Nga:

Luật thủ đô hay cẩm nang xử thế cho người nhập cư?

Cập nhật lúc 10:40, 17/06/2010 (GMT+7)

- Thuộc hàng siêu đô thị của châu Âu, Matxcơva của Liên bang Nga là thành phố hiện đại hơn 10 triệu dân, đông đúc và đa dạng. Đây là nơi hội tụ nhiều phong cách văn hóa với đội ngũ những đại diện của các dân tộc khác nhau đổ về, không ít di dân xa gần tìm đến Matxcơva trụ lại ở đô thị này làm ăn sinh sống và “xanh cây bén rễ” ở chốn thủ đô Nga.

Tin nổi bật:
/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif
 



Người nhập cư ở thủ đô nước Nga.
Người nhập cư ở thủ đô nước Nga.
Đối tượng của sáng kiến

Giữa thời khủng hoảng, bình diện thị trường lao động nhập cư ở Matxcơva có điểm dường như nghịch lý: do thất nghiệp tăng, Nhà nước Nga hạn chế cấp phép cho lao động nhập cư để dành ưu tiên chỗ làm cho người Nga, tuy nhiên lượng di dân đổ vào thủ đô Nga vẫn không hề giảm.

Công nhân bốc vác, thợ xây dựng, nhân viên vệ sinh, lái xe…Đó là những đầu việc có nhu cầu nhiều hơn cả, nhưng lực lượng thực thi thường trông vào lao động nhập cư. Dân thủ đô không ưa những công việc nặng nhọc mà lương lại thấp. Còn “người từ nơi xa đến” thì đồng ý với bất kỳ điều kiện nào, miễn là có việc làm và tiền công.

Về căn bản, đến Nga kiếm việc là những công dân “nước ngoài gần Nga” như người Ukraine, Moldavi, Tadzhik, Belarus, Uzbek… Còn di dân lao động từ những “nước ngoài xa Nga” thì không đông lắm, chiếm khoảng 15-20% tổng số. Đông nhất là người Tadzhik – theo thống kê chính thức, có tới nửa triệu di dân lao động đến Nga từ nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ này.

Giả như không xảy ra khủng hoảng thì trên tiến trình chung toàn cầu hóa với hội nhập liên kết, vẫn đan xen những điểm tích cực và tiêu cực, một trong những vấn đề nổi cộm trong đời sống văn hóa thủ đô Nga đã là hành vi ứng xử của các cộng đồng người đa sắc tộc ở đây. Bởi tính chất đa dạng và pha trộn của cấu tạo dân cư, làm thế nào để xây dựng một phong cách sống chung xứng danh thủ đô Liên bang, dựa trên cơ sở nét riêng vốn có của mảnh đất gần ngàn năm tuổi này và chắt lọc kết hợp thâu nhận những tinh hoa văn hóa sống bốn phương?  

Bằng cách tranh thủ sự tham góp từ các cộng đồng dân cư đang hiện diện tại đây, chính quyền thủ đô Nga dự định lập ra hệ thống luật lệ mới của người Matxcơva, một tập hợp các qui tắc về hành vi trong đời sống xã hội ở siêu đô thị. Nhưng như giải thích của một trong những tác giả của sáng kiến này, ông Mikhail Solomentsev, Chủ tịch Ủy ban liên lạc liên khu vực và chính sách quốc gia của Matxcơva, đây là luật lệ trước hết giành để những người từ nơi khác đến và có nguyện vọng ở lại thủ đô Nga cần tuân theo.

Như vậy phải chăng là cần có qui định thành văn, bởi những “người từ nơi khác đến” nói chung sống “tự tung tự tác” không tuân theo những nề nếp bất thành văn nhưng cần thiết ở thủ đô?

Quan chức Matxcơva ghi nhận: “Có tình trạng như vậy thật. Điều đó gây phản cảm và bất bình cho dân thành phố và cho những người sống theo nề nếp tại đây từ lâu. Cần hiểu rằng, ở Matxcơva đã có căn bản bền chắc với đặc thù lịch sử về văn hóa và xã hội. Cần biết tôn trọng nền tảng văn hóa-xã hội đó. Và hiển nhiên, khi đến nhà ai làm khách với đôi giầy lấm bụi đường, thì như thông lệ, quí vị cần cởi giầy để xỏ chân vào đôi dép sạch đi trong nhà! Vì thế chúng tôi đề xuất đi dép sạch và xử sự tương hợp với chuẩn mực hiện hành trong cộng đồng văn minh của thành phố Matxcơva”.

Luật hay cẩm nang

Những qui tắc mới sẽ đưa ra dưới dạng cuốn sách mỏng. Để biên soạn cuốn sách này, tất nhiên cần thảo luận chi tiết với các hội đồng hương – đại diện cho “những người từ nơi khác đến”, và với dân gốc của thành phố, lại cần tham khảo quan điểm của các nhà nghiên cứu chuyên ngành như văn hóa học, dân tộc học…để có tập tài liệu nghiêm túc đem phát hành.

Về định hướng ngôn ngữ, tài liệu phổ biến luật xử thế của Matxcơva thoạt đầu sẽ viết bằng tiếng Nga. Tiếp sau tiến tới in ấn loạt sách mỏng bằng ngôn ngữ của các dân tộc khác, có cộng đồng đông đảo ở Matxcơva.

Thực tế cho thấy bước đầu đề án mới của chính quyền thủ đô Nga được sự hưởng ứng từ phía các tổ chức đại diện người nhập cư, các hội đồng hương dân tộc. Ông Solomentsev cho hay, thông qua tranh luận, bàn bạc, đa số hội đồng hương đều có nguyện vọng mong đồng bào mình có phong cách xử thế đúng đắn, thích hợp và hội nhập được vào đời sống thủ đô Nga. Thậm chí đã có thực tế không hiếm là ai đó phải lấy làm xấu hổ về hành vi của người đồng hương. Vì thế nói chung lãnh đạo các cộng đồng dân tộc đều tán thành với ý tưởng hoạch định Luật xử thế của thủ đô Nga.

Như vậy, tài liệu tương lai qui định hành vi xử thế của các thành viên mới trong cộng đồng dân cư thủ đô có tính chất như một dạng luật lệ xã hội.  Trong quá trình áp dụng qui tắc, với  trường hợp vi phạm thì có chế tài xử phạt nào chăng? Ông Mikhail Solomentsev giải thích: Nói chính xác thì thật ra đây không phải là luật, như cách hiểu thông thường về luật pháp. Cụ thể, đây không phải là Luật hình sự, hay Luật dân sự, mà chỉ là những đề xuất của chính quyển thành phố về phong cách xử thế trong cộng đồng. Đáng tiếc rằng đây không phải là những văn kiện thuộc dạng bắt buộc.

Những khuyến nghị nên theo này nhằm giúp người từ nơi khác đến hòa nhập nhanh chóng hơn vào cộng đồng chung của thủ đô. Có hai mặt của vấn đề. Không thể xâm phạm nhân quyền, hoặc độc đoán bắt làm cái này cái khác theo lệnh chính quyền, nhưng mặt khác, người nhập cư cũng cần hiểu rằng trong hành trang lối sống của họ có những thứ cụ thể nào đó không được chấp nhận ở đây – nếu cứ giữ nguyên xi phong cách hành xử như “ở làng ta” thì sẽ bị đánh giá tiêu cực cả từ phía hội đồng hương cũng như từ phía cộng đồng dân cư của thành phố, vì thế, cần chú ý “nhập gia tùy tục” để không làm ô danh dân tộc mình, đất nước mình. Nôm na là khi quí vị định ở lại Matxcơva thì xin hãy tuân theo những tiêu chí Matxcơva, theo qui tắc sống của Matxcơva…

Việc phát tán sách phổ biến “các khuyến nghị cần thực thi” dự tính không theo con đường hành chính-tổ chức. Các tác giả nghĩ đến phân phát sách trên hệ thống đường xe điện ngầm Matxcơva; đến các cơ sở thuộc ngành xây dựng, nơi có nhiều người từ nơi khác đến lao động; rồi các khối phố và khu nhà dân; và cũng không quên các nhà ga là đầu mối cửa ngõ thành phố.

Cần hay không cần

Báo "Trud" (Lao động) đã làm một cuộc điều tra chớp nhoáng, và để trả lời câu hỏi "Có cần đưa ra luật lệ-qui tắc dạy người nhập cư cách xử sự ở Matxcơva  hay không?" thì ý kiến bạn đọc như sau:

1- Không cần. Chính dân thủ đô cũng không biết xử sự ra sao cho đúng - 29%.

2- Không cần. Con người sống tự do và có thể xử sự như họ muốn - 9%.

3- Cần. Dân nhập cư cần biết cách sống phù hợp với thủ đô Nga - 41%.

4- Cần. Để di dân khỏi làm người ta bị sốc vì những cung cách truyền thống kỳ dị - 21%.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên chăng gọi "tác phẩm mới" của chính quyền thủ đô Nga là "Cẩm nang ứng xử" - nghe nhẹ nhàng vui vẻ dễ chấp nhận hơn?

Thế nhưng chỉ nhìn vào số 29% và 21% những người nêu ý kiến cần và không cần ở trên, có thể thấy tảng băng ngầm là sự thiếu hòa đồng giữa những thành phần dân cư thành phố. Đồng thời, ý kiến của một tác giả đề án như ông Mikhail Solomentsev - "lấy làm tiếc" vì chưa nâng tầm tài liệu mà ông tham gia soạn lên đến cấp "đạo luật" – cũng thể hiện rằng ý đồ của các quan chức thủ đô Nga mạnh hơn là cung cấp một "Cẩm nang" như tài liệu tham khảo.

Có lẽ chẳng ngẫu nhiên mà các báo Nga viết về tin này thường dùng từ "dạy" và "học". Với phương pháp dân chủ lấy ý kiến cộng đồng trong quá trình hoạch định, linh hoạt khi phổ biến đưa chủ trương tới cộng đồng, dự án chính sách mới tỏ rõ vị thế chủ nhân đa số đúng là chính quyền và khối cư dân gốc nền tảng, trước khách thể thiểu số chưa chuẩn mực cần học hỏi là những người nhập cư.

  • Đan Thi  (từ Matxcơva)

 

Các tin khác