221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1041759
Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ rộng 13.436km2, gồm 8 tỉnh, TP
1
Article
null
Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ rộng 13.436km2, gồm 8 tỉnh, TP
,

 - Toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên khoảng 13.436km2, bán kính ảnh hưởng từ 100-150km vừa được qui hoạch hoàn chỉnh thành Vùng Thủ đô Hà Nội...

Cơ quan chủ trì  tổ chức lập đồ án Qui hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô là Bộ Xây dựng, với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn nước ngoài từ Cộng hòa Pháp, Mỹ và Australia. Đồ án này từng được báo cáo xin ý kiến các cấp lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo QHĐTXD Vùng Thủ đô, UBND Tỉnh, Thành phố và được đưa ra Hội thảo trình bày trước nhiều nhà qui hoạch đô thị, chuyên gia quốc tế, các tổ chức quốc tế như WB, ADB, JICA… và một số nhà đầu tư.  

1

Bản đồ định hướng phát triển không gian của Qui hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu của Viện Qui hoạch đô thị nông thôn - Bộ XD).

Ngày 6/3/2008, hồ sơ hoàn chỉnh của đồ án Qui hoạch Vùng Thủ đô đã được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xác định tầm nhìn 20, 30 và 50 năm!

Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu của đồ án này là phát huy mọi tiềm năng lợi thế của Vùng Hà Nội nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội có đầy đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, đồng thời giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại, ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả Vùng Hà Nội.

Phát triển Vùng cũng nhằm hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong toàn vùng nhằm giảm sự tập trung quá tải vào Thủ đô Hà Nội trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vùng và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững cho toàn vùng.

TIN LIÊN QUAN

Xác định mục tiêu đó, đồ án Qui hoạch Vùng Thủ đô vừa được hoàn chỉnh đã mang tầm nhìn 20, 30 và 50 năm với những định hướng phát triển không gian lãnh thổ và các ngành chủ yếu của Vùng Thủ đô; xây dựng hệ thống hạ tầng kĩ thuật - xã hội diện rộng cấp quốc gia và vùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục cùng các dịch vụ khác; hệ thống hạ tầng kĩ thuật diện rộng về giao thông, cấp nước, cấp điện, xử lí chất thải, bảo vệ môi trường...  

Đồ án cũng đề xuất qui hoạch định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn gắn với qui hoạch sử dụng đất, các hình thái phát triển không gian đô thị và các hướng phát triển không gian trọng yếu...

Phạm vi lập qui hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô hiện tại và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên khoảng 13.436km2, bán kính ảnh hưởng từ 100 - 150km. Phạm vi nghiên cứu bao gồm cả Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các khu vực liên quan không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong tầm nhìn hướng tới 2050.

Như vậy, đến năm 2050, Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực Châu  Á -Thái Bình Dương; là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng đô thị cao, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng sẽ là Trung tâm chính trị, văn hoá - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.

Thành phố Hà Nội sẽ là "vùng đô thị hạt nhân trung tâm"

Trên cơ sở mối quan hệ không gian hiện hữu của Hà Nội với khu vực nông thôn rộng lớn bao quanh và các tỉnh lị đang thu hút đầu tư mạnh do lợi thế về quan hệ không gian kinh tế với Thủ đô, đồng thời dựa vào các yếu tố địa lí, tài nguyên, cảnh quan cũng như lịch sử hình thành hình thái dân cư tạo ra các điểm đô thị gắn với xu hướng dịch chuyển cơ cấu kinh tế sẽ diễn ra (đặc biệt là xu hướng mở rộng không gian kinh tế Vùng Hà Nội liên kết với Vùng kinh tế Nam Trung Quốc thông qua chiến lược phát triển một vành đai và hai hành lang kinh tế) - các nhà chuyên môn đã nghiên cứu phát triển Vùng Thủ đô Hà nội theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung.

Không gian Vùng Thủ đô được phân thành 2 phân vùng chính: Vùng đô thị hạt nhân và phụ cận và  Vùng phát triển đối trọng. Trong đó, Vùng đô thị hạt nhân - Thủ đô Hà Nội với qui mô được mở rộng, đóng vai trò chủ đạo của Vùng sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá, thương mại, tài chính, dịch vụ, công nghệ cao, tập trung các cơ quan nghiên cứu, trở thành trung tâm du lịch của toàn vùng và quốc gia.  

1

Thành phố Hà Nội vẫn sẽ là "đô thị hạt nhân trung tâm" của Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu).

Muốn như vậy, giai đoạn tới tại Vùng đô thị hạt nhân, các loại hình kinh tế sẽ được lựa chọn phát triển; dân số và đất đai sẽ chịu sự kiểm soát gia tăng; các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu- đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hoá lớn dược tập trung hình thành... Các vùng có tiềm năng phát triển mở rộng Thủ đô sẽ được thúc đẩy thông qua việc phát triển một số trung tâm đô thị, du lịch, nghiên cứu đào tạo và các hoạt động lĩnh vực công nghệ cao, hạn chế công nghiệp tập trung lớn và kiểm soát bảo vệ môi trường. 

Vùng phụ cận trong phạm vi 25 - 30km đối với Vùng đô thị hạt nhân có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, là các vùng giao thoa, lan toả sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vai trò của khu vực này là tạo các vành đai xanh cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hoá, sinh thái...

Bên cạnh đó là Vùng phát triển đối trọng (phạm vi 30 - 60km) hình thành theo 3 phân vùng lớn: Vùng đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội gồm Hà Tây và Hoà Bình;  Vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam gồm các tỉnh chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Hồng với vùng Duyên hải Bắc Bộ như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam; Vùng đối trọng phía Bắc và Đông Bắc gồm các khu vực Bắc sông Hồng, dọc theo hành lang trục đường 18, chủ yếu là bán sơn địa thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Nam các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Quảng Ninh.

Bộ Xây dựng cho biết, trong sự phân định đó thì vùng đô thị hoá mạnh bao gồm không gian các đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển nối kết về phía Đông; không gian các đô thị du lịch- đào tạo- công nghệ cao phát triển nối kết về phía Tây của Vùng... hình thành các trục không gian kinh tế - đô thị đối trọng Đông - Tây. 

Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân TP Hà Nội với TP Hải Phòng và TP Hạ Long, trong đó đô thị Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kĩ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam - Đông Nam đồng bằng sông Hồng. 

Các đô thị lớn cấp trung tâm vùng là thành phố Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Yên, trong đó đặc biệt  thúc đẩy vai trò của Thành phố Hải Dương tương lai là một đô thị lớn.

Đóng vai trò đặc biệt trong hệ thống các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, Qui hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội - theo Bộ chuyên ngành "là mô hình qui hoạch của một vùng đô thị lớn lần đầu tiên được lập để làm tiền đề cơ sở cho việc phát triển Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Đồ án đã được triển khai nghiên cứu công phu, tương đối hòan chỉnh, về cơ bản đáp ứng các yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội".

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, đồ án này chính là cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong Vùng, mở rộng ranh giới Hà Nội và nhiều vấn đề liên quan khác...

  • Tràng An Nguyễn
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,