Phần lớn dân Trung Quốc ủng hộ cải tổ chính trị

Cập nhật lúc 05:17, 04/11/2010 (GMT+7)

Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, đa phần người dân Trung Quốc ủng hộ cải cách chính trị để tương xứng với những thành công kinh tế của nước này.

Gần tám trong số 10 người Trung Quốc, những người đã tham gia vào một cuộc thăm dò toàn quốc cho biết, họ tin rằng đất nước phải tiến hành con đường cải cách chính trị, ưu tiên hàng đầu cho ổn định để tránh sự sụp đổ tương tự như Liên Xô năm 1991.

a
Phần lớn người dân Trung Quốc ủng hộ cải cách chính trị. Ảnh minh họa: cbc

Đáng chú ý là, cuộc thăm dò lần này do trung tâm thăm dò toàn cầu thuộc Thời báo Hoàn cầu - một trong những ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - thực hiện.

Đây là cuộc điều tra qua điện thoại, tập trung vào cải cách chính trị, tiến hành với những người trưởng thành ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Trường Sa, Tây An và Thẩm Dương từ ngày 28 - 31/10.

Tổng cộng có 78,4% trong tổng số 1.327 người được hỏi ủng hộ cải cách chính trị, chỉ có 5% có quan điểm ngược lại. 16,7% không đưa ra ý kiến rõ ràng.

Về mục tiêu cải cách chính trị - ở cả hai câu hỏi đưa ra là tạo ra một hệ thống chính trị dân chủ mang đặc trưng Trung Quốc và thăm dò phát triển - số người ủng hộ là hơn 50%. Chỉ 15,5% người được hỏi cảm thấy hệ thống chính trị dân chủ theo kiểu phương Tây nên được áp dụng.

Hai vấn đề là giảm chênh lệch giàu nghèo và xóa bỏ nạn tham nhũng cần có một giải pháp thực tiễn cấp bách có số người ủng hộ là 79,2% và 73,9%. Bốn vấn đề khác được đề cập trong cuộc thăm dò gồm đảm bảo các quyền dân chủ, tính minh bạch những công việc của Đảng, củng cố luật pháp và mở rộng nền tảng dân chủ - được người dân ủng hộ cao với tỉ lệ trên 60%.

Trước đó, trong ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 18/10, gần 300 thành viên tham dự đã cam kết nước này sẽ thực hiện quá trình cải tổ chính trị một cách “tích cực và tiến bộ”.

Vấn đề cải cách chính trị tại Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Các nhà lãnh đạo CPC đã tái khẳng định vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc có những kêu gọi cải tổ chính trị cấp cao và khá “khác thường”.

Thậm chí, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong buổi trả lời phỏng vấn của CNN cũng đã cho rằng “dân chủ và tự do sẽ trở nên không thể cưỡng lại được”. Ông nói: "Mong mỏi của mọi người, sự cần thiết cho mọi người, dân chủ và tự do là không thể cưỡng lại được". Trong buổi phỏng vấn này, ông cũng nhấn mạnh, Đảng "cần hành động theo hiến pháp và luật pháp" và cam kết: "Dù có một số cản trở, tôi sẽ hành động theo những lý tưởng ấy, kiên định và tiến bộ, trong phạm vi khả năng của mình, tái cơ cấu chính trị".

Trong tháng 8, ông Ôn Gia Bảo đã sử dụng phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế để kêu gọi những thay đổi chính trị. Ông nói, chính quyền cần tạo điều kiện để người dân được tham gia phê bình và giám sát chính phủ, giải quyết tình trạng "tập trung quá mức quyền lực không bị kiểm soát". Và kể từ đó tới nay, ông nhiều lần trở lại chủ đề này.

Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York hồi đầu tháng, ông Ôn Gia Bảo nói rằng: "Trong khi tăng cường tái cơ cấu kinh tế, chúng tôi sẽ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu chính trị".

Ngày 28/8, tại cuộc họp với cơ quan luật pháp Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo khẳng định: "Không cải tổ hệ thống chính trị, mọi cải tổ trong hệ thống kinh tế, và các lĩnh vực khác, thậm chí cả công cuộc hiện đại hóa sẽ không thành công".

  • Thái An (Theo Thời báo Hoàn cầu, CNN, Reuters)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác