221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1101534
Bài 6: Vượt qua gian khó, con phải được đến trường!
1
Article
null
Gập ghềnh đường đến trường:
Bài 6: Vượt qua gian khó, con phải được đến trường!
,
 - Đường đến trường xa vì ngăn sông, cách đò, vì nhà nghèo không đủ tiền đóng học phí, mua sách vở..., nhưng vẫn có không ít phụ huynh hàng ngày vật lộn với cuộc sống, bằng mọi giá để cho con em mình được đi học. Câu chuyện về những đứa trẻ đêm đêm lầm lũi xách lồng đèn vượt đường đến trường cũng là một minh chứng cho thấy, nghị lực và niềm say mê với con chữ sẽ kéo chặng đường đến trường của các em nhỏ nhà nghèo gần hơn, dù rằng không ít gập ghềnh.
 
Bà lượm ve chai cho cháu đi học
 
Trước mùa khai trường năm học mới, về lại Cần Giờ, địa phương luôn đứng "đầu bảng" về tỷ lệ học sinh bỏ học tại TP.HCM.

Bà Dương Thị Tốt mừng rỡ xem lại giấy xin miễn giảm học phí cho cháu mà bà mới xin được. Ảnh: Kim Toàn

Trở về nhà sau một ngày đi bộ mấy lượt lên UBND thị trấn Cần Thạnh rồi các trường: Tiểu học Cần Thạnh, THCS Cần Thạnh, bà Dương Thị Tốt mừng rỡ cho biết đã xin được giấy miễn học phí và tiền cơ sở vật chất cho 2 trong 4 đứa cháu mà bà đang phải nuôi ăn học. Như vậy là nỗi lo các cháu không được đến trường đã giảm còn một nửa.

Thở dài sau một ngày mệt nhọc, bà cụ ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" này cho biết, con gái của bà vắn số, để lại một đứa con trai. Không đành lòng để cháu bơ vơ, bà mang về nuôi từ tấm bé. Thế rồi, cách đây một năm, người con dâu của bà không chịu nổi cảnh cơ cực, cũng dứt áo ra đi khi người chồng mải lênh đênh trong những chuyến làm thuê trên biển, để lại cho bà ba đứa cháu nội nheo nhóc, đang cần ăn, cần học.

Ở cái "xóm Di Dời" nghèo kiết xác này, không ai có lấy một mảnh đất để trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả mọi người đều sống dựa vào con nghêu, con ốc của biển hoặc đan lưới, cào nghêu thuê. Song, việc làm cũng trầy trật theo thời tiết. Thế nên, những lúc thất mùa như năm nay, đến người khỏe mạnh còn thất nghiệp dài huống chi một bà lão đã bảy mươi.

Để các cháu có thể tiếp tục đi học, bà đã không từ một việc gì, kể cả nhặt ve chai hoặc giặt đồ mướn, kiếm vài chục ngàn để xoay xở từng ngày. Những ngày dài không có việc làm, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, bà phải vay mượn hàng xóm, thậm chí nhịn đói để các cháu có cái ăn mà đến trường cho vững bụng.

Không có gì để lại cho các cháu, nên bà cụ quyết tâm cho sắp nhỏ đến trường học lấy cái chữ đến khi nào bà còn có thể. Thế nên, dù khó nhọc đến đâu, những bước chân không còn khỏe mạnh của bà vẫn bôn ba ngược xuôi để tìm cách xoay xở cho các cháu có được cái chữ phòng thân.

Khá hơn bà Tốt một chút, còn trẻ và đủ chồng đủ vợ, song gia đình chị Nguyễn Thị Bạch Dung cũng khá vất vả lo cái ăn cái học cho hai cậu con trai, một đang học lớp 5, một đang học lớp 6 tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cần Thạnh.

Chị cho biết, do điều kiện sống của bà con ở "xóm Di Dời" khá khó khăn nên địa phương và nhà trường cũng tạo điều kiện để trẻ em được đến trường bằng cách cho học sinh đóng các khoản phí theo kiểu trả góp, cứ mỗi ngày đóng 1.000đ. Song, với người nghèo thì một đồng cũng là khó. Thế nên, lắm lúc chị phải vay mượn lãi suất cao để lo chi phí học hành cho các con.

Giấy miễn, giảm học phí, tấm "bùa hộ mệnh"của nhiều trẻ em nghèo. Ảnh: Kim Toàn

Chị Dung cho biết thêm, vào năm học mới này, chị chỉ có thể mua đủ sách cho cậu bé học lớp 6 là Võ Minh Thành, còn cậu em trai đang học lớp 5 Võ Minh Tài thì chị chỉ mới mua được 5 cuốn tập. Tất cả số sách và vở ấy, chị phải dành dụm tiền, mua dần từng quyển một trong nhiều ngày, suốt cả mùa hè mới có được. Còn đồng phục, mỗi bộ đến 80.000 đồng, đồng phục thể dục 45.000đ/bộ là quá đắt đỏ so với khả năng của gia đình nên mãi mà chị vẫn chưa mua được.

"Nhiều lúc thấy con về khóc, nói rằng cô giáo bảo phải mặc đồng phục, vì quy định của nhà trường là như vậy, các bạn đều có đồng phục cả, trừ nó, tôi thấy thương con quá nhưng không biết phải làm sao đành nuốt nước mắt vào trong", chị Dung nghẹn ngào.

Cháy bỏng khát vọng đổi đời

Đến “xóm Di Dời” của thị trấn Cần Thạnh, không khó để nhận thấy cuộc sống quá khó khăn, gần như đến mức tạm bợ của nhiều gia đình tại đây.

Bốn bà cháu trong căn nhà rách nát nhưng bà vẫn không nguôi quyết tâm nuôi cháu ăn học thành tài. Ảnh: Kim Toàn

Làm thuê làm mướn quanh năm, đến cái ăn còn đắp đổi, chiếc xe đạp có khi còn không mua nổi, thành ra, đến cái mong ước con cái học hành thành đạt cũng trở nên thui chột. Thực tế cho thấy, nhiều thanh thiếu niên trong xóm đã phải bỏ học dang dở lần lượt ở những năm cấp 2, 3. Song, dẫu vậy, cái mong muốn để lại cái chữ “phòng thân” cho con vẫn luôn là nỗi khát khao của không ít gia đình.

Vất vả là vậy nhưng nói đến việc học của các cháu, bà cụ Tốt vẫn một mực khẳng định, phải cho chúng học đến khi nào bà có thể. "Bốn đứa chúng nó, đứa mồ côi, đứa bơ vơ như gà lạc mẹ, mà tôi thân già không lo mãi được. Thôi thì lo được ngày nào hay ngày ấy, để mai này nó có cái chữ với người ta, kiếm sống cũng dễ hơn".

Nghĩ vậy, nên ngày ngày, trong căn nhà thuê tạm bợ, tuềnh toàng, năm bà cháu vẫn động viên nhau cố gắng học hành. Bản thân bà cũng không ngại khó khăn, ai thuê gì làm nấy, cốt có tiền để các cháu được tiếp tục đến trường.

Riêng với chị Dung, tuy hoàn cảnh khó khăn, song, các con chị đều chăm học. Cậu con trai lớn 5 năm liền luôn là học sinh giỏi, cậu út cũng là học sinh tiên tiến. Với chị, đó là niềm an ủi lớn để chị có thể tiếp tục đương đầu với bao khó nhọc trong cuộc sống.

Nhiều lúc cuộc sống khó khăn quá, tưởng như không lối thoát nhưng nghĩ tới phận mình xưa cũng vì nghèo mà học hành dang dở, cuộc đời chẳng ra sao nên chị Dung luôn động viên các con phải cố mà học. Bởi lẽ, học vấn chính là lối thoát duy nhất để gia đình chị thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Tôi bảo các con, nhà mình nghèo nên các con phải cố học. Các con học được, thì dù có phải bán nhà, cha mẹ cũng bán cho các con ăn học” , chị Dung nói.

Sống trong điều kiện thiếu thốn, những đứa trẻ vẫn vươn lên để gặt hái được những "hoa điểm 10". Ảnh: Kim Toàn

Chị Dung cho biết, không chỉ ở "xóm Di Dời" của chị, mà ở nhiều địa phương khác tại Cần Giờ, bọn trẻ bỏ học từ rất sớm, phần lớn là do cuộc sống quá khó khăn. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, cho con đi học thì phải tốn tiền, còn để nó ở nhà phụ cào nghêu, bắt ốc thì tệ lắm cũng kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày.

Song, riêng chị lại thấy con mình còn quá nhỏ, nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, thì cả cuộc đời con cái chị về sau lại sẽ tiếp tục chìm trong u tối. Cái nghèo truyền kiếp sẽ đeo đẳng mãi không thôi. Vả lại, làm một người mẹ, chị cũng ngại cho con ra đời sớm, sớm biết kiếm tiền thì cũng sớm biết tiêu tiền nên rất dễ hư hỏng.

Cùng suy nghĩ như chị Dung, anh Văn Tứ Hải, một người vô gia cư phải sống trên vỉa hè đường Đồng Nai, TP. HCM cho biết: 16 năm nay, gia đình anh sống lang thang trên vỉa hè, nhưng tất cả các con anh đều được đến trường và học hành đàng hoàng. Kiếm được bao nhiêu tiền, hai vợ chồng đều để dành để lo học hành cho các con.

Anh Hải tâm sự, sở dĩ gia đình anh không có tiền thuê nhà để ở vì tất cả tiền bạc đều tập trung cho các con ăn học.

Tôi luôn tâm niệm là con mình sau này phải sướng hơn cha mẹ chúng, phải được ngồi trong phòng lạnh, nắng không tới, mưa không vào chứ không phải lang thang kiếm sống như cha mẹ nó” , anh tâm sự.

Không nhà cửa, không tài sản gì đáng giá để lại cho con, vợ chồng anh Hải đang cố gắng để lại cái chữ với ước mong về một sự đổi đời cho lớp trẻ. Với họ, không có gì quý giá hơn tri thức mà cả gia đình họ đang cố công cóp nhặt mỗi ngày trên mỗi bước đường mưu sinh gian khó, để những ước mơ ngày càng gần lại trong tầm với của những đôi tay khắc khổ, nhọc nhằn.

Lồng đèn đi học

Chỉ cách con lộ bê tông cập Sông Trẹm (huyện Thới Bình, Cà Mau) non 3km, nhưng xóm dân cư đội 13 (thuộc ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) bị biệt lập như một ốc đảo. Nhiều năm qua, cũng như hiện nay, hàng trăm học sinh nơi đây đã phải vật lộn với con đường làng lầy lội trong mùa mưa khi đến lớp. Việc đi học nơi đây như một cuộc chiến.
 
Cảnh ngăn sông cách phà của học sinh huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: Chí Hạo

Xóm dân cư đội 13 xuất hiện cách đây trên 30 năm, kể từ sau khi giải phóng miền Nam. Xóm có 98 hộ dân nhưng đến nay thì chỉ có một học trò đi được đến gần cuối con đường. Đó là học trò Dương Đình Huấn, con trai ông Dương Thanh Bình.
 
Dọc theo các cánh rừng, vùng ven biển Cà Mau, còn tìm thấy nhiều xóm dân cư khác tương tự như xóm dân cư Đội 13. Như Xóm Rạch Miễu, xóm Mỹ Bình củ thuộc xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau); Xóm Đảo ngan Sông Năm Căn, thuộc huyện Ngọc Hiển (Cà Mau); Xóm dân cư 01/05 ở Trần Văn Thời; Xóm Cồn Cát, huyện Năm Căn… Đó là nhưng xóm dân cư thương xảy ra chuyện tìm con giữa rừng đêm.
Người dân đến bây giờ vẫn xem Dương Đình Huấn là một kỳ tích của xóm. “Sống ở đây trên 30 năm, tôi chứng kiến biết bao nhiêu học trò phải bỏ dở việc học vì đường xa cách trở, vì nghèo khó. Ngay cả 10 đứa con tôi cũng chưa đứa nào vượt qua được lớp 10 nên chuyện học hành của Dương Đình Huấn được xem là kỷ lục”, ông Sáu Tiến nói.

Hình ảnh của Huấn, cả xóm đều nhớ rõ. Cứ 4, 5 giờ sáng, Huấn cầm lồng đèn cùng với mấy đứa bạn trong xóm đi học, bất kể nắng mưa. Nhưng rồi thì những đứa bạn cùng trang lứa với Huấn lần lượt đầu hàng với cảnh đi học gian nan bởi đường làng lầy lội, chỉ còn lại mình Huấn khi cậu lên lớp 6. Còn lại một mình, đêm đêm, Huấn lầm lũi xách lồng đèn vượt đường thôn đến trường. Và nay thì Huấn đã vào đại học năm thứ 3 – một sự thành công đáng khâm phục đối với người dân xóm dân cư đội 13.
 
Cha Huấn, ông Dương Thanh Bình kể: “Huấn vốn sợ ma. Hồi học cấp một đi chung với nhiều đứa bạn, lồng đèn sáng choang nên cũng đỡ cho nó. Nhưng khi lớn lên qua học cấp 2, chỉ còn một mình nó thì thôi đứt ruột. Cứ 4 giờ sáng, mẹ nó nấu cho nó gói mì, ăn xong là xách đèn lội đến lớp. Một mình với chiếc đèn leo lét nhiều khi tôi lén nhìn con đi học mà trào nước mắt”. 
 
Học sinh ở vùng sâu ĐBSCL thường phải đi học như thế này. 
Ảnh: Quang Đông

Năm học mới này, chuyện học ở xóm dân cư đội 13 vẫn không khác với 7 năm về trước. Trẻ con vẫn phải lội đường lầy những lúc trời mưa và đêm đêm những ánh đèn của học trò vẫn lầm lũi đi đến trường dưới những tàn cây rậm rạp của đất rừng U Minh.
 
Chị Nguyễn Hồng Tươi cho biết: “Tôi đã từng đi tìm con giữa rừng đêm. Nói chung ở xứ này, ai có con học từ lớp 5 trở lên đều phải vài lần đốt đuốc tìm con. Năm ngoái, thằng Xin con tôi học lớp 6, tôi phải hai lần đi tìm nó lúc gần 8 giờ tối”.
 
Khi được hỏi bà con ở đây sao không thuê đò đưa rước học trò? Chị Tươi đáp ngay: “Ai mà chịu chạy đò cho học sinh xóm này. Vì đa số dân nghèo, không có tiền trả nếu chủ đò lấy giá cao, còn nếu lấy giá thấp thì chủ đò sẽ lỗ”.
 
Và sau mấy bận phải đi tìm con giữa rừng đêm, chị Tươi giao hết mọi việc trong ngoài cho chồng lo, còn mình chỉ việc đưa rước con đi học. Chị cho biết, với giá xăng dầu hiện nay, để đưa rước hai đứa con đi học thì phải tốn từ 40 đến 50 ngàn đồng/ngày. Khả năng này cả xóm có lẽ chỉ mình chị làm được.
  • Kim Toàn - Hà Dịu - Chí Hạo - Quang Đông
     

    Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Gập ghềnh đường đến trường" phản ánh những khó khăn của các em học sinh nghèo và nỗi khát khao đến trường. 

    Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.

     

    Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn;

     

    Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729 hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: 08-930-8101.

    Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.

     

    (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")

Chia sẻ của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>