221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
979504
"Trung tâm thương mại" Vườn thú Hà Nội nhiều phen "thoát hiểm"?
1
Article
null
'Trung tâm thương mại' Vườn thú Hà Nội nhiều phen 'thoát hiểm'?
,

(VietNamNet) - Hai đợt thanh kiểm tra cấp Thành phố "đích xác" tận nơi; hàng chục cuộc kiểm tra cấp phường, quận; nhiều cuộc họp, làm việc để ra kết luận; nửa năm ròng cả Thủ đô "quay" trong vòng xử lý triệt để nhà không phép - sai phép... nhưng các "trung tâm thương mại", "tập đoàn ẩm thực" tại Vườn thú Hà Nội vẫn trên mức bình yên. Các tư thương đã ký được hợp đồng với lãnh đạo khu vườn này vẫn đang khẩn trương "công nghiệp hóa - hiện đại hóa" Vườn thú Hà Nội.

Tháng 12/2006, tháng 2/2007, cuối tháng 7/2007 và...

Đó là các thời hạn từng được Thành phố Hà Nội đặt ra để Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội phải nghiêm túc làm thủ tục thanh lý, huỷ các hợp đồng đã ký với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích mà Nhà nước đã giao, báo cáo kết quả xử lý, khắc phục xong những vi phạm đã "rõ như ban ngày" tại khu vườn công ích này... nhưng đến nay các thời hạn trên đều lần lượt trở thành vô nghĩa.

Bây giờ đã là tháng 9/2007. Những hình ảnh mới nhất phóng viên VietNamNet vừa ghi nhận được (dưới đây) thay cho tất cả những lời lẽ mô tả sự nhộn nhịp thản nhiên, hoành tráng lạ thường của những công trình "ăn" vào đất khu công viên Thủ Lệ (một tên gọi khác của Vườn thú Hà Nội) này.

 

Đây - công viên Thủ Lệ, vườn động vật duy nhất của Thủ đô... (Chụp trưa 7/8/2007 - Ảnh: Hoàng Huy)

Đây - công viên Thủ Lệ, vườn động vật duy nhất của Thủ đô... (Chụp trưa 7/9/2007 - Ảnh: Hoàng Huy)

Những lời mô tả, chỉ trích đã la liệt suốt nhiều năm trên hàng triệu trang báo in, đầy rẫy trên hàng nghìn website, nhức nhối trong hàng trăm đơn thư của cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội gửi khắp các cơ quan, ban, ngành, tòa báo - có thể ít nhiều động lòng dư luận nhưng với lãnh đạo khu vườn này vẫn... "bằng âm".

Cùng với sự vô nghĩa của các thời hạn: tháng 12/2006; 15/2/2007; 31/7/2007 được đặt ra đối với Vườn thú Hà Nội (kể trên), các văn bản của UBND TP Hà Nội đi kèm các thời hạn đó lẽ dĩ nhiên cũng trở nên kém hiệu lực thực thi, nếu không muốn nói là vô hiệu. Đó là các văn bản 5606/UBND-NNĐC ra ngày 30/11/2006; 476/UBND-ĐCNN ngày 24/1/2007 và gần đây nhất là 3448/UBND-ĐCNN ngày 27/6/2007.

 

1

Những công trình phụ trợ cho sân tennis nhưng không quay mặt vào sân tennis mà lại "phụ trợ" cho người đi đường? (Chụp trưa 7/9/2007 - Ảnh: Hoàng Huy)

Cần nói thêm, mỗi văn bản "đôn đốc" này khi ban hành là thể hiện rất nhiều quyết tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành; là sự mừng vui, trông chờ đến mòn mỏi của nhân dân nói chung, cán bộ nhân viên Vườn thú nói riêng và cả... cánh phóng viên từng đấu tranh để cứu lại màu xanh, khoảng không công cộng, đúng ý nghĩa cho Vườn thú Hà Nội.
 
Nhưng đến lúc này, những gì người trong ngoài cuộc nói với nhau về các "siêu sai phạm" tại đây vẫn là: "Chìm xuồng rồi!", "Ra văn bản cho vui vậy thôi!" và "Chắc là Thành phố bó tay rồi, may ra Chính phủ vào cuộc mới mong cứu vãn"...

Không xử do không xử được, hay không muốn xử?

Thời gian vừa qua, cũng trên địa bàn Hà Nội, nhà xây sai vài tầng so với giấy phép được cấp - Thành phố đã quyết tâm "cắt ngọn", dù nhiều ý kiến trái ngược, nhưng bật lên được ý chính là: không thể mãi tiếp tục "phạt cho tồn tại". Chủ công trình sẵn sàng bỏ tiền tỉ chuộc lỗi, dù là "lỗi lầm" xảy ra trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của họ - vẫn không được chấp nhận. Việc "cắt ngọn" diễn ra nhanh chóng và dứt điểm.

 

1

Khó dứt bỏ làm sao những "món lợi" hàng ngày, hàng giờ vẫn đang rơi vào túi rất nhiều người, nhờ đất công Vườn thú?! (Chụp trưa 7/9/2007 Ảnh: Hoàng Huy)

Thế nhưng, những sai phạm tại Vườn thú Hà Nội, qua 2 cuộc thanh tra lớn: một của Sở TN,MT&NĐ Hà Nội (tháng 10/2006), một của Đoàn Thanh tra liên ngành (tháng 4/2007) - đã rõ rành rành. Karaoke Thùy Linh với quần thể phòng ốc kiên cố (trên diện tích khoảng 500m2 đất công), nhà hàng Làng Việt với hai khu nhà 1 tầng mái ngói, một nhà 2 tầng bê-tông, mái ngói kiên cố (trên diện tích 972m2 đất công), Văn phòng 100m2 của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Văn phòng 100m2 của Công ty Vận tải Việt Thanh... và hàng loạt công trình khác hoàn toàn không phép. Không phép, mà lại trên đất công, nhưng đến nay vẫn "bình yên vô sự".

Nói theo luận điểm của ông Bùi Văn Chiểu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thì những công trình này chẳng những KHÔNG PHÉP mà còn TRÁI PHÉP (tức là vi phạm pháp luật nghiêm trọng) bởi rơi vào một trong những "vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, không đảm bảo chất lượng, do sai phép mà ảnh hưởng an ninh quốc phòng, chính trị, xâm hại di tích lịch sử, văn hoá...". Mà đã TRÁI PHÉP thì nguyên tắc là phải xử lý đúng luật, phải tháo dỡ ngay phần trái phép đó.

 

1

Công viên Thủ Lệ xưa, Vườn thú Hà Nội nay chưa bao giờ có số nhà, nhưng kỳ lạ thay, nhà hàng Làng Việt xây không phép trên đất công tại đây lại mang số nhà 9 Đào Tấn?! (Ảnh: Hoàng Huy)

Điều 1 điểm 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 1993 được Quốc hội thông qua tháng 12/1998 và điều 109 Luật Đất đai 2003 đều qui định rõ: "Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...".

Căn cứ luật này, cả 10 hợp đồng kinh tế được coi là lớn nhất, đáng giá nhất mà Vườn thú Hà Nội đã ký cho 12 tổ chức, cá nhân đều sai nghiêm trọng. Ngoài cái sai cơ bản ấy, 10 hợp đồng này còn có thêm các sai phạm như: được đồng ý xây sân tập tennis nhưng 3 đơn vị (Công ty vận tải Việt Thanh, Công ty CP tư vấn đầu tư XNK XD VN, Công ty TNHH Hòa Bình) đã xây dựng trái phép các công trình của riêng mình, không phục vụ cho sân tập tennis; Công ty TNHH TM & DV Tám Đức đã xây dựng nhà hàng Làng Việt vừa không phép vừa vượt khoảng 450m2 so với hợp đồng; Công ty TNHH Hoàng Vinh biến nhà phụ trợ sân tennis thành nhà hàng kinh doanh ăn uống, sai phép về diện tích xây dựng và kết cấu...

 

1

Lãnh đạo Vườn thú Hà Nội tự hào rằng đến nay vẫn còn giữ được 172.000m2 bồn hoa, thảm cỏ, cây xanh, đường dạo và hồ nước - nhưng những bãi cỏ không "ra tiền" được thì bị đối xử thế này đây (Ảnh: Hoàng Huy).

Vấn đề đặt ra là: Việc chấm dứt các hợp đồng sai trái này có thật khó đến thế, không thể chấm dứt nổi (dù luật đã định, thanh tra đã kết luận, chính quyền đã chỉ đạo), hay cả nhiều bên đều không muốn chấm dứt vì mỗi tháng những hợp đồng này tồn tại vẫn mang lại những "món lợi không trên giấy tờ" vào túi nhiều người? Nếu cho rằng vụ "siêu sai phạm" này phức tạp quá, không biết bắt đầu xử lý từ đâu, sao không bắt đầu từ cái đơn giản nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh của những quán, hàng trái phép kia (điều sở, ngành, Thành phố hoàn toàn có thể chủ động mà không phải trông chờ sự tự giác của các tư thương hoặc lãnh đạo Vườn thú Hà Nội)?

Phải chăng sự nấn ná này là một biện pháp kéo dài thời gian để nhiều bên liên quan có thể tìm ra phương án "hợp thức hóa" cho những sai phạm, hoặc chí ít cũng hy vọng một phép màu có tên là "để lâu cứt trâu hóa bùn"?

Điều Thanh tra không kết luận...

Theo báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra liên ngành TP, năm 2005, Vườn thú Hà Nội ký tổng số 55 hợp đồng cho thuê địa điểm và 19 điểm phát sinh cho các cá nhân thuê nhưng không ký hợp đồng... với tổng số tiền thu được là 958.356.791 đồng.

Năm 2006, tổng số có 57 hợp đồng được ký và 7 điểm phát sinh cho thuê mà không ký hợp đồng, thu về 1.243.886.146 đồng. Đây là những khoản "khi thu tiền có phiếu thu cho từng đơn vị, cá nhân nộp tiền. Công ty đã mở sổ sách, hạch toán đầy đủ, rõ ràng các khoản thu, chi của hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ. Hiện nay Đoàn Thanh tra liên ngành TP chưa thấy biểu hiện tư lợi cá nhân hoặc tham nhũng".

 

’Nếu

Nếu giới thiệu với du khách rằng, đây là Vườn thú Hà Nội - có lẽ không ít người sẽ nghĩ rằng, giờ đây "thú Hà Nội" thích sống trong những căn nhà kiên cố có máy điều hoà, cửa kính hơn những lồng, chuồng... nên phải xây một dãy dài nhà cao cửa rộng thế này trên đất công Vườn thú?! (Ảnh: Hoàng Huy)

Tuy nhiên, cũng ngay dưới những dòng kết luận này, Đoàn Thanh tra liên ngành nhận định: "Về mức thu giữa các hợp đồng trên cùng một tuyến đường có sự chênh lệch và nhìn chung là thấp so với mặt bằng chung của thị trường".

Cái thiếu lớn nhất của kết luận kể trên là đã không thấy cần phải đánh một "dấu hỏi lớn" vào sự chênh lệch rất bất bình thường này, mà sự "thấp" lại nghiêng về phía Nhà nước phải chịu thiệt, vậy ai lợi? Dư luận cho rằng, nếu qua nhiều lần thanh, kiểm tra vẫn chưa ra được vấn đề "cố ý làm trái" - nên chuyển vụ việc sang cơ quan công an vì sai phạm đã rõ.

Hơn nữa, chênh lệch là vậy, tiền thu về đến vậy, cho thuê "chui" không ký hợp đồng như vậy... nhưng nhiều cán bộ, nhân viên Vườn thú Hà Nội vẫn bức xúc cho biết "đến giờ vẫn chỉ được hưởng hệ số lương nhân với 290.000 đồng, trong khi các nơi khác đã được hưởng mức lương ở hệ số 350.000 - 450.000 đồng".

Họ cũng viết trong đơn thư rằng, đây là vấn đề họ không dám nói (trước chỉ dám viết thư nặc danh, gần đây thấy công luận lên án nhiều mới dám ghi danh) và khẳng định: "Những bí ẩn trong chi tiêu tại Vườn thú Hà Nội đến giờ này vẫn là vấn đề nóng hổi mà chúng tôi muốn được trả lời". 

  • Tràng An Nguyễn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,