221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1101372
Bài 4: "Thưa thầy em không có sách"
1
Article
null
Gập ghềnh đường đến trường:
Bài 4: 'Thưa thầy em không có sách'
,
 - Mưa dông tầm tã, ngư dân Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) không ai dám đi biển. Ông Võ Tùng cũng đành méo mặt ngồi chờ trời yên mây tạnh. Chợt nghe đài báo mưa dông còn kéo dài vài ngày nữa, mặt ông Tùng như dài thêm. Ông đang bế tắc chuyện tiền nong sách vở cho 3 đứa con chuẩn bị tựu trường. 
 
Năm nào cũng vậy, trước đầu năm học mới, người dân vùng sâu ĐBSCL lại phải… chạy tiền. Dù học phí được giảm, miễn nhưng còn thêm nhiều chi phí khác... Trong khi người lớn dáo dác đi xoay tiền về mua sách vở, làm học phí cho con đi học thì những đứa trẻ cũng sốt ruột không kém, bởi những ngày này, nếu cha mẹ chúng không lo nổi số tiền đó thì rất có thể, ngày khai trường tới chúng đành ngậm ngùi ở nhà.
 

Trẻ em Đất Mũi vô tư chơi đùa mà đâu biết cha mẹ các em đang nặng lo tiền tập sách đầu năm học


Vay "nóng" cho con đến trường 

Trong kỳ 1 năm học 2007 -2008, Cà Mau có trên 4.100 học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT, bằng 12% số học sinh của hai khối này. Và Cà Mau được xếp hạng thứ ba trong số các tỉnh thành có tình trạng học sinh bỏ học cao nhất nước.
Nghe chúng tôi hỏi chuyện học hành của trẻ con trong xóm, ông Tùng ngồi trầm ngâm, nhìn mưa. Đợi bà Năm Đầy kể hết câu chuyện 4 đứa con của bà phải lần lượt bỏ học từ cấp 1 vì nghèo, ông Tùng mới nói: "Tại chị Năm nói vậy chứ, đã quyết tâm thì việc gì chả làm được. Năm ngoái, em bán luôn cái máy cô-le lấy tiền mua sách vở, áo quần cho hai đứa nhỏ vào học đó".
 
Nói vậy nhưng ông Tùng bỗng khựng lại, mặt bần thần. Ba đứa con ông Tùng đều vào học, vị chi mọi thứ không dưới 1 triệu đồng. Trong khi trong nhà hiện không còn được hai trăm ngàn đồng. Ông Tùng cầu mong biển động rồi lại yên. Ông nói: “Có như vậy thì mới đánh lưới có tiền cho chúng nó mua sách vở”.

Ngày 25/8, chúng tôi trở lại Đất Mũi. Ông Tùng mặt mày sảng khoái, khoe các con ông đã nhập học đúng ngày, cả ba đứa. Nhưng để chúng nó được học, ông Tùng đã phải vay nóng với lãi suất 20%/tháng hết 1 triệu đồng.
 
Thế nhưng vẫn chưa đủ, ông đang nỗ lực đi biển, kể cả những ngày trời động để kiếm thêm tiền mua sách cho các con. “Tụi nó chỉ mới mua được một nửa phần sách vở học cần có ”- ông Tùng vẫn chưa hết băn khoăn. 
 
Không chỉ có ông Tùng, đầu năm học này nhiều người dân nơi đây phải vay tiền cho con ăn học. Ông Mười Đực ở giữa xóm cũng đã vay hết 500.000 đồng cho hai đứa con nhỏ vào lớp 1 và 2. Chuyện vay tiền cho con ăn học là chuyện thường xuyên ở đây, nhất là đầu năm học mà gặp lúc biển động.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân ở đây là không có tiền vay. Ông Mười Đực có 10 người con thì đã có 8 đứa phải nghỉ học ở lớp 1, 2, 3 . Bà Năm Đầy có 5 đứa, anh Mười Nhiệm 2 đứa mới 13, 14 tuổi đã nghỉ học đi bán bánh bông lan tiếp mẹ…

Nỗi ám ảnh 117.000 đồng

Chỉ vì không có đủ 117.000 đồng để đóng tiền học, con gái thứ hai Phan Thị Hồng Sang, 16 tuổi của vợ chồng anh Phan Văn Triệu và Nguyễn Thị Xuân (ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) phải nghỉ học từ hai năm trước ở lớp 4. Năm ngoái (năm học 2007 - 2008), con gái thứ ba là Phan Mộng Cầm cũng đã thôi học ở lớp 4 vì không có được bộ sách vần. Và năm học mới này, đứa con gái út Phan Mộng Như, 11 tuổi, đang trong nguy cơ phải nghỉ học tiếp cũng vì… khát tiền đầu năm học mới. Câu chuyện bỏ học sớm của lần lượt các con chị Xuân nghe thật nao lòng.
 

Trẻ em con một gia đình nghèo ở đội 13, xã Nguyễn Phích trong ánh mắt âu lo tiền tập sách đến trường


Vợ chồng chị Xuân không đất đai sản xuất, sống bằng nghề làm thuê nông nghiệp ở ấp 19, xã Nguyễn Phích. Điều duy nhất mà vợ chồng chị may mắn hơn người là có được 3 đứa con gái xinh xắn và thông minh, đứa nào cũng học giỏi. Nhưng điều đó lại làm cho tâm trạng của vợ chồng anh chị đã trở nặng nề vào đầu năm học mới.

Vào năm học 2006 - 2007, trong một ngày ở giữa kỳ học thứ nhất, bé Hồng Sang đi học về với đôi mắt đỏ hoe, xưng húp. Bé nói với chị Xuân: “Mẹ! nhà trường đòi tiền trường. Thầy giáo nói với con là nếu ngày mai không nộp tiền trường thì khỏi đi học nữa!” Nói xong Hồng Sang chạy thẳng vào buồng nằm rấm rứt, quên cả cơm chiều.
 
“Đúng 117.000 đồng, nhưng vợ chồng tôi không tìm cách nào mà có được số tiền ấy. Vậy là con nhỏ phải nghỉ học, dù nó đang học giỏi. Có lẽ cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được số tiền 117.000 đồng đó. Nó ám ảnh tôi ngay cả trong giấc ngủ” - chị Xuân buồn bã nói.
 

Một em học sinh ở Sông Đốc vui mừng vì vừa được mẹ mua bộ sách giáo khoa cho năm học mới


Đầu năm học mới 2007 - 2008, anh chị Xuân cũng không có đủ tiền để nhập học cho con gái thứ ba, Phan Mộng Cầm. Thế nhưng vào ngày nhập học, Cầm vẫn cứ đi học. Trong giờ học, thầy giáo chỉ em phải đọc bài văn. Cầm đứng lên thưa thầy là em không có sách. Thầy bảo không có sách đâu có học được. Vậy là Cầm không còn được để ý tới cho đến hết buổi học.
 
Tối đó, Cầm về thưa với cha mẹ, nhưng trong cảnh bế tắc, anh Triệu, chị Xuân chỉ biết lặng thinh. Và Cầm đã rời ghế nhà trường từ đó.
 
Năm học này, con gái Út Phan Mộng Như lại đang trong nguy cơ phải nghỉ học như hai chị nó. Anh chị đã tính: “Vay tiền cho nó học khoảng 2 tháng, rồi tôi qua gặp thầy giáo xin cho nó nghỉ phép 2 tháng tiếp theo. Không biết thầy có cho không vậy các chú? Lẽ nào chúng nó học giỏi thế này mà các thầy cô ở đây không có đặc cách nào cho các cháu?".
 
Chị Xuân thở dài: “Chúng nó học lớp 3 trường ấp, lên lớp 4 phải ra trường xã. Mà ngoài đó thì có ai biết nó học hành ra sao”.

40.000 đồng/ngày - hay hơn đi học?

Còn tại một làng nhỏ có cái tên Hoàng Kim, nằm ven đê cấp 1 sông Hồng, qua địa phận huyện Mê Linh - Hà Nội, giữa 1h chiều gắt nắng, 5-7 chú bé con đang độ tuổi học sinh cấp 1 đang say sưa sấp ngửa bên những dải ruộng xanh mướt.

Bỏ học đi chích điện bắt cá kiếm tiền hay hơn đi học?

Mải miết bước trên những bờ ruộng trơn nhẫy, lấp xấp nước, 3 thằng bé chăm chú nhìn theo 2 đầu gậy của cái "xiệc điện" để kịp bắt cá rô, trạch và lươn đang ngoi lên mặt nước vì bị điện giật. Sau gần 1 tiếng lượn quanh mấy thửa ruộng gần, lũ trẻ chừng đã thấm mệt nên rủ nhau ngồi nghỉ đầu mương nước và tranh thủ kiểm tra số chiến lợi phẩm thu được.

Thằng Tính, đứa lớn nhất trong bọn mệt mỏi thả uỵch bộ ắc-quy trên lưng xuống và nằm soài ra trên bờ ruộng, mặc cho 2 anh em thằng Linh - Lĩnh chí chóe nhau chuyện trạch to, cá bé. Nằm được chốc lát, quay sang thấy tôi đang hí hoáy chụp ảnh 2 anh em Linh - Lĩnh và Tính nhỏm dậy hỏi liến thoắng: "Chú chụp làm gì mà nhiều thế? Chụp ảnh thế có được nhiều tiền không?".

Sau khi nghe tôi trả lời, thằng Tính lẩm nhẩm tính rồi chép miệng: "Ùi, cũng nhiều tiền đấy chứ. Từ nãy đến giờ chú chụp mấy chục cái thì bằng mấy lần tiền bán cá mấy ngày của bọn cháu. Bọn cháu mà kiếm được nhiều tiền như chú thì chắc chả phải nghỉ học đi bắt cá thế này".

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, 2 anh em Linh - Lĩnh láu táu chen ngang: "3 đứa chúng cháu đều nghỉ học rồi chú ạ, ở nhà đi bắt cá bán cũng được 40.000 đồng/ ngày, hay hơn đi học nhiều, bố mẹ còn đỡ phải lo học phí nữa".

Những con cá, con trạch bắt được trong ngày sẽ giúp những đứa trẻ có tiền để sống và bỏ quên ước mơ đến trường

Leo lên bờ đê gió lộng, thằng Lĩnh chỉ tay về phía một căn nhà lúp xúp nằm sát chân đê và bảo: "Đấy là nhà cháu". Căn nhà nằm giữa khu vườn trồng rau chỉ bao gồm 2 gian. Gian lớn là nhà ở, chỉ rộng chừng 15m2, còn gian bé xíu nằm liền kề có thể là bếp vì thấy có khói bay lên.

Kể về gia cảnh, thằng Linh bảo: "Bố mẹ cháu đi làm thuê tận trong Sài Gòn, chẳng mấy khi về nên anh em cháu ở nhà với bà. Nhà cháu nghèo nên anh em cháu lần lượt bỏ học ở nhà đi bắt cá với anh Tính, bà cháu cũng chẳng nói gì".

"Thế bỏ học ở nhà có buồn không?" - tôi hỏi, "Buồn gì chú! Mỗi ngày, chỉ cần bắt được 1 cân trạch là có 40 nghìn đồng, thêm ít cá rô, cua đồng nữa là nhà có thức ăn thì cần gì phải học. Với lại, có đi học thì bố mẹ cháu cũng không kiếm được tiền lo học phí cho mấy anh em đâu!” -thằng Tính rầu rầu trả lời.

  • Bài và ảnh: Chí Hạo - Quang Đông - Công Thanh
     
    Bài 5: "Đứt" chữ - mẹ ngậm ngùi, con tức tưởi

    Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Gập ghềnh đường đến trường" phản ánh những khó khăn của các em học sinh nghèo và nỗi khát khao đến trường. 

    Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.

     

    Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn;

     

    Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729

    hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: 08-930-8101.

    Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.

     

    (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")

     
    Chia sẻ của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>