo viên ở hai nơi khác nhau. Nhiều buổi phải ăn thêm trên đường, còn không thì nhịn đói đến hơn 19g về nhà mới được ăn. Sau khi ăn uống xong, học đến 23h đêm” - Khánh kể.
“Trước mỗi kỳ học, giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp thường họp lại để đề ra chỉ tiêu học tập cho cả lớp. Chỉ tiêu này căn cứ vào những kỳ học hoặc năm học trước để đưa ra cho tất cả các bạn cùng phấn đấu”.
Sau sự kiện bạn Trịnh Công Sĩ, Khánh chia sẻ may mắn của mình chính là có người mẹ làm giáo viên luôn bên cạnh động viên, an ủi.
Không chỉ chịu ""nội lực", các em cũng bị áp lực từ... hàng xóm. Dù ba mẹ không đề ra yêu cầu phải học thật giỏi, nhưng Nguyễn Quốc Cường nghĩ nếu học không thật giỏi sẽ làm ba mẹ buồn, ngoài ra còn hàng xóm, nội ngoại.
Còn với, Nguyễn Lê Xuân Hùng thì "không phải riêng em mà cả lớp chuyên toán đều có áp lực rất nặng trong học tập. Phần lớn các bạn đều cho rằng lớp chuyên thì thành tích học tập phải hơn các lớp khác. Bởi lớp chuyên toán là niềm vinh dự không chỉ của thầy cô chủ nhiệm mà của toàn trường. Thứ nhì là ngay trong lớp bạn nào cũng muốn học thật tốt, không muốn thua điểm ai. Thứ ba là áp lực gia đình" Ngay trong việc học, bản thân Hùng cũng “ganh đua” với hai chị đều học ĐH.
(Theo Tuổi Trẻ) |
Học sinh trường chuyên yếu kỹ năng xã hội
Theo kết quả của một cuộc khảo sát của viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM tiến hành với 800 học sinh của sáu trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên tại TP.HCM, so với học sinh trường không chuyên, học sinh các trường chuyên có điểm IQ (chỉ số thông minh) hơn hẳn.
Về chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc), học sinh trường chuyên có thể làm việc với áp lực cao, có sự rõ ràng, quả quyết, có nhận thức cá nhân cao. Với kỹ năng tư duy, phán đoán tốt, các em có khả năng phân tích các mặt khác nhau của một vấn đề.
Tuy nhiên, do quá yêu mến “cái tôi”, một số học sinh đặt vị trí, vai trò của mình quá cao trong tập thể; khó chấp nhận ý kiến của người khác và chính tư duy này đã cản trở những nỗ lực nhằm phát huy hết các tiềm năng của các em, khiến kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm cũng như giải quyết vấn đề của học sinh trường chuyên không được phát triển đúng mức.
Kiến thức quá nặng cũng làm cho cuộc sống của học sinh trường chuyên thiếu cân bằng.
Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là kỹ năng xã hội của học sinh các trường chuyên chiếm vị trí rất thấp trong 13 tiêu chí đánh giá EQ.
Theo nhóm nghiên cứu, kỹ năng xã hội sẽ giúp học sinh biết chấp nhận xã hội và được xã hội chấp nhận.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị) |
Ý kiến bạn đọc
Tuyen, hung yen, 22:24, 16/07/2010
minh xin chia buon voi gia dinh.
minh thay nhung ai thi truot dai hoc ma
tutu la qua kem coi,chang ra cai gi ca.
tam ly cang thang chinh la do tu minh gay ra ma thoi
quan trong la minh phai thang ban than minh
ẩn danh, bí mật, 21:36, 16/07/2010
hay wa đọc bài viết này chắc ba mẹ ko nói gì về chuyện em rớt trường chuyên của tỉnh nữa.rơt hồi đầu tháng 6 mà tới bây giờ vẫn cứ nhắc lại^^
Vân Trần, Phú Thọ, 13:54, 16/07/2010
Đổ lỗi cho ai?...Còn ích gì nữa đây?
Chết là hết....đau xót biết bao nhưng vẫn chẳng thể phủ nhận sự thật đã diễn ra trước mắt... Áp lực trường chuyên đâu đáng phải chết? Chết cũng đâu lấy lại được niềm mong ước? chết cũng đâu bù đắp lại những cố gắng? chết cũng đâu chứng tỏ được mình là học sinh chuyên? là niềm tự hào của bố mẹ?
Tôi, một học sinh trường chuyên, là ước mơ, là niềm tự hào của bố mẹ. Và tôi, cũng như em học sinh đó, đã trượt đại học.
Tôi biết em đã phải cố gắng như thế nào trong học tập... vì chính bản thân tôi cũng không còn nhớ nổi mình đã thức trắng bao nhiêu đêm cho năm lớp 11, 12. Tại sao kết quả lại không được như ý muốn? Có rất nhiều nguyên nhân mà ngay lúc đó các em sẽ không nhìn nhận ra đâu... Nhưng đừng đổ lỗi cho mình, cũng đừng đổ lỗi cho ai... Vì thực sự, mình đã cố gắng rồi. Và tại sao mình không cố gắng thêm lần nữa? Đó là câu hỏi tôi mãi băn khoăn đến tận bây giờ...
Không giống em, tôi không tìm đến cái chết.... Nhưng có một phần nào đó cũng nản chí không kém em, tôi đã không đủ quyết tâm thi đại học lần 2.... Chỉ vì mỗi lần cầm lại những quyển sách ngày xưa, tôi lại rơi nước mắt.
Tôi đã cam chịu học một trường cao đẳng, mà với một dân chuyên, đó đúng là cơn ác mộng. Tưởng chừng cơn ác mộng đó sẽ vùi lấp tương lai? Không, chính trong cơn ác mộng đó, tôi hiểu rằng có nhiều cách để mình vẫn tiếp tục cố gắng, Quan trọng là còn cơ hội để cố gắng.
Không thể làm lại được, nhưng tôi đã cố gắng học nữa, học mãi. Giờ tôi cũng sắp là một Thạc sĩ tự tin với năng lực của mình... có ai còn biết rằng tôi đã từng trượt đại học? mà chắc cũng chẳng ai quan tâm. Người ta cần mình ở trình độ, không bằng cấp nào có thể thay thế!
Tôi có một cô bạn thân, thi đại học đến lần thứ 3 mới đỗ, và đỗ đúng vào chuyên ngành, trường đại học mà cách đó 3 năm cô ấy đã lựa chọn. Giá như tôi cũng may mắn có được bản lĩnh như cô ấy... thì đã không phải mất quá lâu để ngộ ra tầm quan trọng của sự cố gắng không ngừng. Đừng bao giờ nản chí!
Trước mắt những người trượt đại học không phải là một bức tường lạnh lẽo, mà là một bức tường với nhiều cánh cửa, phía bên kia cánh cửa là cả một chân trời mới. Cố gắng, cố gắng hơn nữa nào!
Nguyễn Thị Trà, Hồ Chí Minh, 13:47, 16/07/2010
Cần phải dạy cho em nhiều hơn về lý trí, về cuộc sống. Ở các trường chuyên thường chỉ chú trọng dậy các môn chuyên mà lơ là các kỹ năng sống khác, khiến các em như những con gà công nghiệp, k biết gì khác ngoài học và học, đến khi gặp 1 trở ngại trong cuộc sống là ngã gục, như vậy hiệu quả giáo dục của chúng ta đã thành công?
Môn đạo đức hay giáo dục công dân ở các trường học hiện nay bị coi rất nhẹ, vì lý thuyết khô cứng và vì chính người thầy không biết cách dạy những kỹ năng sống hay làm cho bài giảng sinh động.
Đại học không là tất cả, đừng tạo quá nhiêu áp lực cho các em, hãy hướng các em đến mục đích sống cao đẹp của con người, dạy cho các em biết đi bằng chính đôi chân mình trên những con đường khác nhau để có thể thành công và hạnh phúc.
Tôi thấy giáo dục của chúng ta còn thiếu nhiều rất nhiều. Quan trọng là người đứng đầu ngành k chịu thay đổi tư duy mà thôi.
Phung, 13:21, 16/07/2010
Xin chào tất cả các quý vị đọc giả, tôi là giáo viên chuyên lý thuộc một trường cũng có chút danh tiếng. các học sinh của toi có người đỗ rất cao, nhưng tôi thấy các em học mà tôi rất thương.
Học suốt ngày từ sang đến trường học, tối về học gia sư, còn học bài mai đến trường trả bài nữa chứ.
Nếu trả bài không thuộc có thầy cô còn bắt các em chép phạt cả cuốn vở. không biết các thầy cô giáo đó có biết rằng các em học không có thời gian nghỉ ngơi chơi đùa cùng bạn bè, tạo nên các em một áp lực tâm lý nặng nề.
Còn tôi cũng từng là học sinh chuyên Lý, tôi rất hiểu áp lực từ bạn bè, gia đình, thầy cô, sự kỳ vọng rất lớn ở bản thân. Nếu như thất bại trong thi ĐH là một thất bại đầu đời thì đó là nỗi đau không gì bằng. các em học trường chuyên rất ít về kỹ năng sống, ý chí cũng như bản lĩnh trong cuộc đời.
Vì sao? Vì các em không có thời gian cho các yếu tố đó, vì các em chỉ biết học sao cho giỏi để đỗ vào trường ĐH danh tiếng nào đó. Vì đó là sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô cũng như bạn bè.
Tôi mong rằng gia đình và quý thầy cô dạy cho các em bản lĩnh sống cũng như ý chí vượt qua khó khăn thất bại.
Tây Cuồng Linh, đại học bách khoa hà nội, 12:57, 16/07/2010
Tôi cũng từng là học sinh chuyên Toán của một ngôi trường chuyên danh giá bậc nhất. Là thành viên trong đội tuyến toán đó và đứng hàng top đầu...
Tôi không bao giờ nghĩ mình phải thi đại học,điều mà tuyệt đại đa số học sinh lớp 12 phải trải qua khi bước chân vào giảng đường đại học,với năng lực của mình tôi nghĩ mình sẽ được vào thẳng,sẽ duy trì được "đẳng cấp" và có sự khác biệt với đa số các bạn khác rằng mình giỏi hơn họ và vào đại học theo con đường khác họ!....
Nhưng cuộc sống nhiều khi lắm cái ngờ !Tôi trượt đội tuyển quốc gia_tôi thực sự bị sốc! sau đó tôi trượt tiếp đại học ....đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi các thầy giáo cũ sau ngày báo điểm đại học không dám đến hỏi học sinh nào vì sợ họ không đỗ,hỏi họ,họ sẽ thêm buồn,duy chỉ có tôi là thầy đến vì nghĩ cậu học sinh cấp 2 của thầy xưa giờ hoặc là vào thẳng hoặc là thủ khoa đại học....cảm xúc dồn nén thế đó...
Lúc đó thay vì làm lại tôi lại để cho quá khứ kia gặm nhấm chính tương lai của mình và rồi không có hành động cụ thể...cái gì đến cũng sẽ đến..
Tôi trượt đại học tiếp năm thứ 2....2 lần trượt đại học liên tiếp với cậu học sinh top đầu chuyên toán ở ngôi trường cấp 3 gianh giá bậc nhất...mọi người xung quanh đều không hiểu được..
Nhưng may thay lúc đó tôi đã gượng dậy được,bố mẹ và các anh trai ở bên,giờ đây tôi không tự coi mình là khác biệt là tài năng đẳng cấp hơn!Vâng ! tôi là học sinh 2 lần thi trượt đại học và đang cố gắng!năm thứ 3 tôi đỗ vào ngôi trường đã thi hỏng 2 lần trước đó!trường Bách Khoa danh tiếng!....giờ đã là sinh viên năm thứ 4,sống xa gia đình và thấm thía hơn cuộc sống độc lập,tiếp xúc nhiều mối quan hệ,tôi khuyên các em học sinh chuyên rằng nên coi áp lực là động lực để phấn đấu,tuyệt nhiên không để nó chi phối bản thân!áp lực sẽ đưa ta tới kết quả cao hơn nhưng không phải cao tới mức như ý bằng bất cứ giá nào.....
Qua trường hợp của bản thân tôi,cũng cho thấy tính tình của các em học sinh chuyên thường kiêu căng và cao ngạo_điều này có thể hiểu cho các em vì từ lúc đi học tới khi đỗ vào lớp chuyên là cả 1 bảng thành tích dầy thi cử và giật giải!Mong sao các em sớm trưởng thành hơn trong suy nghĩ trước khi để những bài học sẽ mang sự trưởng thành đó đến.....
Lời cuối xin chia buồn cùng gia đình em Sĩ !cầu cho linh hồn em thanh thản nơi chín suối !thắp nén nhang cúng viếng linh hồn em
nguyenkhoa, saigon, 12:54, 16/07/2010
Qua sự việc này , thiết nghĩ nhà trường nên chú trọng dạy cho học sinh những kỹ năng hòa nhập với xã hội , kỹ năng sống với thời lượng tương đương với dạy văn hóa vì chính những kỹ năng này sẽ theo các em suốt cả cuộc đời , chứ còn đa số những kiến thức văn hóa mà các em học ở trường chuyên lớp chọn hình như chỉ phục vụ cho việc thi đại học thì phải , còn sau đó thì rơi rụng dần theo thời gian, gần như không có ý nghĩa gì trên bước đường mưu sinh sau này cả
Tuệ Lâm, Cầu Giấy, HN, 12:22, 16/07/2010
Thật buồn khi nghe tin này, xin chia buồn với hai bác đã mất con vĩnh viễn!
Riêng em, tôi lên án và thật tiếc là không còn cơ hội nói chuyện với em, khuyên nhủ em trên cõi đời này. Thật quá thất vọng với cách làm như vậy!
Con người trong cuộc sống còn bao điều phải đối mặt, sẽ còn nhiều vấp ngã nữa trong tương lai, thử thách thi đại học là cái gì chứ?
Nó không phải là vật cản trong cuộc đời và cũng không cần phải là lối thoát duy nhất cho em, vậy mà em yếu hèn đến mức không vượt qua được, thật xót xa khi cái chết của em lấy đi bao niềm tin và tự hào của bố mẹ em và gia đình, tự hào dòng tộc, lấy đi công sức bao năm nuôi em ăn học dài lưng tốn vải.
Em nhận được gì sau khi tự kết liễu đời mình như vậy, tẻ nhạt vô cùng, yếu hèn vô cùng, em hèn nhát đối diện với thử thách nhỏ này thì thử hỏi em lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua những năm tháng trong cuộc sống phía trước! Xót xa và khinh thường.
Đây cũng phản ánh phần nào cách nghĩ và làm của lớp trẻ ngày nay, những con người kiểu này họ tự loại mình ra khỏi xã hội, nếu qua lần này được thì lần khác họ lại tìm đến cái chết thôi. Giới trẻ ngày nay dường như sống thiếu lý tưởng, thậm chí muốn hút dư luận xã hội với những việc ngông cuồng mình làm, kể cả tìm đến cái chết!!!
Một lần nữa chia buồn với gia đình em và cũng lên án kiểu kết liễu cuộc sống của em.
Buồn và tiếc!
tuanhl, 12:17, 16/07/2010
Chia buồn với gia đình Sĩ. Tôi thấy một thực trạng ở trường các học sinh được học nhiều về kiến thức mà còn ít quá về bản lĩnh làm người. Nếu trước khi làm chuyện dại dột đó chúng ta nghĩ về ông, bà, cha, mẹ, người thân và bạn bè thì chắc hẳn sẽ thấy rằng mình còn mang nợ nhiều người lắm, và cái việc mình sắp làm là hèn lắm. Giá như trước các công thức và phương trình, các bạn được học về báo hiếu cha mẹ, ông bà, về cái nợ mà chúng ta mang trong đời thì chắc hẳn không còn nhiều người chọn việc dễ dàng ấy.
phong, 12:14, 16/07/2010
gửi bạn Nguyễn Trung Kiên, ngay trong bài bình luận của bạn, tôi cũng đã thấy được thái độ ngạo mạn của bạn rồi đó.
Taị sao bạn nghĩ "chỉ có học sinh chuyên mới hiểu được"? ---> vậy chúng tôi, những người không học chuyên thì không hiểu được hay sao. Vậy bạn nghĩ tất cả các bác sỹ tâm lý khi chữa cho bệnh nhân thì cũng phải từng bị bệnh đó mới có thể tư vấn được chăng?
Còn về việc bạn nói không liên quan đến cách dạy người, vậy bạn nghĩ đi học là chỉ cần học một mớ kiến thức toán, lý, hóa,... mà không cần học những thứ khác sao?
Phan Việt, Quảng Ninh, 11:31, 16/07/2010
Tôi nghĩ rằng đến lúc xã hội phải nhìn nhận phương pháp giáo dục hiện nay. Một nền giáo dục chạy theo thành tích và tạo nên một áp lực ghê gớm lên tất thảy từ nhà trường, học sinh, gia đình...Trẻ em không còn tuổi thơ nữa vì chúng phải học ngày, học đêm vì giáo trình quá nặng, vì thành tích bắt buộc phải giỏi. Học sinh học ngày nay không có tư duy sáng tạo vì tất cả theo bài mẫu cứ thế mà làm từ toán, văn, sử địa đều có bài mẫu, có đáp án hết...Vâỵ chúng ta đào tạo một thế hệ trẻ em ngày mai như thế nào đây? Đã có quá nhiều ý kiến về giáo dục nhưng tất cả chìm vào im lặng, không ai trả lời và rồi xã hội cứ cuốn theo guồng máy giáo dục như vây.
bunny2007_c, HCMc, 11:20, 16/07/2010
Xin chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình em Sĩ.
Một thời gian dài, tôi cũng có tâm trạng "hụt hẩng" như Sĩ khi trượt ĐH năm đầu. Uất ức vì rất nhiều bạn sức học thua xa mà vẫn vào được ĐH chỉ vì có "lý lịch gia đình" tốt hơn
Thế nhưng chúng ta phải biết nén đau thương và quyết tâm vươn lên. Tôi đã phải đạp xe thồ, trực đêm bảo vệ cho các cửa hàng để kiếm sống và để được tiếp tục thi vào ĐH một lần nữa .
Học xong ĐH, đi làm nhưng giấc mộng vươn cao, vươn xa vẫn nung nấu trong lòng tôi. Với lòng quyết tâm cao, dù tuổi đã lớn, nhưng tôi vẫn giành được một suất học bổng du học chương trình Thạc sĩ ở nước nước ngoài với hơn 1.300 ứng viên và trở thành Thạc sĩ đầu tiên học ngoài nước trở về một tỉnh lẻ công tác.
Bằng lòng quyết tâm và nghị lực vươn lên, tôi nghĩ, các bạn trẻ đừng thất vọng và nông nổi khi mới chớm thất bại. Hãy tiếp tục đứng dậy, đi tiếp, để thực hiện ước mơ của mình ./.
Hoàng Xuân Trường, Tp.Hồ Chí Minh, 11:12, 16/07/2010
Đầu tiên mình xin gửi lời chia buồn tới gia đình bạn Sĩ,mong bạn gia đi thanh thản và cuộc sống sớm trở lại với gia đình bạn.
Học trường chuyên là một áp lực rất lớn đối với các bạn,bên cạnh sự quý mến của mọi người là áp lực rất lớn,áp lực của việc học.
Là học sinh của trường Chuyên Nguyễn Huệ-Hà Tây.Tôi đã từng trải qua một thời phổ thông không nhiều kỉ niệm.
Có lẽ điều tôi nhớ nhất là những ngày tháng phải học tập,ngày này qua ngày khác với khối lượng kiến thức rất lớn.Khi kì thi đại học đến gần cũng là lúc sức ép ngày cang lớn,sự kì vọng của mọi người làm trong thâm tâm tôi luôn nghĩ: "mình không thể trượt".
Và rồi năm 2006,tôi trượt tất cả mọi thứ sụp đổ trước mặt tôi,mọi thứ vốn là niềm tự hào của tôi giờ đây đa tan biến,bên cạnh đó là những lời thầm trách,lời động viên,và cái nhìn không mấy thiện cảm của mọi người xung quanh.Biết kết quả được 1 ngày thì người chú ruột của tôi ra đi vì TNGT,lúc đó tôi quá buồn quá thất vọng,tôi về quê ở 1 tháng, và quyết định nộp vào 1 trường dân lâp NV2 với suy nghĩ đi học tạm để giải tỏa sức ép cho minh.
Và rồi tôi đã học 1 kì ở đó trước khi bảo lưu 1 kì để ở nhà ôn thi,suôt nửa năm tôi ở trong căn phòng của mình,ít tiếp xúc với những người xung quanh,đặc biệt là những người bạn cùng cấp 3,họ đỗ vào những trường danh tiếng và phía trước họ là 1 tương lai đầy hưa hẹn.Tôi thấy mình thấp kém nhưng tôi quyết tâm,bây giờ chẳng phải là lúc để thanh minh hay nói điều gì cả.
Tôi tập trung ôn tập, năm đó 2007,bắt đầu hinh thức thi trắc nghiệm, có lẽ hình thức này vẫn còn mới mẻ với tôi, năm đó KTQD lai tăng điểm chuẩn,tôi trượt năm thứ 2.Lúc đó mọi thứ càng tồi tệ hơn với tôi,gia đình động viên tôi quay lại trường cũ học.Bởi với số điểm đó tìm dược 1 trương công lâp danh tiếng,khối ngành ưu thích kinh tế của tôi để nộp NV2 là điều không thể.
Cuối cùng tôi quyết định vào Sài Gòn,nộp NV2 vào Khoa kinh tế-ĐHQG Tp.HCM,lúc đó tôi suy nghĩ chỉ có ra đi tới một phương trời mời tôi mới thoát khỏi những ám ảnh của chuyện thi đại học, để bắt đầu 1 cuộc sống mới và tìm kiếm những cơ hội mới.Và hiện nay tôi chuẩn bị bước vào năm cuối ĐH,phía trước là rất nhiều cơ hội như những người bạn cùng lớp khác.
Trong một hoàn cảnh môi người sẽ có những suy nghĩ và hành động khác nhau.Nhưng tôi muốn nói một điều,dù trong hoàn cảnh nào mạng sống vẫn là thứ quý ra nhất,không phải để đem gia trả gia cho bất kì một hành động nào của chúng ta.
Các e học sinh trường chuyên, a muốn các e hãy cố gắng học thật tốt, bên cạnh đó hòa nhập vào cộng đồng để thấy được nét đẹp của cuộc sống,những tấm gương vượt khó vươn lên.
Đại học không phải là con đường duy nhất để các em thành công, mà là ở ý chí của các em, nếu biết chấp nhận thất bại và quyết tâm làm lại,
các em sẽ đạt nhiều thành công trong cuộc sống.
Nếu được đi trong con được học tập thuận lợi thi càng tôt,còn nếu gặp 1 vài trắc trở đó cũng là dịp thử thách chúng ta,nếu các ép vượt qua thành công sẽ tới.Để việc học tập trở thành đam mê thay vì coi nó một gánh nặng trên vai chúng ta.
Đặng Huy, Thái Bình, 11:04, 16/07/2010
Con người sinh ra không ai là giỏi nhất, tốt nhất vì thế không phải mọi điều tốt đẹp,hạnh phúc đều có thể đến với mình.
Sự công bằng là việc tốt đẹp đó sẽ phân chia cho mọi người ở các mức độ khác nhau.Học sinh trường chuyên hay các vị giáo sư cũng không ngoại lệ.Chỉ vì một thử thách nhỏ trong đời mà đã tìm đến cái chết của một học sinh giỏi là điều rất đáng trách nó thể hiện sự thiếu trách nhiệm, ích kỉ của cá nhân.
Mặt khác tôi thấy các danh nhân thế giới những người làm cả thế giới,nhiều thế hệ kính phục đâu có nhiều người từng học ở các đại học danh tiếng,trường chuyên hay lớp chọn.Tôi nghĩ muốn thành một nhân vật lớn ngoài sự cần cù,thông minh,may mắn còn cần trái tim lớn dũng cảm,dám đối mặt với thử thách nữa.
Kuang, Hanoi, 10:48, 16/07/2010
Có lẽ trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng, Gia đình, Nhà trường nên có những buổi nói chuyện tâm lý tích cực cho các em, thất bại chỉ là tạm thời...những định hướng đúng đắn, cũng như tâm lý khi thất bại để cho các em không khỏi tự ti, buồn tủi.
Tôi cũng đã từng trải qua cái cảm giác trượt đại học khi bạn bè cùng trang lứa có nhiều người đỗ. Tôi cũng cảm giác hụt hẫng, buồn tủi, và tôi lại là 1 trong niềm hy vọng của GD, dòng họ. Nhưng nhờ có bố tôi, tôi đã vượt qua được.
Giờ đây tôi thấy đại học chỉ là 1 trong những cái mốc trong cuộc sống, nó không phải là tất cả của phần còn lại của cuộc đời, chính vì thế trượt ĐH không phải là hết, rất mong mọi người có người vừa thi ĐH mà kết quả không khả quan nên động viên con em mình và nên có buổi nói chuyện để con em mình không tự ti buồn tủi, bi quan, chán nản. Hãy cho con em mình thấy có nhiều con đường khác để thành đạt trong cuộc sống
hl, BT, 10:47, 16/07/2010
Tôi cũng là 1 học sinh trường chuyên. Tuy lúc thi ĐH gia đình luôn tạo cho tôi cảm giác thoải mái, nhưng áp lực là do bản thân mình gây ra. Tôi luôn sợ rằng nếu thi không tốt sẽ không dám ló mặt ra đường. Và thực tế là sau khi tôi thi xong, làm bài không được tốt, tôi về nhà và nằm lì trong phòng, không muốn nói chuyện, không muốn ra ngoài,...Cho tới khi có kết quả, tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã đậu KHTN. Nhưng với số điểm suýt sao.
Đương nhiên, áp lực 1 phần là do cái mác trường chuyên, nhưng chủ yếu là do ý chí thôi. Có lẽ bạn này do 1 lúc suy nghĩ không thông mà đã xảy ra chuyện đáng buồn.
Xin chia buồn với gia đình bạn!
Nguyễn Thị Lý , Hà Nội, 10:21, 16/07/2010
Tôi rất xúc động, xin gởi lời chia buồn đến gia đình em Trịnh Công Sỹ.
Nhìn thẳng vào vấn đề chúng ta sẽ nhận thấy lỗi lớn nhất trong cái chết thương tâm này chính là cách giáo dục của chúng ta hiện nay có vấn đề khi chăm chăm dạy học trò hầu như chỉ tập trung toàn lực vào một mục tiêu là đại học.
Chúng ta đào tạo một học sinh như thế nào khi mà những kỹ năng sống đơn giản nhất các em không nắm bắt được: trách nhiệm của một con người.
Nhờ các nhà giáo dục trả lời giúp tôi: hệ thống giáo dục hiện nay là phương tiện hay mục tiêu cho sự phát triển toàn diện của xã hội? Các trường chuyên đào tạo ra các học sinh giỏi, thi đạt thành tích cao trong kỳ thi quốc tế và có bao nhiêu em sau này đã đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của đất nước này? Hay đây chỉ là sự giải thoát?
Theo tôi, chúng ta đang chạy theo một thành tích ảo mà đánh mất một giá trị thực: đó là giá trị con người.
Phan Trần Vũ, Hà Tĩnh, 10:16, 16/07/2010
Ngàn lần ko đồng ý với ý kiến của bạn Phong ( Đà Nẵng ) .
xin trích nguyên lời bạn như sau "Tôi quen nhiều bạn học trường chuyên, tôi nhận thấy rằng những bạn được đào tạo trong trường chuyên thường có thái độ rất ngạo mạn, hay coi thường các bạn không học trường chuyên nhưng lại sống rất thiếu ý chí, khi có chuyện thì chỉ biết dựa dẫm vào người khác. " . Bạn ko nên vơ đũa cả nắm như vậy !!!! Tôi từng học trường chuyên và tôi nhận thấy răng học sinh trường chuyên thường bị các bạn trường khác cô lập và ko mấy thân thiện cho lắm ! Dường như các bạn trường ko chuyên có ý nghĩ như bạn nên những học sinh trường chuyên mới thường xuyên bị cô lập . Tôi nhận thấy răng học sinh trường chuyên là những người có nỗ lực , biết vươn lên , bằng chứng là kết quả học tập của họ luôn cao ...
Các bạn ko nên vì 1 chuyện cá nhân mà đánh giá cả 1 tập thể như vậy ! thành tích giáo dục nước ta trong những cuộc thi quốc tế chủ yếu là nhờ những học sinh trường chuyên . Sao các bạn ko nhìn vào những mặt tốt mà cứ tìm cách bóc mẽ những điều ko hay thậm chí có những điều ko đúng .
Những vấn đề trên hầu như trường nào cũng có chứ ko phải riêng học sinh trường chuyên . Học sinh trường chuyên chịu áp lực , gánh nặng nhiều từ nhà trường , phụ huynh , thậm chí là từ quốc gia .... để tồn tại trong môi trường học tập khắc nghiệt như vậy họ đã phải có 1 ý chí , và tâm lý mạnh mẽ . Cần phải cảm thông và hiểu cho họ . Tôi nhận thấy răng học sinh trường chuyên chỉ có 1 khuyết điểm là " cái tôi cá nhân " hơi cao . Tuy vậy họ ko đến mức phải để các bạn phê phán như vậy .
Trần Thị Hồng Vân, Phủ Lý -Hà Nam, 10:15, 16/07/2010
Thật đáng buồn vì một bạn học sinh giỏi đã mãi mãi rời xa cõi đời.Thành thật chia buồn với gia đình Sĩ.
Bản thân tôi cũng đang là một học sinh trường chuyên tôi hiểu áp lực của Sĩ cũng như của các bạn trường chuyên nói chung.
Mọi người thường có suy nghĩ học sinh chuyên là phải đỡ ĐH.Điều này đã tạo một áp lực rất lớn cho học sinh.Bản thân ở trong lớp tôi cũng có sự ganh đua này.Các bạn luôn muốn mình đứng nhất nhì. Chính bản thân tôi cũng bị áp lực đè nặng.Trước khi đỗ vào trường tôi đã phải chịu rất nhiều áp lực chính từ gia đình bởi tôi có một đứa em họ trên tôi 1 lớp học Chuyên Kim Liên và học rất giỏi.Thứ hai đó là vì muốn bố mẹ mình tự hào;muốn có một môi trường học tập tốt.
Nhưng một áp lực khác lại đè lên khi tôi vào lớp.Luôn có một sự ngột ngạt,sự ganh đua giữa các bạn trong lớp.Thường khi có bài kiểm tra điểm thấp hơn so với bạn khác là các bạn lại buồn. Tôi cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh như thế.Một điều nữa đó là các lớp khoá sau thường phải nối tiếp truyền thống khóa trước và thứ ba là chỉ tiêu nhà trường. Năm nay tôi học lớp 11 và đã hiểu thế nào là áp lực từ việc thi đại học.Nhưng tôi nghĩ mình có thể lạc quan hơn và cố gắng hơn.Tôi nhớ năm lớp 10 tôi cũng từng có suy nghĩ như Sĩ vì chưa quen với sự bon chen.Tôi cũng từng ghen tị từng có suy nghĩ mình phải hơn bạn hơn bè nhưng thật rất mệt.
Cuối cùng điều tôi muốn nói ở đây là dù mình có là học sinh trường chuyên hay không thì mình cũng phải cố gắng nỗ lực hết mình.Quan trọng là mình biết nuôi giữ niềm tin dù có vấp ngã.Hãy làm mọi việc hết mình thì mình cũng không cảm thấy nuối tiếc .Và hãy luôn lạc quan trước mọi tình huống.
Vân Long, 09:58, 16/07/2010
Cũng đã là học sinh trường chuyên, tôi cũng hiểu một phần tình cảnh của em học sinh tự tử:
Xin phép được nói ra ý kiến của mình và không có ý định xúc phạm ai cả, nếu có trùng hợp, đây chỉ là ngẫu nhiên.
Theo cá nhân tôi, môi trường giáo dục trong trường chuyên cũng đóng góp một phần vào "thành tích" tự tử của học sinh nói trên.
Ngay khi ngồi trong ghế nhà trường, giáo viên trường chuyên vẫn thường xuyên hướng học sinh "so sánh với các bạn cùng lớp", lấy bạn giỏi làm gương. Vô hình chung, người ta đặt cho học sinh của mình một cái mốc - mà trong một vài trường hợp là quá ảo vọng đối với một số học sinh.
Chắc rằng, rất nhiều giáo viên cho rằng, "lợi dụng cái cạnh tranh của học sinh mà bắt chúng nó học".
Quan điểm của họ cho rằng "chúng nó có tức thì mới có nghị lực vươn lên cho bằng bạn bằng bè". Khi trước, trong lớp của tôi có những cậu bạn, khi mà bạn cùng lớp giải được bài khó mà mình không giải được thì cậu ta ngồi nhiều ngày trời, quên ăn để làm bài đó. Có vẻ rằng như thế là tốt, nhưng chuyện gì xảy ra nếu cậu bạn đó làm mãi mà không ra? Thất vọng, chán nản về bản thân. Nói rộng hơn, tôi cũng có thể hiểu đôi chút lý do mà sĩ tự tử.
Nếu tôi làm chủ một cơ nghiệp 60 tỉ USD và rồi phá sản, vỡ nợ có lẽ tôi cũng tìm mua một lọ thuốc ( "có lẽ" thôi, vì bây giờ tôi nói là "không bao giờ" quá hợm hĩnh bản thân mình).
Có vẻ như, một học sinh trường chuyên(tôi không đánh đồng tất cả), gói gọn cuộc sống của mình vào chu kỳ đơn điệu : Trường-nhà-bài tập-lớp học thêm. Họ lặp đi lặp lại chu kỳ này với một niềm kiêu hãnh "rất chuyên": họ tin rằng họ tốt hơn người khác, họ làm được những việc mà người khác không làm được. Và đó là lý do họ cho mình rất "có giá"-những "samurai bất bại".
Yếu tố gia đình, áp lực xã hội tuy cũng là một phần, nhưng có lẽ nó là một phần tất yếu của cuộc sống: Anh thành công-anh lấy vòng nguyệt quế; anh thất bại-ồ, người ta nói về anh thế nào...(Tuy nhiên ở VN, yếu tố này "hơi cao tí chút" ) Điều này khiến cho người ta phải biết chấp nhận thôi! Khi mà anh thành công, người ta nhớ về anh không quá 2 phút trong bữa cơm tối-vậy sao anh cần quan tâm người ta nói gì khi mà anh thất bại nhỉ?
Tôi thiết nghĩ, với năng lực khiêm tốn của mình, thì chúng ta cần xem xét lại đôi chút về cách chúng ta đào tạo ra các học sinh "chuyên".
Và phải thừa nhận rằng, không phải cứ "chuyên" là sẽ thành công. Với một hình ảnh so sánh, tôi xin ví cuộc đời như một bãi chiến trường, ở nơi đó, người lính tinh nhuệ nhất có thể hi sinh vì một nhát lưỡi lê từ chú thiếu sinh quân tập sự.
Xin chân thành cảm ơn tòa soạn nếu được đăng!
Gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Sĩ ! Mong gia đình Sĩ sớm vượt qua!
Hy vọng những lần thi đại học sau, Vietnamnet sẽ không cần bận rộn vì những bài viết kiểu này!
đặng sỹ kiện, hà tĩnh, 09:46, 16/07/2010
Lời đầu tiên xin chia buồn cùng gia đình bạn nhưng nhân qua đây tôi xin kể một câu chuyện có thật của chính tôi. Mặc dù tôi đã học đại học, ra trường và đi làm rồi.
Tôi kể câu chuyện không gần với ĐH lắm .Hồi trước từ 1- 9, là học sinh giỏi liên tiếp không chỉ là niềm tự hào của gia đinh mà thậm chí nhiều gia đình còn lấy đó làm gương cho con mình học tập.
Nhưng..........tôi thi lên lớp 10 chính quy lại trượt , phải nói là tôi áp lực nặng nề.
Tôi là con trai nhưng đã khóc rất nhiều và thậm chí cũng đã nghĩ đén tự tử vì xấu hổ và hơn hết vì không được đến trường do ở quê gia đình tôi cực nghèo mà học dân lập thì bố mẹ không cho.
Cũng may, thời gian đó huyện tôi mở trường bán công đầu tiên và tôi đi học. Nhưng tôi không dám đi chung với bạn bè cùng xóm học chính quy. Tôi luôn đi học thật sớm để không gặp họ và đặc biệt tôi luôn tự nhắc mình phải quyết tâm học hơn và rồi tôi là học sinh giỏi tỉnh môn sinh học 3 năm liền và cũng đỗ đại học ngay sau đó để học GTVT.
Nên tôi muốn nhắn nhủ tất cả các bạn trẻ rằng hãy biến tất cả những thất bại thành nghị lực để thành công vì không ai thành không mà chưa phải trải qua một đôi lần thất bại.
Chúc các bạn suy nghĩ đúng đắn và dám bước tới để thành công.
Trần Đức Toàn, Hà Nội, 09:42, 16/07/2010
Tôi thành thực chia buồn cùng gia đình em.
Tôi đọc xong bài viết và bình luận của nhiều người cũng đã từng học chuyên. Bản thân tôi cũng đã từng học chuyên, nên cũng có vài ý kiến chia sẻ với các bạn:
Thứ nhất, phải khẳng định rằng phải có tâm niệm và sức ép rằng học chuyên là giỏi hơn hẳn các lớp thường (ít nhất là về trí tuệ trong môn chuyên), không bao giờ được lôi ra so sánh với các lớp thường về môn chuyên đó thì mới có thể sinh ra một nhân tài quốc gia và quốc tế.
Nhưng, với việc thu nhận được từ học chuyên và cũng từng nếm trải cảm giác từ đỉnh cao xuống địa ngục ( Từ nhất nhì đội tuyển xuống vị trí: thầy giáo nhắc là em mà không học là có nguy cơ trượt đại học đấy) nên tôi cũng hiểu được ranh giới bắt đầu cảm giác nhục nhã của người thua cuộc.
Thứ hai, nếu không kể những việc chạy chọt cho con vào học chuyên của các đại gia thì việc con nhà bình dân học chuyên là một vinh dự và sự khẳng định nhưng lại là một thiệt thòi bởi khi học chuyên chúng ta được ưu ái về điểm số các môn khác nên việc áp lực học và hiểu các môn khác cũng giảm đi rất nhiều (nếu không muốn nói là không có). ===> HỌC LỆCH.
Thứ ba, việc học sinh chuyên thi trượt đại học (khối A) là hi hữu và vô cùng ít - bởi nó đã tuân thủ theo thuyết tương đối đó thôi. Chúng ta không nên coi nó là một sự kiện của xã hội.
Vì vậy, việc hi hữu xảy ra là chuyện rất đáng tiếc nhưng vô cùng dễ hiểu - nhưng nó không dễ hiểu với người không học chuyên ( No Chuyên Ban).
Sau vụ việc trên, trước hết là chia buồn với gia đình em học sinh trên, thứ đến, thiết nghĩ nếu chúng ta có con học chuyên thì chúng ta phải tự tìm hiểu và phải hiểu kỹ con mình để có biện pháp phòng chống từ xa hiệu quả sự việc trên.
Nghiêm Trọng Việt, 09:34, 16/07/2010
Mình hiểu những áp lực mà các bạn lớp chuyên trải qua.
Mặc dù mình chưa bao giờ mình học lớp chuyên.
Hồi cấp 3, mình chỉ học 1 lớp thường của 1 trường dân lập trong quận. Hồi đó, vì thích nên mình cũng nộp hồ sơ thi bách khoa. Lúc đó nhiều người cũng nói mình " dân lập mà cũng dám thi bách khoa".
Nói chung tâm lý mình lúc đó cũng tâm lý và cảm thấy áp lực ghê gớm,đã có lúc mình sợ đi ra ngoài, sợ mọi người hỏi thăm. Nhưng mình nghĩ các bạn không nên quá đề nặng chuyện đỗ đạc,bằng đại học không phải là cái quyết định tất cả. Trượt các bạn có thể thi lại mà, có thể thử thách mình thêm 1 năm nữa. Hãy cố gắng lên, đừng nản chí vội
Tất Trần, 254 Phó Đức Chính, Hà Nội, 09:18, 16/07/2010
Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bỏ ra rất nhiều công sức xây dựng các lớp chuyên toán, chuyên lý...
Nếu có thể xây dựng trường cho các học sinh giỏi toàn diện nhằm mục đích có chương trình phù hợp cho các em này hướng tới. Như trong nhiều thập niên qua, ngành giáo dục của chúng ta rất chú ý đến các đội dự thi học sinh giỏi toán, lý vv... để đi thi đấu các cấp kể cả đi đấu quốc tế (bản thân ngươì viết đã tham gia nhiều cuộc thi như thế) và coi rất trọng các đội tuyển này.
Trong thực tế, các thí sinh đi thi phải rất vất vả để toạ cho mình như một cái cối xay giải quyết các dạng bài tập-làm càng nhiều càng tốt.
Đây là một sai lầm râ ấlớn của những nhà lãnh đạo, tại các nước phát triển (USA, Australia, UK....) ngươì ta không chú trọng nhiều đến việc này.
Hàng năm vẫn có đều việc học sinh các lớp dự thi tuyển (quốc gia hay khu vực) nhưng tất cả cơ hội cho mọi học sinh-chỉ cần nộp lệ phí sau đó đến ngày ngồi dự thi.
Kết qủa được gửi cho thí sinh và gia đình theo địa chỉ-mục đích cho học sinh và gia đình biết sức học của học sinh mà thôi. Không ai cần quan tâm đến những kết qủa này ngoài thí sinh và gia đình của họ. Không cần phải có đội tuyển như gà chọi mang thi đấu ở bất cứ đâu vì đề bài được in màu rất đệp, đúng ngày, giờ thí sinh của trường nào ngồi tại trường đó thi cho tất cả các lớp. Mỗi thí sinh có đầu bài riêng cho mình.
Ở ta, điểm qua nhiều thập niên qua, thí sinh trong đội tuyển đặc biệt thi quốc tế-hầu như họ không còn thời gian để quan tâm đến các môn khác để tập trung cho môn mà họ chuẩn bị cho thi.
Tóm lại cách giáo dục từ phổ thông đến đại học của ta cần một cuộc cách mạng rất lớn trước hết là tư duy từ các nhà lãng đạo.
tubin, 09:17, 16/07/2010
Mình thành thật chia sẻ mọi sự mất mát.
Tuy nhiên mình không đồng tình với lý luận rằng đó là áp lực bởi nếu là áp lực thì chỉ do chính bản thân mình tạo ra, còn người thân, bạn bè chỉ kỳ vọng thôi.
Các bạn đã tự tạo cho mình thói cao ngạo, ích kỷ để rồi có những hành vi chưa đúng.
Mình thường nói với các con mình rằng, bố mẹ sẽ rất vui nếu các con có kết quả học tập tốt, nhưng nếu lớp các con đi thi đều đỗ cả thì đó là kỳ thi chọn học sinh giỏi không hợp lệ và không nên gọi là thi mà là đến làm bài (xấu, tốt đều như nhau) và nhận danh hiệu HSG các cấp.
Chẳng cần thi vẫn biết mình đoạt giải thì chán lắm, khi đó sẽ có người đăng ký xin rút không tham dự kỳ thi nữa.
hoang thanh tung, ha noi , 09:13, 16/07/2010
Trường đại học không cần phải học chuyên mới đỗ ...nNhưng có môi truờng tốt thì cũng tốt hơn để phấn đấu và " Tự học có thể thi vào được " còn mấy áp lực " gia đình , họ hàng , bạn bè thày cô chỉ là chuyện nhỏ đôi khi chỉ là tiếng gió vi vu!
Bởi vì cuộc sống của mình nằm trong tay mình. Không ai có thể quyết định thay các em được. Khi thi vào và học đại học, phải xác định học đó cũng chỉ là 1 cái nghề sau này tự lo cho bản thân. Đừng nói là vì danh dự học sinh chuyên mà có thể dẫn đến tự kết liễu đời mình. Đó không phải là danh dự . Đó chỉ là " cái tôi ích kỉ ", thể hiện một con người hèn kém ....
Nguyễn Ngọc Hà, 09:09, 16/07/2010
Các em sống thiếu ý chí quá!
Tôi cũng đã từng học trường chuyên. Cái ngày ấy cái thị xã nhỏ của tôi còn có trường chuyên dành cho cấp 2. Tâm lí tôi ngày học chuyên cấp 2 thi vào cấp 3 cũng là muốn đỗ chuyên. Nhưng tôi không đỗ vào chuyên cấp 3. Tâm lí day dứt đè nặng khi bạn bè đều đỗ. Nhưng rồi qua những năm tháng học cấp 3, tôi cũng vào được đại học. Giờ cũng đã ra trường đi làm. Tôi nhận ra rằng quan trọng là biết đâu là mục tiêu thật sự quan trọng.
Các em học chuyên thật sự học rất tốt. Nhưng đáng buồn là hình như các thầy cô cũng một phần góp vào căn bệnh thích thành tích của các em. Phải hơn người, phải ganh đua. Mục đích là gì?
Các em học chuyên vào đại học cũng như các em học trường thường. Ra ngoài đời làm việc, thậm chí đến cái bằng đại học đôi khi cũng không khẳng định các em hơn người nếu các em thiếu ý chí.
Nhà trường chỉ dạy các em cách tư duy, còn có thực sự "hơn người" hay không, còn do các em nữa.
Nếu thật sự muốn, các em hãy "hơn người" ở cách vượt qua khó khăn.
Hãy coi thành công của người khác là tấm gương, thất bại của mình là một bài học bổ ích chứ đừng lấy thái độ chán nản ra mà đón nhận thất bại. Chính sự chán nản của các em là biểu hiện sự bất mãn, không chịu thua kém bất kì ai. Khó lắm để trở thành một người bất bại trong cuộc sống các em ạ.
Hãy vươn lên để người khác thật sự thấy bản lĩnh ở các em.
Tran, 09:07, 16/07/2010
Bên cạnh những yêu cầu về " con ngoan, trò giỏi", nên dạy cho trẻ em các kỹ năng sống khác. Hãy biết chấp nhận thất bại và nhìn ra điểm yếu của mình.
Hoàng Mạnh Lâm, BMT, Đak Lak, 09:04, 16/07/2010
Thật sự là đáng tiếc khi con trẻ tự tử vì trượt đại học mà lại là trường chuyên.
Tôi nghĩ rằng, đã là học sinh trường chuyên thì đỗ đại học là trong tầm tay, vì rằng chỉ cần học lực khá thôi là có thể đỗ rồi, chứ học chuyên còn nói làm gì.
Vậy thì do đâu, hẳn là do không chuyên thật mà chỉ là chuyên hão chuyên lấy oai thôi.
Tôi biết, nhiều ông bố bà mẹ bằng mọi cách chạy cho con mình vào trường chuyên để giải quyết khâu oai với bạn bè, nhưng thực chất thì như đã thấy. Chúng ta tiếc vì sự bồng bột của con trẻ nhưng cũng trách ngay chính những người là bố là mẹ có tư tưởng sính oai mà làm khổ con (vì thực chất nó có thật giỏi như vậy đâu).
Hỡi những ai làm bố làm mẹ hãy tỉnh táo mà xem xét nghiêm túc vấn đề, đừng để xảy ra rồi hối không kịp.
Tuấn Anh, Lam thao phú thọ, 08:57, 16/07/2010
Tôi cũng là người từng học chuyên toán, xin chia sẻ với gia đình em Sĩ về nỗi đau quá lớn này.
Nhân đây cũng xin tâm sự vài điều về học sinh chuyên.
Thường các bạn học sinh chuyên học giỏi từ nhỏ, lại ngoan hiền, nên được gia đình và mọi người rất quý.
Cha mẹ nào cũng rất tự hào về con cái, nhất là con mình lại ngoan, học giỏi. Đi đâu cha mẹ cũng chỉ muốn khoe về những đứa con tuyệt vời của mình.
Đôi khi lại còn thiên vị hơn so với những đứa khác ( em tôi là một nạn nhân, nó đã phải chịu áp lực rất lớn khi có ông anh học giỏi ). Chính vì thế, áp lực dành cho những học sinh chuyên là cực kì lớn.
Học chuyên là học nâng cao, sẽ rất khác nếu đi thi đại học. Thi đại học thường chỉ có 1 bài khó, còn lại đều là hiểu kĩ kiến thức cơ bản và trình bày bài tốt.
Về điều này, học sinh chuyên không có nhiều lợi thế hơn so với học sinh thường.
Rồi khi đi thi, yếu tố tâm lý, sức khỏe có thể ảnh hưởng đến bài thi của các em.
Tất nhiên đặt kỳ vọng vào các em học sinh chuyên không có gì sai, nhưng mọi người đừng tạo ra áp lực quá lớn đối với các em. Đôi khi chỉ vì áp lực ấy, mà các em không vượt qua nổi, rồi có những quyết định nông nổi không thể cứu chữa được.
Vài lời tâm sự, mong nhận được sự đồng cảm của mọi người.
Nguyễn Trung Kiên , hà nội, 08:52, 16/07/2010
Mình rất đồng ý với ý kiến của bạn TP.HCM vì có rất nhiều áp lực mà chỉ có học sinh chuyên mới hiểu được.
Mình cũng là hs chuyên và cũng vừa tham gia kỳ thi đh vừa rồi. Mặc dù mình làm bài cũng không tốt lắm nhưng nếu hành xử như bạn chuyên toán ở trên thì thật là không nên.
Ngoài, ra mình cũng thật sự bức xúc với ý kiến của bạn phong ở dưới.
Mình không biết bạn quen những ai. Nhưng trong xã hội thì những người mà bạn cho là ngạo mạn hay gì đó thì ở đâu chẳng có, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, con sâu làm rầu nồi canh, sao lại có thể liên quan đến "cách dạy người" của cả một mô hình giáo dục .
Nếu bạn suy diễn theo lối vơ đũa cả nắm như vậy thì có lẽ người ngạo mạn nhất chính là bạn đó.
Lê Văn Quốc, Tuyên Quang, 08:43, 16/07/2010
Quả là thương cảm cho cháu. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho các ông bố bà mẹ có con học trường chuyên.
Hãy làm gì đó để cháu bình tĩnh, ổn định tâm lý trước khi thi: Năm nay không đỗ, thì năm sau; vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp.
Bản thân tôi trước đây thi đại học không đỗ, gia đình khó khăn, tôi đã đi công nhân, sau 5 năm tôi thi tiếp đại học và hiện nay tôi đã hoàn thành học đại học có nghề ổn định. xin chia sẻ
Hà thu, 07:53, 16/07/2010
Không hiểu sao tôi rất coi thường tất cả những ai có ý định tự tự và đi tự tử. Đó là những người không biết thương mình, yêu mình, yêu gia đình mình... Vậy những người đó có phải đã là những người "khiếm khuyết" về nhận thức hay không?