221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1048205
Trung tâm Hà Nội chuyển về Hồ Tây
1
Article
null
Trung tâm Hà Nội chuyển về Hồ Tây
,

 - 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội vừa bấm nút biểu quyết sáng nay (27/3) thông qua Nghị quyết về việc thống nhất phương án điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô sẽ "ôm trọn" Hà Tây.

Mô tả ảnh.
Đại biểu Vũ Minh Tân lo lắng Hà Nội mở rộng sẽ làm nông thôn hóa thành thị. Ảnh: Nhật Nam
Tất cả 77 đại biểu có mặt tại Hội nghị bất thường của HĐND Hà Nội đều tán thành với phương án mở rộng địa giới Hà Nội, sau khi nghe tờ trình do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình đọc.

Theo phương án này, Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3324,92 km2, dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn. 

Phía Đông Hà Nội "mới" sẽ giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Phía Tây giáp Hòa Bình và Phú Thọ, phía Nam giáp Hà Nam, phía Bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. 

Nên mở rộng có lộ trình?

Trước đó, đã có 3 ý kiến "phản biện" bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng. 

Đại biểu Vũ Minh Tân lo lắng về 4 vấn đề: đô thị hóa, quản lý, văn hóa và quân sự. Ông đặt vấn đề: "Liệu Hà Nội có thể trở thành trung tâm kinh tế sôi động được không khi chỉ có 1 sân bay duy nhất, thua hẳn TP. Hồ Chí Minh, nơi có cả cảng biển, cảng sông và sân bay?".

Ông Tân e ngại các doanh nghiệp vào đầu tư ở các khu công nghiệp "chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh, chứ việc quan tâm đến đời sống công nhân thì đùn đẩy cho Nhà nước". Ông cho rằng: "Xu hướng hình thành đô thị vệ tinh hợp lý hơn. Phải chăng nên mở rộng Hà Nội có lộ trình, phù hợp với từng giai đoạn".

"Hà Nội mở rộng đòi hỏi phạm vi quản lý rộng hơn, địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm, số hộ nghèo tăng lên, các nguồn lực cho đầu tư phát triển sẽ cần nhiều hơn, đòi hỏi năng lực quản lý, điều hành phải nâng lên.

Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, cơ sở vật chất ban đầu, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính khi hợp nhất sẽ có những khó khăn nhất định".

Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình

Về công tác quản lý, ông Tân nói "Hà Nội vẫn là thành phố bẩn chứ không xanh, sạch, đẹp. Với bộ máy quản lý "rất tồi" vì thiếu người tài, liệu có quản lý một thành phố lớn như dự kiến không?".

Đại biểu Vũ Minh Tân cũng lo lắng rằng Hà Nội mở rộng sẽ làm "nông thôn hóa thành thị. Cả một vùng đất cổ Hà Tây sẽ bị đô thị hóa. Chúng ta sẽ mất đi văn hóa làng của Hà Tây, những tập tục đi theo nó. Cũng cần phải tính toán lại an toàn lương thực khi mất đất nông nghiệp và sân sau về quân sự cũng sẽ không còn", ông Tân nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Thị Loan thì băn khoăn khi "chưa rõ được chiến lược phát triển, sứ mệnh, tầm nhìn của Hà Nội", đồng thời lo lắng Thủ đô mới "lại biến thành nơi phát triển bất động sản". Bà đề nghị lãnh đạo thành phố "hãy vẽ lên cho nhân dân biết bức tranh quy hoạch Hà Nội như thế nào".

Cùng tâm trạng lo lắng, đại biểu Bùi Thị An nói: "Lẽ ra, để tiếng nói của HĐND có trách nhiệm hơn, thành phố nên cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết hơn, ví dụ như bản đồ địa lý, hành chính. Thành phố cũng nên thay đổi tư duy cho rằng cứ to là mạnh, hiện đại".

Sẽ có những đô thị vệ tinh

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo thừa nhận đây là những ý kiến xác đáng. Theo ông, Hà Nội mở rộng sẽ tạo ra một không gian rộng lớn hơn, nhưng sẽ có những khó khăn, nhất là về năng lực quản lý, lãnh đạo.

Mô tả ảnh.

Trả lời báo giới sau Hội nghị bất thường, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hài lòng với sự nhất trí tuyệt đối của HĐND. Ảnh: Nhật Nam

"Có ý kiến cho rằng với Hà Nội hiện nay đã thấy nhiều bất cập thì liệu quản lý xã hội có đáp ứng được yêu cầu khi mở rộng không. Tôi cho đó là lo lắng chính đáng".

Ông Thảo khẳng định: "Với định hướng phát triển không gian mới, Hà Nội sẽ không chỉ là trung tâm hành chính như Thủ đô một số nước mà còn là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế của cả nước".

"Chắc chắn Hồ Gươm sẽ không còn đủ điều kiện để làm trung tâm Hà Nội được nữa, mà trung tâm đó sẽ phải là Hồ Tây. Sông Hồng sẽ là trục xanh và chính của Thủ đô", ông Thảo nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội nói, khu vực Ba Đình sẽ không có đủ điều kiện để là trung tâm hành chính quốc gia nữa, mà sẽ phải có trung tâm mới, như Tây Hồ Tây hay Bắc sông Hồng. "Muốn làm Hà Nội to thì rất đơn giản, nhưng chúng ta cần một Hà Nội hiện đại, xứng tầm khu vực".

Vốn là một kiến trúc sư, ông Thảo cũng cho hay: "Sẽ rút kinh nghiệm trong quy hoạch của các nước, không nhất thiết phải ở trong những đô thị nén mà Hà Nội sẽ có những đô thị vệ tinh xung quanh với quy mô chừng 50 vạn dân, trong bán kính 30 - 40 km, như đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Gia Lâm".

Trước Hà Nội, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và Hòa Bình đã đồng ý với phương án hợp nhất diện tích huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn vào Hà Nội. Ngày 31/3 tới, HĐND Hà Tây sẽ họp bất thường để bàn về việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số vào Hà Nội.

Tháng 6 tới, Quốc hội khóa XII sẽ xem xét, thông qua phương án mở rộng này.

  • Vân Anh 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,