221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
874404
Tỉnh táo với "20.000 tiến sĩ"!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Tỉnh táo với '20.000 tiến sĩ'!
,

(VietNamNet) - Bộ trưởng GD-ĐT sẽ đối thoại trực tuyến với người dân ngày 18/12 tới. Ông Nguyễn Hòa, cây bút lý luận-phê bình văn học, đã gửi thư ngỏ tới Bộ trưởng với tiêu đề "Hãy tỉnh táo trước khi đưa ra một chỉ tiêu cho giáo dục đào tạo".  

Bạn muốn đối thoại gì với Bộ trưởng qua buổi giao lưu, hãy bấm vào đây. 

Bức thư của ông Nguyễn Hòa đề cập tới  "những người thầy với chức danh GS, PGS, với học vị TS trong hoàn cảnh mà mới đây, Bộ trưởng vừa đưa ra kế hoạch trong 10 năm tới, nước ta sẽ đào tạo... 20.000 TS". 

Gặp gỡ các GS, nhà giáo nhân dân được công nhận năm 2006 nhân dịp 20/11. Ảnh: Lan Hương

Thưa Bộ trưởng! 

Gần 10 năm trước, tôi đã rời bỏ giảng đường ĐH, chủ yếu vì muốn được làm lý luận - phê bình chuyên nghiệp; và còn vì tôi nhận thấy có quá nhiều người học không cần trau dồi tri thức mà chỉ cần “bằng cấp”, trong khi bản thân tôi không có khả năng đáp ứng yêu cầu của họ.  

Điều này, tôi rút ra được khi nhìn vào ánh mắt của SV lúc ngồi trên giảng đường và những lần vào ngày thi. Hết tốp này đến tốp khác thập thò trước cửa nhà để... xin điểm! Cố gắng học hỏi, đào sâu suy nghĩ, một thời, tôi vẫn nghĩ sự cố gắng của mình sẽ có ích với người học. Cuối cùng,  tôi biết mình đã lầm, học vì điểm, học vì “bằng cấp” thì con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất là “chạy điểm” hoặc “quay cóp”.  

Thú thực với Bộ trưởng, ngày ấy, tôi tự biết mình không đủ sức xoay chuyển một xu thế như đã trở thành “lẽ đương nhiên”. Đáng buồn là từ ngày tôi rời khỏi giảng đường, số người đến thăm giảm đi đột ngột, không còn cái cảnh tấp nập tốp này tốp khác ríu rít thầy thầy em em, để rồi sau đó lại dúi vào tay vợ con tôi chiếc phong bì mà họ biết chắc chắn là tôi sẽ trả lại! 

Suy ngẫm để tìm câu trả lời cho thực trạng đã đến lúc trở nên rất đáng quan ngại của nền giáo dục nước nhà, trong rất nhiều nguyên do có thể chỉ ra, tôi xin được bàn về những người thầy với chức danh GS, PGS, với học vị TS trong hoàn cảnh mà mới đây, Bộ trưởng vừa đưa ra kế hoạch "trong 10 năm tới, nước ta sẽ đào tạo... 20.000 TS".

Nhiều học vị cao, hiếm đầu ngành!

Thưa ông! Tôi đã đọc vô số tác phẩm, công trình, bài tiểu luận với tác giả là GS, TS. Tôi cũng đã nhiều lần gặp gỡ hay nghe bài giảng của các giảng viên có chức danh, học vị cao thuộc nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, ở các cấp học từ cử nhân đến nghiên cứu sinh. 

Đến nay, trong những điều tôi rút ra được thì phần lớn chỉ là sự “thất vọng”. Bởi theo đánh giá của riêng tôi, các công trình khoa học thật sự có giá trị, những người thầy thật sự có năng lực và uy tín ở Việt Nam hiện tại là rất hiếm hoi. 

Chúng ta đang thiếu (hay không có?) các chuyên gia đầu ngành. Nhiều người làm khoa học chưa được trang bị hệ thống tri thức có tính cách nền tảng hoặc thiếu vắng khả năng tư duy độc lập và sáng tạo để từ đó nảy sinh, đề xuất các ý tưởng khoa học có giá trị lý luận - thực tiễn. 

Ví như cách đây vài năm, một vị GS xuất bản một cuốn sách chỉ nhằm chứng minh Hoài Thanh đã đúng vì trong Thi nhân Việt Nam ông đánh giá Nguyễn Bính là nhà thơ “chân quê”! 

Rồi năm 2004, một tập thể GS, TS công bố một công trình về văn học Việt Nam thế kỷ XX với nhiều kết quả nghiên cứu thiếu vắng phẩm chất khoa học, vậy mà NXB Giáo dục vẫn tái bản làm “tài liệu tham khảo đặc biệt”, vẫn được ĐHQG Hà Nội trao giải thưởng KH - CN.  

Gần đây, tôi có được nghe một số TS giảng bài và thú thật với Bộ trưởng rằng, nỗi “thất vọng” của tôi càng thêm tràn trề.  

Ấy là có vị TS phân tích từ “lý” trong Hán tự có nghĩa là “sắp xếp, sửa chữa” rồi ông chỉ dẫn cho người học: “Đi trên đường thấy có biển ghi “lý trình” thì phải biết đó là đoạn đường đang sửa chữa!”.  

Lại nữa, tôi đã thật sự chán chường khi nghe một PGS.TS tuyên bố rằng: “Làm khoa học mà không có tiền thì làm thế nào được!”... Phải chăng, đã qua rồi thời SV vẫn thường rỉ tai nhau để được đến nghe GS Trần Đình Hượu, GS Trần Quốc Vượng, PGS Từ Chi hoặc GS Phan Huy Lê, PGS Phan Ngọc... giảng bài, cho dù phải ngồi ở hành lang lúi húi nghe và ghi chép? 

Và hẳn là ông Bộ trưởng cũng biết rằng công trình nghiên cứu của các học giả trên đây được tiến hành trong hoàn cảnh không được đầu tư, họ không có học vị TS, và chức danh GS hay PGS của họ chỉ được đặt trước tên tuổi mỗi người trong khoảng gần 20 năm nay. 

Điểm mặt "nghi án đạo văn" 

Lại nữa, thưa Bộ trưởng, tôi không rõ ông có điều kiện theo dõi trên báo chí xem người ta viết gì về hiện tượng các nhà khoa bảng “đạo văn”.

Riêng với tôi, cho đến nay ít nhất cũng đã công bố trước dư luận về hành vi “đạo văn” trong công trình “nghiên cứu” của các vị như PGS TS Đỗ Lai Thuý, PGS TS Nguyễn Chí Bền, TS Hoàng Xuân Lương, TS Trần Kim Dung (1)... hoặc phân tích để chỉ rõ các phẩm chất “phi khoa học” trong công trình Văn luận của TS Đoàn Hương và giáo trình Nghệ thuật học của TS Đỗ Văn Khang, trong cuốn sách Đổi mới phương pháp dạy - học môn Cơ sở văn hoá Việt Nam của TS Chu Thị Thanh Tâm và Ts Trần Thuý Anh..., đặc biệt là về tình trạng “đạo văn” vô tội vạ trong cuốn giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam do một GS chủ biên.  

Xin được hỏi, Bộ trưởng có biết rằng từ năm 1996 đến nay, SV của chúng ta đã lĩnh hội tri thức về văn hoá và văn hoá dân tộc qua một cuốn giáo trình “đạo văn” hay không? Bất chấp ý kiến của dư luận khoa học, các nhà xuất bản Giáo dụcĐHQG Hà Nội vẫn tái bản cuốn giáo trình này.

Trong số tác giả viết sách, vẫn có người được nhận chức danh PGS, trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, làm luận án TS và... hàng vạn SV vẫn cặm cụi tiếp thu tri thức từ những thầy cô thiếu vắng tư cách vì đã “ăn cắp” tri thức của người khác một cách công khai.

Vậy theo Bộ trưởng, tình trạng này là đúng đắn hay đã đến lúc cần phải chấm dứt? 

Thưa Bộ trưởng!

Tôi đã dự khá nhiều buổi bảo vệ luận án TS, và không ít lần tôi đã lắc đầu ngao ngán mà cho rằng, rồi đây, số phận bản luận án hời hợt về khoa học lại được bỏ phiếu xuất sắc kia là ở trong ngăn kéo và chỉ có ý nghĩa với tác giả khi cần kê khai lý lịch khoa học.  

Ông Bộ trưởng có biết, một vị GS lần nào cũng đọc trước hội đồng bảo vệ luận án một bản nhận xét trên dưới một trang giấy với vài ba ý kiến chung chung và bao giờ cũng kết thúc bằng một câu chuyện bông phèng để mọi người cùng cười và quên mất là ông nhận xét vô thưởng vô phạt.  

Ông Bộ trưởng có biết, sau khi bảo vệ, một vị TS mang luận án ra in thành sách trong tư cách là “đồng tác giả” với vị GS hướng dẫn, làm báo chí phải đặt câu hỏi: đó là luận án của thầy hay của trò?...  

Nghĩa là có rất nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra trong việc tiến hành và bảo vệ luận án TS. Tiếc rằng sau vài ba năm, những vị “tiến sĩ” nọ nghiễm nhiên đủ tiêu chuẩn “hướng dẫn” các nghiên cứu sinh khác, và họ làm cho tôi tin rằng sự hời hợt về khoa học tiếp tục được nối dài. 

Thưa Bộ trưởng! Tôi thiển nghĩ, đối với giáo dục - đào tạo của chúng ta, lúc này là suy nghĩ và hành động, thông qua hành động mà đưa tới niềm tin. 

Nên tôi còn băn khoăn khi đọc ý kiến của Bộ trưởng mới đây, vì dường như Bộ trưởng chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về năng lực, trình độ thực sự của đội ngũ GS và PGS ở Việt Nam trước khi trao cho họ sứ mệnh cao cả là trong 10 năm tới đào tạo ra 20.000 tiến sĩ.  

Xin không đề cập tới các GS, PGS có trình độ khoa học cao, có năng lực nghiên cứu chuyên sâu, vì phần nào nhờ họ mà tôi trưởng thành. Nhưng tôi thật sự không tin cậy những vị GS, PGS đang ở trong tình trạng như tôi đã đề cập, nhất là với những vị đã “đạo văn” trong khi nghiên cứu. 

20.000 tiến sĩ, có khả thi? 

Không bàn tới các tiêu chuẩn khác trong hồ sơ phong chức danh vì chúng ít nhiều mang yêu cầu về chuyên môn, trước khi đặt vấn đề đãi ngộ (điều tôi nghĩ là thoả đáng và cần thiết), Bộ trưởng thử cho tiến hành kiểm tra trực tiếp, công khai, khách quan về trình độ ngoại ngữ xem trong đội ngũ GS, PGS hiện có của nước ta có trình độ tương đương với văn bằng ngoại ngữ mà họ đã trình ra trong hồ sơ chức danh hay không?  

Nội bằng việc ấy thôi, tôi tin là Bộ trưởng sẽ thu hồi lại ý kiến coi: “Đạt tới chức danh GS, danh hiệu Nhà giáo nhân dân tức là các thầy, cô giáo đã đạt tới đỉnh cao nhất về chuyên môn”. Vậy nên, hãy tỉnh táo trước khi đưa ra một chỉ tiêu, hãy cố gắng đánh giá chính xác về thực trạng đào tạo TS trước khi đưa ra một kế hoạch.

Tôi viết Thư ngỏ này gửi tới ông, vừa với tinh thần của một “cựu đồng nghiệp”, vừa với ý thức của một công dân, vừa là ý kiến của một người làm lý luận - phê bình.  

Những điều tôi viết trên đây có thể làm Bộ trưởng không vừa ý, song do hy vọng ông đã biết tới lời của người xưa rằng “trung ngôn nghịch nhĩ” nên tôi vẫn xin được gửi tới ông và kính mong ông sẽ đọc nó với tinh thần thiện chí, cầu thị. 

Cuối cùng, xin chúc Bộ trưởng nhiều sức khoẻ, và sẽ làm được nhiều công việc ích lợi cho nước, cho dân trong nhiệm kỳ của mình!  

 Hà Nội, ngày 10/12/2006 

  • Nguyễn Hoà

************

1. Xem: báo Thể thao - Văn hoá, báo Công an Nhân dân, báo Văn nghệ Trẻ, báo Gia đình - Xã hội, tạp chí Nghiên cứu Văn học, tạp chí Thế giới mới....  

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin liên quan

,
,
,
,