Với Obama, rủi ro và cơ hội ở phía trước

Cập nhật lúc 12:04, 03/11/2010 (GMT+7)

Đối mặt sự đối đầu và gần như sắp chiếm đa số của phe Cộng hòa trong quốc hội, Tổng thống Mỹ Obama sẽ bắt đầu một chương mới trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ kết thúc.

Theo giới phân tích, cả những nguy cơ sự rủi ro cũng như cơ hội đang chờ đợi ông phía trước, khi Obama phải vật lộn để đưa ra các chính sách và chuẩn bị việc tái cử trong hai năm tới.

a
Tổng thống Mỹ Obama đã có nhiều chuyến đi tới các bang vận động bầu cử Ảnh AP
Kết quả bầu cử giữa kỳ dường như sẽ khiến Obama lâm vào bế tắc và ràng buộc. Nỗ lực để ban hành các đạo luật mà ông hy vọng nhanh chóng được thông qa, như mở rộng luật chăm sóc sức khỏe hay gia tăng phúc lợi giáo dục thông qua kế hoạch hỗ trợ cộng đồng trường học – sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Những đề xuất ấy hoặc sẽ phải soạn thảo lại, hoặc sẽ bị bác bỏ.

Trong khi đó, những mục tiêu mà phe Cộng hòa đặt ra như mở rộng việc cắt giảm thuế cho người dân ở tất cả các mức thu nhập thời Bush – sẽ trở nên cứng rắn hơn. Việc cắt giảm thuế dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, và tổng thống ủng hộ việc chỉ áp dụng cắt giảm cho những đối tượng có thu nhập dưới 250.000 USD/năm.

Phe Cộng hòa giờ đây dường như có thể đủ lá phiếu để tách khỏi Dân chủ trong việc thông qua phiên bản của họ về kế hoạch cắt giảm thuế. Nó sẽ khiến ông Obama hoặc phải ký một dự luật mà ông phản đối từ ban đầu hoặc bác bỏ dự luật chứa đựng những gì ông mong muốn là cắt giảm thuế cho người dân – điều khiến ông giành được tỉ lệ tín nhiệm khá cao.

Với hàng loạt vấn đề khác, ông Obama cũng sẽ ở vào thời điểm khó khăn hơn bởi sự tham gia nhiều hơn của phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ.

Trên thực tế, Thượng viện cũng đã đủ “đau đầu” với Obama vì có một số dự luật được thông qua tại Hạ viện, lại vẫn mắc kẹt ở Thượng viện (ví dụ như các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải nhà kính). Với nhiều nghị sĩ trong Thượng viện là thành viên Cộng hòa, các biện pháp đưa ra sẽ gặp số phận tương tự ở đây bởi những trở ngại về thủ tục, vì theo quy định thường phải cáo 60 lá phiếu thông qua một dự luật thay vì chỉ là 51 phiếu.

Nói một cách khác, thắng thế của phe Cộng hòa sẽ là một “tổn thương chính trị” với Tổng thống Mỹ khi ông đứng trước cơ hội có thể “hồi sinh” như những gì Bill Clinton làm năm 1995. Khi ấy, Bill đã trở lại sau một cuộc bầu cử giữa kỳ đầy thất bại và giành được những lợi thế để tái đắc cử năm 1996.

Ronald Reagan cũng đã trở lại mạnh mẽ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1982 khiến đảng của ông mất 26 ghế trong hạ viện do bối cảnh kinh tế giống như những gì giờ đây Obama đối mặt. Hai năm sau, Reagan tái đắc cử với chiến thắng vang dội ở 49 bang. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1986, ông đã chứng kiến phe Cộng hòa mất quyền kiểm soát ở Thượng viện sau khi tám ghế thuộc về Dân chủ. Tuy vậy, ông vẫn giành được tỉ lệ tín nhiệm cao khi rời nhiệm sở năm 1989.

Và Obama liệu có thể giành được những lợi thế chính trị như Bill Clinton hay Reagan và đảng Cộng hòa có đi quá xa sứ mệnh của họ?. Hôm nay, Tổng thống Mỹ sẽ có cơ hội tự xem xét lợi thế của mình khi ông có cuộc họp báo về kết quả bầu cử tại phòng Đông. Nếu giống Clinton, ông sẽ phát đi tín hiệu sẵn sàng làm việc với giới lãnh đạo mới của phe Cộng hòa và để dành “ngôn từ tranh cãi” vào một ngày khác.

Mặc dù có sự trở lại ngoạn mục của Clinton, nhưng viễn cảnh không hoàn toàn tốt với Obama. Thất bại ở những cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 1966, 1978, 1990, và 2006 đã “báo trước” cho sự thất thế của ứng viên đại diện cho đảng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Những gì chắc chắn với Obama, là giờ đây cần phải lo tới sự tồn tại.

Theo tin mới nhất về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ, sáng sớm nay phe Cộng hòa đã hồi sinh, giành được quyền kiểm soát Hạ viện. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner cho biết, kết quả này là: “sự khước từ Washington, khước từ chính phủ và khước từ những chính khách đã từ chối lắng nghe dân”.

Tuy nhiên, thành viên Cộng hòa đã không thành công trong việc giành quyền kiểm soát Thượng viện, mặc dù họ thu thêm được ít nhất năm ghế. Cộng hòa cũng lấy lại được ít nhất 8 ghế thống đốc từ tay phe Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Obama đã gọi điện chúc mừng Boehner.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)

Tin liên quan

Các tin khác