Lập Ủy ban điều tra Vinashin: Xem kỹ quy định pháp luật

Cập nhật lúc 20:31, 02/11/2010 (GMT+7)

- Tổng kết hai ngày thảo luận được truyền hình trực tiếp về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói: Các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lập hay không lập Ủy ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin. Phải xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình, do đó UBTVQH sẽ báo cáo lại chuyện này vào buổi họp khác.

>> Lập UB điều tra Vinashin: Có thể mời chuyên gia độc lập
>> Quyết liệt truy trách nhiệm vụ Vinashin

Theo ông Kiên, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra. Cơ quan an ninh đang thụ lý vụ án này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang làm theo chức năng của mình.

Mô tả ảnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Xác định rõ đóng góp cũng như khuyết điểm nào là của tập thể và cá nhân

Do đó, việc lập Ủy ban cũng còn phải căn cứ vào quy định pháp luật.

Ông Kiên cũng nói thêm, "nhìn lại thực tế thời gian qua, vấn đề cốt lõi quyết định là trách nhiệm phải cao, tâm phải sáng của người được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao nhiệm vụ. Các ĐBQH và dân yêu cầu việc cống hiến, đóng góp cũng như khuyết điểm, sai lầm cần được xác định rõ đâu là của tập thể và đâu là của cá nhân, không nên nói do cơ chế pháp luật, tập thể một cách chung chung".

Chủ đề Vinashin vẫn tiếp tục được bàn thảo sôi nổi trong buổi thảo luận cuối cùng chiều nay dù trước đó, lần lượt các Bộ trưởng Tài chính, Giao thông - Vận tải đều đã giải trình.

"Ù ù cạc cạc"

Theo Thiếu tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, "sai phạm ở Vinashin có thể nói rất nghiêm trọng và là một bài học rất đắt giá trong quá trình chúng ta tìm tòi và thử nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế".

Tuy nhiên, theo ông Thiều, hiện thông tin về Tập đoàn này vẫn đang mù mờ, khiến không chỉ nhân dân mà ngay cả ĐBQH cũng "ù ù cạc cạc".

Mô tả ảnh.
ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng): Vinashin không u ám

Ông Thiều khẳng định, Vinashin vẫn đang trong tầm kiểm soát. Theo ông, tháng 11 này, Vinashin tiếp tục xuất xưởng những con tàu 53 ngàn tấn.

"Nhiều ĐBQH chưa hình dung hết Vinashin như thế nào. Nhưng thực sự hiện nay nhiều con tàu vẫn đang được xuất xưởng, đóng mới. Còn đám sai phạm thì ta xử lý hết sức nghiêm túc, chứ không phải Vinashin u ám và thất vọng như một số đại biểu phát biểu", ĐB Thiều lên tiếng.

Cơ quan điều tra đã làm việc nghiêm túc, tất cả những đối tượng sai phạm, những con người sai phạm ở đây đều được xử lý một cách nghiêm minh. Bộ Chính trị cũng giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục kết hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành liên quan. "Chỉ đạo như thế rất chặt chẽ, đúng mực và đang thực hiện hết sức nghiêm túc", ông Thiều nói.

Ông cũng kiến nghị các phương tiện truyền thông phải hết sức công tâm để tránh tạo dư luận sai lệch và tâm lý bi quan trong xã hội.

"Những điểm tốt thì nói rất ít, mở báo ra là đâm chém, là bắt bớ mới là ăn khách. Tình trạng hiện nay, xu hướng là như thế. Ngay trong Quốc hội này phát biểu cứ phải băm vằm thì mới là ăn khách. Liệu có nên như thế không?", ông Thiều đặt câu hỏi.

Ông cũng đề xuất, lãnh đạo Vinashin nên có một buổi báo cáo trước Quốc hội về Vinashin, được truyền hình trực tiếp.

Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng Võ Trọng Việt cũng cho rằng "không nên làm rối tình hình, dễ khiến kẻ xấu lợi dụng" bởi lẽ nếu không có những trụ cột là các tập đoàn, tổng công ty thì lấy đâu tiền của xây dựng đất nước.

"Tập đoàn Dầu khí thu ngân sách 30%. Vinashin sai phạm là bài học đắt giá trong quản lý, điều hành nhưng cơ quan công an đang làm và chúng ta tin rằng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Chính phủ, quy trách nhiệm phải có căn cứ cơ sở pháp lý, sau này báo cáo kết quả lại Quốc hội và nhân dân", ông Việt nói.

"Mắc mớ, sai sót do thí điểm"

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, cách đây 2 năm, khi Bộ đi kiểm tra việc giãn, hoãn dự án không đúng tiến độ đã vấp phải tình trạng kiểm tra ở địa phương thì suôn sẻ, mà làm việc với các tập đoàn nhà nước lại hết sức khó khăn cũng vì "vướng luật".

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Để đầu tư, Nhà nước cần hệ thống pháp luật mới

Theo ông Phúc, trước 2003 là thời kỳ bao cấp khá nặng, do đó khi triển khai Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 đã mở quyền chủ động kinh doanh cho các tập đoàn.

Trong khi đó, quy định vấn đề giám sát đầu tư thì không giám sát gì cả, chỉ giám sát về vốn, về nghiệp vụ chuyên môn chứ không nói về giám sát đầu tư.

Ông Phúc nhẩm tính, nếu Vinashin vốn có 113 nghìn tỷ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến 57 ngàn tỷ đồng.

Con số này cao hơn rất nhiều số tiền một dự án đặc biệt phải trình xin QH.

Phát hiện kẽ hở này, nhiều ý kiến đã bàn cách phải sửa luật từ 2008. Nhưng ông Phúc cho hay, Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực đến 1/7/2010.

Vậy là không tính đến việc sửa vì không còn đủ thời gian. Bù lại, Chính phủ ban hành một loạt nghị định, quyết định để hạn chế quyền tổng giám đốc.

Một số nghị định cũng ghi rõ quyền của Bộ Tài chính rất rõ nhưng quyền của giám sát đầu tư thì không một dòng.

Vì lẽ đó, cơ quan giám sát đầu tư chỉ "bị" Ủy ban Kiểm tra Trung ương phê bình một câu là "các anh phát hiện ra vấn đề nhưng các anh không theo dõi đến cùng để mà có kiên trì bảo vệ quan điểm của mình, họ phê bình chúng tôi như vậy và chúng tôi xin nhận".

Bộ trưởng Phúc cho rằng đó là những "mắc mớ, sai sót" trong thời kỳ thí điểm. Để đầu tư, Nhà nước cần có một cơ chế mới, hệ thống pháp luật mới.

Theo ông Phúc, đang có một quan niệm sai lầm là muốn để cho DNNN hoạt động như tư nhân. Nhưng "DNNN mất vốn thì Nhà nước mất vốn, nhân dân mất vốn nên không thể để hoạt động như DN tư mà phải quản lý chặt chẽ bằng cơ chế xác lập vai trò chủ sở hữu, siết kỷ cương trong đầu tư".

Như vậy, sau khi nhiều ĐBQH xới chuyện Vinashin trong hai ngày thảo luận, thì đã có 3 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ lần lượt giải trình trách nhiệm.

Việc có hay không lập Ủy ban lâm thời, phải đợi cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH.

  • Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác