221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1041719
Thủ đô được cân nhắc mở rộng như thế nào?
1
Article
null
Thủ đô được cân nhắc mở rộng như thế nào?
,

 - Gần đây, trong quá trình qui hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, riêng vấn đề mở rộng ranh giới Thủ đô từng có vài phương án "vào chung kết". Phương án mà Bộ XD vừa chính thức trình Thủ tướng là phương án đề xuất mở Hà Nội ra rộng nhất (gấp gần 4 lần hiện tại).

Nếu được phê duyệt, thông qua, diện tích Thủ đô Hà Nội mới với ranh giới TP Hà Nội hiện tại, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), diện tích của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) sẽ được nâng lên thành khoảng 3.325km2. Hà Nội sẽ có một không gian đủ lớn để phát triển lâu dài, không chỉ 20 - 30 năm mà còn cả tương lai xa nữa...

Hà Tây, Hà Nội - không thể tách rời!

Theo tìm hiểu của VietNamNet, ranh giới Hà Nội mới gần đây từng được cân nhắc nên mở rộng ra thành 3.324km2 (như vừa trình); 2.247km2 hay chỉ 1.963km2... Nếu theo phương án 1.936km2, các nhà chuyên môn tính toán mở rộng Hà Nội đều về các hướng Đông, Tây và Nam, gồm ranh giới Hà Nội hiện tại và thêm 11 đơn vị hành chính cấp huyện: Từ Sơn, Thuận Thành (Bắc Ninh); Văn Lâm, Văn Giang (Hưng Yên); Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Tây) và Mê Linh, Phúc Yên (Vĩnh Phúc). 

1
Hà Nội đang mặc chiếc áo quá chật! (Ảnh: Hà My)

Các chuyên gia nhận định, vùng Hà Nội trong quá trình phát triển hàng chục năm qua cũng đã minh chứng sự hấp dẫn và một phần thu hút đầu tư về phía Đông - nếu mở rộng về phía Đông cũng là chấp nhận một xu hướng khách quan. Tuy nhiên, Hà Nội mở rộng theo phương án này sẽ thay đổi về tổ chức hành chính không chỉ 1, 2 mà tới 4 tỉnh, trong khi quỹ đất dự trữ cũng không còn nhiều để Thủ đô phát triển bền vững, lâu dài...

Nếu nâng diện tích Hà Nội lên xấp xỉ 2.247km2 cũng chủ yếu phát triển về phía Tây, tuy nhiên không "ôm" trọn cả tỉnh Hà Tây mà chỉ gồm ranh giới Hà Nội hiện tại và phần địa giới hành chính đã thuộc Hà Nội giai đoạn 1978 - 1991 như: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, đồng thời mở rộng thêm TP Hà Đông, huyện Quốc Oai và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Theo các nhà nghiên cứu, nếu Hà Nội mở rộng theo hướng này, diện tích tuy chỉ gấp đôi cũ nhưng cũng tương đối đủ để tạo một không gian Thủ đô mới, có thêm quỹ đất thuận tiện cho phát triển trong khi vẫn không ảnh hưởng lớn đến quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhiều ở vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ do quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp. Hơn nữa, phần lớn diện tích mở rộng chủ yếu từng là diện tích của Hà Nội trước đây nên khá thuận lợi để hài hòa phong tục, tập quán, lối sống và nhận thức của người dân vùng này.

TIN LIÊN QUAN

Song, với phương án này, tỉnh Hà Tây sẽ phải tìm một địa điểm mới làm tỉnh lị mới ở phía Nam (như Xuân Mai hay Chương Mỹ), đòi hỏi khối lượng đầu tư lớn do nhiều cơ sở hạ tầng Hà Tây đã xây dựng chủ yếu tập trung vào khu vực Hòa Lạc và một số huyện dự kiến sáp nhập vào Hà Nội. Vị trí tỉnh lị mới cũng tương đối khó đáp ứng tiêu chí một trung tâm tỉnh lị do lệch về địa hình, hạ tầng yếu kém... Hơn nữa, các huyện còn lại của tỉnh mới không phải vùng trù phú nên các lãnh đạo tỉnh mới có thể sẽ gặp khó khăn trong điều hành, ổn định và phát triển.

Hà Tây hiện nay là tỉnh rộng và đông dân nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng, gồm 14 đơn vị hành chính (2 thành phố và 12 huyện). Tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh Hà Tây là 219.629,74ha, trong đó chiếm 62,2% là đất nông lâm nghiệp. Những yêu cầu phát triển Vùng Hà Nội cũng như riêng địa bàn Hà Tây cho thấy liên kết phát triển với Thủ đô Hà Nội là không thể tách rời và tác động qua lại quan trọng đến nhau...

Gần đây, không gian kinh tế - xã hội của Hà Tây cũng đã có hướng xác định rõ sự gắn kết phát triển với Hà Nội, như: vùng tăng trưởng dọc đường 21 và Láng - Hòa Lạc là hai trục kinh tế - đô thị chính với những trung tâm công nghệ cao, đào tạo, phát triển dân cư đô thị - du lịch; vùng phụ cận giáp Hà Nội là nơi sản xuất, cung cấp thực phẩm, rau quả lớn cho thị trường Hà Nội; vùng núi, bán sơn địa (Ba Vì, Mỹ Đức) phát huy thế mạnh du lịch phục vụ nhu cầu khá đông dân Thủ đô...

Sau khi cân nhắc toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội... đảm bảo sự phát triển bền vững cho Thủ đô Hà Nội trong tương lai lâu dài, một phương án tối ưu đã được đông đảo giới chuyên môn, nhà chức trách, cơ quan chuyên ngành thống nhất lựa chọn.

Sẽ phát triển không gian theo 3 khu vực!

Trên cơ sở hợp nhất diện tích tự nhiên và dân số các tỉnh trong vùng như Hà Tây, một số xã của tỉnh Hoà Bình và một huyện của Vĩnh Phúc nhằm tạo điều kiện phát triển, phát huy hiệu quả sự liên kết lãnh thổ trong xây dựng phát triển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng, Hà Nội sẽ có 29 đơn vị hành chính quận, huyện với diện tích hơn 3.300km2, kỳ vọng trở thành một thủ đô lớn, mạnh, đầy đủ các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu về đất đai, cơ sở hạ tầng...

Theo Bộ Xây dựng, Thủ đô Hà Nội với quy mô mở rộng sẽ hướng phát triển không gian theo ba khu vực: Khu vực đô thị phía Nam Sông Hồng, theo hướng chỉnh trang và mở rộng đô thị về hướng Tây - Tây Nam; Khu vực đô thị phía bắc Sông Hồng hình thành mới trung tâm thương mại - đô thị gắn với đầu mối giao thông quốc gia tổng hợp và tham gia vào hành lang kinh tế Côn Minh- Hạ Long; Khu vực đô thị phía Đông sông Hồng - Nam sông Đuống đáp ứng dịch vụ nhà ở gắn khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại.

 

1

Địa giới hành chính chưa chính thức mở rộng nhưng nhiều con đường đã theo xu thế phát triển tất yếu được hoạch định nối liền Hà Nội với Hà Tây (Ảnh tư liệu dự án trục đường Lê Văn Lương kéo dài).

Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, Hà Nội sẽ kiểm soát được một không gian phía Tây với môi trường trong lành, cảnh quan đẹp, đất đai rộng rãi... Tại đây, nhiều dự án quy mô quốc gia, quốc tế đang được triển khai, như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu ĐH Quốc gia, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt, các khu du lịch quanh núi Ba Vì, hồ Suối Hai... Bên cạnh đó, khu vực Quan Sơn - Chùa Hương là nơi từng có ý kiến cho rằng phù hợp đặt một Trung tâm Hành chính Quốc gia mới.

Hơn nữa, quỹ đất phát triển ở đây chủ yếu là gò đồi, không thuộc đất nông nghiệp. Mê Linh trước đây đã từng thuộc về Hà Nội, có đền Hai Bà Trưng - di tích lịch sử quan trọng gắn với không gian di tích rộng lớn xung quanh Hà Nội như đền Lý Bát Đế (Bắc Ninh), Cổ Loa... Bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn là một thung lũng khá đẹp sát chân núi Ba Vì, hiện chủ yếu canh tác lúa 1 vụ, không ảnh hưởng nhiều đến các dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Việc kéo dài trục Hòa Lạc lên đến TP Hòa Bình đang dần khiến cho 4 xã này từ kém phát triển trở nên rất có tiềm năng...

Cùng với đó, phương án mở rộng này được coi là sẽ tạo ra sự thay đổi về hành chính tương đối "gọn" do điều chỉnh hoàn toàn theo ranh giới huyện - tỉnh. Cơ sở hạ tầng đô thị thuận lợi; nguồn nước, nguồn điện thuận tiện; đặc biệt hệ thống giao thông vành đai và trục Láng - Hòa Lạc đang trở thành trục đô thị lớn bậc nhất đất nước liên kết tốt Hà Nội và hệ thống tầng bậc các đô thị phát triển xung quanh.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, việc giảm một đơn vị hành chính tỉnh khi Hà Nội "ôm" trọn Hà Tây như phương án vừa được Bộ XD trình Chính phủ (kể trên) với diện tích gấp gần 4 lần trước đây sẽ đặt ra cho Thủ đô nhiều vấn đề trong hệ thống quản lý đô thị cũng như tổ chức cán bộ, sao cho ổn định nhanh, không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu hành chính của các địa phương liên quan... trong khi vẫn đáp ứng các tiêu chí cơ bản: phù hợp định hướng phát triển Vùng Thủ đô HN; đảm bảo quỹ đất lớn để phát triển một số khu chức năng quan trọng của Thủ đô, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các dự án mang tầm quốc gia trước mắt và lâu dài, các vành đai xanh, không gian mở, khu nghỉ ngơi, vui chơi và các đô thị kế cận; giải toả các khu công nghiệp, công trình ô nhiễm khỏi nội đô cũ....

  • Hoàng Huy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,